Những bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc giảm đau và phát hiện viêm loét dạ dày không phải hiếm. Có những bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau dài ngày khiến dạ dày viêm loét nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng.
Loét dạ dày nặng do dùng thuốc giảm đau
Ông K.W (62 tuổi, người Hàn Quốc) đang làm việc tại Việt Nam. Đột nhiên, ông có cơn đau tức ngực và khó thở vào sáng sớm, nên đã đến khám tại bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec ngày 7.4 vừa qua. Các bác sĩ đã rất bất ngờ khi phát hiện trong dạ dày ông K. có tới gần10 ổ loét dạ dày , đang chảy máu trên diện rộng.
Có tới hơn 10 ổ loét trong dạ dày, ông K.W được Vinmec cấp cứu và điều trị kịp thời nên đã hồi phục hoàn toàn.
Gia đình cho biết ông K. có tiền sử bị tăng huyết áp và viêm đa khớp mãn tính nhiều năm. Trước đó 2 – 3 tuần, ông bị đi ngoài phân đen nên đã kết hợp về Hàn Quốc kiểm tra, soi dạ dày. Hiện tại ông đang điều trị theo đơn thuốc này.
Vào cấp cứu tại Vinmec, ông K. có cảm giác đau tức ngực ở vùng thượng vị. Sau khi loại trừ được hiện tượng nhồi máu cơ tim , ông được chuyển lên khu điều trị nội trú tiếp tục theo dõi. Ngày hôm sau, ông K., đi ngoài phân đen. Bác sĩ nghĩ đến khả năng người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa.
Đúng như dự đoán, chỉ ít phút sau, ông K.W bị nôn ra nhiều máu tươi, kèm theo tụt huyết áp nên đã được tiến hành soi dạ dày song song với hồi sức. Hình ảnh nội soi cho thấy trong dạ dày của người bệnh đang chảy máu rất nặng, máu phun thành tia. Hồng cầu hạ thấp.
Người bệnh được tiêm thuốc cầm máu, rửa dạ dày, truyền máu và tiếp tục theo dõi. Chỉ vài giờ sau, dạ dày lại tiếp tục chảy máu lần thứ 2. Các bác sĩ đã nội soi lại và phát hiện có tới gần 10 ổ loét khác nhau ở nhiều nơi trên thân vị, hang vị, bờ cong vị, tâm vị. Rất nhiều ổ loét đang chảy máu trên diện rộng.
Gia đình đã rất lo lắng khi biết tình trạng bệnh của ông K. nặng như vậy. Các bác sĩ vẫn kiên trì tiếp tục tiêm cầm máu, truyền máu, truyền các yếu tố đông máu và chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho người bệnh. Sau 5 ngày, hiện tượng chảy máu trong dạ dày và đi ngoài ra máu của ông K. đã hoàn toàn hết. Ông vừa được xuất viện sáng ngày 18.4 trước sự vui mừng của cả gia đình.
Tuân thủ điều trị chặt chẽ
Theo BS Phạm Thị Thu Hương – Trưởng khoa Nội tiêu hóa, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, người trực tiếp theo dõi và điều trị cho ông đã khuyến cáo người bệnh cần có chế độ ăn mềm thời gian đầu, đồng thời nên tránh stress. Ông cho biết thường xuyên phải uống thuốc giảm đau khi nhức khớp, nhiều lần tự mua thuốc uống mà không đi khám bác sĩ. Theo BS Hương, các ổ loét dạ dày hôm nay đều là hậu quả của việc lạm dụng loại thuốc giảm đau như vậy.
Các bác sĩ Vinmec cảnh báo: Việc tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau có thể dẫn đến hậu quả viêm loét dạ dày ngoài ý muốn.
Bác sĩ Hương cho biết thêm đã gặp không ít người bị đau dạ dày sau một thời gian bị bệnh khớp mãn tính. Các thuốc giảm đau kháng viêm trong điều trị khớp thường gây ra tác dụng phụ là gây viêm loét chảy máu dạ dày như trường hợp ông K. Vì thế, khi chỉ định sử dụng thuốc cho người bệnh điều trị khớp, các bác sĩ thường hỏi người bệnh xem có bị bệnh dạ dày hay không, và thường kê kèm với thuốc bảo vệ dạ dày. Nếu không tuân thủ điều trị chặt chẽ, viêm loét dạ dày là điều rất dễ xảy ra.
Về việc thuốc giảm đau gây chảy máu dạ dày, bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, khoa Ngoại tiêu hóa, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec cho biết thêm: “Theo một số nghiên cứu, khoảng 15% người bị bệnh khớp bị viêm loét dạ dày. Tỷ lệ này có xu hướng tăng do nhiều người sử dụng thuốc mà không hiểu về thuốc, hoặc tự ý dùng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ. Cũng có thêm tình trạng là người bệnh đau khớp chỉ đi khám một lần. Lần sau, họ mua thuốc theo đơn thuốc cũ mà không có tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Trong khi đó, bệnh có thể diễn biến khác nhau ở từng thời điểm, cần được bác sĩ điều chỉnh thuốc uống mới đạt hiệu quả và tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Ngay cả khi đã uống thuốc theo đơn, bác sĩ Khánh khuyến cáo các thuốc điều trị khớp nên được uống sau khi ăn cơm, tuyệt đối tránh khi đói. Ngoài ra, người bệnh cần giảm stress, tránh những tác động tiêu cực khiến bệnh nặng thêm và có thể gây ra những đợt viêm loét cấp, chảy máu dồn dập, ảnh hưởng thậm chí tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.