Bài viết bởi Tiến sĩ Ngô Anh Tiến - Giám đốc Ngân hàng mô Vinmec
Ở các bệnh nhân ung thư vú, việc phẫu thuật hay xạ trị tại vú và nách gây phá hủy hệ bạch huyết, dẫn đến ứ trệ dịch bạch huyết và gây phù tay ở một số lượng lớn bệnh nhân. Chứng phù bạch huyết (Breast cancer‐related lymphedema BCRL) gây ra khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, lại chưa có biện pháp điều trị và phục hồi, mà chỉ có các biện pháp làm giảm triệu chứng và tiến triển bệnh, trong đó có biện pháp sử dụng tế bào gốc từ mỡ hút.
Trong điều trị ung thư nói chung, ung thư vú nói riêng, xạ trị và/hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u là liệu pháp tất yếu để tiêu diệt và loại bỏ tế bào ung thư nhằm kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Tuy nhiên, tác dụng phụ của các liệu pháp này lại không thể bỏ qua khi nó làm mất tính toàn vẹn của hệ bạch huyết xung quanh vùng có khối u. Do đó, nhiều nghiên cứu để cải thiện tình trạng phù bạch huyết sau điều trị ung thư vú bằng cách lấy tế bào gốc mỡ hút đã được đưa ra.
1. Tế bào gốc từ mỡ hút (liposuction) cải thiện tình trạng phù bạch huyết
Mới đây, theo một công bố kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sau 4 năm của nhóm các nhà khoa học tại Đại học Nam Đan Mạch trên tạp chí Stem Cells Translational Medicine thì tế bào tái tạo có nguồn gốc từ mỡ (Adipose‐derived regenerative cells ADRCs) và cấy ghép mô mỡ tự thân (lipotransfer) là an toàn và khả thi trong cải thiện chức năng cánh tay của người bị chứng phù bạch huyết liên quan đến ung thư vú. Việc điều trị đã làm giảm các triệu chứng phù bạch huyết và hiệu quả điều trị được duy trì đến 4 năm sau phẫu thuật [2].
Công bố cho biết, các nhà khoa học đã tiến hành điều trị cho 10 bệnh nhân BCRL bằng cách sử dụng ADRCs và ghép mỡ giải phóng sẹo tại vùng nách. Các bệnh nhân tham gia thử nghiệm đều thỏa mãn các điều kiện sau:
Điều kiện 1: Từ 18 đến 70 tuổi;
Điều kiện 2: Bị phù một bên cánh tay giai đoạn I hoặc II theo hệ thống phân loại ISL (International Society of Lymphology ISL) [3], cụ thể:
- Phù giai đoạn I: Là sự tích tụ sớm của chất lỏng có hàm lượng protein tương đối cao, có thể nhận thấy hiện tượng sưng bằng mắt thường. Tình trạng sưng tấy có thể giảm bớt tạm thời bằng cách nâng cao chi, tuy nhiên sẽ trở lại khi chi trở về vị trí bình thường.
- Phù giai đoạn II: Là sự gia tăng sưng tấy và thay đổi các mô. Lúc này việc nâng cao chi sẽ không giúp làm giảm sưng, các mô trở nên xơ cứng. Khi có áp lực trên bề mặt chi chỉ tạo ra vết lõm nhẹ hoặc không hề bị lõm vào. Đồng thời, những thay đổi về mô ở giai đoạn này làm tăng nguy cơ sưng tấy, xơ hóa, nhiễm trùng và các vấn đề về da.
Điều kiện 3: Không tái phát tối thiểu 1 năm;
Điều kiện 4: Chênh lệch chu vi giữa cánh tay khỏe mạnh và cánh tay bị phù không quá 2cm;
Điều kiện 5: Đạt điểm thể chất 1 hoặc 2 theo thang phân loại ASA (American Society of Anesthesiologists ASA – Hiệp hội các bác sỹ gây mê Mỹ) [4], cụ thể:
- 1 điểm: Bệnh nhân khỏe mạnh bình thường, chỉ số BMI dưới 30, không hút thuốc và có tập thể dục.
- 2 điểm: Bệnh nhân mắc bệnh toàn thân nhẹ. Ví dụ, bệnh nhân không có hạn chế về chức năng và bệnh đã mắc được kiểm soát tốt (chẳng hạn bệnh tăng huyết áp đã điều trị, béo phì có BMI nhỏ hơn 35, thường xuyên uống rượu hoặc hút thuốc lá).
Điều kiện 6: Xác nhận đồng ý tham gia thử nghiệm bằng văn bản.
Điều kiện 7: Tiêu chí loại trừ như: tiền sử mắc các bệnh ung thư khác, bệnh đái tháo đường, các vấn đề về tâm thần có thể cản trở quá trình tham gia và việc sử dụng thuốc lá.
Tất cả các bệnh nhân được truyền ADRCs và theo dõi trong các khoảng thời gian 1, 3, 6, 12, 24, 48 tháng sau đó. Tiêu chí theo dõi chính là kích thước cánh tay. Tiêu chí phụ là yếu tố an toàn, sự thay đổi các triệu chứng, chất lượng cuộc sống, viêm mô tế bào và phương pháp điều trị bảo tồn. Theo đó, không có sự suy giảm đáng kể về thể tích phù, tuy nhiên bản thân các bệnh nhân đã báo cáo rằng tình trạng khuyết tật chi trên, sức nặng và căng của cánh tay đã được cải thiện [2].
2. Phương pháp thực hiện
Việc hút mỡ từ cơ thể người tham gia thử nghiệm được thực hiện với việc gây mê toàn thân thay vì gây tê cục bộ vì ảnh hưởng của các chất này lên ADRCs là không chắc chắn [5]. Mỡ được lấy từ vùng bụng hoặc đùi tùy theo sự sẵn có của mô mỡ và/hoặc nguyện vọng của bệnh nhân bằng phương pháp hút mỡ hỗ trợ bằng tia nước. Việc hút mỡ diễn ra trong khoảng 15 phút để thu thập khoảng 300mL mỡ cho mục đích ghép mỡ giải phóng sẹo và chiết xuất ADRCs. Khoảng 30ml mỡ sẽ được dùng để cấy ghép bằng phương pháp ghép mỡ giải phóng sẹo tại vùng nách. Phần còn lại được sử dụng để phân lập ADRCs bằng cách sử dụng hệ thống tự động Celution 800/CRS. Sau đó, 4ml ADRCs sẽ được tiêm vào vùng nách, ở cùng khu vực và độ sâu nơi ghép mỡ.
XEM THÊM: Xạ Trị Vú: Thông tin dành cho bệnh nhân
3. Kết quả thử nghiệm nói gì?
Các nhà khoa học đã yêu cầu các bệnh nhân tham gia thử nghiệm đánh giá cảm giác nặng nề và căng thẳng ở cánh tay nổi hạch. Họ thu thập báo cáo của các bệnh nhân thông qua hai bảng câu hỏi:
- Bảng câu hỏi về Chất lượng cuộc sống cho bệnh phù bạch huyết (Quality of Life Measure for lymphoedema - LYMQOL) [6]: Gồm 28 mục được phân loại thành bốn lĩnh vực: triệu chứng, ngoại hình, chức năng và tâm trạng. Mỗi mục sau đó được cho điểm theo thang điểm Likert 4 từ 1 đến 4. Điểm 1 có nghĩa là bệnh nhân không bị làm phiền gì và điểm 4 có nghĩa là bệnh nhân bị làm phiền nhiều. Mục cuối cùng trong LYMQOL là thang điểm số đánh giá chất lượng cuộc sống tổng thể được đánh giá từ 0 đến 10, trong đó 0 biểu thị chất lượng cuộc sống kém và 10 biểu thị chất lượng cuộc sống tuyệt vời.
- Bảng câu hỏi về Khuyết tật của Cánh tay, Vai và Bàn tay (Disabilities of Arm, Shoulder, and Hand - DASH) [7] là một bảng câu hỏi về chức năng chi trên được dịch và xác nhận bằng tiếng Đan Mạch bao gồm 30 mục đánh giá các hoạt động và triệu chứng liên quan đến chi trên. Mỗi hạng mục được chấm theo thang điểm Likert 4 ‐ từ 0 đến 4, lần lượt được chuyển thành thang điểm 0 đến 100 cho khuyết tật hoặc các triệu chứng của bàn tay, cánh tay và vai. Điểm 0 có nghĩa là bệnh nhân không bị làm phiền, và điểm 100 có nghĩa là bệnh nhân bị làm phiền rất nhiều.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng tìm hiểu thông tin về vấn đề viêm mô tế bào (cellulitis) và điều trị bảo tồn phù bạch huyết (conservative lymphedema treatment).
- Các bệnh nhân có từng điều trị viêm mô tế bào ở cánh tay bị phù hay chưa kể từ khi được chẩn đoán phù bạch huyết.
- Các bệnh nhân có sử dụng túi nén, găng tay nén, băng ép ban đêm hay thiết bị nén khí để điều trị chứng phù bạch huyết hay không? Tần suất sử dụng như thế nào?
Theo báo cáo của các bệnh nhân, đã có một số cải thiện tập trung vào tình trạng khuyết tật của cánh tay, vai, bàn tay và cải thiện cảm giác nặng nề, căng thẳng ở cánh tay [2]. Cụ thể như sau:
- Có sự cải thiện rõ rệt trong tình trạng khuyết tật của cánh tay, vai và bàn tay. Điểm DASH giảm từ 21,25 tại thời điểm bắt đầu xuống 9,17 tại tháng thứ 48.
- Độ nặng của cách tay giảm từ 5,5 xuống 3,5 tại cuối chu kỳ theo dõi.
- Độ căng của cánh tay giảm từ 5,00 lúc ban đầu xuống 3,00 sau 12 tháng và 2,00 sau 4 năm.
- Không thay đổi nhiều về chất lượng cuộc sống.
- Không thay đổi chức năng.
- Không thay đổi rõ rệt về ngoại hình từ đầu tới cuối chu kỳ.
- Không thay đổi về các triệu chứng.
- Không thay đổi về tâm trạng liên quan đến phù bạch huyết.
Về viêm mô tế bào, 5 trong số 10 bệnh nhân trước đó đã bị viêm mô tế bào ở cánh tay nổi hạch của họ. Sau khi điều trị, không có trường hợp nào bị viêm mô tế bào trong năm đầu tiên. Nhìn chung, tỷ lệ mắc bệnh viêm mô tế bào hàng năm giảm từ mức trung bình ± SD là 0,92 ± 1,34 mỗi năm trước khi điều trị xuống 0,46 ± 0,81 mỗi năm sau khi điều trị. Tuy nhiên, mức giảm không hoàn toàn đạt được ý nghĩa thống kê ( P = 0,065; hình dưới) [2].
Về phương pháp điều trị bảo tồn bằng liệu pháp nén ngoài: 01 bệnh nhân đã ngừng sử dụng bao tay và găng tay nén; 01 bệnh nhân đã giảm tần suất sử dụng quần áo nén; 01 bệnh nhân ngừng sử dụng găng tay nén; 01 bệnh nhân đã ngừng sử dụng tất cả các thiết bị nén; 01 bệnh nhân giảm mức độ của băng nén trên cánh tay.
Nhìn chung, 5/10 bệnh nhân cảm thấy chứng phù bạch huyết của họ được cải thiện đáng kể sau khi điều trị, còn tất cả 10 bệnh nhân đều cảm thấy cánh tay bị phù bạch huyết của họ bớt sưng hơn. Bốn trong số đó cảm thấy sự cải thiện này có ý nghĩa tới mức họ sẽ lặp lại phương pháp điều trị này để đạt được kết quả điều trị tốt hơn. Đồng thời, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào xảy ra trong quá trình điều trị.
4. Kết luận
Những cải thiện chủ quan tích cực không chuyển thành giảm thể tích phù bạch huyết mà là cải thiện trình trạng khuyết tật của cánh tay và cảm nhận của bệnh nhân về sức nặng và căng tay. Ngoài ra, tái định hình vùng nách và truyền mỡ đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm sẹo xơ và kết dính sau phẫu thuật, xạ trị và giảm tình trạng phù bạch huyết [8,9]. Trong nghiên cứu nói trên, những cải thiện chủ quan là ổn định trong suốt chu kỳ theo dõi 4 năm sau khi chỉ can thiệp một lần. Thông thường, cần nhiều hơn một phiên truyền mỡ lipotransfer để đạt được giải phóng vết sẹo như ý.
