Ung thư phổi: Những điều bạn nên biết

Mục lục

Ung thư phổi là một căn bệnh nguy hiểm và là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tử vong do ung thư ở cả nam và nữ. Bệnh thường được chẩn đoán và phát hiện ở giai đoạn muộn, khi khối u đã phát triển di căn lan rộng, làm cho việc điều trị trở nên khó khăn và hiệu quả điều trị trở nên giảm sút đáng kể, ảnh hưởng đến tiên lượng sống của người bệnh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính xảy ra khi các tế bào trong phổi phát triển bất thường, sinh sôi không kiểm soát và có khả năng di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể.

Ung thư ở phổi là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao thứ hai ở nam giới và thứ ba ở nữ giới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư.

Ung thư phổi được chia thành hai nhóm chính: ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) và ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC).

  • Ung thư phổi không tế bào nhỏ: Đây là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% các trường hợp ung thư ở phổi. Tốc độ di căn của loại ung thư này chậm hơn so với ung thư phổi tế bào nhỏ. Nếu được phát hiện sớm, bệnh có thể được điều trị hiệu quả bằng các phương pháp như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, giúp người bệnh có cơ hội chữa khỏi cao. Ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia thành ba loại phụ: ung thư phổi tuyến, ung thư ở phổi biểu mô tế bào vảy và ung thư phổi biểu mô tế bào lớn.
  • Ung thư phổi tế bào nhỏ: Loại ung thư này ít gặp hơn, chiếm khoảng 10-15% tổng số các trường hợp ung thư ở phổi, nhưng lại có đặc điểm phát triển nhanh và tiên lượng xấu hơn so với ung thư ở phổi không tế bào nhỏ. Thông thường, khi phát hiện bệnh, ung thư phổi tế bào nhỏ đã ở giai đoạn nặng. Hóa trị là phương pháp điều trị chính cho loại ung thư này, tuy nhiên hiệu quả điều trị còn hạn chế.

Hầu hết các trường hợp ung thư phổi, đặc biệt là khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, thường phát triển âm thầm và không gây triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, nhiều bệnh nhân thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ tử vong cao.

2. Các yếu tố và nguyên nhân gây ung thư phổi

2.1 Thuốc lá

Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, chiếm khoảng 80% các trường hợp mắc bệnh. Nghiên cứu cho thấy người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư ở phổi cao gấp 15 đến 30 lần so với người không hút thuốc. Các chất độc hại trong thuốc lá sẽ tồn tại lâu trong phổi, gây biến đổi tế bào phổi theo thời gian, dẫn đến sự hình thành khối u. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng có nguy cơ mắc ung thư ở phổi cao.

2.2 Thuốc lá điện tử

Nhiều người nghĩ rằng thuốc lá điện tử không gây hại cho sức khỏe, nhưng thực tế là khi sử dụng, người dùng vẫn hít vào các chất độc hại như nicotine, fomandehit, và kim loại nặng. Những loại thuốc lá điện tử có hương liệu còn chứa nhiều chất độc hại hơn, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi, bao gồm ung thư phổi.

2.3 Xì gà và thuốc lào

Ngoài thuốc lá, việc hút xì gà hay thuốc lào cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Các loại thuốc này đều chứa nhiều chất độc hại gây tổn thương phổi.

2.4 Bụi phóng xạ và chất radon

Tiếp xúc với bụi phóng xạ hoặc khí radon có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở phổi và các bệnh ung thư khác. Radon có thể xâm nhập vào các tòa nhà qua các vết nứt trên sàn, tường hoặc vết nứt nền móng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

2.5 Môi trường làm việc

Những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với amiăng (vật liệu cách nhiệt và chống cháy), diesel, asen, niken, thạch tín, berili, crom cũng có nguy cơ mắc ung thư ở phổi. Đặc biệt, người hút thuốc khi làm việc trong môi trường có amiăng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 90 lần so với người không tiếp xúc.

2.6 Ô nhiễm không khí

Tiếp xúc với ô nhiễm không khí là một yếu tố nguy cơ đáng kể, làm tăng khả năng mắc ung thư phổi và có thể làm ung thư phát triển nhanh hơn. Nghiên cứu cho thấy môi trường ô nhiễm cũng làm tăng tỷ lệ tử vong do ung thư.

2.7 Yếu tố di truyền

Nếu trong gia đình có người mắc ung thư phổi (bố mẹ, anh chị em ruột, ông bà, anh chị em ruột của bố mẹ), người đó sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Một số đột biến di truyền có thể gây phát triển tế bào mầm kèm theo ung thư biểu mô tuyến của phổi. Ngoài ra, thói quen sinh hoạt và ăn uống trong gia đình, như việc hút thuốc lá, cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

2.8 Tiền sử bệnh phổi

Những người có tiền sử mắc các bệnh phổi như lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phế quản mạn tính có thể gây viêm và sẹo ở phổi, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở phổi.

2.9 Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống không lành mạnh, đặc biệt là ăn nhiều thực phẩm chiên xào, hun khói, thức ăn nhanh và ít trái cây, rau quả giàu vitamin có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

3. Các giai đoạn của ung thư phổi

Các giai đoạn phát triển của ung thư phổi phản ánh mức độ lan rộng của khối u và tình trạng di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể. Việc xác định giai đoạn bệnh giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

3.1 Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC)

Ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia thành bốn giai đoạn chính:

  • Giai đoạn 1: Khối u trong phổi có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 5 cm, chưa di căn đến hạch lympho gần đó và chưa di căn sang các cơ quan khác.
  • Giai đoạn 2: Khối u có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 7 cm, đã di căn sang các hạch gần phổi nhưng chưa di căn xa.
  • Giai đoạn 3: Khối u có kích thước lớn hơn 7 cm hoặc có kích thước bất kỳ nhưng đã xâm lấn vào các cấu trúc xung quanh như tim, mạch máu lớn, khí quản… Tuy nhiên, ung thư chưa di căn xa.
  • Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn ung thư phổi cuối, khi khối u đã di căn sang lá phổi đối diện, di căn ra ngoài lồng ngực, có thể đến các cơ quan khác như xương, gan, não.

3.2 Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC)

Trong thực hành lâm sàng, ung thư ở phổi tế bào nhỏ được chia thành hai giai đoạn:

  • Giai đoạn khu trú: Khối u phát triển chủ yếu tại phổi và các hạch lympho vùng cùng bên phổi, chưa có di căn xa ra ngoài cơ thể.
  • Giai đoạn lan tràn: Khối u đã lan rộng ra ngoài phổi, xuất hiện các khối u ở phổi đối bên hoặc các cơ quan khác như gan, xương, não và di căn xa ngoài ngực.

4. Các dấu hiệu bệnh ung thư phổi

Các triệu chứng của ung thư phổi, bao gồm cả ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ, thường khá giống nhau và không rõ ràng, nên dễ bị bỏ qua, đặc biệt ở giai đoạn đầu.

4.1 Dấu hiệu ở giai đoạn sớm

  • Ho mạn tính: Đây là triệu chứng thường gặp nhất của ung thư ở phổi ở giai đoạn đầu, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng gặp phải dấu hiệu này.
  • Ho có đờm: Đờm có thể lẫn máu. Ho kéo dài không khỏi dù đã dùng thuốc kháng sinh.

4.2 Dấu hiệu ở giai đoạn muộn

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào vị trí và mức độ lan rộng của khối u:

  • Đau ngực: Cảm giác đau tức ngực, đau dai dẳng, có thể tăng lên khi hít sâu, cười hoặc ho.
  • Khó thở: Người bệnh có thể cảm thấy khó thở, thở gấp.
  • Viêm phổi tái diễn: Tình trạng viêm phổi lặp đi lặp lại tại một vị trí cố định.
  • Tràn dịch màng phổi.
  • Hội chứng Horner: Là tình trạng sụp mí mắt, đồng tử co nhỏ, không có mồ hôi ở một bên mặt.
  • Triệu chứng do khối u chèn ép: Khó nuốt, nuốt gây đau, khàn tiếng, cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh.
  • Dấu hiệu di căn: Ung thư di căn xương gây đau xương, gãy xương bệnh lý, hạn chế vận động. Khi di căn não, bệnh nhân sẽ gặp triệu chứng nhức đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn nhận thức và vận động. Một số bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng tại phổi nhưng khi khối u đã di căn đến các cơ quan khác, sẽ xuất hiện các triệu chứng liên quan đến vị trí di căn.
  • Suy nhược cơ thể và mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi kéo dài, không hồi phục dù đã nghỉ ngơi.
  • Sụt cân: Mất cân nhanh chóng, có thể kèm theo chán ăn hoặc không có dấu hiệu thèm ăn.

5. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bản thân gặp phải bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng bất thường nào như đã đề cập, người bệnh nên chủ động liên hệ ngay với bác sĩ để được khám và kiểm tra chuyên sâu. Việc chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng và hỗ trợ quá trình hồi phục sức khỏe nhanh chóng. 

Nếu gặp phải bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường nào nghi ngờ bản thân đã mắc ung thư phổi, hãy chủ động liên hệ với bác sĩ để được khám và kiểm tra chuyên sâu.
Nếu gặp phải bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường nào nghi ngờ bản thân đã mắc ung thư phổi, hãy chủ động liên hệ với bác sĩ để được khám và kiểm tra chuyên sâu.

6. Cách chẩn đoán ung thư phổi

Ngoài việc định hướng chẩn đoán qua các triệu chứng lâm sàng, việc xác định ung thư phổi cần được thực hiện thông qua các phương pháp cận lâm sàng, bao gồm:

  • Chụp X-quang phổi: Đây là phương pháp đầu tiên để phát hiện các bất thường trong phổi, như khối u hoặc tràn dịch phổi. Tuy nhiên, X-quang không thể phát hiện rõ ràng những tổn thương nhỏ hoặc ở các khu vực khó quan sát.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Trong trường hợp chụp X-quang không đủ rõ ràng, chụp CT là phương pháp cần thiết để phát hiện các tổn thương nhỏ và chi tiết hơn. Chụp CT giúp đánh giá tình trạng khối u, xác định khối u đã di căn hay xâm lấn sang các cơ quan hoặc cấu trúc lân cận chưa.
  • Sinh thiết phổi: Phương pháp sinh thiết giúp lấy tế bào phổi để xét nghiệm tế bào. Đây là bước chẩn đoán xác định, giúp xác định xem khối u là lành tính hay ác tính, từ đó xác định loại ung thư ở phổi cụ thể.

7. Bệnh ung thư phổi có chữa được không?

7.1 Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ

Theo thống kê từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (2010-2016), nếu ung thư phổi không tế bào nhỏ được phát hiện ở giai đoạn khu trú (khối u chỉ giới hạn trong phổi), tỷ lệ sống sót sau 5 năm có thể lên đến 63%. Tuy nhiên, nếu ung thư đã di căn xa (chẳng hạn như di căn đến phổi đối bên, não, xương, gan…), tỷ lệ sống sót sau 5 năm giảm mạnh, chỉ còn khoảng 7%.

7.2 Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ

Đây là loại ung thư phổi có tốc độ tiến triển nhanh và dễ di căn. Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn khu trú chỉ đạt khoảng 27%. Khi ung thư đã di căn xa, tỷ lệ sống sót trong 5 năm rất thấp, chỉ còn 3%.

Nếu được phát hiện sớm, cả hai loại ung thư ở phổi đều có tỷ lệ sống cao hơn, vì lúc này việc điều trị sẽ hiệu quả hơn. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm:

  • Phẫu thuật loại bỏ khối u: Phẫu thuật mang lại hiệu quả cao khi ung thư phổi còn ở giai đoạn sớm, giúp loại bỏ hoàn toàn khối u. Tuy nhiên, phương pháp này ít có hiệu quả khi ung thư đã tiến triển hoặc di căn.
  • Hóa trị: Là phương pháp điều trị phổ biến, giúp ngăn chặn sự phát triển và tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể được sử dụng để điều trị ung thư ở phổi ở các giai đoạn khác nhau.
  • Xạ trị: Sử dụng tia phóng xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc thu nhỏ khối u. Phương pháp này thường được áp dụng khi phẫu thuật không khả thi hoặc để hỗ trợ điều trị sau phẫu thuật.
  • Điều trị triệu chứng: Đây là phương pháp điều trị bổ sung, được kết hợp với các phương pháp chính để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân, đồng thời giảm thiểu các biến chứng do điều trị gây ra, từ đó giúp tăng hiệu quả điều trị.

8. Các biện pháp làm giảm nguy cơ ung thư phổi

Ung thư phổi là một bệnh lý rất nguy hiểm, tuy không thể phòng tránh hoàn toàn, nhưng dựa vào những nguyên nhân gây bệnh, chúng ta có thể thực hiện các biện pháp dự phòng để giảm nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc: Đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc giảm nguy cơ ung thư ở phổi. Nếu có thể bỏ thuốc lá, sau 10 năm, một người có thể giảm nguy cơ mắc ung thư phổi xuống còn một nửa. Bên cạnh đó, việc bỏ thuốc cũng giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác.
  • Không hút thuốc lá điện tử, xì gà hay thuốc lào: Các sản phẩm này cũng chứa nhiều chất độc hại, có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở phổi.
  • Tránh tiếp xúc với tia bức xạ: Tia bức xạ là yếu tố có thể gây hại cho phổi và tăng nguy cơ ung thư. Vì vậy, cần hạn chế tiếp xúc với các nguồn tia xạ không cần thiết.
  • Giữ môi trường sống và làm việc thông thoáng: Đảm bảo không gian sống và làm việc luôn sạch sẽ, thông thoáng để hạn chế khói bụi. Nếu có thể, nên tránh tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm không khí.
  • Bảo vệ an toàn trong môi trường làm việc: Khi làm việc với hóa chất độc hại, chất khí độc hoặc các vật liệu có nguy cơ gây ung thư, cần sử dụng đầy đủ các biện pháp bảo hộ lao động để giảm thiểu tác động của các chất này đối với sức khỏe.
  • chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng: Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và thực phẩm giàu vitamin. Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên xào. Ngoài ra, nên duy trì lối sống tích cực với việc luyện tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe.
  • Khám sức khỏe và tầm soát ung thư phổi định kỳ: Việc khám sức khỏe tổng quát và thực hiện tầm soát ung thư ở phổi định kỳ là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện sớm bệnh. Phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống sót. Vì các triệu chứng của ung thư ở phổi không đặc hiệu và thường giống với các bệnh lý phổi khác, việc tầm soát ung thư phổi thông qua các phương pháp cận lâm sàng sẽ giúp chẩn đoán chính xác và phát hiện bệnh kịp thời. 
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học là một trong những biện pháp phòng ngừa ung thư phổi hiệu quả.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học là một trong những biện pháp phòng ngừa ung thư phổi hiệu quả.

Ung thư phổi là một căn bệnh nguy hiểm và là một trong những loại ung thư phổ biến nhất cả ở Việt Nam và trên thế giới. Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc ung thư ở phổi, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp cải thiện chất lượng sống và tăng tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