Ung thư dẫn đến tiêu chảy là một hiện tượng không dễ chịu, thường xảy ra ở những người đang chịu điều trị bệnh. Khi cơ thể đối mặt với căng thẳng từ quá trình điều trị, hệ thống tiêu hóa có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân ung thư dẫn đến tiêu chảy
Đôi khi mọi người bị tiêu chảy do các tác nhân như vi khuẩn, virus hoặc các vấn đề liên quan đến tiêu hóa. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân ung thư thì ngoài những nguyên nhân trên, tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân đặc biệt hơn, bao gồm:
- Điều trị ung thư: Một số phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm mục tiêu và cấy ghép tủy xương có thể gây tiêu chảy. Phẫu thuật cũng có thể làm tăng nguy cơ tiêu chảy nếu một phần của ruột bị cắt bỏ.
- Nhiễm trùng: Điều trị ung thư có thể làm cho bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và trong số đó có thể gây ra tiêu chảy. Các loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng để chữa trị các bệnh nhiễm trùng cũng có thể gây ra tiêu chảy.
- Tiêu chảy do chính bệnh ung thư gây ra: Một số loại ung thư như khối u thần kinh nội tiết, ung thư ruột kết, ung thư hạch, ung thư tuyến giáp thể tuỷ và ung thư tuyến tụy cũng có thể gây tiêu chảy.
Thời gian và mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ về những triệu chứng đang gặp phải cũng như cách giảm nhẹ các triệu chứng này.
2. Người bệnh ung thư dẫn đến tiêu chảy cần làm gì?
Khi bệnh nhân ung thư gặp tình trạng tiêu chảy, điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng. Dưới đây là 5 lời khuyên hữu ích:
- Uống nhiều các loại nước: Tình trạng tiêu chảy kéo dài dẫn đến mất nước, điện giải và chất khoáng. Vì thế, khi vừa mới bắt đầu tiêu chảy, người bệnh nên uống thật nhiều nước, trung bình từ 8 - 12 cốc (2 - 3 lít nước) nước mỗi ngày. Nếu tình trạng nghiêm trọng, bệnh nhân nên cân nhắc bổ sung thêm nước muối khoáng, chất điện giải. Hạn chế sử dụng các sản phẩm làm từ sữa.
- Ăn thực phẩm ít chất xơ: Khi tình trạng tiêu chảy cải thiện, hãy bổ sung thực phẩm ít chất xơ vào chế độ ăn uống như chuối, cơm và bánh mì nướng.
- Chia khẩu phần ăn thành 6 - 8 bữa nhỏ trong ngày để tránh hệ tiêu hóa hoạt động quá tải.
- Hạn chế các thực phẩm kích ứng đường tiêu hóa như sản phẩm làm từ sữa, thức ăn cay, rượu, thực phẩm giàu chất béo và đồ uống chứa Caffeine, nước cam hoặc nước ép mận.
- Sử dụng chế phẩm sinh học như probiotic có thể giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Probiotic thường được tìm thấy trong sữa chua và thực phẩm bổ sung, bao gồm lactobacillus và bifidobacteria. Bệnh nhân nên bổ sung sữa chua vào bữa ăn để cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Nếu bệnh nhân đã ghép tủy xương, hãy thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng chế phẩm này.
- Ngủ đủ giấc và cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng việc đặt một chiếc khăn hoặc túi chườm ấm lên bụng để bệnh nhân cảm thấy thư giãn, dễ chịu hơn và giảm bớt cơn co thắt bụng.
Khi bệnh nhân cảm thấy tốt hơn, hãy từ từ trở lại chế độ ăn uống thông thường.
Khi bệnh ung thư dẫn đến tiêu chảy, việc bảo vệ da rất quan trọng. Tiêu chảy thường xuyên có thể gây kích ứng da ở vùng hậu môn. Để giảm tình trạng này, người bệnh nên sử dụng nước ấm hoặc khăn lau cho trẻ em hoặc khăn lau tắm để làm sạch khu vực này, đồng thời nhớ lau khô nhẹ nhàng.
Ngoài ra, sau khi làm sạch và lau khô vùng da hậu môn, việc sử dụng thuốc mỡ không thấm nước như thuốc mỡ chứa dầu hỏa có thể giúp kiểm soát tình trạng kích ứng da hiệu quả.
3. Tình trạng tiêu chảy như thế nào thì nên gặp bác sĩ?
Ung thư dẫn đến tiêu chảy có thể chỉ gây khó chịu hoặc là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng, gây ra suy nhược và mệt mỏi.
Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bệnh nhân gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng sau đây:
- Đi tiêu phân lỏng trên sáu lần mỗi ngày trong hơn hai ngày.
- Phát hiện máu trong phân hoặc khu vực trực tràng.
- Sụt cân do tiêu chảy.
- Sốt từ 38 độ C trở lên.
- Mất khả năng kiểm soát nhu động ruột.
- Tiêu chảy hoặc đau bụng kéo dài hơn một ngày.
- Tiêu chảy kèm chóng mặt, đặc biệt khi đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc nằm.
Ngoài ra, hãy gặp bác sĩ nếu bệnh nhân đang sử dụng hóa trị dưới dạng viên và gặp tiêu chảy. Bác sĩ sẽ quyết định liệu việc tiếp tục sử dụng thuốc hóa trị có an toàn không.
Quá trình điều trị ung thư dẫn đến tiêu chảy có thể là một vấn đề nghiêm trọng. Mặc dù có thể cảm thấy xấu hổ khi thảo luận về điều này nhưng điều quan trọng là bệnh nhân phải chia sẻ vấn đề này với bác sĩ của mình. Việc thông báo sớm sẽ giúp bác sĩ của bệnh nhân có thể đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời để giảm các triệu chứng của bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.