Thuốc tra mắt mỡ là các sản phẩm thuốc được sử dụng kháng khuẩn cho mắt, và ức chế sự phát triển của tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên đối với trẻ sơ sinh có bôi được thuốc mỡ mắt không, đặc biệt là Tetracyclin thuốc mỡ
1. Thuốc mỡ tra mắt có tác dụng gì?
Thuốc mỡ tra mắt là một dạng bào chế thuốc bôi bán rắn, thể chất nhờn hoặc kem dùng để điều trị một số bệnh về mắt mức độ từ nhẹ đến nặng. Thông thường, thuốc mỡ tra mắt sẽ được khuyên dùng trong các trường hợp nhiễm trùng mắt, khô mắt và viêm bờ mi (viêm mí mắt) cũng như điều trị nhiều vấn đề khác của mắt. Do thuốc mỡ tra mắt có tính chất đặc hơn so với thuốc nhỏ mắt dạng dung dịch, vì vậy dạng bào chế này có thể lưu lại trong mắt lâu hơn, giúp nâng cao hiệu quả điều trị các bệnh lý nhãn khoa.
Nhìn chung, một số bệnh lý về mắt cần sử dụng thuốc mỡ có chứa kháng sinh, khi dùng cần có toa của bác sĩ để đảm bảo đúng bệnh - đúng thuốc, trong khi đó một số bệnh khác có thể sử dụng thuốc mỡ tra mắt không cần kê đơn. Trong thực hành lâm sàng, thuốc mỡ tra mắt thường được khuyên dùng để điều trị các tình trạng bệnh như:
- Nhiễm trùng mắt, bao gồm cả tình trạng viêm kết mạc mắt;
- Nhiễm trùng mí mắt;
- Tình trạng bệnh liên quan đến mí mắt như viêm bờ mi và rối loạn chức năng tuyến meibomius;
- Khô mắt;
- Viêm giác mạc.
2. Các loại thuốc mỡ tra mắt hiện nay
Có nhiều loại thuốc mỡ tra mắt trên thị trường, mỗi loại thuốc mỡ sẽ có chứa các thành phần khác nhau để điều trị các nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh ở mắt. Theo đó các loại thuốc mỡ tra mắt bao gồm:
- Thuốc mỡ chứa kháng sinh: giúp tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng mắt hoặc mí mắt;
- Thuốc mỡ có tác dụng bôi trơn: Giúp giữ ẩm cho mắt khi xảy ra tình trạng khô mắt.
Lưu ý là thuốc mỡ kháng sinh có thể được chỉ định dùng cho các trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn, trong khi đó bệnh đau mắt đỏ do vi-rút gây ra sẽ không đáp ứng với thuốc mỡ chứa kháng sinh. Như vậy, nếu bị đau mắt đỏ do nguyên nhân từ vi-rút, người bệnh có thể tìm cách xoa dịu các triệu chứng bằng thuốc mỡ bôi trơn, còn tình trạng nhiễm vi-rút sẽ tự khỏi sau vài ngày nhờ hoạt động của hệ miễn dịch trong cơ thể.
Các thành phần trong thuốc mỡ tra mắt thường được sử dụng:
- Ciprofloxacin: kháng sinh được dùng để điều trị viêm và loét giác mạc, nhiễm trùng mắt do vi khuẩn.
- Bacitracin, Polymyxin B và Neomycin (thuốc mỡ tra mắt chứa cả 3 kháng sinh): sử dụng cho các bệnh nhiễm trùng mắt và mí mắt.
- Erythromycin: sử dụng để điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng ở mắt do vi khuẩn.
- Tobramycin: kháng sinh được sử dụng cho các bệnh nhiễm trùng mắt.
- Tetracyclin: Tetracyclin thuốc mỡ kháng sinh được dùng để điều trị các nhiễm khuẩn bề mặt nhãn cầu gặp trong các bệnh như: viêm kết mạc mắt, đau mắt hột ở vùng dịch, dự phòng viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân từ Neisseria gonorrhoeae hoặc Chlamydia trachomatis.
- Thuốc mỡ bôi trơn: làm dịu mắt, đây là thuốc không kê đơn thường được sử dụng để điều trị chứng khó chịu nhẹ và khô mắt, hỗ trợ điều trị nhiễm trùng mắt do vi-rút.
3. Trẻ sơ sinh có bôi được thuốc mỡ mắt không?
Thuốc tra mắt mỡ là sản phẩm rất phổ biến, ngoài công dụng tra mắt, thuốc còn có nhiều tác dụng hỗ trợ khác những về cơ bản, thuốc tra mắt sẽ có những công dụng sau:
- Trị một số triệu chứng bệnh về mắt.
- Trị ngứa, mẩn đỏ.
- Trị vết thương nhỏ ngoài da.
Với những công dụng phổ biến đó, các mẹ thường chọn thuốc tra mắt là bạn đồng hành cho bé nhà mình nhưng lại chưa lường hết được những ảnh hưởng của loại thuốc này. Theo đó có một vài ảnh hưởng không tốt của thuốc tra mắt mỡ đến trẻ sơ sinh, nếu lạm dụng thuốc tùy tiện sẽ gây nguy hại khó lường.
Đầu tiên phải kể đến ảnh hưởng đến răng của bé. cụ thể nếu Sử dụng thường xuyên tetracyclin thuốc mỡ cho trẻ sẽ khiến răng của trẻ bị tối màu, chất lượng men răng giảm. Đặc biệt chú ý không sử dụng tetracyclin thuốc mỡ cho trẻ em dưới 12 tuổi và người mẫn cảm với các tetracyclin. Việc sử dụng tetracyclin tại chỗ có nguy cơ tăng nhạy cảm gây ra tình trạng tăng tính kháng thuốc của vi khuẩn. Chỉ nên sử dụng thuốc để điều trị một cách giới hạn các nhiễm khuẩn do chủng vi khuẩn nhạy cảm và bệnh mắt hột. Không nên dùng tetracyclin thuốc mỡ tra mắt khi mở nắp tuýp quá 1 tháng. Sau mỗi lần mở nắp tetracyclin thuốc mỡ phải đậy kín và bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng Không dùng thuốc tra mắt tetracyclin thuốc mỡ cho nhiều người cùng lúc.
Ngoài ra, nhiều mẹ từng sử dụng và cho biết, một số loại thuốc mỡ còn gây tác dụng phụ trên xương của bé. Đây là một trong những ảnh hưởng này nghiêm trọng và có phần nguy hiểm hơn. Do đó, các mẹ nên lưu ý trước khi sử dụng thuốc mỡ tra mắt cho con.
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc mỡ trên thị trường, để chắc chắn việc trẻ sơ sinh có bôi được thuốc mỡ mắt không còn tùy vào thành phần hoạt chất của thuốc, đơn giản và an toàn nhất là mẹ nên đọc kĩ chỉ định của thuốc vì có nhiều loại thuốc chống chỉ định cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Ngoài ra, để bảo vệ bé tốt nhất cho đôi mắt của trẻ, các bậc phụ huynh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào cho con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.