Ung thư vú trong thai kỳ

Bài viết được viết bởi BS chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Cứ 3000 phụ nữ mang thai thì có 1 người bị ung thư vú, đây là loại ung thư phổ biến nhất được phát hiện trong thai kỳ. Nếu bạn phát hiện thấy một khối u hoặc nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở vú khiến bạn lo lắng, hãy nói với bác sĩ ngay lập tức. Phụ nữ đang mang thai có thể làm nhiều loại xét nghiệm nếu nghi ngờ ung thư vú, và có những lựa chọn để điều trị ung thư vú.

1. Ung thư vú có thể khó phát hiện hơn khi đang mang thai

Nếu được phát hiện ung thư vú khi bạn đang mang thai, nó có thể được gọi là ung thư vú thai kỳ (gestational breast cancer) hoặc ung thư vú liên quan đến thai nghén (pregnancy-associated breast cancer).

Sự thay đổi hormone khi mang thai khiến ngực thay đổi. Chúng có thể trở nên lớn hơn, tạo khối và / hoặc mềm. Điều này có thể khiến bạn hoặc bác sĩ của bạn khó nhận thấy một khối u do ung thư cho đến khi nó trở nên khá lớn.

Một lý do khác có thể khó phát hiện ung thư vú trong thời kỳ mang thai là nhiều phụ nữ bỏ qua việc tầm soát ung thư vú bằng chụp Xquang tuyến vú cho đến sau khi mang thai. Và bởi vì mang thai và cho con bú có thể làm cho mô vú dày đặc hơn, nên có thể khó nhìn thấy ung thư giai đoạn sớm trên chụp Xquang tuyến vú.

Do những thách thức này, khi một phụ nữ mang thai phát triển ung thư vú, nó thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn hơn so với khi không mang thai, và cũng có nhiều khả năng đã di căn đến các hạch bạch huyết.

2. Bạn cần làm gì?

Nếu phát hiện thấy một khối u hoặc nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở ngực khiến bạn lo lắng, đừng bỏ qua chúng, hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu bác sĩ không muốn kiểm tra bằng chụp Xquang tuyến vú, hãy hỏi về các loại xét nghiệm hình ảnh khác như siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Bất kỳ thay đổi đáng ngờ nào ở vú đều nên được kiểm tra hoặc thậm chí sinh thiết trước khi cho rằng chúng là phản ứng bình thường của thai kỳ.

3. Chụp Xquang tuyến vú và các xét nghiệm hình ảnh khác có an toàn trong thai kỳ không?


Chup Xquang tuyến vú - 1 trong những kỹ thuật chẩn đoán an toàn
Chup Xquang tuyến vú - 1 trong những kỹ thuật chẩn đoán an toàn

Mối quan tâm chính đối với bất kỳ xét nghiệm hình ảnh nào trong thai kỳ là liệu nó có làm thai nhi đang phát triển phơi nhiễm với bức xạ, và có thể gây hại, đặc biệt là trong ba tháng đầu.

  • Chụp X-quang tuyến vú (mammograms): có thể phát hiện hầu hết các ung thư vú mới bắt đầu khi phụ nữ mang thai và nhìn chung được cho là an toàn. Lượng bức xạ cần để chụp Xquang tuyến vú là nhỏ và bức xạ tập trung vào vú, vì vậy hầu hết bức xạ không đến được các bộ phận khác của cơ thể. Để bảo vệ thêm, một tấm chắn bằng chì được đặt trên phần dưới của bụng để giúp ngăn bức xạ truyền tới bụng mẹ. Tuy nhiên, một lượng nhỏ bức xạ có thể tới thai nhi và các nhà khoa học không thể chắc chắn về ảnh hưởng dù chỉ một liều lượng rất nhỏ bức xạ đối với thai nhi.
  • Siêu âm (ultrasound): không sử dụng bức xạ và được cho là an toàn trong thai kỳ. Vì siêu âm dễ thực hiện, nên đây thường là xét nghiệm đầu tiên để đánh giá sự thay đổi ở vú.
  • Chụp MRI: không sử dụng bức xạ và được cho là an toàn trong thai kỳ. Nhưng chất cản quang có thể đi qua nhau thai. Thuốc cản quang này có liên quan đến những bất thường của bào thai ở động vật thí nghiệm. Vì lý do này, nhiều bác sĩ không khuyến nghị chụp MRI với thuốc cản quang trong thai kỳ. MRI không thuốc cản quang có thể được sử dụng nếu cần.

