Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chiến - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Trong kỳ kinh nguyệt, lớp nội mạc tử cung sẽ theo máu đi ra ngoài. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà loại mô này có thể bắt đầu phát triển ở những nơi khác như ống dẫn trứng, bang quang và ruột của bạn. Mặc dù nằm lạc chỗ nhưng phần nội mạc này vẫn chịu ảnh hưởng của nôi tiết tố sinh dục nên phát triển dày lên. Nếu lạc đến buồng trứng, chúng sẽ gây ra u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung. Cùng tìm hiểu thêm về căn bệnh này qua bài viết dưới đây.
1. Triệu chứng của lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng
Một số dấu hiệu phổ biến của u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung là:
- Đau quặn bụng trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Đau khi đi vệ sinh, ruột bị co rút khi đi tiểu.
- Đau khi quan hệ.
- Đau trong khi tập thể dục, chẳng hạn như uốn cong và kéo dãn.
- Cơn đau dữ dội, có thể là dấu hiệu buồng trứng bị xoắn.
2. U nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến khả năng mang thai như thế nào?
Các khối u lớn (trên 3 – 4cm) thường có chỉ định mổ, u nhỏ (1 – 2cm) thì không có chỉ định mổ. Nhiều chị em phụ nữ quan tâm đến việc biết liệu u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung sẽ làm giảm tỷ lệ mang thai hay không? Một số vẫn có thể mang thai ngay cả khi không loại bỏ u nang. Nhiều mẹ vẫn có khả năng sinh sản tốt nếu u nang còn nhỏ. Tuy nhiên, thường u nang lạc nội mạc tử cung sẽ ảnh hưởng tới khả năng thụ thai của người mẹ, lý do là:
- U nang phát triển trên buồng trứng có thể ngăn chặn buồng trứng hình thành trứng, được thụ tinh.
- Trong một số trường hợp, trứng có thể phóng ra từ buồng trứng của người phụ nữ bị u nang, nhưng tinh trùng không thể xâm nhập vào thành của những quả trứng được giải phóng này.
- Do sự hiện diện của u nang, ống dẫn trứng có thể phát triển thành sẹo. Điều này có thể cản trở việc vận chuyển trứng và tinh trùng.
- U nang cũng có thể gây ra nguy cơ mang thai ngoài tử cung hoặc vòi trứng cao hơn ở những phụ nữ bị ảnh hưởng.
- Những chất chứa trong u nang có thể ngăn ngừa sự thụ tinh của trứng.
- U nang bị ảnh hưởng bởi các hormone sinh sản và do đó có thể gây mất cân bằng của các hormone sinh sản - ngăn chặn phôi làm tổ và có thể gây sẩy thai.
3. Chẩn đoán u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung
Bác sĩ xem xét các triệu chứng của bạn và hỏi về bất kỳ cơn đau nào bạn có. Khi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ ấn vào các vùng bụng của bạn để cảm nhận u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung.
Có thể bạn sẽ được tiến hành các thăm khám cận lâm sàng. Một trong các cách đó là siêu âm. Ngoài ra, hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) cung cấp một cái nhìn chi tiết hơn về buồng trứng của bạn.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm máu để tầm soát ung thư, xem bạn có thai hay không hoặc có nhiễm trùng hay không.
Một cách khác để chẩn đoán u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung là thông qua nội soi. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở rốn của bạn và đưa một camera mini vào ổ bụng. Điều này cho phép nhìn thấy bất kỳ u nang nào ở buồng trứng, đánh giá kích thước của chúng và quyết định cách điều trị tốt
4. Điều trị u nang dạng lạc nội mạc tử cung
Bác sĩ sẽ xem xét độ tuổi của bạn, đặc điểm cơn đau, tần suất và liệu bạn có kế hoạch sinh con trong tương lai hay không để chọn một kế hoạch điều trị có thể bao gồm:
- Theo dõi và kiểm tra: U nang dạng lạc nội mạc tử cung không bao giờ biến mất, có thể đơn giản là theo dõi đình kỳ nếu u nang nhỏ và không đau nhiều từ 3-6 tháng/ lần.
- Thuốc: Bác sĩ có thể kê thuốc cho bạn để giúp thu nhỏ u nang. Một nhóm các loại thuốc mà các bác sĩ gọi là thuốc chủ vận GnRH giúp đưa cơ thể bạn vào thời kỳ mãn kinh tạm thời-buồng trứng của bạn ngừng sản xuất estrogen, có thể giúp giảm bớt bất kỳ triệu chứng nào bạn có. Thuốc chủ vận GnRH có thể gây ra một số tác dụng phụ tương tự như mãn kinh, như bốc hỏa , mất mật độ xương và ít quan hệ tình dục. Bạn không nên có kế hoạch mang thai khi dùng thuốc này.
- Phẫu thuật: Bác sĩ có thể nói chuyện với bạn về phẫu thuật nếu bạn bị đau dữ dội, thuốc không có tác dụng hoặc u nang của bạn lớn hơn 3- 4cm. Đôi khi, bác sĩ có thể hút dịch trong u nang qua đường âm đạo dưới hướng dẫn của siêu âm. Trong các trường hợp khác, bạn có thể cần phải lấy toàn bộ u nang ra qua mổ mở hay mổ nội soi. Điều này có thể làm giảm cơn đau của bạn và ngăn ngừa các u nang khác phát triển.
- Nếu bạn chắc chắn rằng không bao giờ muốn mang thai, bác sĩ có thể loại bỏ buồng trứng của bạn. Tử cung của bạn cũng có thể được đưa ra ngoài, nhưng các bác sĩ chỉ làm phẫu thuật này nếu các biện pháp khác không có tác dụng và bạn không muốn sinh con nữa.
Càng bắt đầu điều trị sớm, cơ hội sinh con của họ càng lớn. Loại bỏ u nang sớm bằng phẫu thuật có thể góp phần giảm nguy cơ tiến triển, ít tổn thương đến buồng trứng, giảm các triệu chứng và chất lượng cuộc sống tốt hơn.
5. Buồng trứng có thể hoạt động như trước sau khi phẫu thuật không?
Phẫu thuật cắt bỏ có thể làm xấu đi chức năng buồng trứng do loại bỏ mô buồng trứng khỏe mạnh hoặc làm tổn thương lưu lượng máu đến buồng trứng. Tuy nhiên với việc tuân thủ đúng các kỹ thuật sử dụng các nguyên tắc vi phẫu và tuân theo các hướng dẫn nghiêm ngặt về việc hạn chế sử dụng nguồn điện trong phẫu thuật buồng trứng, người ta có thể tách u nang một cách tỉ mỉ khỏi các mạch máu buồng trứng. Sử dụng chỉ khâu thay vì đông máu lưỡng cực (điện) có thể làm giảm sự tỷ lệ mất chức năng buồng trứng bằng cách không làm hỏng các nang trứng còn lại.
U nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý nguy hiểm ở phụ nữ, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng. Vì thế, phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ 4 - 6 tháng/ lần để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của u nang buồng trứng cũng như các bệnh phụ khoa khác.
Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản dành cho khách hàng là nữ giới, không giới hạn độ tuổi và có thể có những triệu chứng như sau:
- Chảy máu bất thường vùng âm đạo.
- Gặp vấn đề về kinh nguyệt: Chu kỳ kéo dài bất thường, kinh nguyệt không đều.
- Dịch âm đạo bất thường (có mùi hôi, màu sắc khác bình thường).
- Đau, ngứa vùng kín.
Khách hàng nữ có một vài yếu tố nguy cơ như vệ sinh cá nhân không tốt, quan hệ tình dục không an toàn, nạo phá thai,...
Khách hàng nữ có triệu chứng khác như: Dịch âm đạo bất thường, ngứa, đau vùng kín, chảy máu âm đạo bất thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.