Trễ kinh uống gì cho máu ra là vấn đề được nhiều chị em phụ nữ quan tâm bởi tâm lý lo lắng về tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm lại có khả năng được dùng để làm nước uống điều trị tốt tình trạng này. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết này nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân gây trễ kinh
Chu kỳ kinh nguyệt khỏe mạnh thường có khoảng thời gian trung bình từ 28 đến 32 ngày. Tuy nhiên, không phải lúc nào chu kỳ của tất cả phụ nữ cũng đều đặn. Nếu khoảng cách giữa các kỳ kinh vượt quá 35 ngày hoặc ngắn hơn 21 ngày sẽ được xem là có chu kỳ kinh nguyệt không đều.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này:
1.1 Mang thai
Một trong những dấu hiệu phổ biến khi người phụ nữ mang thai là trễ kinh. Sau khi trứng kết hợp với tinh trùng và làm tổ trong tử cung, lớp niêm mạc tử cung không bong tróc như thông thường để tạo ra kinh nguyệt mà thay vào đó trở thành lớp đệm hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi.
Do đó, khi bị trễ kinh, chị em nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem mình có mang thai hay không.
1.2 Căng thẳng
Trong giai đoạn chu kỳ kinh nguyệt, căng thẳng kéo dài có thể làm rối loạn cân bằng hormone, dẫn đến chu kỳ kinh không đều. Hormone cortisol (gây căng thẳng) có thể được sản xuất nhiều hơn ảnh hưởng đến sự đều đặn của chu kỳ kinh nguyệt.
1.3 Thay đổi cân nặng
Các chuyên gia nhận định rằng khi giảm hoặc tăng cân đáng kể, quá trình sản xuất hormone sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Trạng thái cơ thể quá gầy hoặc thừa cân đều có khả năng làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt.
1.4 Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
PCOS hay hội chứng buồng trứng đa nang là một dạng rối loạn nội tiết thường gặp, có thể gây ra tình trạng chu kỳ kinh nguyệt không đều kèm theo các triệu chứng khác. Tình trạng này điển hình với sự xuất hiện của các u nang nhỏ trong buồng trứng và sự mất cân bằng hormone giới tính.
1.5 Một số nguyên nhân khác
Ngoài ra, tình trạng này còn xảy ra do một số nguyên nhân khác như rối loạn tuyến giáp, tập thể dục quá mức, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, mãn kinh.
2. Bị trễ kinh uống gì cho máu ra?
Vấn đề “trễ kinh uống gì cho máu ra” luôn thu hút sự quan tâm của chị em. Trễ kinh có thể là dấu hiệu mang thai hoặc một số bệnh phụ khoa khác. Vì vậy, chị em cần đến khám bác sĩ để xác định nguyên nhân cụ thể.
Trong trường hợp nguyên nhân là căng thẳng hay lối sống, phụ nữ nên thử điều chỉnh và áp dụng một số phương pháp tự nhiên để thúc đẩy kinh nguyệt như:
2.1 Uống đủ nước
Hơn 70% cơ thể con người là nước. Vì vậy, cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ hỗ trợ quá trình chuyển hóa dinh dưỡng, đào thải độc tố và giúp các cơ quan hoạt động hiệu quả bao gồm cả hệ thần kinh và nội tiết. Bên cạnh đó, uống đủ nước cũng giúp điều hòa lượng kinh nguyệt, giảm thiểu tình trạng không đều.
2.2 Nước ngò tây
Mặc dù ít được biết đến nhưng loại nước này lại có tác dụng đáng kể đối với chị em bị trễ kinh. Ngò tây đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước để thúc đẩy kinh nguyệt. Trong ngò tây có hai hợp chất chính là Apiol và myristicin có khả năng kích thích sự co thắt của tử cung. Đặc biệt, Apiol còn hỗ trợ cân bằng nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ, giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giảm thiểu đau bụng kinh.
2.3 Nước ép đu đủ
Các món ăn và đồ uống từ đu đủ như nước ép thường được khuyến cáo khi bị trễ kinh. Đu đủ có khả năng kích thích co bóp tử cung và hỗ trợ điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Carotene trong đu đủ góp phần kích thích hormone estrogen, dẫn đến sự xuất hiện của kinh nguyệt.
2.4 Nước gừng
Nếu chị em bị trễ kinh và muốn thúc đẩy kỳ kinh sớm hơn, hãy thử sử dụng gừng. Gừng chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học làm tăng nhiệt độ cơ thể và kích thích chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, gừng còn có khả năng chống co thắt và làm giảm triệu chứng đau bụng trong kỳ kinh. Gingerol trong gừng cũng làm giảm viêm trong thời gian này.
2.5 Nước ép cần tây
Cần tây không chỉ là một trong những loại rau có lợi nhất cho sức khỏe mà còn là một lựa chọn thực phẩm tuyệt vời trong chế độ ăn uống khi đang trong kỳ kinh nguyệt.
Với hàm lượng dinh dưỡng cao như vitamin C, vitamin K và folate, cần tây cung cấp nhiều lợi ích cho cơ thể. Ngoài ra, loại thực phẩm này còn cung cấp kali dồi dào giúp giảm tình trạng đầy hơi thường gặp trong kỳ kinh nguyệt.
2.6 Thực phẩm giàu vitamin C
Việc sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin C giúp thúc đẩy quá trình hành kinh nhờ khả năng làm tăng mức estrogen trong cơ thể. Khi hormone estrogen tăng cao, tử cung sẽ co bóp mạnh hơn kích thích chảy máu kinh nguyệt.
Thêm vào đó, vitamin C cũng góp phần làm giảm lượng progesterone làm thành tử cung yếu đi, khiến nội mạc tử cung bị phân hủy và dẫn đến hành kinh.
2.7 Nghệ
Các đặc tính chống viêm của nghệ đã được chứng minh giúp giảm tình trạng viêm – một nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết tố và các rối loạn kinh nguyệt khác. Hơn nữa, nghệ còn kích thích sản xuất estrogen và progesterone, từ đó hỗ trợ việc điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt.
2.8 Nước ép dứa
Trong thời kỳ kinh nguyệt, nước ép dứa là một loại nước trái cây có lợi nhất. Loại enzyme bromelain có trong dứa giúp làm bong lớp niêm mạc tử cung, từ đó hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt.
Thêm vào đó, dứa còn kích thích sản xuất tế bào hồng cầu và bạch cầu, làm cho máu lưu thông hiệu quả hơn. Tóm lại, nước ép dứa là lựa chọn không thể thiếu cho những ai gặp phải tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc bị trễ kinh.
Trên đây là tất cả thông tin về vấn đề “trễ kinh uống gì cho máu ra”. Nếu nguyên nhân là do căng thẳng hay lối sống gây ra, phụ nữ có thể áp dụng một số cách trên. Ngược lại, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.