Ung thư tuyến giáp di căn sống được bao lâu là câu hỏi mà nhiều bệnh nhân và gia đình quan tâm khi đối diện với căn bệnh này. Thời gian sống phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại ung thư, mức độ di căn, khả năng điều trị và sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể giúp kéo dài thời gian sống của người bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Ung thư tuyến giáp di căn là gì?
Trước khi trả lời câu hỏi "ung thư tuyến giáp di căn sống được bao lâu", chúng ta cần hiểu rõ về tình trạng này.
Ung thư tuyến giáp di căn là tình trạng các tế bào ung thư từ tuyến giáp lan sang các hạch bạch huyết gần cổ, chiếm khoảng 50% - 60% trường hợp. Ngoài ra, ung thư tuyến giáp cũng có thể di căn xa, xâm lấn đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Các tế bào ung thư có thể lan rộng qua hệ thống bạch huyết hoặc máu, xâm nhập vào các cơ quan lân cận như cơ, mạch máu, dây thần kinh, các hạch vùng cổ, khí quản và thực quản. Ngoài ra, các tế bào này có thể di chuyển xa hơn tới các cơ quan khác như phổi, xương, não và gan. Di căn có thể được phát hiện ngay từ khi bệnh nhân được chẩn đoán lần đầu hoặc xuất hiện sau một thời gian điều trị.
Ung thư tuyến giáp là một trong những loại ung thư ít đáng lo ngại nhất. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ để tầm soát ung thư tuyến giáp là vô cùng quan trọng.

2. Ung thư tuyến giáp di căn có nguy hiểm không?
Một trong những khó khăn của việc phát hiện ung thư tuyến giáp là các triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng, khiến nhiều người nhầm lẫn với bệnh bướu cổ đơn thuần và chủ quan không điều trị.
Các tế bào ung thư tuyến giáp có thể di căn đến một số bộ phận khác trong cơ thể, bao gồm gan, phổi, não và xương. Tình trạng di căn này ảnh hưởng trực tiếp đến tiên lượng và phương pháp điều trị. Tùy thuộc vào mức độ di căn và sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhằm kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
3. Chẩn đoán ung thư tuyến giáp di căn
Nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi khám các bệnh lý khác hoặc làm các xét nghiệm đánh giá giai đoạn của ung thư tuyến giáp. Một số trường hợp khác có thể phát hiện dấu hiệu di căn khi bệnh nhân tái khám định kỳ sau lần điều trị ung thư tuyến giáp trước đó. Lúc này, bệnh nhân có thể có các triệu chứng bất thường hoặc không có dấu hiệu nào rõ ràng. Để xác định chính xác tình trạng và mức độ di căn, bác sĩ thường chỉ định các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra chức năng tuyến giáp qua các chỉ số TSH, FT4, FT3.
- Chỉ dấu ung thư: Tg và Anti-Tg được sử dụng để theo dõi sau điều trị, tuy nhiên ít hữu ích trong chẩn đoán ban đầu. Một số chỉ số khác như CEA và Calcitonin có thể hỗ trợ trong việc chẩn đoán ung thư tuyến giáp dạng tủy.
- Siêu âm cổ: Phương pháp này ít xâm lấn, chi phí thấp, giúp đánh giá kích thước, tính chất của khối u và tình trạng các hạch vùng cổ. Siêu âm còn hỗ trợ sinh thiết bằng kim nhỏ hoặc lõi kim ở các tổn thương nghi ngờ.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Được sử dụng để xác định kích thước, đặc điểm, mức độ xâm lấn của khối u và các vị trí di căn.
- Sinh thiết: Đây là phương pháp "tiêu chuẩn vàng" để chẩn đoán ung thư. Có nhiều phương pháp sinh thiết khác nhau, bao gồm: sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA), lõi kim (core biopsy) hoặc phẫu thuật, tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, các kỹ thuật hình ảnh khác như chụp xạ hình tuyến giáp, cộng hưởng từ (MRI) hoặc PET-CT cũng có thể được sử dụng để đánh giá thêm mức độ tiến triển của bệnh.

4. Ung thư tuyến giáp di căn sống được bao lâu?
Ung thư tuyến giáp di căn sống được bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại ung thư, giai đoạn bệnh, thể trạng của bệnh nhân, các bệnh nền kèm theo và mức độ đáp ứng với điều trị. Nói chung, cơ hội sống sót cao hơn nếu bệnh được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp nhằm kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Dưới đây là tiên lượng sống sau 5 năm cho một số loại ung thư tuyến giáp phổ biến:
- Ung thư tuyến giáp dạng nhú: Tỷ lệ sống 5 năm ở giai đoạn tiến triển tại chỗ là 99%, di căn xa là 75%.
- Ung thư tuyến giáp dạng nang: Tỷ lệ sống 5 năm ở giai đoạn tiến triển tại chỗ là 98%, di căn xa là 63%.
- Ung thư tuyến giáp dạng tủy: Tỷ lệ sống 5 năm ở giai đoạn tiến triển tại chỗ là 90%, di căn xa là 40%.
- Ung thư tuyến giáp dạng không biệt hóa: Tỷ lệ sống 5 năm ở giai đoạn tiến triển tại chỗ là 9%, di căn xa là 4%.
5. Điều trị ung thư tuyến giáp di căn
Đối với ung thư tuyến giáp dạng biệt hóa, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp nếu chưa thực hiện. Sau đó, liệu pháp I-131 (I-od phóng xạ) và điều trị nội tiết với Levothyroxine sẽ được tiếp tục. Nếu bệnh không đáp ứng với các phương pháp trên hoặc không phù hợp, bác sĩ có thể xem xét các liệu pháp nhắm trúng đích như Lenvatinib, Sorafenib hoặc liệu pháp miễn dịch với Pembrolizumab.

Với ung thư tuyến giáp dạng tủy, ngoài phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị tại chỗ bằng đốt u bằng sóng cao tần (RFA). Vì loại ung thư này không đáp ứng với liệu pháp I-od phóng xạ, nếu không thể phẫu thuật hoặc bệnh tiến triển sau điều trị, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp nhắm trúng đích như Cabozatinib, Vandetanib hoặc liệu pháp miễn dịch với Pembrolizumab.
Ung thư tuyến giáp không biệt hóa là loại ung thư rất nguy hiểm, tiến triển nhanh và hiện chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, một số phương pháp hỗ trợ như thuốc chống hủy xương (Zoledronic acid, Denosumab) cho bệnh nhân ung thư di căn xương hoặc xạ trị để kiểm soát triệu chứng có thể được chỉ định.

6. Các phương pháp phòng ngừa ung thư tuyến giáp
Mặc dù chưa có cách nào ngăn ngừa hoàn toàn ung thư tuyến giáp, nhưng mọi người có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách thực hiện một số biện pháp đơn giản:
- Sử dụng đồ bảo hộ khi tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại hoặc tia bức xạ.
- Duy trì lối sống năng động, tập thể dục đều đặn và giữ cân nặng ở mức hợp lý.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng như trái cây, rau củ tươi. Đồng thời, bổ sung đủ I-ốt và hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, rượu bia, thực phẩm chế biến sẵn.
- Ngưng hút thuốc lá.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ và chủ động khám bệnh khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Như vậy, bài viết trên cũng đã giải đáp thắc mắc ung thư tuyến giáp di căn sống được bao lâu. Nhìn chung, ung thư tuyến giáp có tiên lượng sống khả quan nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, khi bệnh được phát hiện muộn và tế bào ung thư đã di căn đến các hạch vùng cổ hoặc lan ra các cơ quan khác, tình trạng này không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh.
Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện cơ hội sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.