Các xét nghiệm khác, chẳng hạn như chụp PET, xạ hình xương, và chụp cắt lớp vi tính (CT) có nhiều khả năng khiến thai nhi tiếp xúc với bức xạ.

4. Sinh thiết vú khi mang thai

Một khối u vú mới hoặc kết quả xét nghiệm hình ảnh bất thường có thể gây lo ngại, nhưng sinh thiết là cách duy nhất để tìm ra thay đổi ở vú có phải là ung thư hay không. Trong quá trình sinh thiết, các mẩu mô vú nhỏ được lấy từ vùng nghi ngờ. Sinh thiết vú thường được thực hiện bằng kim rỗng. Bác sĩ sử dụng thuốc làm tê vùng vú cần sinh thiết, ít gây rủi ro cho thai nhi.

Nếu sinh thiết kim không cho kết quả, sinh thiết mở (phẫu thuật) thường là bước tiếp theo, có nghĩa là lấy ra một mảnh mô lớn hơn thông qua một vết cắt (rạch) nhỏ trên vú. Sinh thiết mở thường được thực hiện dưới gây mê toàn thân, có thể mang lại một rủi ro nhỏ cho thai nhi.

5. Các xét nghiệm để phân giai đoạn ung thư vú

Nếu phát hiện ung thư vú, bạn có thể cần làm các xét nghiệm khác để xem các tế bào ung thư đã di căn trong vú hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể hay chưa. Quá trình này được gọi là phân giai đoạn. Tùy thuộc vào từng trường hợp, có thể cần các xét nghiệm theo các giai đoạn khác nhau.

Như đã nói ở trên, các xét nghiệm như siêu âm và chụp MRI không sử dụng bức xạ và được cho là an toàn trong thai kỳ. Nhưng chất cản quang thường không được khuyến khích trong thai kỳ. MRI không chất cản quang có thể được sử dụng nếu cần.

Chụp X-quang ngực đôi khi cần thiết để giúp đưa ra quyết định điều trị, sử dụng một lượng nhỏ bức xạ. Chúng được cho là an toàn khi mang thai, miễn là bụng của bạn được che chắn.

Các xét nghiệm khác, như chụp PET, xạ hình xươngchụp cắt lớp vi tính (CT) có nhiều khả năng khiến thai nhi tiếp xúc với bức xạ. Những xét nghiệm này thường không cần thiết, đặc biệt nếu ung thư chỉ ở vú. Nếu cần một trong những xét nghiệm này, bác sĩ có thể điều chỉnh để hạn chế lượng bức xạ tiếp xúc với thai nhi.

6. Ung thư vú có lan sang con không?


Tầm soát ung thư vú trước khi mang thai là phương pháp kiểm tra và phòng ngừa an toàn
Tầm soát ung thư vú trước khi mang thai là phương pháp kiểm tra và phòng ngừa an toàn

Không có trường hợp nào được báo cáo về việc lây lan từ mẹ sang thai nhi. Nhưng trong một số rất ít trường hợp, ung thư đã đến nhau thai. Điều này có thể ảnh hưởng đến lượng dinh dưỡng mà thai nhi nhận được từ mẹ.

Để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh và sinh con an toàn, mỗi người phụ nữ nên chủ động đi tầm soát tuyến vú - 1 trong những phương pháp kiểm tra vú an toàn hiệu quả.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói Tầm soát ung thư vú, giúp khách hàng tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay cả khi chưa có triệu chứng. Khi đăng ký Gói tầm soát ung thư vú, khách hàng sẽ được:

  • Khám, tư vấn với bác sĩ chuyên khoa ung bướu.
  • Tầm soát ung thư vú bằng siêu âm tuyến vú 2 bên và chụp Xquang tuyến vú.
  • Đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm.
  • Hợp tác chuyên môn toàn diện với các bệnh viện trong nước, quốc tế: Singapore, Nhật, Mỹ,..
  • Điều trị, chăm sóc người bệnh toàn diện, phối hợp đa chuyên khoa theo hướng cá thể hóa từng người bệnh.
  • Có đầy đủ các phương tiện chuyên môn để chẩn đoán xác định bệnh và xếp giai đoạn trước điều trị: Nội soi, CT scan, PET-CT scan, MRI, chẩn đoán mô bệnh học, xét nghiệm gen - tế bào,...
  • Có đầy đủ các phương pháp điều trị chủ đạo bệnh ung thư: phẫu thuật, trị xạ, hóa chất, ghép Tế bào gốc...

Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường về sức khỏe bạn nên thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe