Ung thư vú diễn biến âm thầm trong bao lâu mới có triệu chứng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn - Khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Ung thư vú là bệnh lý ác tính có tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu ở nữ giới. Hiện nay, còn rất nhiều phụ nữ chưa nhận thức được tầm quan trọng của sàng lọc sớm ung thư vú nên hầu hết những trường hợp phát hiện ung thư vú đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm kiến thức về căn bệnh này.

1. Ung thư vú là gì?

Ung thư vú là một căn bệnh mà các tế bào ung thư hình thành trong mô vú. Khoảng 70% trong tất cả các trường hợp ung thư vú đều bắt đầu trong các ống dẫn (nơi dẫn sữa ra núm vú) và 10% bắt đầu trong tiểu thùy (nơi tạo ra sữa).

2. Nguyên nhân gây bệnh ung thư vú

Cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư vú. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú.

Giới tính, tuổi: Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn nam giới, 99% tất cả các trường hợp ung thư vú xuất hiện ở nữ giới. Phụ nữ lớn tuổi thì có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn phụ nữ trẻ, gần 80% trường hợp mắc ung thư vú xuất hiện ở phụ nữ trên 50 tuổi.

Gen: Theo thống kê có khoảng 5 - 10 % trường hợp ung thư vú có đột biến gen. Hiện nay, xét nghiệm gen có thể phát hiện được các đột biến Gen BRCA1 và BRCA2; TP53 giúp tiên lượng, sàng lọc ung thư vú.

Di truyền: Tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú thế hệ thứ nhất được xem là một yếu tố nguy cơ.

Tuổi hành kinh sớm và mãn kinh muộn: Yếu tố nội tiết có liên quan đến bệnh ung thư vú. Ở người có đời sống nội tiết kéo dài (hành kinh sớm, mãn kinh muộn) thuộc vào nhóm có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với người bình thường.

Không sinh con hoặc không cho con bú: Không sinh con hoặc sinh con muộn (sau tuổi 30), không cho con bú gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Tiền sử xạ trị vào vùng ngực: Những người có tiền sử tia xạ vào vùng ngực (đặc biệt trước 40 tuổi) làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Chế độ ăn uống, lối sống: Phụ nữ uống rượu, chế độ ăn nhiều mỡ và đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Ít vận động: Ít vận động cũng là một trong các yếu tố nguy cơ gây mắc ung thư vú.

Thuốc tránh thai, liệu pháp hormone: Phụ nữ có tiền sử dùng thuốc tránh thai, sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh làm tăng nguy có mắc bệnh ung thư vú.

Bệnh ung thư vú có thể phòng tránh được bằng cách hạn chế các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh (hạn chế sử dụng liệu pháp hormon thay thế, giảm cân, tăng cường vận động,...) đồng thời bạn hoàn toàn có thể phát hiện sớm được bệnh.


Giới tính, tuổi, gan là một trong số những nguyên nhân gây bệnh ung thư vú
Giới tính, tuổi, gan là một trong số những nguyên nhân gây bệnh ung thư vú

3. Ung thư vú phát triển trong bao lâu?

Các giai đoạn phát triển của ung thư vú bao gồm:

Giai Đoạn 0: Tiền ung thư

  • Không có bằng chứng về tình trạng ung thư di căn từ vị trí ung thư bắt đầu phát triển trong vú. Ung thư ở giai đoạn 0 không xâm lấn mô lân cận.
  • Nếu kịp thời phát hiện ở giai đoạn này, cơ hội chữa khỏi lên đến 90 - 100%.

Giai đoạn I: Giai đoạn xâm lấn

  • Giai đoạn IA Khối u vú có kích thước từ 2 cm trở xuống và không phát hiện ung thư trong những hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn IB Khối u vú có kích thước từ 2 cm trở xuống (hoặc không phát hiện thấy khối u) và phát hiện các nhóm nhỏ tế bào ung thư (có kích thước khoảng 0,2 và 2,0 mm) trong 1 đến 3 hạch bạch huyết phía dưới cánh tay.

Giai đoạn II: Giai đoạn phát triển

  • Giai đoạn IIA: Khối u vú có kích thước từ 2 cm trở xuống (hoặc không phát hiện thấy khối u) và phát hiện ung thư (có kích thước lớn hơn 2,0 mm) trong 1 đến 3 hạch bạch huyết phía dưới cánh tay hay trong những hạch bạch huyết gần xương ức; hoặc khối u có kích thước từ 2 đến 5 cm và không phát hiện ung thư trong các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn IIB: Khối u vú có kích thước từ 2 đến 5 cm và phát hiện các nhóm nhỏ tế bào ung thư (có kích thước từ 0,2 đến 2,0 mm) trong các hạch bạch huyết; hoặc khối u có kích thước từ 2 đến 5 cm và phát hiện ung thư trong 1 đến 3 hạch bạch huyết phía dưới cánh tay hoặc trong các hạch bạch huyết gần xương ức; hoặc khối u có kích thước lớn hơn 5 cm và không phát hiện ung thư trong các hạch bạch huyết.

Giai đoạn III: Giai đoạn lan rộng

  • Giai đoạn IIIA: Khối u vú có thể có bất kỳ kích thước nào (hoặc không phát hiện ra khối u) và phát hiện ung thư trong 4 đến 9 hạch bạch huyết phía dưới cánh tay hoặc trong các hạch bạch huyết gần xương ức; hoặc 13 khối u có kích thước lớn hơn 5 cm và phát hiện các nhóm nhỏ tế bào ung thư (có kích thước từ 0,2 đến 2,0 mm) trong các hạch bạch huyết; hoặc khối u có kích thước lớn hơn 5 cm và phát hiện ung thư trong 1 đến 3 hạch bạch huyết phía dưới cánh tay hoặc trong các hạch bạch huyết gần xương ức.
  • Giai đoạn IIIB: Khối u vú có thể có bất kỳ kích thước nào và ung thư đã di căn đến thành ngực và/hoặc đến da ngực và gây sưng hoặc loét. Ngoài ra, có thể phát hiện ung thư trong tối đa 9 hạch bạch huyết phía dưới cánh tay hoặc trong các hạch bạch huyết gần xương ức. (Ung thư vú dạng viêm được phân loại ở ít nhất là giai đoạn IIIB. Loại ung thư vú này cũng có thể được phân loại ở giai đoạn IIIC hay IV.)
  • Giai đoạn IIIC: Khối u vú có thể có bất kỳ kích thước nào (hoặc không phát hiện ra khối u) và ung thư có thể đã di căn đến da ngực và gây sưng hoặc loét và/hoặc đã di căn đến thành ngực. Ngoài ra, ung thư được phát hiện trong 10 hạch bạch huyết trở lên phía dưới cánh tay, hoặc trong các hạch bạch huyết phía trên hoặc phía dưới xương đòn, hoặc trong các hạch bạch huyết phía dưới cánh tay và các hạch bạch huyết gần xương ức.

Giai đoạn IV: Giai đoạn di căn

  • Khối u vú có thể có bất kỳ kích thước nào và có thể phát hiện ung thư ở các vùng khác của cơ thể, thường là ở xương, phổi, gan, hoặc não.

4. Tại sao nên khám sàng lọc ung thư vú sớm?


Khám sàng lọc ung thư vú sớm để chủ động phòng tránh bệnh
Khám sàng lọc ung thư vú sớm để chủ động phòng tránh bệnh

Ung thư vú có thời kỳ “tiền lâm sàng” kéo dài tới 8 - 10 năm. Thời kỳ này phải thăm khám sàng lọc mới phát hiện được bệnh. Hiện nay, chẩn đoán muộn là thực trạng chung của các bệnh ung thư ở Việt Nam, trong đó có ung thư vú. Hơn 70% bệnh nhân ung thư vú đang được phát hiện ở giai đoạn III và IV.

Bệnh được phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh càng cao. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm giảm từ 100% ở giai đoạn tiền lâm sàng (giai đoạn 0) xuống 95% ở giai đoạn I, 80% ở giai đoạn II, 72% ở giai đoạn III và đến giai đoạn IV chỉ còn 25%.

Lợi ích của việc khám tầm soát sớm ung thư vú :

  • Phát hiện bệnh sớm ngay cả khi chưa có triệu chứng.
  • Điều trị kịp thời, giảm nguy cơ tử vong.
  • Mang lại cơ hội phẫu thuật bảo tồn tuyến vú; giảm bớt chi phí và đặc biệt là giữ được vẻ đẹp nữ tính giúp duy trì chất lượng sống và hạnh phúc gia đình.

Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán và phẫu thuật ung thư vú, PGS.TS.BS. Mikael Hartman hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Ung thư, kiêm Giám đốc Chương trình Ung thư Vú tại Hệ thống Y tế Vinmec sẽ trực tiếp thăm khám và phẫu thuật cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe