Thuốc nhỏ tai có rất nhiều chủng loại, hoạt chất dùng để chữa trị nhiều tình trạng bệnh ở tai khác nhau, trong đó có viêm tai giữa. Để đạt được hiệu quả điều trị viêm tai tốt nhất bệnh nhân cần sử dụng thuốc đúng cách, đặc biệt đối với bệnh nhân là trẻ em. Vậy thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em được sử dụng như thế nào?
1. Nguyên tắc điều trị viêm tai giữa ở trẻ
Viêm tai giữa là bệnh thường xuất hiện sau các bệnh viêm nhiễm vùng mũi họng, đặc biệt là viêm VA hoặc sau khi bệnh nhân mắc virus cúm, sởi.... Nếu viêm tai giữa có xảy ra bội nhiễm thì vi khuẩn thường gặp là S.pneumoniae (phế cầu), S.pyogenes hoặc H.influenzae. Viêm tai giữa là bệnh rất thường gặp ở trẻ em, đặc biệt nhất là trẻ em dưới 3 tuổi. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, nhất là viêm tai giữa mạn.
- Đối với điều trị viêm tai giữa có mủ ở trẻ, trường hợp chưa vỡ mủ cần tiến hành chích rạch màng nhĩ để dẫn lưu bớt mủ ra ngoài. Nếu đã tự vỡ mủ với lỗ nhỏ có thể chích rạch rộng thêm và kiểm tra, lau mủ, nhỏ thuốc sát khuẩn tai. Mục đích của phương pháp điều trị này là để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng và loại bỏ những dịch tiết ứ đọng trong tai giữa. Mặt khác, việc này còn giúp hỗ trợ phẫu thuật phục hồi chức năng nghe;
- Nếu màng nhĩ đã thủng không được nhỏ tai bằng kháng sinh có độc tính trên tai, đặc biệt là kháng sinh nhóm aminosid;
- Nếu có nhiễm khuẩn cần lựa chọn kháng sinh tập trung vào các tác nhân gây bệnh thường gặp;
- Tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị viêm tai giữa và kháng sinh đồ nếu có;
- Trong trường hợp cần thiết có thể cho trẻ sử dụng thêm các loại thuốc hạ sốt, giảm đau;
- Kết hợp điều trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ em kèm theo điều trị các bệnh lý về mũi – họng.
2. Tác dụng của thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em
Thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em được sử dụng rất rộng rãi và cũng là dạng thuốc đầu tay được chỉ định trong điều trị, kể cả thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ sơ sinh. Thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em được chia làm 2 loại, khi sử dụng phải dựa vào trạng thái của màng nhĩ:
- Thuốc nhỏ tai cho bé bị viêm tai giữa khi màng nhĩ chưa bị thủng: nhóm thuốc chủ yếu dùng để điều trị viêm tai có các thành phần kháng sinh kết hợp kháng viêm tác dụng điều trị tại chỗ. Thuốc cho tác dụng chống viêm, giảm đau, thường được chỉ định trong trường hợp trẻ bị viêm tai giữa cấp giai đoạn sung huyết, viêm tai có bọng nước...
- Thuốc nhỏ tai dùng khi màng nhĩ bị thủng: đây là dạng bào chế chính được sử dụng trong trường hợp này, thành phần của thuốc thường là sự kết hợp của những kháng sinh có tính an toàn cao, ít gây độc tính trên tai.
3. Thận trọng khi dùng thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em
Các thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em phổ biến hiện nay bao gồm:
3.1 Thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em giúp giảm đau chứa chất gây tê
Thuốc nhỏ tai có chứa chất gây tê như lidocaine, benzocaine... Sau khi nhỏ thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em (trên 2 tuổi) vào tai 30 phút, các triệu chứng đau tai sẽ giảm. Lưu ý các thuốc này chỉ dùng trong giai đoạn đầu của viêm tai giữa (giai đoạn sưng đau, lúc màng nhĩ phồng căng, xung huyết). Khi màng nhĩ đã thủng, mủ chảy ra thì không được dùng.
Hết sức lưu ý, các chế phẩm nhỏ tai có chứa chất gây tê KHÔNG được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi do nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ gây nguy hiểm cho trẻ. Vì vậy, đối những trẻ bị viêm tai giữa nhưng bị đau, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ ngủ nên cho trẻ uống Ibuprofen hoặc Acetaminophen để điều trị triệu chứng đau trong viêm tai giữa cấp.
3.2. Thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em chứa kháng sinh
Thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em chứa kháng sinh như: Ofloxacin, ciprofloxacin, chloramphenicol, tobramycin... cũng thường được sử dụng trong điều trị viêm tai giữa, tuy nhiên cần hết sức thận trọng các kháng sinh nhóm Quinolon khi dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi. Mặt khác trong trường hợp viêm tai giữa cấp chưa thủng màng, việc nhỏ tai bằng kháng sinh không mang lại tác dụng; đối với viêm tai giữa cấp đang chảy mủ tai, việc nhỏ kháng sinh vào tai cần phải được cân nhắc trước khi chỉ định cho trẻ.
Việc điều trị viêm tai giữa phải được thực hiện bởi thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng. Một số trường hợp bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc bột để điều trị viêm tai giữa, đây thường là những loại thuốc bột nguyên chất có khả năng hòa tan, tránh làm cản trở việc dẫn lưu của dịch tai giữa ra ngoài.
4. Những sai lầm thường gặp trong điều trị viêm tai giữa cho trẻ
Dùng kháng sinh không đúng cách: sử dụng kháng sinh không đúng trong điều trị viêm tai giữa có thể dẫn đến hiện tượng lu mờ triệu chứng của bệnh, gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.
Bên cạnh đó, việc dùng sai thuốc còn tạo điều kiện cho bệnh chuyển từ thể cấp tính sang mãn tính, gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Ngoài ra, sử dụng kháng sinh không đúng cách còn làm gia tăng nguy cơ gây ra các tác dụng không mong muốn do thuốc
Nhiều người còn tự ý dùng oxy già nhỏ vào tai trẻ hoặc cạo thuốc rồi rắc vào tai trẻ: đây là những hành động có thể gây những biến chứng đáng tiếc, làm bong lớp biểu bì bảo vệ trên da của ống tai, khiến vết thương lâu lành hơn. Thậm chí, việc làm không có căn cứ khoa học này còn gây chít hẹp ống tai và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Việc cha mẹ cạo thuốc kháng sinh dạng viên rồi rắc vào tai trẻ rất nguy hiểm, do tá dược có trong thuốc có thể gây bít tắc không dẫn lưu được dịch, dẫn đến tình trạng viêm sẽ ngày càng nghiêm trọng. Dịch trong tai không được dẫn lưu ra bên ngoài sẽ làm phá hủy phần xương chũm của tai giữa, gây viêm xương chũm, thậm chí viêm nội sọ.
Khi điều trị viêm tại giữa mà không điều trị các bệnh về mũi họng kèm theo, không tuân thủ phác đồ điều trị và kháng sinh đồ có thể khiến bệnh lâu khỏi và dễ tái phát.
Hi vọng những thông tin trong bài viết trên giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về cách dùng thuốc nhỏ viêm tai giữa cho trẻ em. Nếu có bất kỳ băn khoăn thắc mắc nào, cha mẹ có thể liên hệ với bác sĩ Vinmec để được thăm khám và tư vấn. Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.