Trượt đốt sống lưng có nguy hiểm không?

Trượt đốt sống lưng có thể xuất hiện từ các nguyên nhân như thoái hoá, khuyết eo và đôi khi từ chấn thương hoặc phẫu thuật. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như teo chân, liệt rễ thần kinh và đại tiện không tự chủ,.. nếu không được điều trị kịp thời. Đọc bài viết để hiểu rõ hơn về bệnh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Nguyên nhân trượt đốt sống lưng là gì?

Trượt đốt sống lưng là tình trạng khi thân đốt sống dịch chuyển bất thường về phía trước kèm theo cuống, mỏm ngang và diện khớp trên, gây đau thắt lưng do mất vững cột sống. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do tổn thương ở eo và phần giao nhau của một thân đốt sống như gai ngang, mảnh, hia mỏm khớp trên và dưới.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây trượt đốt sống lưng bao gồm:  

  • Thoái hoá đĩa đệm - tình trạng xảy ra phổ biến ở phía trước cột sống. Ngoài gây tổn thương diện khớp, bệnh còn có thể gây trượt đốt sống.
  • Gây tổn thương chủ yếu ở trục trước cột sống.
  • Tổn thương diện khớp.  
  • Chấn thương cột sống có thể làm gãy cuống, vỡ các mấu khớp gây tổn thương ở phía sau cột sống, khiến cột sống trở nên mất vững.  
  • Các bệnh lý như nhiễm khuẩn, ung thư,... có thể gây hoại tử vị trí trượt, phá hủy cấu trúc và làm mất cân bằng giữa hai trục vận động của cột sống.  
  • Trong một số trường hợp, phẫu thuật cột sống như: u tuỷ, thoát vị đĩa đệm, bác sĩ phẫu thuật có thể lấy bỏ phần cung sau. Tuy nhiên, đôi khi việc này vô tình làm tổn thương diện khớp, khiến cột sống mất vững và gây trượt đốt sống lưng.
  • Loạn dưỡng - một dạng rối loạn phát triển xuất hiện từ nhỏ hiếm gặp, dẫn đến tình trạng kém bền vững của hệ thống cột trụ nâng đỡ cơ thể. Hệ thống khớp và dây chằng không đảm bảo chức năng, dẫn đến trượt đốt sống.  

Vì vậy, nguyên nhân chính của trượt đốt sống lưng thường do thoái hoá, khuyết eo và đôi khi do chấn thương hoặc sau quá trình phẫu thuật.

2. Phân loại trượt đốt sống lưng theo nguyên nhân gây bệnh

Để đánh giá mức độ bệnh, bác sĩ dựa vào tỷ lệ hình ảnh X-quang của cơ thể ở tư thế nghiêng. Tỷ lệ này được tính dựa trên khoảng cách ở vị trí trượt so với độ rộng của thân đốt sống. Các loại trượt đốt sống lưng gồm:

2.1 Trượt đốt sống lưng bẩm sinh hoặc do rối loạn phát triển  

Trong nhóm này, trượt đốt sống lưng chia thành hai nhóm phụ:

  • Nhóm 1: Thiểu sản mấu khớp và khe khớp nằm trên một mặt phẳng, hướng ra sau, thường kèm theo dị tật gai đôi cột sống.  
  • Nhóm 2: Thiểu sản mấu khớp và khe khớp nằm trên một mặt phẳng, hướng vào trong.

2.2 Do khe hở eo  

  • Nhóm 1: Loại khuyết eo do gãy mệt.
  • Nhóm 2: Phần eo cung sau dài hơn so với bình thường.
  • Nhóm 3: Chấn thương gây gãy eo trượt.

2.3 Trượt đốt sống lưng do thoái hoá khớp

  • Tình trạng này bao gồm: thoái hoá đĩa đệm và thoái hoá diện khớp.

2.4 Trượt đốt sống do chấn thương

  • Tình trạng tổn thương các thành phần và vị trí trên cột sống.

2.5 Trượt đốt sống do bệnh lý

  • Do các bệnh lý như lao phổi, ung thư, nhiễm khuẩn.

2.6 Trượt đốt sống do biến chứng hậu phẫu

  • Bệnh nhân mắc bệnh sau khi phẫu thuật cột sống. 
Hình ảnh so sánh tỷ lệ trượt đốt sống lưng.
Hình ảnh so sánh tỷ lệ trượt đốt sống lưng.

3. Triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của bệnh

Biểu hiện và dấu hiệu của trượt đốt sống thắt lưng thường xuất hiện do hội chứng cột sống kết hợp cùng hội chứng chèn ép rễ thần kinh.  

3.1 Giai đoạn đầu

  • Đau cột sống: Người bệnh thường xuyên bị đau cột sống và tái phát nhiều lần. Cơn đau này mang tính chất cơ học, tăng lên khi đi lại hoặc lao động tay chân và giảm khi nghỉ ngơi.
  • Biến dạng cột sống: Người bệnh có thể gặp biến dạng cột sống hoặc ưỡn quá mức sau khi vận động sai tư thế.
  • Dấu hiệu bậc thang: Trong trường hợp người bệnh nặng hoặc người quá gầy, khi quan sát lưng sẽ thấy các dấu hiệu bậc thang.

3.2 Giai đoạn nặng hơn

Chèn ép rễ thần kinh: Rễ thần kinh bị chèn ép gây ra những cơn đau kéo dài từ thắt lưng xuống mông, đùi và thậm chí cả cẳng chân kèm theo tê bì, cảm giác kim châm và rối loạn cảm giác ở mông, chân. Cơn đau thường xuất hiện khi đi bộ nhưng không xuất hiện khi đạp xe, giúp chẩn đoán phân biệt với thoát vị đĩa đệm.

Hơn nữa, tình trạng này có thể gây ra biến chứng tổn thương rễ thần kinh. Người bệnh có thể thấy chân yếu, teo ở một hoặc cả hai bên. Thậm chí bệnh nhân còn có thể gặp khó khăn khi đi bộ, khiến chân đi vạt kép dễ bị rơi dép, bị bí tiểu hoặc không kiểm soát được tiểu tiện.

4. Chẩn đoán trượt đốt sống lưng  

Chẩn đoán bệnh thường dựa vào phim Xquang với các tư thế và góc cúi khác nhau: tư thế thẳng nghiêng hoặc chếch 3⁄4 và người bệnh cúi xuống ngưỡng tối đa khoảng 90%. Đây là phương pháp đơn giản và mang lại hiệu quả nên thường được áp dụng.  

Ngoài ra, CT scan cũng được sử dụng để xác định vị trí, mức độ trượt cũng như cấu trúc xương, các tổn thương ở mấu khớp, eo, hẹp ống sống,... một cách khá hiệu quả.

Bên cạnh đó, MRI là công cụ lý tưởng để đánh giá tổn thương mô mềm và chèn ép thần kinh trong trượt đốt sống lưng khi hình ảnh của thiết bị hỗ trợ bác sĩ phát hiện nguyên nhân gây bệnh. 

Hình ảnh trượt đốt sống lưng trên kết quả MRI.
Hình ảnh trượt đốt sống lưng trên kết quả MRI.

5. Trượt đốt sống lưng có nguy hiểm không?

Tùy thuộc vào thể trạng và mức độ trượt, hậu quả của tình trạng này sẽ khác nhau:  

  • Tình trạng trượt dưới 50% do khuyết eo đốt sống thường không nghiêm trọng. Bệnh nhân thường bị đau thắt lưng và đau lan xuống chân. Ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ không thấy đau và có thể không cần điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi di chuyển, đau ở thắt lưng khi đứng lâu và căng cơ đùi, mông, chân. Khi cúi hoặc vận động, người bệnh sẽ cảm nhận rõ các đốt sống bị trượt.
  • Bệnh nhân trượt đốt sống lưng với khuyết eo nặng có thể bị gù. Biến chứng này hiếm khi xảy ra, chỉ chiếm 10% và thường xuất hiện ở tuổi thanh thiếu niên. Lúc này bệnh nhân phải đi khom lưng về phía trước hoặc bị vẹo cột sống sang một bên.  

Nếu không điều trị, có thể gây ra tình trạng quay lưng và teo cơ mông hai bên do không hoạt động. Để tránh hậu quả nghiêm trọng, bệnh nhân khi phát hiện có dấu hiệu của bệnh cần đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

6. Biện pháp phòng ngừa bệnh

Để giảm nguy cơ trượt đốt sống lưng, người bệnh cần:

  • Duy trì tư thế đúng: Chú ý đến tư thế khi đứng, ngồi cũng như khi mang vác nặng. Sử dụng ghế hỗ trợ cột sống khi làm việc, học tập.
  • Tập thể dục đều đặn: Thực hiện các bài tập như yoga, pilates hoặc các bài tập nhẹ nhàng khác để cải thiện mức độ dẻo dai và sức mạnh cơ thể, hỗ trợ phục hồi chức năng cột sống, tăng cường sức mạnh cơ lưng và cơ bụng.  
  • Tránh nâng vật nặng sai cách: Khi nâng vác đồ vật nặng, hãy dùng sức từ chân và giữ lưng thẳng, tránh dùng lưng để nâng.
  • Giảm cân nếu cần: Trọng lượng cơ thể quá nặng tạo áp lực lớn lên cột sống. Duy trì cân nặng phù hợp sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.  
  • Chế độ ăn uống cân đối: Bổ sung canxi và vitamin D để cải thiện sức khỏe xương.
  • Kiểm tra y tế định kỳ: Thăm khám định kỳ với bác sĩ để phát hiện sớm cũng như ngăn chặn các vấn đề về cột sống. 
Bệnh nhân có thể bổ sung Vitamin D bằng việc ăn cá trích giúp cải thiện sức khỏe xương.
Bệnh nhân có thể bổ sung Vitamin D bằng việc ăn cá trích giúp cải thiện sức khỏe xương.

Quyết định về phương pháp điều trị cụ thể phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của trượt đốt sống lưng và tình trạng tổng thể của người bệnh. Trước khi bắt đầu, bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia phục hồi chức năng để đảm bảo việc áp dụng các phương pháp phù hợp và an toàn.

Tóm lại, trượt đốt sống thắt lưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây đau thắt lưng, khó đi lại và thậm chí dẫn đến teo chân, liệt rễ thần kinh và mất kiểm soát đại tiện. Do đó, khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của trượt đốt sống thắt lưng, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe