Trầm cảm là bệnh lý tâm thần ngày càng phổ biến hiện nay. Điều trị trầm cảm có rất nhiều loại thuốc khác nhau và phổ biến nhất chính là thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Loại thuốc này được đặt tên theo cấu trúc hóa học chứa ba vòng thơm.
1. Bệnh trầm cảm là gì?
Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn tâm thần, tái bản lần thứ 5 năm 2013 (DSM-5), bệnh lý trầm cảm được phân thành nhiều thể bệnh khác nhau, bao gồm:
- Rối loạn trầm cảm chủ yếu: có đặc điểm là bệnh nhân có một hoặc nhiều giai đoạn trầm cảm, kèm theo có tối thiểu 5 triệu chứng chủ yếu hay gặp. Trong đó phải có ít nhất 1 trong 2 triệu chứng chủ yếu là giảm khí sắc và mất hầu hết các hứng thú hay sở thích. Thời gian kéo dài tối thiểu của các giai đoạn trầm cảm là 2 tuần. Đồng thời, phải loại trừ các yếu tố khác như tiền sử có sử dụng, lạm dụng chất (như rượu, ma túy, thuốc) và bệnh lý thực tổn (như chấn thương sọ não)
- Loạn khí sắc: có đặc điểm là bệnh nhân khí sắc giảm và có một số triệu chứng của rối loạn trầm cảm nhẹ, thời gian bất thường phải kéo dài liên tục ít nhất 2 năm. Đồng thời, không có bất kỳ giai đoạn nào kéo dài trên 2 tháng mà bệnh nhân không có các dấu hiệu của trầm cảm;
- Trầm cảm do một chất: nghĩa là bệnh nhân phải có một hoặc nhiều giai đoạn trầm cảm nhưng nguyên nhân được xác định là do sử dụng một chất (như rượu, ma túy hoặc thuốc kháng viêm corticoid)
- Trầm cảm do một bệnh lý thực tổn: được định nghĩa là bệnh nhân có ít nhất một giai đoạn trầm cảm được xác định là hậu quả của một bệnh lý cơ thể gây ra (như viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đa khớp dạng thấp, tăng huyết áp, đái tháo đường...).
2. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng là gì?
Ngày nay, thuốc chống trầm cảm 3 vòng và 4 vòng vẫn là thuốc trầm cảm hay được sử dụng nhất. Trong số các thuốc chống trầm cảm 3 vòng hiện có thì amitriptyline là thuốc mang lại hiệu quả điều trị trầm cảm tốt và có ưu thế về kinh tế khi mức giá tương đối rẻ tiền.
Thuốc trầm cảm 3 vòng (TCA) có hiệu quả trên cả hệ thống norepinephrine và serotonin. Đồng thời, các hệ thống dẫn truyền thần kinh khác như acetylcholin, histamin, epinephrine, dopamin, muscarin cũng bị ảnh hưởng nên ngoài tác dụng điều trị trầm cảm, thuốc trầm cảm này còn gây ra rất nhiều tác dụng không mong muốn.
Hiệu quả điều trị trầm cảm của thuốc TCA có được là do thuốc có tác dụng ức chế thụ thể serotonin và norepinephrine, những nguyên nhân chính gây nên bệnh lý trầm cảm.
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng nhiều hơn do có nhiều lợi ích hơn các thuốc SSRI, đặc biệt là ở những bệnh nhân trầm cảm kèm theo nhiều triệu chứng cơ thể như mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, đau khớp...
Hiệu quả của thuốc chống trầm cảm 3 vòng thường xuất hiện muộn, sau khoảng 2-4 tuần sử dụng thuốc. Do đó, trong giai đoạn chờ đợi thuốc có tác dụng, bệnh nhân không được thay đổi liều lượng cũng như cách sử dụng thuốc trầm cảm này.
Bên cạnh đó, bác sĩ nên hướng dẫn cho bệnh nhân về những thông tin liên quan đến thuốc để người bệnh hợp tác tốt hơn trong quá trình điều trị trầm cảm.
3. Tác dụng phụ có thể gặp của thuốc trầm cảm 3 vòng
Ngoài ức chế thụ thể norepinephrine và serotonin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng còn ức chế nhiều chất trung gian hóa học khác nên gây nhiều tác dụng không mong muốn như:
- Cảm giác khô miệng, táo bón, rối loạn thị giác, tiểu khó, rối loạn nhận thức ở người già
- Hạ huyết áp tư thế đứng gây chóng mặt, buồn nôn, đây là tác dụng không mong muốn gây cảm giác rất khó chịu và người bệnh khó thích nghi được.
- Độc tính trên tim mạch do thuốc chống trầm cảm 3 vòng có tác dụng ức chế hệ acetylcholin, noradrenalin và adrenalin. Dấu hiệu gợi ý nhiễm độc cơ tim là điện tâm đồ đoạn PQ kéo dài, sóng QT và sóng T có biên độ thấp
- Dị ứng da, sưng phù
- An thần gây buồn ngủ, giảm khả năng nhận thức, hưng cảm, giảm ngưỡng co giật trong động kinh
- Tăng cân nặng
- Suy giảm ham muốn tình dục ở phụ nữ, giảm khả năng cương dương và gây chậm xuất tinh ở nam.
4. Một số thuốc chống trầm cảm 3 vòng hay gặp
4.1. Thuốc Amitriptylin
Thuốc trầm cảm Amitriptyline có tác dụng an thần mạnh, làm dịu thần kinh, giảm lo lắng nên chỉ định cho những bệnh nhân trầm cảm có lo âu hoặc kích động tâm thần vận động.
Ngoài ra, thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể gây buồn ngủ nên thích hợp điều trị trầm cảm cho các trường hợp kèm mất ngủ nghiêm trọng. Một số trường hợp không nên sử dụng Amitriptylin:
- Bệnh nhân lớn tuổi, người có tiền căn mắc các bệnh lý tim mạch hoặc nam giới bị phì đại tiền liệt tuyến
- Thuốc trầm cảm này có độc tính với cơ tim nên chống chỉ định cho bệnh nhân có ý định và hành vi tự sát do khả năng bệnh nhân tích trữ thuốc để tự tử
- Thuốc Amitriptylin ảnh hưởng nhiều đến chức năng tình dục của bệnh nhân.
Liều dùng của thuốc chống trầm cảm 3 vòng Amitriptylin là 75-200 mg/ngày. Liều trung bình là 100 mg/ngày, chia làm 2 lần uống.
Amitriptylin có dạng bào chế viên uống hàm lượng 25mg. Đối với bệnh nhân điều trị trầm cảm ngoại trú nên chỉ định bắt đầu đợt điều trị vào thời gian cuối tuần để hạn chế tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng đến công việc.
4.2. Thuốc Clomipramine
Đây là thuốc chống trầm cảm 3 vòng nhưng tác dụng chủ yếu trên serotonin. Do đó, ngoài điều trị trầm cảm, Clomipramine còn rất hiệu quả trong điều trị các rối loạn ám ảnh. Hiệu quả chống trầm cảm và rối loạn ám ảnh của clomipramin xuất hiện nhanh và tốt hơn so với các thuốc chống trầm cảm 3 vòng và SSRI khác.
Tác dụng không mong muốn của thuốc trầm cảm này là trên dạ dày, ruột (như buồn nôn, nôn ói, đầy bụng, khó tiêu...) và bệnh nhân thường thích nghi sau 1-2 tuần sử dụng thuốc.
Ngoài ra, một tác dụng phụ khác của Clomipramine là ảnh hưởng đến chức năng tình dục của bệnh nhân như mất hay giảm ham muốn tình dục, khó cương dương, chậm xuất tinh...
Khi sử dụng, bệnh nhân nên được tăng liều dần dần để cơ thể kịp thích nghi với thuốc. Liều khởi đầu thường là 25mg/ngày, sau đó tăng thêm cho đến khi đạt liều điều trị (khoảng 50-150mg/ngày). Thuốc trầm cảm Clomipramine có thời gian bán hủy dài nên bệnh nhân có thể sử dụng 1 lần/ngày.
Clomipramine có các dạng bào chế là viên nén 25mg và 75mg.
4.3. Thuốc Tianeptine
Đây là thuốc chống trầm cảm 3 vòng tác động chủ yếu trên serotonin. Ưu điểm của thuốc này là khả năng dung nạp tốt, ít tác dụng phụ nên có thể chỉ định cho người già và những bệnh nhân có bệnh lý thực tổn.
Thuốc trầm cảm Tianeptine có rất ít tác dụng phụ liên quan đến khả năng tình dục, do đó đây là nhóm thuốc sử dụng thay thế các thuốc chống trầm cảm 3 vòng khác khi bệnh nhân phàn nàn về khả năng tình dục bị suy giảm nhiều.
Điểm trừ lớn nhất của Tianeptine là thời gian bán hủy quá ngắn (chỉ 2 giờ) nên bệnh nhân phải uống thuốc ít nhất 3 lần/ngày, gây ra rất nhiều bất tiện và tăng nguy cơ bệnh nhân không tuân thủ chặt chẽ thời gian uống thuốc, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị.
Trầm cảm là bệnh tâm lý, ngoài việc sử dụng thuốc thì hiệu quả điều trị bệnh còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng của bác sĩ tâm lý. Do đó, người mắc bệnh trầm cảm cần khám và điều trị bệnh ở những địa chỉ uy tín, bác sĩ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.