Điều trị ung thư tuyến giáp là quá trình lâu dài, phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, lựa chọn của bệnh nhân và lộ trình điều trị của bác sĩ chuyên ngành. Ngoài ra, việc tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng có thể được xem là một phần của điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân ở mọi giai đoạn của ung thư. Bài viết dưới đây sẽ cho chúng ta hiểu rõ các phương pháp thường được áp dụng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về phương pháp điều trị
Trong hầu hết các trường hợp mắc ung thư tuyến giáp, một nhóm các chuyên gia sẽ cùng thảo luận để xây dựng một phác đồ điều trị toàn diện, kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau.
Trong điều trị ung thư tuyến giáp, nhóm chuyên gia này sẽ bao gồm các bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ ung bướu, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ nội tiết… cùng với một đội ngũ chăm sóc ung thư bao gồm trợ lý bác sĩ, y tá, điều dưỡng, dược sĩ, chuyên gia dinh dưỡng…
Ung thư tuyến giáp thường cần được điều trị thông qua sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau, không phải chỉ một phương pháp duy nhất. Sự lựa chọn các phương pháp này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Loại và giai đoạn của ung thư tuyến giáp.
- Các tác dụng phụ có thể xảy ra từ các phương pháp điều trị.
- Yêu cầu và mong muốn của bệnh nhân cũng như người nhà.
- Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Bệnh nhân cũng có quyền đề xuất phương pháp điều trị, những mong muốn trong quá trình điều trị và được thông báo rõ ràng về mục tiêu của quá trình điều trị.
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp thường được các chuyên gia lựa chọn dựa trên các tiêu chuẩn đã được thiết lập. Mặc dù phần lớn các trường hợp ung thư tuyến giáp có thể được điều trị thành công, nhưng sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về cách tiếp cận điều trị, đặc biệt là việc lựa chọn phương pháp nào và thực hiện vào thời điểm nào.
2. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp
2.1. Phương pháp phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp để loại bỏ hoàn toàn khối u và một phần của tuyến giáp xung quanh, được sử dụng làm phương pháp chính cho hầu hết các ca ung thư tuyến giáp. Các lựa chọn phẫu thuật thường phụ thuộc vào kích thước của khối u, bao gồm:
- Cắt một bên thùy tuyến giáp chứa khối u: Tuyến giáp gồm hai thùy, trái và phải. Phương pháp này bao gồm việc loại bỏ thùy có chứa các tế bào ung thư.
- Cắt bỏ phần lớn tuyến giáp: Phương pháp này sẽ loại bỏ gần như toàn bộ tuyến giáp, chỉ giữ lại một phần nhỏ của tuyến.
- Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp: Phương pháp này loại bỏ hoàn toàn tuyến giáp của người bệnh. Sau đó, hormone tuyến giáp sẽ được bổ sung thông qua thuốc uống hoặc tiêm.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp khác nhau được áp dụng, bao gồm:
- Phẫu thuật chuẩn: Đây là phương pháp mà bác sĩ sẽ thực hiện một đường rạch nhỏ ở giữa cổ để trực tiếp loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Tuy nhiên, kỹ thuật này hiện nay ít được sử dụng hơn do tính xâm lấn và việc để lại sẹo trên cổ.
- Phẫu thuật nội soi tuyến giáp: Phương pháp này ngày càng phổ biến, trong đó bác sĩ thực hiện một vết rạch nhỏ ở cổ để đưa ống nội soi vào. Quy trình phẫu thuật được thực hiện dựa trên hình ảnh từ camera gắn trên đầu ống nội soi.
- Phẫu thuật bằng robot: Trong phương pháp này, một vết mổ sẽ được tạo ở vị trí ít được chú ý khi để lại sẹo như nách hoặc ngực. Robot sẽ thực hiện phần lớn công việc cắt bỏ tuyến giáp bị ung thư. Tuy nhiên, phương pháp này thường không được ưu tiên cho các ca phẫu thuật ung thư tuyến giáp do một số hạn chế về kỹ thuật.
Các biến chứng của phẫu thuật tuyến giáp bao gồm sự tổn thương ở các tuyến hoặc cơ quan lân cận, tăng lượng canxi trong máu hoặc nhiễm trùng vết mổ… Nếu các dây thần kinh thanh quản bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân có thể bị mất giọng tạm thời hoặc vĩnh viễn.
2.2. Phương pháp điều trị hormone
Sau phẫu thuật tuyến giáp, bệnh nhân sẽ cần điều trị bằng liệu pháp hormone tuyến giáp trọn đời. Liệu pháp này không chỉ thay thế các hormone tuyến giáp đặc biệt là T3 và T4, mà còn giúp ức chế sự phát triển của bất kỳ tế bào ung thư nào vẫn còn sót lại sau khi cắt bỏ tuyến giáp.
Hormone thay thế thường dùng là levothyroxine dưới dạng viên nén, được chỉ định uống mỗi ngày vào cùng một thời điểm. Việc thay thế hormone tuyến giáp sẽ được thực hiện bởi bác sĩ nội tiết.
Một số tác dụng phụ của liệu pháp điều trị hormone này bao gồm các tương tác tiêu cực với các loại thuốc khác mà bệnh nhân đang dùng. Điều trị hormone cũng có thể dẫn đến tình trạng cường giáp với các triệu chứng như sút cân, nhịp tim nhanh, đau tức ngực và tiêu chảy… hoặc suy giáp, biểu hiện qua các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân và da niêm mạc khô…
Số lượng và liều lượng hormone sẽ tùy thuộc vào loại ung thư tuyến giáp, tuổi tác và tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ định kỳ theo dõi nồng độ hormone bằng các xét nghiệm máu để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.
2.3. Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp bằng phóng xạ i-ốt
Tuyến giáp là cơ quan hấp thụ đa số lượng i-ốt từ thực phẩm. Vì thế, một phương pháp xạ trị được gọi là i-ốt phóng xạ có thể được sử dụng để tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào tuyến giáp mà không cần phẫu thuật.
Xạ trị i-ốt phóng xạ thường được chỉ định cho những bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp thể nhú, u nang, và ung thư tế bào Hurthle. Phương pháp này cũng được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp biệt hóa đã di căn đến hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
Liệu pháp i-ốt phóng xạ có thể được đưa vào cơ thể bằng cách sử dụng i-ốt dưới dạng lỏng hoặc viên nén. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân thường phải nhập viện khoảng 2-3 ngày mỗi lần và cần giới hạn tiếp xúc với người khác để tránh lan truyền bức xạ có hại. Trước khi bắt đầu liệu pháp, bệnh nhân cũng được yêu cầu hạn chế i-ốt trong chế độ ăn và tạm thời ngừng sử dụng thuốc hormone tuyến giáp.
Những tác dụng phụ của liệu pháp i-ốt phóng xạ bao gồm buồn nôn hoặc nôn, đau và sưng ở vùng cổ nơi có tuyến giáp, cũng như viêm tuyến nước bọt. Ngoài ra, liều i-ốt phóng xạ cao tích lũy trong cơ thể có thể dẫn đến vô sinh, đặc biệt là ở nam giới. Phụ nữ được khuyến cáo tránh mang thai ít nhất một năm sau khi hoàn thành điều trị i-ốt phóng xạ.
2.4. Phương pháp điều trị xạ trị
Xạ trị là phương pháp dùng tia X có năng lượng cao chiếu trực tiếp vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Đối với ung thư tuyến giáp, xạ trị thường chỉ được chỉ định trong những trường hợp cụ thể, chẳng hạn như ung thư ở giai đoạn cuối khi tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận quan trọng như khí quản hay thực quản.
Xạ trị thường được thực hiện sau khi phẫu thuật, tập trung vào một khu vực nhất định và không được chỉ định cho bệnh nhân trẻ tuổi.
Tác dụng phụ của xạ trị phụ thuộc vào liều lượng và diện tích điều trị. Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm đỏ da, đau khi nói hoặc nuốt, buồn nôn và mệt mỏi... Hầu hết các tác dụng phụ này sẽ biến mất sau khi hoàn thành mỗi lần điều trị.
2.5. Phương pháp hóa trị
Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư thông qua việc ngăn chặn khả năng phát triển và phân chia của các tế bào này. Liệu pháp hóa trị thường bao gồm việc kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau để tăng hiệu quả điều trị.
Tác dụng phụ của hóa trị liệu phụ thuộc vào từng bệnh nhân và liều lượng thuốc được sử dụng. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm mệt mỏi, nhiễm trùng, buồn nôn và nôn, rụng tóc, chán ăn hoặc tiêu chảy. Giống như xạ trị, những tác dụng phụ này thường sẽ biến mất sau khi ngừng điều trị ung thư tuyến giáp.
2.6. Liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp nhắm trúng đích thường được bác sĩ khuyến nghị áp dụng khi ung thư tuyến giáp đã di căn đến các bộ phận khác và việc điều trị I-ốt phóng xạ không hiệu quả. Các loại thuốc mới như lenvatinib và sorafenib tấn công trực tiếp các tế bào ung thư và hạn chế gây ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh.
3. Cần làm gì sau khi kết thúc điều trị?
Bệnh nhân cần duy trì theo dõi thường xuyên sau khi điều trị bằng các phương pháp trên. Tái khám định kỳ 3 tháng/lần trong 2 năm đầu và 1 năm/lần trong những năm kế tiếp để kiểm tra bệnh có tái phát hay không.
Cần chú ý các triệu chứng ung thư tuyến giáp, nếu bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu đó thì nên đến gặp bác sĩ để được khám bệnh càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra và khám bệnh đúng hẹn để việc theo dõi bệnh không bị gián đoạn.
Điều trị ung thư tuyến giáp không phải lúc nào cũng hiệu quả, đặc biệt là khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn di căn. Điều cần thiết là duy trì tinh thần lạc quan và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều trị mà các bác sĩ đề ra. Mặc dù các phương pháp điều trị có thể gây ra tác dụng phụ, người bệnh không nên quá lo lắng về điều này, vì các tác dụng phụ thường sẽ giảm dần và biến mất sau khi điều trị kết thúc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cancer.net