Ung thư vú phổ biến ở nam giới như thế nào?

Ung thư vú ở nam giới thường ít được biết đến hơn so với nữ giới. Tuy nhiên, đây là một loại bệnh ung thư thực sự tồn tại và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bất kỳ người đàn ông nào. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh này ở nam giới thấp hơn nhiều so với nữ giới, nhưng việc hiểu biết về các dấu hiệu, nguyên nhân và phương pháp điều trị là vô cùng quan trọng. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Ung thư vú ở nam giới là bệnh như thế nào?

Mặc dù ung thư vú thường được xem là bệnh của phụ nữ, nhưng nam giới cũng có khả năng mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, tỷ lệ nam giới bị ung thư vú rất thấp so với nữ giới.

Ung thư vú ở nam giới chiếm từ 0,5 đến 1% tổng số ca bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới thấp là do nam giới có lượng mô vú tương đối ít và sự khác biệt về môi trường nội tiết tố. Trong vòng 18 năm qua, Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore (NCCS) chỉ có khoảng 62 trường hợp được chẩn đoán và điều trị, trong khi hàng năm có tới 1.300 ca ung thư vú mới ở nữ giới.  

Năm 2014, chỉ có 1 ca ung thư vú ở nam được ghi nhận tại NCCS, năm 2013 là 5 ca, 6 ca vào năm 2010 và 2006. Ở Úc, mỗi năm ghi nhận khoảng 150 trường hợp nam giới bị ung thư vú

Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư vú rất thấp so với phụ nữ.
Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư vú rất thấp so với phụ nữ.

Dù lượng mô vú ở nam giới ít hơn so với nữ giới, các yếu tố tác động đến sự biến đổi ác tính vẫn tương tự. Theo báo cáo của chương trình Surveillance, Epidemiology and End Result (SEER), tỷ lệ mắc ung thư vú cao nhất ở quần thể chung là từ 52 đến 71 tuổi, trong khi đối với nam giới, tỷ lệ cao nhất lại ở tuổi 71.

Một số tác giả cho rằng ung thư vú ở nam giới có mô hình bệnh lý tương tự như ung thư vú ở phụ nữ sau khi mãn kinh. Trên thực tế, tỷ lệ mắc ung thư vú ở cả nam và nữ đã gia tăng trong 25 năm qua. Hiệp hội Ung thư Quốc tế (IACR) đã nhấn mạnh xu hướng gia tăng bệnh, cảnh báo rằng tỷ lệ mắc ung thư vú ở phụ nữ đã tăng 20%, trong khi tỷ lệ tử vong liên quan đến căn bệnh này tăng 14%.  

Theo dữ liệu từ SEER, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới là 1,1 trên 100.000 vào giữa những năm 1970, tỷ lệ này tăng lên 1,44 trên 100.000 vào năm 2010. Tại Mỹ, trong năm 2013, có 2.240 nam giới được chẩn đoán mắc ung thư vú, với tỷ lệ mắc căn bệnh này trong suốt đời của nam giới là 1/1.000. Dữ liệu của IACR Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy ung thư vú chiếm 0,37% các ca ung thư ở nam giới.

Bản chất ung thư vú không có sự phân biệt giới tính, cả nam và nữ đều tương tự nhau. Bệnh khởi phát từ một khối u ở một bên vú và dần lớn lên. Ở một số trường hợp hiếm, bệnh nhân có thể gặp tình trạng da thay đổi giống như bệnh chàm ở núm vú hoặc nổi hạch ở nách do hạch bạch huyết to lên. Khi ung thư tiến triển nặng, các triệu chứng ung thư vú có thể bao gồm đau nhức xương, khó thở hoặc vàng da, đặc biệt khi tế bào ung thư đã di căn đến những bộ phận khác như xương, phổi hoặc gan.

So với nữ giới, tiên lượng ung thư vú ở nam giới có phần khả quan hơn. Tại Australia, 85% nam giới được chẩn đoán ung thư vú có thể sống thêm ít nhất 5 năm sau chẩn đoán. Hầu hết các trường hợp đều phục hồi tốt sau điều trị và không gặp tình trạng ung thư tái phát.

2. Phân loại bệnh ung thư vú ở nam giới

Ung thư vú ở nam giới có thể phân thành các loại sau đây:

  • Ung thư biểu mô ống dẫn tại chỗ:
    • Tế bào ung thư chưa lan ra ngoài, chưa xâm lấn ra bên ngoài hàng rào ống dẫn vào các mô xung quanh vú.
    • Được coi là tiền ung thư và có thể chuyển thành dạng xâm lấn.
    • Chiếm khoảng 1/10 trường hợp ung thư vú ở nam giới.
  • Ung thư biểu mô ống dẫn xâm lấn:
    • Tế bào ung thư đã phá vỡ thành ống dẫn và xâm nhập vào mô mỡ vú.
    • Có khả năng di căn đến các bộ phận khác của cơ thể qua đường máu và hệ thống hạch bạch huyết
    • Là loại ung thư vú phổ biến nhất ở nam giới (chiếm khoảng 8/10 trường hợp).
  • Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ:
    • Tế bào ung thư phát triển trong các tiểu thùy thuộc tuyến sản xuất sữa nhưng chưa xâm lấn ra ngoài.
    • Loại ung thư này ít phổ biến ở nam giới.
  • Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn:
    • Tế bào ung thư bắt đầu trong các tiểu thuỳ, sau đó xâm nhập vào các bộ phận khác của vú và toàn cơ thể.
    • Rất hiếm gặp ở nam giới (chiếm khoảng 2% trường hợp).
  • Các loại ung thư vú khác:
    • Bệnh Paget của núm vú: Bắt đầu ở ống và lan rộng đến núm vú. Đây là loại ung thư hiếm gặp và chiếm khoảng 5% các trường hợp ung thư vú ở nam giới.
    • Ung thư vú dạng viêm: Làm cho vú sưng, đỏ, ấm và mềm. Loại ung thư vú này rất hiếm gặp ở cả nam giới và nữ giới. 

Trắc nghiệm: Những lầm tưởng và sự thật về ung thư vú

Ung thư vú có tỷ lệ tử vong cao nhất ở nữ giới khiến họ rất lo sợ bản thân mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, không ít chị em có những hiểu biết thái quá về ung thư vú. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn loại bỏ được những nghi ngờ không đúng về căn bệnh này.

Bài dịch từ: webmd.com

Ung thư vú ở nam giới thường bắt đầu với một khối u trong vùng vú.
Ung thư vú ở nam giới thường bắt đầu với một khối u trong vùng vú.

3. Vì sao nam giới bị ung thư vú?

Tương tự như nữ giới, nam giới cũng có các mô vú nhưng số lượng mô nhỏ hơn rất nhiều. Do đó, nam giới vẫn có thể mắc ung thư vú, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn rất nhiều so với phụ nữ. Xác suất một người đàn ông bị ung thư vú trước tuổi 85 là 1/688. Đối với phụ nữ, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú trước tuổi 85 là 1/8.

Nguyên nhân gây ung thư vú đến nay vẫn chưa được xác định rõ và thường do nhiều yếu tố kết hợp lại. Do đó, khi được chẩn đoán mắc bệnh, mọi người không nên quá tập trung vào câu hỏi tại sao lại mắc ung thư vú mà nên hướng sự chú ý sang những yếu tố có thể kiểm soát được, như lựa chọn phương án điều trị phù hợp và kế hoạch chăm sóc bản thân.  

Một số yếu tố nguy cơ đã được xác định mà mọi người cần phải lưu ý, bao gồm đột biến gen BRCA (đặc biệt là BRCA2), tuổi tác, việc sử dụng rượu bia và béo phì. Đây là yếu tố góp phần làm tăng khả năng mắc bệnh.

Những người có người thân trong gia đình mắc ung thư vú hoặc các bệnh liên quan đến gan, người từng tiếp xúc với phóng xạ, nên tự kiểm tra khối u ở vú. Người đang điều trị bệnh bằng các loại hormone hoặc người làm việc trong môi trường như nhà máy thép cũng có rủi ro tăng.

Có một số yếu tố khác cũng có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư vú ở nam giới, bao gồm:

3.1 Tuổi tác

Ở nam giới, nguy cơ phát triển ung thư vú tăng dần theo tuổi tác. Độ tuổi chẩn đoán mắc ung thư vú trung bình ở nam giới là 69 tuổi nhưng nguy cơ mắc ung thư vú có thể xảy ra ở mọi độ tuổi.

3.2 Đột biến gen BRCA đã biết hoặc tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú

Nguy cơ phát triển ung thư vú tăng cao ở nam giới có đột biến gen BRCA2 di truyền (và ít gặp hơn là BRCA1) hoặc người có tiền sử gia đình bị ung thư vú. Tuy nhiên, phần lớn nam giới phát triển ung thư vú không có đột biến BRCA hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú. 

Nam giới mang đột biến gen BRCA2 có khả năng cao phát triển ung thư vú ở nam hơn.
Nam giới mang đột biến gen BRCA2 có khả năng cao phát triển ung thư vú ở nam hơn.

Nguy cơ tương đối sẽ tăng 2,5 lần nếu có tiền sử ung thư vú trong gia đình. Theo các nghiên cứu, khoảng 20% nam giới bị ung thư vú có người thân thuộc thế hệ 1 (cha mẹ, anh chị em ruột) cũng mắc bệnh này.

Nếu lo ngại về khả năng đột biến gen di truyền trong gia đình hoặc tiền sử gia đình mắc ung thư vú, mọi người nên thảo luận với bác sĩ hoặc đến phòng khám ung thư gia đình để được đánh giá.

