Bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu đã trở thành câu hỏi của rất nhiều người bệnh. Nhìn chung, đây là một căn bệnh ung thư khá phổ biến ở cả Việt Nam và trên toàn cầu. Vì thế, việc biết được thời gian sống khi mắc bệnh và các yếu tố ảnh hưởng sẽ giúp bệnh nhân có kế hoạch điều trị phù hợp. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết sau nhé!
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đào Đức Dũng - Khoa Ngoại Tiêu hóa - Gan mật - Tiết niệu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
1. Bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu?
“Ung thư đại tràng có nguy hiểm không”, “mắc ung thư đại tràng sống được bao lâu” hay “bị ung thư đại tràng có chữa được không” đang là thắc mắc của rất nhiều người bệnh. Tuy nhiên, câu trả lời cho vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, hai yếu tố then chốt là tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và giai đoạn của bệnh.
Mặc dù ung thư đại tràng không được nhắc đến nhiều như những bệnh ung thư khác (chẳng hạn như ung thư gan, ung thư phổi,...) nhưng đây vẫn là một căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao trên toàn cầu.
Bệnh ung thư đại tràng sẽ có 3 mức độ khác nhau, bao gồm:
- Ung thư đại tràng ở lớp bề mặt: Lúc này, tế bào ung thư chỉ xâm lấn đến các cơ của thành đại tràng. Các khối u chưa lan sang các vị trí xung quanh.
- Khối u đã lan ra xung quanh đại tràng.
- Ung thư đại tràng di căn sang các cơ quan khác bên trong cơ thể như gan, phổi,..
Tuỳ vào giai đoạn của bệnh, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người bệnh sẽ khác nhau.
- Ở giai đoạn ung thư chỉ ở lớp bề mặt, tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân có thể lớn hơn 90%.
- Ở giai đoạn khối u đã lan ra xung quanh đại tràng, tỷ lệ sống sau 5 năm sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 70%.
- Ở giai đoạn di căn, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 15%.
Nếu sau 5 năm, bệnh không tái phát lại thì người bệnh được coi là triệt căn. Vì thế, khi phát hiện bệnh, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tăng hiệu quả.
Bên cạnh các giai đoạn bệnh, còn có nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót. Theo các nghiên cứu, một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ sống sót của người mắc ung thư đại tràng bao gồm:
- Dây thần kinh tầng sinh môn, dây thần kinh đáy chậu đã bị xâm lấn bởi ung thư hay chưa.
- Tế bào ác tính đã di căn xa hay chưa.
- Tuổi tác của người bệnh.
Nhìn chung, bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu sẽ phụ thuộc vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn. Vì thế, những bệnh nhân trên 45 tuổi nên tiến hành tầm soát ung thư đại tràng định kỳ.
Ngoài ra, một số bệnh nhân thuộc các trường hợp đặc biệt cần phải thường xuyên tầm soát ung thư đại tràng, ngay cả khi chưa 45 tuổi. Các trường hợp này bao gồm:
- Có người trong gia đình từng mắc bệnh viêm loét đại tràng hoặc viêm ruột, ung thư đại trực tràng.
- Người bệnh từng bị viêm loét đại tràng, đái tháo đường hoặc béo phì.
- Người hút thuốc lá, thường xuyên uống rượu bia.
Nếu người bệnh thuộc các nhóm này, hãy thường xuyên tầm soát để phát hiện bệnh sớm. Từ đó, các bác sĩ có thể tiến hành điều trị sớm và tránh tình trạng ung thư di căn.
2. Chẩn đoán
Có một số xét nghiệm sàng lọc thường được sử dụng để tìm ra ung thư đại tràng hoặc polyp. Nếu các xét nghiệm này cho kết quả dương tính hoặc phát hiện các vấn đề bất thường, xét nghiệm nội soi sẽ được các bác sĩ thực hiện để chẩn đoán chính xác tình trạng của người bệnh.
Các xét nghiệm để tầm soát ung thư đại tràng bao gồm:
Xét nghiệm phân
Đối với loại xét nghiệm này, người bệnh sẽ tự lấy mẫu phân tại nhà hoặc đến bệnh viện. Sau đó, các chuyên viên y tế sẽ mang mẫu phân này đi xét nghiệm.
Quá trình xét nghiệm có thể phát hiện máu trong phân, từ đó chỉ ra một số vấn đề sức khoẻ. Không chỉ vậy, xét nghiệm phân cũng bao gồm xét nghiệm cả các ADN trong phân. Thông thường, xét nghiệm ADN trong phân sẽ được thực hiện để phát hiện sự thay đổi ADN và kiểm tra có sự hiện diện của máu trong phân hay không, xét nghiệm này được thực hiện 3 năm 1 lần.
Nội soi đại tràng
Các bác sĩ sẽ sử dụng một ống dài, mỏng và linh hoạt để kiểm tra trực tràng, đại tràng. Trong quá trình kiểm tra này, nếu phát hiện polyp, bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ.
Nội soi đại tràng cũng được tiến hành nếu các kết quả xét nghiệm sàng lọc khác cho kết quả bất thường. Trung bình, mọi người sẽ thực hiện nội soi đại tràng 10 năm 1 lần (đối với người không có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng)
Nội soi đại tràng ảo
Phương pháp nội soi đại tràng ảo còn được gọi là chụp CT đại tràng. Các bác sĩ sẽ sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh của toàn bộ đại tràng, từ đó phân tích tình trạng người bệnh.
Thông thường, mọi người sẽ thực hiện nội soi đại tràng ảo khoảng 5 năm 1 lần để tầm soát bệnh.
3. Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh
Chế độ ăn cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian sống của bệnh nhân ung thư đại tràng. Vì thế, bệnh nhân cần đa dạng hoá thực đơn của mình để bổ sung dinh dưỡng.
Bệnh nhân nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và các loại trái cây nhằm hỗ trợ quá trình tiêu hoá và phòng ngừa táo bón. Bên cạnh đó, các loại thịt, cá hay trứng cũng rất cần thiết để bổ sung protein cho cơ thể, giúp vết thương mau lành và bù đắp các khối cơ bị mất do ung thư và điều trị ung thư gây ra.
Thịt đỏ dù có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, nhưng đây vẫn là nguồn cung cấp sắt, protein và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh. Vì thế, người mắc ung thư đại tràng nên ăn thịt đỏ ở một mức độ vừa đủ.
Các thực phẩm mà người mắc ung thư đại tràng cần tránh bao gồm:
- Đồ uống có cồn và caffein.
- Đồ ăn chua, cay.
- Các loại mắm.
- Thực phẩm chế biến sẵn.
- Đồ ăn sống, sữa chưa tiệt trùng.
Các bác sĩ cũng sẽ hỗ trợ xây dựng một chế độ ăn đặc biệt, dành riêng cho từng bệnh nhân. Chế độ ăn này sẽ phù hợp với thể trạng, nhu cầu, giai đoạn bệnh và triệu chứng của người bệnh. Từ đó, bệnh nhân có thể tăng cường hấp thu dinh dưỡng và cải thiện sức khỏe.
Đối với những bệnh nhân ở giai đoạn muộn, sức ăn của người bệnh sẽ bị suy giảm rõ rệt. Vì thế, bác sĩ có thể truyền dịch dinh dưỡng qua đường miệng, truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân hoặc sử dụng ống thông dạ dày.
Nhìn chung, mọi người nên có thói quen khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Việc phát hiện ung thư đại tràng sớm có thể tăng hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống sót của người bệnh. Do vậy, những người có nguy cơ mắc bệnh hoặc bước qua tuổi 45 nên thường xuyên thăm khám và tầm soát ung thư định kỳ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.