Trẻ không dung nạp đường lactose trong sữa mẹ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Trẻ không dung nạp đường lactose trong sữa mẹ thường sẽ bị tiêu chảy. Mặc dù tình trạng này không quá nguy hiểm nhưng nếu để lâu dài sẽ gây ảnh hưởng tới sự hấp thu chất dinh dưỡng hoặc làm cho trẻ bị tiêu chảy mạn tính. Vì vậy, cha mẹ nên hiểu rõ hơn vấn đề không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh, từ đó đưa ra được giải pháp can thiệp kịp thời.

1. Tình trạng không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh nghĩa là gì?

Lactose là dạng đường thường thấy chủ yếu trong sữa mẹ, sữa bò,..và các sản phẩm làm từ sữa. Lactose cung cấp đường rồi chuyển hóa thành năng lượng cho sự hoạt động của não và cơ thể. Nó có thể làm phân mềm hơn, giúp cho các lợi khuẩn đường ruột là Bifidus và Lactobacillus và đồng thời tăng cường hệ miễn dịch, tiêu hóa ở trẻ.

Lactose khi vào đến ruột sẽ chia ra thành 2 loại đường là glucose và galactose, nhờ vào loại men có tên lactase. Loại men này do các vi nhung mao của ruột tạo ra. Nếu không có hoặc thiếu hụt loại men này thì cơ thể của trẻ sẽ không dung nạp lactose hay gọi là bất dung nạp đường lactose.

Hiểu 1 cách đơn giản, trẻ không dung nạp lactose là tình trạng trẻ không có khả năng tiêu hóa và hấp thu đường lactose. Hậu quả là đường lactose dư thừa không được hấp thu sẽ xuống ruột già và chịu tác động bởi các vi khuẩn lên men để tạo thành axit lactic, gây ra các triệu chứng như: Trẻ bị chướng bụng, tiêu chảy, đi ngoài phân chua do có chứa axit lactic, trong phân thấy có nhiều bọt, thậm chí có thể xuất hiện hăm đỏ da quanh hậu môn... Mức độ của các triệu chứng phụ thuộc vào lượng lactose hấp thụ nhiều hay ít.

Các loại không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Bất dung nạp lactose nguyên phát: Là trường hợp thường gặp và phổ biến nhất trong những trường hợp không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh. Trường hợp bất dung nạp lactose này xảy ra do thiếu hụt lactase tương đối, thường gặp phải ở những trẻ đã lớn và dinh dưỡng được thay thế. Khi trẻ thay thế sữa bằng thực phẩm khác hoặc ít sử dụng các sản phẩm từ sữa thì enzym lactase sẽ giảm xuống. Đến khi sử dụng lại thì trẻ không dung nạp lactose vì lúc này cơ thể đã bị thiếu hụt enzym lactase tương đối.
  • Bất dung nạp lactose thứ phát: Là do tổn thương ruột non do vi khuẩn, virus gây nên. Trẻ không dung nạp lactose thoáng qua, có thể hồi phục được nếu như viêm dạ dày ruột được giải quyết. Tuy nhiên, nếu như trẻ bị tiêu chảy lâu ngày thì có thể dẫn tới niêm mạc ruột bị tổn thương, làm men lactase không sinh ra đủ, dẫn tới cơ thể không thể hấp thu lactose và gây ra hiện tượng trẻ không dung nạp lactose.
  • Bất dung nạp lactose bẩm sinh: Ở trường hợp này thì tỉ lệ trẻ mắc phải thấp hơn hẳn so với 2 trường hợp trên. Nó thường biểu hiện ngay sau khi trẻ được sinh ra, nguyên nhân là do rối loạn nhiễm sắc thể ngăn cản không cho sản xuất ra enzym lactase.

Trẻ không dung nạp lactose sẽ bị tiêu chảy kéo dài, dẫn tới suy dinh dưỡng nặng, kém ăn và chậm lớn. Vì thế cần phải theo dõi trẻ để phát hiện ra những biểu hiện kịp thời và có cách điều trị, chăm sóc hợp lý.


Trẻ không dung nạp lactose thường sẽ bị tiêu chảy
Trẻ không dung nạp lactose thường sẽ bị tiêu chảy

2. Làm gì khi trẻ không dung nạp đường lactose trong sữa mẹ?

Đối với trẻ vẫn đang bú mẹ, nếu mắc phải hội chứng không dung nạp lactose và bị tiêu chảy thì các mẹ vẫn nên tiếp tục cho con bú, tuyệt đối không được cho trẻ ăn kiêng. Bởi vì nếu trẻ ăn kiêng hoặc giảm ăn sẽ làm tăng nguy cơ gây tiêu chảy kéo dài và gây suy dinh dưỡng ở trẻ.

Trên thực tế, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng thích hợp nhất đối với trẻ sau khi điều trị bằng dung dịch oresol. Sữa mẹ cũng đã được chứng minh là có đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu, giúp trẻ nhanh phục hồi chứng tiêu chảy. Đặc biệt, các yếu tố miễn dịch phong phú trong sữa mẹ còn có thể giúp tăng cường sức đề kháng và miễn dịch của cơ thể trẻ, đồng thời tái tạo niêm mạc ruột tổn thương do nhiễm trùng.

Hầu như khi bé bị tiêu chảy, các bậc cha mẹ thường sẽ cho dùng kháng sinh và hạn chế các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, không cho uống sữa. Nhưng đây là 1 quan niệm hết sức sai lầm vì khi làm như vậy trẻ sẽ nhanh chóng bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng và bệnh trở nên ngày một trầm trọng hơn. Đối với những trường hợp bị tiêu chảy do trẻ không dung nạp lactose thì các mẹ cần phải loại trừ ngay các thực phẩm có chứa lactose, có thể sử dụng loại sữa không có lactose (hay còn gọi là lactofree) cho đến khi trẻ ngừng tiêu chảy hẳn. Sau khoảng 1 đến 2 tuần, khi hệ tiêu hóa của trẻ hồi phục hẳn thì enzyme lactase sẽ lại được sản xuất đầy đủ trở lại, mẹ có thể cho trẻ ăn chế độ như lúc trước bình thường.

Ngay cả trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy do các nguyên nhân khác thì việc sử dụng sữa lactofree kết hợp với các loại thức ăn khác theo độ tuổi vẫn được xem là một biện pháp hữu hiệu để giúp tiêu chảy biến mất.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải lưu ý bổ sung canxi cho chế độ ăn của trẻ trong giai đoạn này, bởi vì chế độ ăn không có lactose sẽ làm giảm sự hấp thu canxi và gây ảnh hưởng phát triển xương của trẻ. Hãy bổ sung thêm sữa chua để giúp đường ruột sản sinh thêm nhiều lactase có lợi. Nếu như trẻ gặp vấn đề với những thực phẩm làm từ sữa thì các mẹ hãy tăng cường những loại thực phẩm giàu canxi và không có nguồn gốc từ sữa như: Rau xanh, tôm, cua ốc... để bé phát triển xương, răng chắc khỏe.

Tóm lại, khi trẻ không dung nạp đường lactose trong sữa mẹ thì cần phải đưa tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn điều trị kịp thời. Nhập viện muộn sẽ làm tăng nguy cơ trẻ không dung nạp lactose thứ phát. Việc phòng ngừa luôn rất quan trọng trong mọi trường hợp.


Trẻ không dung nạp lactose sẽ bị tiêu chảy kéo dài, dẫn tới suy dinh dưỡng nặng
Trẻ không dung nạp lactose sẽ bị tiêu chảy kéo dài, dẫn tới suy dinh dưỡng nặng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe