U nang dây thanh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Thái - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

U nang dây thanh quản là một dạng tổn thương lành tính nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng đến giọng nói. Bản chất của u nang dây thanh là một túi chứa chất lỏng bài tiết từ biểu mô chứa nhiều tuyến nhỏ trên bề mặt dây thanh. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, người bệnh hoàn toàn có thể khôi phục lại được giọng nói của mình.

1. U nang dây thanh là gì?

Bề mặt của dây thanh quản được phủ bởi biểu mô có tuyến nhầy và được sắp xếp tạo ra các nếp gấp. Chính các nếp gấp này khiến cho dây thanh dễ rung hơn và tạo thành giọng nói. Âm sắc của tiếng nói, tiếng hát khác nhau giữa từng người là phụ thuộc vào sự đa dạng của các cấu trúc này. Vì có kết cấu là các nếp gấp, đôi khi một trong những tuyến tiết nhầy trên lớp biểu mô này sẽ không thoát được dịch tiết ra ngoài. Hệ quả là sự tích tụ chất nhầy có vỏ bọc sẽ tạo thành u nang dây thanh.
Nhìn chung, các u nang dây thanh quản thường chỉ xuất hiện ở một nếp gấp nhất định, cùng một bên dây thanh âm nên giúp phân biệt với các tổn thương khác tại đây như polyp dây thanh, u nhú dây thanh quản... Ngoài ra, u nang dây thanh cũng hiếm khi đáp ứng với liệu pháp giọng nói và do đó cần phải được phẫu thuật triệt căn với các dụng cụ vi phẫu. Mục tiêu điều trị là nhằm bảo tồn cấu trúc và chức năng bình thường của nếp gấp trên dây thanh âm càng nhiều càng tốt. Đặc biệt, lớp phủ mỏng của nếp gấp thanh âm cũng cần được bảo vệ và càng ít sẹo càng tốt.


U nang dây thanh
U nang dây thanh

2. Nguyên nhân gây ra u nang dây thanh là gì?

U nang dây thanh có thể xảy ra thứ phát do lạm dụng giọng nói quá nhiều hoặc có thể là do lớp biểu mô bị mắc kẹt trong các nếp gấp. Bên cạnh đó, các u nang tích trữ chất nhầy có thể xảy ra tự phát hoặc có thể liên quan đến việc vệ sinh giọng nói kém. Khi sự tích tụ ngày càng nhiều, kích thước u nang tăng lên, chúng có thể bắt đầu gây ảnh hưởng đáng kể đến vùng rung của dây thanh âm và biểu hiện qua sự thay đổi giọng nói.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy Streptococcus pseudopneumoniae và, có thể, Pseudomonas, đóng một phần vai trò trong các nguyên nhân của những tổn thương nếp gấp trên dây thanh có bản chất lành tính, chẳng hạn như u nang, nốt sần, polyp và phù nề. Tuy nhiên, các chủng vi sinh vật này lại không dễ dàng được tìm thấy thông qua xét nghiệm các mẫu nước bọt, dịch phết cổ họng hay các bệnh phẩm thông thường trên đường hô hấp.

Đồng thời, những chấn thương dù mức độ nhỏ nhưng lặp đi lặp lại do nói hay hát quá nhiều cũng có thể dẫn đến sự phát triển của u nang dây thanh và cả các khối polyp tại chỗ.


Biểu hiện của u nang dây thanh quản như thế nào?
Biểu hiện của u nang dây thanh quản như thế nào?

3. Biểu hiện của u nang dây thanh quản như thế nào?

Lý do khiến bệnh nhân đến khám là vì tình trạng khàn giọng kéo dài, có thể là đơn thuần hay kèm theo triệu chứng khó nói, phải dùng lực nhiều mới phát âm được, mệt mỏi, đau nhức khi cần sử dụng giọng nói. Một số bệnh nhân là ca sĩ sẽ thấy mất giọng đột ngột hoặc gặp hạn chế ở một cao độ nhất định. Một số khác có thể gặp phải chứng giọng nói đôi, có cùng lúc hai giọng nói ở hai cao độ khác nhau khi phát âm.

Hơn nữa, nếu người bệnh đi khám vì mất hoàn toàn giọng nói hay chứng khó thở, khó nuốt, u nang dây thanh quản có thể đã trở nên nặng nề, kích thước lớn và gây ra các chèn ép.

Trên nội soi thanh quản, một u nang dây thanh có thể xuất hiện dưới vẻ đầy đặn trong nếp gấp hoặc chỉ đơn giản là một đường viền sáng màu có. Một khối có giới hạn rõ ràng như u giúp nghĩ tới u nang dây thanh chỉ có thể được nghi ngờ ở các bệnh nhân đi khám gì khàn giọng, khó nói hay mất giọng nói.

4. Cách điều trị u nang dây thanh như thế nào?


Nội soi thanh quản chẩn đoán u nang dây thanh
Nội soi thanh quản chẩn đoán u nang dây thanh

Nội soi thanh quản là rất cần thiết trong việc chẩn đoán u nang. Trong khi hình ảnh qua nội soi thanh quản gián tiếp thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn, nội soi trực tiếp sẽ giúp cho bác sĩ đưa ra các phân định chính xác hơn.

Khi đã xác định được chẩn đoán, điều trị nội khoa vẫn là bước đầu tiên trong can thiệp u nang dây thanh. Trong đó, mục tiêu giảm thiểu phù nề và sưng viêm xung quanh đóng vai trò quan trọng nhất. Đồng thời, việc hạn chế sử dụng giọng nói, giọng hát, vệ sinh chức năng ngôn ngữ tốt cũng giúp u nang dây thanh giảm viêm tấy và phù nề. Trong thực tế, bệnh nhân thường được khuyến cáo hạn chế phát âm trong khoảng thời gian hai tuần kèm theo dùng thuốc giảm đau kháng viêm với corticosteroid liều cao. Nếu việc điều trị bằng steroid giúp làm giảm viêm, cải thiện triệu chứng trong khi tổn thương thực thể tại chỗ là không thay đổi đáng kể thì đây cũng là một cách chẩn đoán xác định u nang dây thanh.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ảnh hưởng đến giọng nói và cũng cần nhận định và đánh giá như viêm dạ dày trào ngược, viêm mũi dị ứng. Lúc này, việc can thiệp các bệnh lý này mới là mấu chốt cần thiết phải giải quyết.

Trong các trường hợp bệnh nhân bị u nang thanh âm gây rối loạn chức năng phức tạp, liệu pháp phẫu thuật dây thanh cần được xem xét, nhất là khi điều trị nội khoa đơn thuần khó thể để giải quyết triệt để. Mặc dù các tổn thương dạng nốt và polyp dây thanh âm có thể đáp ứng với nội khoa, u nang dây thanh thường không thể. Hơn nữa, vì bất kỳ lý do nào gây ra sự chậm trễ trong điều trị phẫu thuật và các chấn thương vẫn tiếp tục xảy ra, tổn thương trên dây thanh có khả năng dẫn đến sự tiến triển, hình thành sẹo, dây dính vĩnh viễn.

Chính vì thế, can thiệp phẫu thuật cần đặt ra và tiến hành càng sớm càng tốt ngay khi bệnh nhân có đúng chỉ định. Mục tiêu của phẫu thuật dây thanh là cắt bỏ nhưng vẫn bảo tồn lớp niêm mạc, tối thiểu sang chấn trên các mô bên dưới, nhằm hạn chế hình thành sẹo về sau. Để làm được như vậy, bác sĩ cần phải sử dụng các dụng cụ vi phẫu và quá trình thao tác được tiến hành dưới kính hiển vi. Hầu hết các cuộc mổ đều cho kết quả tốt và chất lượng giọng nói sau phẫu thuật được báo cáo là không bị ảnh hưởng.

Tóm lại, u nang dây thanh là một nguyên nhân gây thay đổi giọng nói tương đối hiếm gặp trong cộng đồng. Nguyên nhân gây bệnh là do sự tích tụ chất nhầy trên niêm mạc trong các nếp gấp. Mấu chốt của việc điều trị là dựa trên chẩn đoán chính xác, giảm sưng viêm tốt và can thiệp sớm khi có chỉ định.

Hệ thống bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec là một trong những cơ sở y tế hàng đầu trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan đến viêm thanh quản. Nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe toàn diện cho bạn và gia đình, bạn có thể xem xét các gói khám sức khỏe tổng quát của Vinmec, trong đó có kiểm tra, phát hiện và tư vấn các vấn đề của họng có thể có.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe