Ung thư đại tràng giai đoạn 2 có chữa được không là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân. Mặc dù là một trong ba loại ung thư gây tử vong hàng đầu, nhưng nếu ung thư đại tràng được phát hiện sớm thì hoàn toàn có khả năng chữa khỏi. Điều trị ung thư đại tràng giai đoạn hai như thế nào và hiệu quả ra sao là câu hỏi sẽ được làm rõ trong bài sau.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ, Thạc sĩ Nguyễn Hùng Cường - Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1.Tổng quan ung thư đại tràng giai đoạn 2
Trong quá trình phát triển của ung thư, giai đoạn 2 của ung thư đại tràng đánh dấu sự xâm lấn của tế bào ung thư qua các lớp của thành đại tràng và có thể lan ra cơ quan lân cận, nhưng chưa ghi nhận sự di căn xa hoặc đến các hạch bạch huyết.
1.1. Các giai đoạn của ung thư đại tràng giai đoạn 2
- Giai đoạn 2A: Tế bào ung thư đã xâm nhập qua lớp cơ của thành đại tràng nhưng chưa vượt ra ngoài và chưa di căn đến hạch.
- Giai đoạn 2B: Tế bào ung thư đã lan tỏa qua tất cả các lớp của thành đại tràng và vượt qua bề mặt ruột, nhưng không có di căn xa hoặc đến các hạch.
- Giai đoạn 2C: Tế bào ung thư đã lan ra ngoài thành đại tràng và xâm lấn vào các cơ quan lân cận, tuy nhiên chưa di căn đến hạch.
1.2. Biểu hiện của ung thư đại tràng giai đoạn 2
Khi ung thư đại tràng tiến triển đến giai đoạn 2, các triệu chứng thường trở nên rõ ràng hơn so với giai đoạn đầu. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm:
- Thay đổi thói quen đi tiêu, đau bụng sau khi ăn, tình trạng phân lỏng và phân rắn xen kẽ, có máu trong phân.
- Phân thay đổi hình dạng, phân có hình dạng dẹt do khối u nằm ở vùng trực tràng.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân, cảm giác mệt mỏi, bụng đầy và khó tiêu.
Đôi khi có thể sờ thấy khối u nổi lên trên bụng, gây đau quặn và sau đó khối u có thể biến mất.
2. Ung thư đại tràng giai đoạn 2 có chữa được không?
Ung thư đại tràng giai đoạn 2 vẫn còn trong giai đoạn sớm, lúc mà khối u chưa di căn đến các hạch bạch huyết. Do đó, việc điều trị và kiểm soát bệnh ở giai đoạn này tương đối dễ dàng hơn.
Nếu người bệnh chấp hành đúng các chỉ định điều trị từ bác sĩ, bệnh hoàn toàn có thể được chữa khỏi và người bệnh có thể kéo dài tuổi thọ hơn so với trường hợp bệnh được phát hiện và điều trị ở giai đoạn muộn hơn.
Tuy nhiên, để điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 2 một cách hiệu quả, cần đảm bảo các yếu tố sau:
- Điều trị phải tuân theo đúng phác đồ của bác sĩ. Điều này không chỉ đòi hỏi đội ngũ bác sĩ tại các bệnh viện phải giàu kinh nghiệm mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như nội ung bướu, ngoại tiêu hóa, chẩn đoán hình ảnh, nội soi và giải phẫu bệnh trên cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại.
- Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị và thực hiện các lần tái khám định kỳ để theo dõi sát sao tình hình bệnh, ngay cả khi người bệnh đã sống sót trên 5 năm.
3. Các phương pháp chẩn đoán ung thư đại tràng giai đoạn 2
3.1 Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh và các triệu chứng của người bệnh, đồng thời tiến hành khám vùng bụng để tìm khối u hoặc sự to lớn bất thường của các cơ quan. Bác sĩ cũng có thể thực hiện khám trực tràng bằng tay.
3.2 Các xét nghiệm cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu trong phân (FOBT và FIT): Được thực hiện để tìm kiếm máu ẩn, thường được chỉ định khi có dấu hiệu thiếu máu hoặc máu trong phân.
- Xét nghiệm máu: Bao gồm xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), xét nghiệm men gan và chất chỉ điểm khối u. Xét nghiệm máu được dùng để chẩn đoán và theo dõi ung thư trong trường hợp đã mắc bệnh.
- Nội soi đại tràng: Cho phép quan sát trực tiếp bên trong đại tràng và trực tràng, lấy mẫu sinh thiết nếu cần.
- Sinh thiết: Nếu có nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô trong quá trình nội soi để phân tích.
- Xét nghiệm gen: Để tìm kiếm các thay đổi gen trong tế bào ung thư và xác định loại thuốc điều trị phù hợp.
Các phương pháp chẩn đoán này không chỉ giúp xác định chính xác tình trạng ung thư mà còn hỗ trợ lựa chọn phương án điều trị hiệu quả nhất.
4. Các phương pháp điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 2
Trong việc điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 2, phương pháp chủ yếu và hiệu quả nhất là phẫu thuật triệt căn. Dựa vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ có thể kết hợp thêm hóa trị hoặc xạ trị nhằm mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư.
4.1 Phẫu thuật triệt căn
Có hai hình thức phẫu thuật chính được chỉ định để chữa ung thư trực tràng:
- Phẫu thuật mở: Phẫu thuật này thực hiện thông qua vết rạch ở vùng bụng trên rốn, dưới rốn (vùng tiểu khung) hoặc qua đường hậu môn. Bác sĩ sẽ loại bỏ phần đại tràng bị tổn thương cùng với hệ thống hạch bạch huyết liên quan.
- Phẫu thuật nội soi: Được tiến hành tương tự như phẫu thuật mở nhưng sẽ dùng 4 hoặc 5 vết rạch nhỏ trên bụng. Dưới sự hỗ trợ của camera, phẫu thuật viên sử dụng dụng cụ chuyên dụng để thực hiện cắt và nối đoạn đại tràng cũng như loại bỏ hạch một cách có hệ thống.
Phương pháp nội soi có thể thực hiện bằng cách sử dụng nội soi truyền thống (phẫu thuật viên thao tác trực tiếp trên các dụng cụ) hoặc qua nội soi robot, các cánh tay robot sẽ được điều khiển thực hiện các thao tác mà không cần chạm trực tiếp vào dụng cụ.
Ưu điểm của phẫu thuật nội soi so với phẫu thuật mở:
- Hiệu quả cao: Khả năng loại bỏ triệt để khối u.
- An toàn: Giảm thiểu nguy cơ biến chứng và rủi ro sau mổ, như tắc ruột do dính sau mổ.
- Hồi phục nhanh: Giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại với cuộc sống và công việc thường nhật, giảm thời gian điều trị và chi phí chăm sóc y tế.
- Tiên tiến: Phẫu thuật nội soi robot ưu việt vượt trội nhờ vào các cánh tay robot có tính linh hoạt cao và hình ảnh 3D sắc nét, cho phép xử lý các tình huống phức tạp mà phẫu thuật truyền thống có thể không thể thực hiện được.
4.2 Hóa trị điều trị
Hóa trị là một phương pháp điều trị bổ trợ quan trọng trong quá trình chữa trị ung thư đại tràng giai đoạn 2, hỗ trợ cho phẫu thuật để đạt hiệu quả điều trị tối ưu.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, hóa trị có thể được sử dụng để làm co nhỏ kích thước của khối u, giúp việc loại bỏ khối u trong quá trình phẫu thuật trở nên dễ dàng hơn. Sau phẫu thuật, hóa trị cũng có thể được áp dụng nhằm mục đích tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ bệnh tái phát.
4.3 Xạ trị điều trị
Xạ trị cũng là một phương pháp bổ trợ trong điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 2. Nếu khối u có kích thước lớn hoặc khó tiếp cận, xạ trị có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để giúp phẫu thuật sau đó trở nên thuận lợi hơn. Sau phẫu thuật, xạ trị lại được sử dụng để hạn chế khả năng tái phát của bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều trị ung thư đại trực tràng, đặc biệt là phẫu thuật ung thư đại trực tràng bằng nội soi Robot. Phương pháp này cho phép bóc tách triệt để các tế bào ung thư, giảm thiểu biến chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh chóng. Với độ chính xác cao, phương pháp này được các chuyên gia đánh giá cao và đã chứng minh được hiệu quả trong điều trị.
5. Lời khuyên dành cho bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn 2
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh. Bệnh nhân nên xây dựng một thực đơn cân bằng, giàu dinh dưỡng, tránh các loại thực phẩm khó tiêu như thịt đỏ, thực phẩm chứa nhiều chất béo, khó tiêu như sữa nguyên chất, phô mai và kem, vì chúng có thể gây áp lực lên hệ tiêu hóa và làm chậm quá trình hấp thu.
- Ăn uống khoa học: Bệnh nhân nên ăn uống đúng giờ, đủ bữa, tránh thực phẩm quá mặn hoặc quá nhạt, thức ăn nhanh và thức ăn lên men để đảm bảo tiêu hóa tốt và hấp thu dinh dưỡng tối ưu.
- Duy trì tinh thần lạc quan: Tâm lý tích cực, niềm tin vào quá trình điều trị là yếu tố then chốt giúp bệnh nhân đối mặt và chiến thắng bệnh tật. Sự hỗ trợ từ gia đình và đội ngũ y bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân giữ được tinh thần lạc quan và đẩy lùi bệnh hiệu quả.
- Tuân thủ nghiêm ngặt liệu trình điều trị: Ung thư đại tràng giai đoạn 2 có khả năng được chữa khỏi nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Việc tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn điều trị là rất quan trọng để đạt được kết quả điều trị tối ưu. Chiến đúng với ung thư đòi hỏi người bệnh phải có ý chí và sự kiên trì, đây là một quá trình lâu dài nên bệnh nhân đừng bao giờ bỏ cuộc.
- Tập thể dục đều đặn: Việc duy trì hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ hoặc yoga không chỉ giúp detox cơ thể mà còn nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, từ đó hỗ trợ quá trình phục hồi.
- Phòng bệnh là yếu tố then chốt: Phần lớn trường hợp ung thư đại tràng có liên quan đến thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Việc thay đổi lối sống lành mạnh có thể giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả.
6. Có thể phòng ngừa ung thư đại trực tràng không?
Để giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng, việc xây dựng một lối sống khoa học và lành mạnh là hết sức quan trọng:
- Giới hạn việc ăn thịt đỏ: Thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu có liên quan đến nguy cơ ung thư đại tràng, đặc biệt khi tiêu thụ trên 160g mỗi ngày và ăn thường xuyên hơn 5 lần mỗi tuần sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần. Do đó, mọi người nên giảm thiểu việc tiêu thụ, chỉ ăn vừa đủ các loại thịt đỏ, đặc biệt là thịt nướng, chiên, dăm bông, xúc xích, thịt xông khói...
- Tăng cường chất xơ: Một chế độ ăn giàu chất xơ từ rau xanh và trái cây không chỉ giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng mà còn tốt cho sức khỏe đường ruột và cơ thể nói chung.
- Hạn chế rượu bia: Thức uống có cồn nếu sử dụng quá 15g mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
- Không hút thuốc: Thuốc lá, cùng với rượu bia và các chất kích thích khác, là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh nguy hiểm, bao gồm cả nguy cơ ung thư đại tràng.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì tăng nguy cơ ung thư đại tràng, nhất là ở nam giới. Việc tham gia các hoạt động thể chất và tập thể dục đều đặn sẽ giúp giảm thời gian chất thải tồn đọng trong lòng đại tràng, từ đó ngăn ngừa béo phì và giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Thực hiện tầm soát ung thư định kỳ: Với tuổi tác càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng lớn, bao gồm cả ung thư đại tràng. Do đó, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư là cần thiết để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế, số lượng ca mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng tăng lên không ngừng. Cụ thể, từ 68.000 ca vào năm 2000, con số này đã tăng lên đến 126.000 ca vào năm 2010. Đến năm 2018, số ca mắc mới đã lên tới gần 165.000 ca trong tổng số dân là 96,5 triệu người, trong đó gần 70% các trường hợp đã dẫn đến tử vong.
Ở nam giới, các loại ung thư phổ biến nhất bao gồm: ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng và ung thư hầu họng. Trong khi đó, ở nữ giới, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư phổi và ung thư gan là các loại ung thư thường gặp nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.