Ung thư xương hàm sống được bao lâu là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người bệnh. Thông thường, bệnh nhân ung thư xương hàm có thể sống trung bình khoảng 5 năm, nhưng khoảng thời gian này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Cùng tìm hiểu về thời gian sống của bệnh nhân ung thư xương hàm và các yếu tố ảnh hưởng trong bài viết sau.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Ung thư xương hàm là gì?
Ung thư xương hàm là một loại ung thư xương xuất hiện ở vùng mặt, thường được phát hiện khi có khối u ác tính ở xương hàm. Khối u có thể làm đau nhức, tê bì, khiến người bệnh khó giao tiếp và sinh hoạt bình thường.
Ung thư hàm nguyên phát có khối u bắt nguồn từ chính xương hàm. Trong khi đó, ung thư hàm thứ phát do các tế bào ung thư di căn từ các cơ quan khác đến xương hàm và tạo thành các khối u, trong đó, phổ biến nhất là tế bào ung thư biểu mô tế bào vảy của khoang miệng.
2. Ung thư xương hàm sống được bao lâu?
Ung thư xương thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu và tiến triển âm thầm, khiến người bệnh khó phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư xương là khoảng 54%. Nếu khối u được phát hiện ở giai đoạn đầu và bệnh nhân được điều trị thích hợp, tỷ lệ này có thể tăng lên.
Do đó, người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư để giúp phát hiện bệnh từ sớm. Các phương pháp tầm soát bao gồm xét nghiệm máu để đo nồng độ phosphatase kiềm, nồng độ lactate dehydrogenase, chụp X-quang và chụp cắt lớp xương.
3. Tiên lượng sống theo từng giai đoạn
3.1 Ung thư xương hàm giai đoạn 1
Ung thư xương hàm thường gặp ở những người có thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá, nghiện rượu, có chế độ dinh dưỡng không khoa học hoặc người bị nhiễm các loại virus như HPV.
Ở giai đoạn đầu, các tế bào ung thư phát triển chậm và khối u mới bắt đầu hình thành, nên chưa gây ra những ảnh hưởng cụ thể cho người bệnh. Do đó, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có khoảng 80% cơ hội sống trên 5 năm.
3.2 Ung thư xương hàm giai đoạn 2
Khi ung thư xương hàm bước sang giai đoạn 2, khối u có kích thước lớn và tiến triển phức tạp hơn, nhưng các tế bào ung thư vẫn giới hạn ở vùng hàm và chưa di căn đến các hạch bạch huyết.
Người bệnh có thể bắt đầu gặp các triệu chứng rõ rệt như đau hàm thường xuyên, khó khăn trong cử động miệng, sờ thấy khối u ở viền nướu, răng lung lay không rõ nguyên nhân...
Vậy ở giai đoạn này, người bị ung thư xương hàm sống được bao lâu? Thông thường, bệnh nhân có khoảng 70% cơ hội sống trên 5 năm ở giai đoạn này.
3.3 Ung thư xương hàm giai đoạn 3
Khi khối u ác tính ở hàm phát triển mạnh mẽ và di căn đến các hạch bạch huyết cùng các cơ quan xung quanh, tình trạng này sẽ gây biến dạng khuôn mặt bệnh nhân.
Quá trình chèn ép của khối u lên các dây thần kinh cảm giác trong miệng gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn như phì đại hàm, ngứa ran ở quai hàm và khoang miệng. Vì vậy, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư xương hàm giai đoạn 3 là khoảng 60%.
3.4 Ung thư xương hàm giai đoạn cuối
Ở giai đoạn cuối, vấn đề bệnh nhân mắc ung thư xương hàm sống được bao lâu rất khó để xác định chính xác. Trong giai đoạn này, các tế bào ác tính đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể như gan, phổi và não, gây tổn thương cho chức năng cơ quan nội tạng và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến tính mạng.
Hầu hết các phương pháp điều trị không mang lại hiệu quả và bác sĩ chỉ có thể giúp bệnh nhân chăm sóc hỗ trợ để giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo thời gian sống của bệnh nhân. Thông thường, bệnh nhân ung thư xương hàm ở giai đoạn cuối sống không quá 5 năm.
4. Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian sống của bệnh nhân ung thư xương hàm
Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong quá trình xác định thời gian sống của bệnh ung thư xương hàm. Ngoài ra, vị trí khởi phát, kích thước của khối u và khả năng đáp ứng của bệnh nhân với phác đồ điều trị cũng ảnh hưởng đến tiên lượng của bệnh nhân.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến thời gian sống của những người mắc ung thư xương hàm bao gồm:
- Thời điểm phát hiện bệnh: Ung thư xương hàm được phân loại thành 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có mức độ ảnh hưởng và tính chất khối u khác nhau. Do đó, quá trình phát hiện và điều trị sớm có thể làm tăng khả năng điều trị thành công.
- Tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân: Những bệnh nhân trẻ tuổi có tình trạng sức khỏe tốt, tinh thần ổn định sẽ có hiệu quả điều trị và ngăn chặn quá trình phát triển của tế bào ung thư tốt hơn.
- Ngoài ra, các yếu tố khác như chế độ dinh dưỡng, lối sống và việc tập luyện cũng ảnh hưởng đáng kể đến kết quả điều trị cuối cùng. Bệnh nhân ung thư xương hàm cần xây dựng thói quen sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, tăng cường thể lực và nâng cao sức đề kháng để đối phó với căn bệnh.
5. Ung thư xương hàm có chữa được không?
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân mắc ung thư xương hàm thường không có dấu hiệu rõ ràng và các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã bước vào những giai đoạn phát triển mạnh. Do đó, quá trình chẩn đoán trở nên khó khăn và thường đòi hỏi sự can thiệp của bác sĩ cùng với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang hoặc máy quét CT để xác định tình trạng.
Các triệu chứng như đau răng, sưng hàm hoặc khó khăn khi nhai thức ăn có khả năng xuất hiện khi khối u đã phát triển hoặc di căn. Trong nhiều trường hợp, quá trình điều trị ung thư xương hàm bao gồm phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc cắt bỏ một phần của xương bị ảnh hưởng.Các phương pháp khác như xạ trị hoặc hóa trị sẽ được sử dụng sau đó để kiểm soát quá trình phát triển của bệnh.
Khi được chẩn đoán kịp thời cùng với được theo dõi cẩn thận bởi các chuyên gia y tế, khả năng điều trị thành công sẽ được tăng cao và kéo dài được thời gian sống của bệnh nhân. Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư xương hàm hoặc có các triệu chứng liên quan, quá trình kiểm tra định kỳ và trao đổi với bác sĩ là cần thiết để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.