ADRCs cũng điều chỉnh giảm viêm và oxidative stress đã được chứng minh là làm tăng sự hình thành bạch huyết trong các tế bào nội mô dưới da của bệnh nhân đã từng xạ trị [10]. Các đặc tính tích lũy miễn dịch này của ADRC có thể giải thích những cải thiện bất ngờ trong bệnh viêm mô tế bào đạt được ở tất cả năm bệnh nhân bị viêm mô tế bào hiện có tại thời điểm can thiệp. Ngoài ra, không ghi nhận bệnh nhân không có tiền sử viêm mô tế bào phát triển thành viêm mô tế bào trong suốt 4 năm theo dõi. Bên cạnh đó, phù bạch huyết thường diễn tiến xấu đi nếu không tuân thủ liệu pháp nén trong điều trị bảo tồn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng phù bạch huyết đã ổn định, ngay cả khi một số bệnh nhân từ chối hoặc chấm dứt điều trị bằng phương pháp nén. Đây cũng là một lợi ích đáng kể của việc điều trị.
5. Tế bào gốc từ mỡ hút có thể được lưu trữ tại đâu ở Việt Nam?
Ngân hàng Mô Vinmec được tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật phân lập, nuôi cấy tăng sinh và bảo quản tế bào gốc trung mô từ mô mỡ và dây rốn từ Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec, đơn vị tiên phong về nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực Y Sinh học tại Việt Nam.
Tại Vinmec, bên cạnh việc lưu trữ máu cuống rốn, dây rốn thì các tế bào gốc từ mô mỡ đều được lưu trữ trong các ống nhỏ chuyên dụng, bảo quản lạnh trong điều kiện âm sâu (-196 độ C) cho phép sử dụng nhiều phương pháp điều trị và các mẫu có thể được giã đông độc lập vào các thời điểm khác nhau. Khi cần sử dụng, khách hàng có thể sử dụng lượng tế bào đã được phân tách sẵn hoặc chỉ lấy một phần nhỏ để nuôi cấy tăng sinh. Với mô dây rốn, trong đó có chứa nhiều loại tế bào gốc cũng sẽ được khách hàng sử dụng trong các liệu pháp tế bào để chữa trị cho em bé và gia đình trong tương lai.
Để biết rõ hơn về các dịch vụ liên quan tới lưu trữ Tế bào gốc, bạn có thể liên hệ tới Ngân hàng Mô Vinmec theo thông tin:
Ngân hàng Mô Vinmec - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
458 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam
Tel: 0936246199
Email: v.biobank@vinmec.com
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/phong-ngu-phu-tay-sau-dieu-tri-ung-thu-vu-1/
- Adipose‐derived regenerative cells and lipotransfer in alleviating breast cancer‐related lymphedema: An open‐label phase I trial with 4 years of follow‐up
- http://www.lymphnotes.com/article.php/id/474/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK441940/
- Dregalla RC, Lyons NF, Reischling PD, Centeno CJ. Amide‐type local anesthetics and human mesenchymal stem cells: clinical implications for stem cell therapy. stem cells translational med. 2014;3:365‐374. https://stemcellsjournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.5966/sctm.2013-0058
- Keeley V, Crooks S, Locke J, et al. A quality of life measure for limb lymphoedema (LYMQOL). J Lymphoedema. 2010;5:27‐37.
- http://oro.open.ac.uk/32567/1/JoL_Quality_of_Life_Measures.pdf
- Schønnemann JO, Larsen K, Hansen TB, Søballe K. Reliability and validity of the Danish version of the disabilities of arm, shoulder, and hand questionnaire in patients with fractured wrists. J Plast Surg Hand Surg. 2011;45:35‐39. 7.
- https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.3109/2000656X.2011.554708?journalCode=iphs20
- Marx M, Geßner M, Florek A, et al. Re‐augmentation of the axilla using a turn‐over flap – a new approach for the surgical treatment of secondary lymphedema after breast cancer. Geburtshilfe Frauenheilkd. 2020;80:526‐531.
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7234824/
- Maruccia M, Elia R, Ciudad P, et al. Postmastectomy upper limb lymphedema: combined vascularized lymph node transfer and scar release with fat graft expedites surgical and patients' related outcomes. A retrospective comparative study. J Plast Reconstr Aesthet Surg. 2019;72:892‐901.
- https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1748681519300622
- Saijo H, Suzuki K, Yoshimoto H, Imamura Y, Yamashita S, Tanaka K. Paracrine effects of adipose‐derived stem cells promote lymphangiogenesis in irradiated lymphatic endothelial cells. Plast Reconstr Surg. 2019;143:1189e‐1200e.
- https://journals.lww.com/plasreconsurg/Abstract/2019/06000/Paracrine_Effects_of_Adipose_Derived_Stem_Cells.22.aspx