Uống nước cam thảo có tác dụng gì? Có nên dùng hàng ngày?

Uống nước cam thảo điều độ có thể mang lại hàng loạt các lợi ích cho sức khoẻ như chống oxy hoá, kháng khuẩn, giải nhiệt, giải độc,... Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thức uống này, bạn cần lưu ý về liều lượng và những khuyến cáo kèm theo khác để ngăn ngừa một số rủi ro tiềm ẩn.

1. Uống nước cam thảo có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Cam thảo là một trong những vị thuốc Đông y quý, có tác dụng bồi bổ cơ thể, giải độc, ức chế sự phát triển các tế bào ung thư, hạ cholesterol, bảo vệ gan và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Trong cam thảo có chứa nhiều thành phần và hoạt chất nổi bật như glycyrrhizin, neo-liquiritin, liquiritin, isoliquiritin và các chất chống viêm cũng như chống oxy hoá khác.

Việc uống cam thảo hàng ngày có thể giúp bạn chữa tỳ vị hư nhược, ho do yếu phổi, chán ăn, sốt do mệt mỏi, đau bụng do tiêu chảy,... Ngoài ra, khi sử dụng cam thảo tươi có thể giúp bạn giải nhiệt, giải độc, hạ hoả và chữa loét đường tiêu hoá rất hữu hiệu. Đặc biệt, uống nước cam thảo cũng giúp hỗ trợ giải chất độc của độc tố uốn ván.

Theo nghiên cứu y học hiện đại, uống nước cam thảo điều độ có thể mang lại các công dụng nổi trội khác sau:

  • Hỗ trợ điều trị viêm da và nhiễm trùng: Một số thử nghiệm đã cho thấy, hoạt chất chính Glycyrrhiza glabra trong nước cam thảo có tác dụng ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn, từ đó hỗ trợ khắc phục các tình trạng nhiễm trùng da hiệu quả. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, nước cam thảo có khả năng kháng vi khuẩn Staphylococcus aureus, nhờ đó cải thiện đáng kể được tình trạng viêm nang lông, bệnh chốc lở hoặc viêm mô tế bào.
  • Hỗ trợ chữa viêm loét dạ dày: Chiết xuất glabrene và glabridin trong nước cam thảo có tác dụng giảm đau và giúp lành vết loét ở dạ dày một cách nhanh chóng. Đặc biệt, các hoạt chất chống oxy hoá này còn có khả năng làm giảm thiểu một số triệu chứng do đau dạ dày gây ra, chẳng hạn như ợ nóng và buồn nôn. Nghiên cứu cũng cho thấy, các chiết xuất từ cam thảo có công dụng diệt loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày có tên là Helicobacter pylori.
  • Chữa bệnh sâu răng: Các hoạt chất chống viêm và chống oxy hoá trong nước cam thảo có thể tiêu diệt các vi khuẩn gây sâu răng.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan C: Hoạt chất chính glycyrrhizin trong nước cam thảo có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn cao, nhờ đó hỗ trợ điều trị rất tốt cho bệnh nhân mắc viêm gan C. Hơn nữa, hoạt chất này cũng có khả năng giải độc và bảo vệ gan khỏi sự tổn thương do carbon tetrachloride gây ra.
  • Một số công dụng khác: Uống cam thảo hàng ngày còn giúp điều trị chứng viêm họng, tiêu đàm, điều hoà nội tiết tố nữ và chống cơn co thắt cơ trơn ở đường tiêu hoá.

2. Có nên uống nước cam thảo liên tục hàng ngày không?

Do nước cam thảo có tác dụng giải độc, bởi vậy khá nhiều người đã sử dụng loại nước này liên tục mỗi ngày. Tuy nhiên, trong nước cam thảo có chứa khoảng 23% glycyrrhizin – một chất có vị ngọt gấp 50 lần so với đường saccaroza, có độc tố yếu khi qua đường miệng. Một số nghiên cứu đã cho thấy, khi uống quá 5g glycyrrhizin / kg thể trọng có thể gây tử vong. Khi hấp thu 1g / kg / ngày liều glycyrrhizin trong cam thảo có thể gây ra các hiện tượng như khát nước, tăng huyết áp, tăng khả năng giữ muối / giữ nước, đôi khi xuất hiện dấu hiệu tổn thương ở hệ tim mạch và cơ quan thận.

Khi bạn tiêu thụ quá nhiều nước cam thảo đặc, cụ thể là vượt quá 100g / ngày có thể dẫn đến tình trạng hạ kali huyết và tăng huyết áp. Kết quả thử nghiệm của các nhà khoa học đã cho thấy, sau khi sử dụng nhiều sản phẩm chứa cam thảo như kẹo hoặc nước, khoảng 1 – 2% số người có dấu hiệu tăng huyết áp động mạch. Nếu dùng quá liều 5g glycyrrhizin chiết xuất từ cam thảo có thể gây rối loạn nhịp tim và chứng rối loạn cơ. Đặc biệt, các triệu chứng uống cam thảo quá liều thường dễ nhận thấy nhất ở những người mắc bệnh gan.

3. Vì sao cần tránh uống nước cam thảo với nhân trần?

Cam thảo và nhân trần là 2 dược liệu quý trong ẩm thực dưỡng sinh của nhiều người, bao gồm cả người khoẻ mạnh và người có vấn đề về sức khỏe. Thay vì sử dụng trà, có một bộ phận không nhỏ những người quyết định lựa chọn uống nước cam thảo kết hợp với nhân trần vừa để giải khát vừa tranh thủ đạt được các lợi ích như giải độc, mát gan, giảm mệt mỏi và chống suy nhược. Tuy nhiên, việc uống nước cam thảo pha cùng nhân trần không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng tai biến đông dược.

Trong Y học cổ truyền, nhân trần là vị thuốc có tính hàn, vị cay đắng, có tác dụng nhuận gan và lợi mật. Nhân trần được sử dụng chủ yếu để điều trị cho các vấn đề như viêm túi mật, vàng da, đau đầu, giảm cảm nhiệt, đau họng, chảy nước mũi, bí tiểu, trướng bụng hoặc các triệu chứng sau sinh ở nữ giới. Mặt khác, cam thảo là dược liệu có tác dụng thanh nhiệt giải độc, bổ khí, chủ trị cho chứng ho suyễn, tỳ vị hư nhược, giải độc thuốc / thức ăn, trị hầu họng sưng đau, chống suy nhược. Trong các bài thuốc dân gian, cam thảo thường đóng vai trò dẫn thuốc vào kinh.

Mặc dù cả nhân trần và cam thảo đều mang lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên khi phối hợp 2 vị thuốc này với nhau có thể tiềm ẩn nhiều nguy hại cho người sử dụng. Điều này là do nhân trần có tính đào thải, trong khi cảm thảo có đặc tính giữ nước. Bởi vậy, việc tự ý sử dụng kết hợp nước cam thảo cùng nhân trần chẳng những không có lợi mà còn tiềm ẩn nguy cơ tương tác thuốc, đặc biệt có hại cho bệnh nhân bị tăng huyết áp.

4. Những đối tượng nào không nên sử dụng nước cam thảo?

Theo nguyên tắc điều trị mà bác sĩ khuyến cáo, khi mật viêm hoặc tắc mật thì mới cần đến lợi mật, trong trường hợp gan gặp vấn đề mới cần đến nhuận gan. Nếu cơ thể khoẻ mạnh bình thường và không có bệnh, nhưng bạn lại uống nước cam thảo quá thường xuyên có thể bắt mật và gan làm việc quá mức, dễ dẫn đến mất cân bằng, tổn thương và sinh bệnh. Đặc biệt, nước cam thảo không được khuyến cáo sử dụng cho các trường hợp sau đây:

  • Phụ nữ đang cho trẻ bú không mắc bệnh lý về gan: Tuyệt đối không uống nước cam thảo nhiều, đặc biệt là uống kèm với nhân trần. Điều này có thể làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể, gây mất sữa hoàn toàn hoặc ra ít sữa đối với người mẹ cho con bú.
  • Phụ nữ mang thai không mắc bệnh gan: Cần tránh dùng nhiều nước cam thảo pha nhân trần trong thời kỳ mang thai, bởi nhân trần có tác dụng lợi tiểu, dẫn đến đi tiểu nhiều. Nếu chất dinh dưỡng và nước trong cơ thể bị đào thải quá thường xuyên sẽ gây thiếu hụt dưỡng chất cho thai nhi, gây suy dinh dưỡng bào thai, thậm chí dễ bị thai chết lưu, sinh con dị tật, thiếu cân hoặc sinh non.
  • Người mắc bệnh viêm thận, viêm gan hoặc xơ gan: Đối với bệnh nhân bị viêm thận có triệu chứng tiểu ít, phù mí mắt, hoặc bị viêm gan, xơ gan có dấu hiệu phù nề cần tránh uống nước cam thảo.
  • Người bị viêm phế quản mãn tính: Những bệnh nhân mắc viêm phế quản lâu ngày không khỏi kèm triệu chứng khó thở nên tránh uống cam thảo hàng ngày.
  • Người có mức huyết áp cao hoặc không ổn định: Tình trạng tăng huyết áp có thể trở nên trầm trọng hơn nếu bệnh nhân uống nhiều nước cam thảo, do đó họ cần tránh tiêu thụ nhiều loại nước này.
  • Người bị táo bón mạn tính: Không nên sử dụng nước cam thảo cho những đối tượng mắc tình trạng táo bón kéo dài do đại tràng thực nhiệt, đặc biệt là ở người cao tuổi hoặc có thể trạng yếu mệt lâu ngày. Việc uống quá nhiều nước cam thảo có thể khiến người bệnh tăng nguy cơ táo bón trầm trọng.

5. Cần uống nước cam thảo như thế nào cho phù hợp?

Theo một số nghiên cứu gần đây cho thấy, uống khoảng 8g cam thảo / ngày có thể dẫn đến tình trạng suy giảm hormone testosterone và gây bất lực cho nam giới. Hơn nữa, uống nước cam thảo không đúng liều lượng cũng gây suy giảm hệ miễn dịch, tăng huyết áp, phù toàn thân và viêm loét dạ dày. Do đó, việc chú ý đến liều lượng sử dụng cam thảo là vô cùng cần thiết.

Đối với những người bình thường, không nên sử dụng quá 2 gói trà thanh nhiệt chứa cam thảo vào mỗi ngày. Tránh sử dụng nước bao gồm cả cam thảo, chẳng hạn như bát bảo, nhân trần,... để thay cho nước lọc. Đối với người muốn uống cam thảo để điều trị bệnh, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để xác định được liều lượng phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe