Trẻ em bị thiếu sắt là tình trạng phổ biến ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, thiếu sắt ở trẻ nhỏ có thể bổ sung bằng các loại thực phẩm hằng ngày. Vậy, trẻ em thiếu sắt nên ăn gì?
1. Vai trò của sắt đối với trẻ nhỏ
Sắt là một nguyên tố quan trọng để sản xuất huyết sắc tố, hay còn gọi là hemoglobin. Đây là một loại protein có chứa sắt trong hồng cầu, giúp máu mang oxy đến các tế bào khác. Nếu không có sắt, cơ thể sẽ không thể sản xuất được hồng cầu khỏe mạnh. Điều này có thể khiến các mô, cơ, tế bào trong cơ thể của bé không thể nhận được oxy, gây ra các nguy cơ cho sức khỏe.
Ngoài ra, sắt còn đóng vai trò quan trọng đối với sức đề kháng tự nhiên trong cơ thể. Những trẻ em bị thiếu sắt thường dễ mắc các bệnh thường gặp như viêm nhiễm, cúm... và các nguy cơ như:
- Suy yếu cơ;
- Học tập, hành vi có vấn đề;
- Chậm các kỹ năng vận động;
- Tự cô lập xã hội.
Chính vì thế, sắt đóng vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển toàn diện của trẻ.
2. Nguyên nhân trẻ em bị thiếu sắt
Trẻ bị thiếu sắt có thể do nhiều yếu tố khác nhau nhau như:
- Thiếu sắt dự trữ từ trong bào thai: Thai nhi khi còn trong bụng mẹ không chỉ được nhận dinh dưỡng mà còn dự trữ một số chất, điển hình là sắt. Tích lũy sắt ở thai nhi xuất hiện sớm, khi sinh đủ tháng trẻ sẽ có khoảng 25 - 3.000mg sắt. Lượng sắt này có thể dùng vào việc tạo máu trong từ 3 – 4 tháng sau khi sinh khi các hấp thu và dinh dưỡng chưa đủ đáp ứng nhu cầu về sắt của trẻ. Trẻ em bị thiếu sắt do sinh non, sinh đôi, hay thai phụ bị thiếu máu khi có thai...
- Tốc độ tăng trưởng nhanh: Trẻ em bị thiếu sắt cũng có thể do tốc độ phát triển thể chất, cân nặng quá nhanh, trong khi đó việc tạo máu không thể đáp ứng được nhu cầu của cơ thể.
- Giảm nguồn cung sắt từ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng hằng ngày cho bé thiếu khoa học, không đầy đủ cũng là nguyên nhân trẻ em bị thiếu sắt.
- Bệnh lý: Những trẻ gặp các bệnh như cảm cúm, rối loạn tiêu hoá, dị ứng bò sữa, giảm hấp thu sắt, xuất huyết kéo dài... có thể làm giảm hấp thu sắt, từ đó khiến trẻ em bị thiếu sắt.
3. Triệu chứng thiếu sắt ở trẻ
Trẻ em bị thiếu sắt tuỳ thuộc vào mức độ mà các biểu hiện khác nhau. Thường thì không có triệu chứng hoặc các triệu chứng mơ hồ. Khi đã có triệu chứng ra ngoài thì mức độ thiếu sắt đã trầm trọng. Một số triệu chứng thiếu sắt ở trẻ mà cha mẹ cần lưu ý gồm:
- Da xanh xao;
- Bàn tay chân không hồng hào;
- Trẻ kém tập trung;
- Đề kháng kém;
- Dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp/ tiêu hoá,...;
- Biếng ăn;
- Sụt cân.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị thiếu sắt có thể gặp các biểu hiện như:
- Kém vận động (bò, ngồi, tập đi...);
- Không nhanh nhạy về trí óc.
Ngoài ra, tuỳ vào nguyên nhân thiếu sắt mà các biểu hiện trẻ em thiếu sắt có thể khác nhau.
4. Trẻ em thiếu máu cần bổ sung gì?
Trẻ em bị thiếu sắt cần bổ sung đúng cách để đảm bảo sự phát triển toàn diện. Theo đó, việc bổ sung khi trẻ bị thiếu sắt cần đúng cách,
Với trẻ sơ sinh, thường thì trẻ sẽ bú mẹ trong 6 tháng đầu. Do có lượng trữ sắt từ khi còn trong bụng nên vẫn đảm bảo lượng sắt cần thiết cho trẻ. Vì thế, trẻ sơ sinh sinh đủ tháng thì không cần bổ sung sắt, chỉ cần cho trẻ bú mẹ là đủ.
Khi trẻ bắt đầu đủ 6 tháng tuổi, đến thời kỳ ăn dặm. Ngoài sữa mẹ, bạn cần bổ sung các thực phẩm giàu kẽm và sắt. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo và tư vấn từ bác sĩ/ dược sĩ các thực phẩm chức năng có chứa sắt khi trẻ không thể ăn dặm với thức ăn đặc.
Với các trẻ sinh non, cần bổ sung sắt sớm hơn. Khi trẻ được 1 tháng đến 1 tuổi có thể bổ sung sắt liên tục với hàm lượng khoảng 2mg/ kg trọng lượng cơ thể. Lượng sắt tối đa cần hấp thu cho trẻ mỗi ngày khoảng 15mg.
Với trẻ bắt đầu đến tuổi ăn dặm, bạn có thể bổ sung các thực phẩm giàu sắt từ thực vật, động vật một cách linh hoạt để đảm bảo dinh dưỡng. Bên cạnh đó, với trẻ em thiếu sắt cần hấp thu sắt nhanh bạn cũng có thể kết hợp với các thực phẩm giàu vitamin C.
5. Thực phẩm cần bổ sung khi trẻ em bị thiếu sắt
Việc bổ sung sắt khi trẻ em bị thiếu sắt là rất cần thiết. Bổ sung sắt ngoài việc lựa chọn các loại thực phẩm chức năng có chứa sắt theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ thì bổ sung sắt thông qua bữa ăn cũng rất hiệu quả và cần thiết. Vậy trẻ em thiếu sắt nên ăn gì? Theo đó, khi trẻ em bị thiếu sắt bạn có thể cho trẻ ăn các thực phẩm như:
Hải sản: Hải sản có nguồn kẽm và sắt dồi dào, việc bổ sung vào thực đơn giúp bé cung cấp sắt tự nhiên một cách hiệu quả. Một số loại hải sản tốt cho trẻ em bị thiếu sắt như: Cá, nghêu, tôm, cua... Ngoài sắt, trong các loại hải sản này còn rất nhiều khoáng chất và vitamin, bạn có thể bổ sung linh hoạt vào thực đơn cho bé.
Các loại thịt đỏ, nội tạng: Thịt đỏ - có hàm lượng sắt dồi dào. Đa phần, việc trẻ bị thiếu sắt là bởi không hấp thu đủ sắt cho cơ thể. Trẻ em thiếu sắt nên ăn gì? Lúc này, bạn có thể bổ sung các loại thịt đỏ như: Thịt bò, thịt cừu, thịt dê, thịt bê;... Những loại thịt này giúp tạo máu rất hiệu quả cho bé khi đang bị thiếu sắt. Ngoài ra, khi bị thiếu sắt bạn cũng có thể bổ sung các loại nội tạng như: Tiết, gan, tim, cật...
Rau củ và trái cây: Rau củ, trái cây chứa đa dạng các loại dinh dưỡng. Việc bổ sung các loại trái cây, rau củ một cách tự nhiên hợp lý có thể bù đắp phần nào đó lượng sắt đang thiếu cho cơ thể. Các loại rau củ quả như: Khoai tây, rau diếp, bông cải xanh, cải bó xôi, các loại hạt ngũ cốc, quả mâm xôi, dưa hấu, dâu tây... Có hàm lượng sắt dồi dào, bạn nên bổ sung đa dạng vào thực đơn cho bé khi bị thiếu sắt.
Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc trẻ em thiếu sắt nên ăn gì? Hy vọng những thông tin này giúp cha mẹ có thêm kiến thức để bổ sung sắt một cách an toàn, hợp lý và hiệu quả cho con. Nếu còn thắc mắc khác về thiếu sắt ở trẻ em bạn có thể tư vấn cùng chuyên gia để được giải đáp cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.