Ung thư vòm họng là loại ung thư vùng đầu - cổ phổ biến nhất tại Việt Nam, và nằm trong danh sách 10 loại ung thư thường gặp nhất. Bệnh thường gặp nhất ở độ tuổi 50-60 tuổi, 70% số trường hợp phát hiện khi bệnh ở giai đoạn lan rộng, khi bệnh đã bước vào giai đoạn 3 hoặc 4, khiến tiên lượng bệnh giảm đi và điều trị khó khăn hơn.
1. Tỷ lệ chữa khỏi ung thư vòm họng theo từng giai đoạn
Việc tiên đoán về hiệu quả điều trị ung thư vòm họng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Tình trạng sức khỏe của người bệnh, tình trạng khối u và giai đoạn bệnh, các phương pháp điều trị và chế độ ăn uống sinh hoạt, nghỉ ngơi chăm sóc đối với người bệnh. Ở mỗi một giai đoạn bệnh khác nhau, tỷ lệ điều trị khỏi cũng như khả năng phục hồi sức khỏe của bệnh nhân là hoàn toàn khác nhau.
Tiên lượng là tốt, tỷ lệ sống sau 5 năm ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu và giai đoạn 2 chiếm khoảng 70 - 90% nhưng đối với giai đoạn 3 - giai đoạn 4, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 15 - 30%. Tất nhiên, điều này chỉ mang tính tương đối, có những bệnh nhân ở cùng giai đoạn như thế nhưng chỉ sống được 6 tháng, có bệnh nhân khác lại sống được cả 5 - 6 năm, điều này là hoàn toàn bình thường
1.1. Đối với ung thư vòm họng giai đoạn đầu
Là giai đoạn khởi đầu của bệnh. Giai đoạn này gần như không có biểu hiện lâm sàng hoặc có các triệu chứng xuất hiện không điển hình như đau đầu, ngạt mũi,... Khối u kích thước còn nhỏ, các tế bào ung thư cũng chưa phát triển mạnh, chưa có sự di căn tổ chức, nên ở giai đoạn đầu này, điều trị ung thư có rất nhiều thuận lợi, tỷ lệ khỏi rất cao.
1.2. Đối với ung thư vòm họng giai đoạn 2
- Trong giai đoạn này, khối u bắt đầu phát triển tăng lên về kích thước, thường tăng từ 5 - 6cm, các tế bào ung thư cũng theo đó mà lớn lên một cách đáng kể.
- Tuy nhiên, ở giai đoạn này, khối u chưa có sự lây lan di căn sang các bộ phận khác mà vẫn nằm trong vùng vòm mũi họng nên cơ hội điều trị khỏi cao và không để lại biến chứng.
1.3. Đối với ung thư vòm họng giai đoạn 3
Sang giai đoạn 3, các tế bào ung thư ác tính bắt đầu có sự phát triển lây lan sang các tổ chức lân cận gây nên những tổn thương từ nhẹ đến nặng, thậm chí không thể phục hồi được.
Đồng thời với quá trình lan rộng này là sự phát triển tăng nhanh về kích thước khối u, khối u trở nên rất lớn gây chèn ép các vùng trong vòm họng. Do đó, việc điều trị lúc này sẽ trở nên khó khăn hơn, cần phải kết hợp điều trị nhiều phương pháp khác nhau, điều trị đồng thời trên nhiều vùng cơ thể (do khối u đã di căn). Quá trình điều trị sẽ diễn ra trong thời gian dài đòi hỏi sự kiên trì, cố gắng của cả bệnh nhân, người thân và bác sĩ.
1.4. Đối với ung thư vòm họng giai đoạn 4 (hay còn gọi là giai đoạn cuối)
Khối u lây lan nhanh chóng đến các bộ phận khác, phá hủy các tổ chức lành, tạo nên nhiều tổn thương mới thậm chí là di căn ra cơ quan ở xa. Giai đoạn này bệnh nhân có thể bị suy giảm hoàn toàn hệ miễn dịch cơ thể nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, đồng thời các bộ phận khác cũng bị tổn thương. Lúc này, tiên lượng bệnh xấu và bệnh nhân sẽ tử vong sớm nếu không được điều trị.
Trong giai đoạn này, việc điều trị khỏi cho bệnh nhân gần như hoàn toàn là không thể. Các phương pháp điều trị được đưa ra nhằm ngăn chặn, làm chậm sự lây lan di căn của khối u đến các bộ phận khác, bổ sung tăng cường sức khỏe cho bệnh nhân đế có thể tự chống lại bệnh nhân.
Ở mỗi giai đoạn khác nhau của ung thư vòm họng, biểu hiện trên bệnh nhân là khác nhau, phương pháp điều trị cũng khác nhau và quan trọng là tỷ lệ khỏi bệnh của mỗi giai đoạn sẽ khác nhau. Do vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư cũng như chẩn đoán đúng giai đoạn ung thư vòm họng có giá trị to lớn trong việc điều trị ung thư vòm họng.
2. Ung thư vòm họng có lây không?
Ung thư vòm họng là một trong những bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng và có thể gây tử vong. Tuy nhiên, đây không phải là căn bệnh truyền nhiễm. Do vậy, bệnh lý ung thư vòm họng không bị lây giữa người với người.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy có một mối liên quan giữa bệnh ung thư vòm họng với virus HPV (một loại virus dễ gây lây lan bệnh qua đường quan hệ tình dục bằng đường miệng). Bởi vậy, việc lây nhiễm virus HPV có thể là một trong những yếu tố gián tiếp gây ra bệnh ung thư vòm họng.
Ung thư vòm họng được xếp vào danh sách những bệnh lý có gây nguy hiểm đến tính mạng. Sự nguy hiểm của bệnh còn tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân và giai đoạn bệnh cũng như tình trạng thực tế của khối u.
Bệnh viện Vinmec đã và đang là địa chỉ uy tín trong sàng lọc ung thư vòm họng với đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm, người bệnh được điều trị, chăm sóc toàn diện đồng thời phối hợp đa chuyên khoa theo hướng cá thể hóa từng người bệnh, cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại để chẩn đoán xác định bệnh, kèm theo đó là có đầy đủ các phương pháp điều trị chủ đạo bệnh ung thư như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, ghép tế bào gốc,... Khi có nghi ngờ hoặc phát hiện bệnh, người bệnh sẽ được hội chẩn, tư vấn và điều trị với các chuyên gia giàu kinh nghiệm, chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.