Hỏi
Chào bác sĩ,
Con em bị nổi mấy hạt đỏ dưới lòng bàn chân nhưng mà chỉ vài hạt, có 1 hạt phồng nước, lòng bàn tay cũng có vài hạt. Vậy bác sĩ cho em hỏi trẻ nổi hạt đỏ có hạt kèm nước dưới lòng bàn chân, tay có phải tay chân miệng không? Bé bị mọc mấy ngày nay rồi. Em cảm ơn bác sĩ.
Trần Thị Lệ (1990)
Trả lời
Chào bạn,
Với câu hỏi “Trẻ nổi hạt đỏ có hạt kèm nước dưới lòng bàn chân, tay có phải tay chân miệng không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm do virus gây ra, đặc trưng bởi dấu hiệu sốt và phát ban, thường thấy nhất ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng. Các loại virus gây bệnh tay chân miệng có tên là coxsackievirus a16 và enterovirus 71, chúng được gọi chung là coxsackie virus.
Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng ở trẻ rất dễ nhận biết, bao gồm:
- Sốt: Sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
- Tổn thương ở da: Rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối,...
- Một số trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc,...
Con bạn bị nổi hạt đỏ có hạt kèm nước ở lòng bàn chân và bàn tay có thể là một trong các dấu hiệu của tay chân miệng, tốt nhất bạn nên đưa bé đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác bệnh tình của bé.
Hiện nay bệnh tay chân miệng và cách điều trị là chưa có phương pháp cụ thể. Do đó, biện pháp điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng bằng những cách sau đây:
- Sốt: Khi trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên, cần cho dùng thuốc hạ sốt acetaminophen (paracetamol);
- Bổ sung đủ nước bằng nước đun sôi để nguội hoặc dung dịch điện giải (Oresol). Nếu không thể nuốt chất lỏng, phải truyền dịch cho bệnh nhi qua đường tĩnh mạch;
- Bổ sung vitamin C, kẽm;
- Điều trị loét miệng họng: Có thể dùng dung dịch glycerin borat để lau sạch miệng trước và sau ăn. Sử dụng gel rơ miệng để sát khuẩn và giảm đau do loét, giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn;
- Khi có triệu chứng não - màng não, cần chỉ định thuốc chống co giật và điều trị chuyên sâu.
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, theo dõi và phát hiện triệu chứng bệnh nặng lên, kịp thời điều trị, tránh hậu quả đáng tiếc.
Nếu bạn còn thắc mắc về trẻ nổi hạt đỏ có hạt kèm nước dưới lòng bàn chân, tay, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.