Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay đơn giản hơn là suy giãn tĩnh mạch chân, là tình trạng vùng tĩnh mạch chi dưới bị giảm chức năng, khiến hoạt động đưa máu trở về tim gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, các thầy thuốc Y học cổ truyền đã và đang ứng dụng Đông Y chữa suy giãn tĩnh mạch chi dưới rất hiệu quả.
1. Suy giãn tĩnh mạch chi dưới - vấn đề thường gặp ở người trưởng thành
Người bị suy giãn tĩnh mạch chân thường xuất hiện các triệu chứng như:
- Đau mỏi chân, cảm thấy phù và nặng chân.
- Thường xuyên bị tê bì.
- Ban đêm hay bị chuột rút, ê nhức chân.
Tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới xuất hiện phổ biến. Theo thống kê, có khoảng 35% người trưởng thành và 50% người ở tuổi trung niên bị suy giãn tĩnh mạch chân. Nguyên nhân gây ra tình trạng này tương đối đa dạng, bao gồm:
- Công việc đặc thù yêu cầu phải ngồi lâu hoặc đứng lâu như việc văn phòng, xây dựng...
- Thừa cân - béo phì hoặc ít hoạt động thể chất.
- Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chi dưới ở phụ nữ thường thấy là do đi giày cao gót thường xuyên, chọn giày quá cao...
- Tiền sử gia đình.
Trong quan niệm của Đông Y, suy giãn tĩnh mạch chân được gọi là chứng thanh xà độc, bởi hình dạng bên ngoài của các khối tĩnh mạch vùng bắp chân cũng dài và ngoằn ngoèo tương tự như hình ảnh của những con rắn xanh. Nguyên nhân dẫn đến Thanh xà độc liên quan đến khí trệ và huyết ứ, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như béo phì, rối loạn nội tiết tố, tính chất của công việc, độ ẩm cao trong môi trường, thoái hóa van...
2. Các mức độ của suy giãn tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch chân hiện nay được phân thành 7 cấp độ (hay 7 giai đoạn) dựa trên mức độ tổn thương trên da. Cách phân loại này dựa theo hệ thống CEAP, bao gồm:
- Mức độ 0: chưa có biểu hiện bệnh, tuy nhiên có thể quan sát và sờ được tĩnh mạch bị suy giãn.
- Mức độ 1: tĩnh mạch giãn mao với hình dạng của mạng nhện hoặc dạng lưới, đường kính tĩnh mạch dưới 3mm.
- Mức độ 2: tĩnh mạch giãn có kích thước lớn, đường kính lớn hơn 3mm.
- Mức độ 3: chi dưới có hiện tượng bị phù nề, nhưng da chưa có sự biến đổi.
- Mức độ 4: các bệnh lý tĩnh mạch suy giãn gây ra biến đổi trên da, có thể thấy bằng mắt thường.
- Cấp 4a: biến đổi trên da liên quan đến rối loạn sắc tố, có thể kèm theo chàm tĩnh mạch.
- Cấp 4b: biến đổi trên da theo kiểu xơ mỡ da và teo trắng.
- Mức độ 5: da bị biến đổi tương tự như mức độ 4, tuy nhiên kèm thêm vết loét lành.
- Mức độ 6: da bị biến đổi giống mức độ 4, nhưng có thêm vết loét đang phát triển, có thể nhiễm trùng.
3. Đông Y chữa suy giãn tĩnh mạch chi dưới theo nguyên lý nào?
Việc điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng Đông Y thường tập trung vào điều trị tận gốc vấn đề. Theo Y Học Cổ Truyền, huyết ứ và khí trệ (hiện tượng không lưu thông máu từ ngoại vi về tim) chính là nguyên nhân chủ chốt gây ra suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Vì vậy, để chữa suy giãn tĩnh mạch bằng Đông Y, cần kết hợp các liệu pháp hành khí, hoạt huyết, tán ứ nhưng không quên bảo vệ thành mạch máu.
Cơ thể con người, theo lý luận của Đông Y, là một khối hoạt động thống nhất, vận hành theo nguyên tắc sức: một cơ quan bị ảnh hưởng đều gây ra vấn đề sức khỏe đối với các bộ phận còn lại. Vì lẽ này, các bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới cũng có thể gặp các biểu hiện bên ngoài như tê tay, tiền đình, đau mỏi vai gáy...
Vì vậy, thay vì đơn thuần kiểm soát các triệu chứng của bệnh, Đông Y chữa suy giãn tĩnh mạch chi dưới theo hướng cải thiện lưu thông máu của cơ thể, đồng thời bảo vệ thành mạch bền vững tự nhiên, giúp máu lưu thông tốt về tim nhằm giảm áp lực lên van tĩnh mạch, không chỉ giúp bệnh được điều trị hiệu quả mà còn có tác dụng ngăn ngừa suy van tĩnh mạch.
4. Áp dụng bài thuốc Đông Y chữa suy giãn tĩnh mạch chi dưới - an toàn và hiệu quả
Nắm rõ nguyên nhân gây bệnh và lý luận điều trị, các thầy thuốc đã đề ra bài thuốc chữa suy giãn tĩnh mạch bằng Đông Y như sau:
Nguyên liệu:
- 20 gram đường quy.
- 20 gram xích thược.
- 15 gram hồng hoa.
- 16 gram đào nhân.
- 15 gram xuyên khung.
- 15 gram sinh địa.
- 12 gram hoàng kỳ.
- 10 gram thục địa.
- 20 gram hòe hoa.
- 20 gram đan sâm.
Các nguyên liệu này đều có nhiều tác dụng trong việc trục huyết ứ và hoạt huyết, đồng thời kháng viêm, giảm đau, bổ âm, dưỡng huyết, thanh nhiệt lương huyết, hành khí, làm chắc thành mạch và thúc đẩy lưu thông máu về tim.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch và sắc các nguyên liệu trên thành 1 thang thuốc.
- Chú ý: cần uống thuốc khi thuốc vẫn còn ấm, nên uống sau khi ăn ít nhất 30 phút để hạn chế tương tác có hại về dinh dưỡng giữa thuốc và thức ăn.
- Mỗi liệu trình kéo dài khoảng 20 - 30 ngày. Tùy theo mức độ của suy giãn tĩnh mạch, một người cần trung bình 2 - 3 liệu trình để điều trị dứt điểm.
5. Một số chú ý khi điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng Đông Y
Bên cạnh bài thuốc tiêu chuẩn trên, để đảm bảo hiệu quả, bệnh nhân cũng cần chú ý một số vấn đề như:
- Không ăn đồ ăn cay và nóng, đồ khó tiêu.
- Bảo đảm duy trì giấc ngủ đủ và sâu, ít nhất 8 tiếng mỗi ngày.
- Tăng cường tiêu thụ các loại rau củ quả.
- Hạn chế thời gian đứng hoặc ngồi lâu trong công việc thông qua thời gian giải lao để giảm ứ máu.
- Cân nặng cần duy trì ở mức ổn định, thường xuyên hoạt động thể chất.
6. Đi bộ để khắc phục chứng suy giãn tĩnh mạch
Các thầy thuốc Đông Y thường khuyến khích người bệnh nên đi bộ để tạo ra sự thay đổi đáng kể về thể tích và áp lực bên trong tĩnh mạch chân. Khi đứng yên, dòng chảy tĩnh mạch thường không hoạt động. Tuy nhiên, khi gót chân nhấc lên, phần máu trong đám rối tĩnh mạch phía dưới gót chân và ở lòng bàn chân sẽ di chuyển lên tĩnh mạch sâu trên cẳng chân. Nhờ đó, động tác đi bộ sẽ giúp dòng máu được đẩy về tĩnh mạch đùi, dần dần đẩy cao dòng máu về tim.
Vì vậy, đối với người bị suy giãn tĩnh mạch chân nói riêng và người khỏe mạnh nói chung, việc đi bộ mỗi ngày sẽ hỗ trợ khắc phục - ngăn ngừa hiệu quả tình trạng trên.
Nhìn chung, phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng Đông Y tập trung vào nguyên nhân vấn đề chứ không phải đơn thuần là khắc phục các triệu chứng. Do đó, sau khi điều trị bệnh dứt điểm, bệnh cũng ít có cơ hội tái phát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.