3.3 Sự mất cân bằng nội tiết tố

Nam giới có khả năng sản xuất cả estrogen – một loại nội tiết tố nữ – và testosterone – một loại nội tiết tố nam. Khi nồng độ estrogen trong cơ thể nam giới vượt mức bình thường, nguy cơ phát triển ung thư vú có thể gia tăng. Một số trường hợp có thể làm gia tăng nồng độ estrogen ở nam giới như:

  • Béo phì hoặc thừa cân (do estrogen được sản xuất bởi tế bào mỡ).
  • Người mắc bệnh gan mãn tính như xơ gan.
  • Người mắc bệnh di truyền như hội chứng Klinefelter.
  • Người có mức hormone prolactin tuyến yên cao.

3.4 Có tiền sử điều trị xạ trị

Có nghiên cứu cho thấy nguy cơ phát triển ung thư vú có thể gia tăng ở nam giới đã được điều trị bằng xạ trị, đặc biệt là ở vùng ngực. 

Nam giới mắc hội chứng Klinefelter sẽ có nồng độ estrogen cao hơn mức bình thường có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Nam giới mắc hội chứng Klinefelter sẽ có nồng độ estrogen cao hơn mức bình thường có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.

4. Những khó khăn trong phát hiện ung thư vú ở nam giới

Khác với ung thư vú ở phụ nữ, ung thư vú ở nam giới chưa có nhiều tiến bộ trong việc phát hiện và điều trị sớm. Nguyên nhân có thể là do nam giới thiếu ý thức và nhận thức về các triệu chứng liên quan đến vú, dẫn đến việc khối u nhỏ ở vú bị bỏ qua và không được kiểm tra kịp thời.

Tại Bệnh viện Đa khoa Singapore (SGH), một nghiên cứu đã ghi nhận sự chậm trễ trong việc phát hiện các dấu hiệu ung thư vú ở nam giới. Dựa trên dữ liệu bệnh nhân trong hơn 15 năm, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng gần một nửa số bệnh nhân nam chỉ được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.

5. Điều trị ung thư vú ở nam giới

Ung thư vú ở nam giới được điều trị theo cách tương tự như ung thư vú ở phụ nữ. Đối với nữ giới, phẫu thuật là lựa chọn điều trị chính, tuy nhiên chỉ áp dụng khi ung thư được phát hiện sớm và chưa di căn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường được điều trị bổ sung bằng các phương pháp khác như hóa trị, xạ trị, liệu pháp nội tiết tố, hoặc liệu pháp nhắm trúng đích,... tùy thuộc vào giai đoạn và kết quả sinh thiết giải phẫu bệnh của ung thư. 

Bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp nhắm trúng đích để điều trị ung thư vú ở nam.
Bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp nhắm trúng đích để điều trị ung thư vú ở nam.

Khi ung thư đã ở mức độ nặng và đã di căn, các bác sĩ không thể sử dụng phẫu thuật để điều trị nữa. Trong những trường hợp này, hóa trị sẽ là phương pháp điều trị chính để giảm nhẹ triệu chứng.  

Tuy nhiên, việc chẩn đoán sớm vẫn rất quan trọng và điều này chỉ có thể thực hiện được nếu nam giới nâng cao nhận thức về ung thư vú. Vì ung thư vú ở nam giới rất hiếm nên không có các chỉ định sàng lọc định kỳ. Phương pháp duy nhất để phát hiện sớm là tự khám vú, giúp nam giới đi khám kịp thời khi phát hiện sự bất thường.

Mặc dù không phổ biến như ở phụ nữ, nhưng nam giới cũng không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh ung thư vú. Phát hiện và điều trị sớm ung thư vú ở nam giới có thể cải thiện tiên lượng điều trị.

Mặc dù việc điều trị bệnh có thể tương tự với nữ giới ở cùng giai đoạn bệnh, tuy nhiên, nếu được chẩn đoán ung thư vú, nam giới cũng nên cân nhắc việc gặp bác sĩ tư vấn di truyền để nhận được lời khuyên. Nếu người đàn ông xét nghiệm và phát hiện có một gen khiếm khuyết (thường gặp nhất là BRCA1 hoặc BRCA2), điều này có thể gợi ý nguy cơ ung thư vú trong tương lai và con cái của người mang gen khiếm khuyết cũng có nguy cơ 50% mang gen đó.

Con trai của một người đàn ông mắc ung thư vú thừa hưởng gen khiếm khuyết BRCA2 có 6% khả năng phát triển ung thư vú, trong khi nếu dương tính với gen BRCA1, nguy cơ chỉ có 1%.  

Ngược lại, con gái của một người đàn ông bị ung thư vú thừa hưởng gen khiếm khuyết có nguy cơ phát triển ung thư vú từ 40-80%. Nam giới có khuynh hướng di truyền mắc bệnh ung thư vú cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở độ tuổi trẻ hơn so với người bình thường.

Mặc dù so với phụ nữ, nam giới có ít nguy cơ mắc bệnh ung thư vú hơn, nhưng nam giới tuyệt đối không nên bỏ qua các dấu hiệu của bệnh. Việc phát hiện sớm và điều trị ung thư vú ở nam giới có thể giúp cải thiện tiên lượng điều trị.

Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov, healthxchange.sg, bcna.org.au/media

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe