Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Dinh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Bệnh tiêu chảy là bệnh lý tiêu hóa thường gặp ở trẻ, tùy theo nguyên nhân, dấu hiệu sẽ có các phương pháp điều trị bệnh khác nhau. Tuy nhiên nếu trẻ mắc bệnh tiêu chảy không được điều trị, bù nước điện giải kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, li bì, trụy tim mạch và có thể tử vong.
1. Mất nước là gì?
Mất nước là thuật ngữ bác sĩ sử dụng để chỉ tình trạng khi cơ thể mất quá nhiều nước. Mất quá nhiều nước là một tình trạng báo động của cơ thể bởi vì cơ thể cần một lượng nước nhất định để điều chỉnh các hoạt động sống của cơ thể. Một thuật ngữ khác mà các bác sĩ đôi khi sử dụng là "giảm thể tích".
Theo đó, trẻ em có nguy cơ mất nước cao hơn người lớn do một vài yếu tố sau:
- Cơ thể của trẻ em nhỏ hơn người lớn
- Trẻ em có nhiều khả năng bị nhiễm vi-rút gây nôn và tiêu chảy, dẫn đến mất nước.
- Việc uống nước của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phụ thuộc vào người lớn và trẻ không biết nói với người lớn nhu cầu uống nước khi khát.
2. Dấu hiệu mất nước ở trẻ bị tiêu chảy là gì?
Mất nước ở trẻ bị tiêu chảy có thể từ nhẹ đến nặng. Mất nước nhẹ thường không gây ra tình trạng báo động cho cơ thể. Nhưng nếu mất nước nhẹ không được điều trị có thể trở nên nặng, nguy hiểm. Mất nước nặng là một cấp cứu y tế khẩn cấp và có thể đe dọa tính mạng.
Trẻ bị mất nước nhẹ có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Khi tình trạng mất nước trở nên nặng hơn, chúng có thể gây ra các triệu chứng như:
- Trẻ cảm thấy khát nước
- Đi tiểu ít hoặc nước tiểu màu vàng sẫm hoặc nâu
- Miệng khô hoặc môi khô nứt nẻ
- Không có nước mắt khi trẻ khóc
- Trẻ mệt mỏi hoặc li bì
- Mắt trũng
- Thóp trũng (ở trẻ nhỏ còn thóp)
- Mất nước nặng có thể khiến trẻ thở bất thường hoặc hôn mê.
3. Mất nước ở trẻ bị tiêu chảy gây nguy cơ gì?
Mất nước do tiêu chảy ở trẻ có thể gây ra các nguy cơ sau:
- Gây co giật, hôn mê, chướng bụng, liệt ruột, rối loạn nhịp tim do rối loạn điện giải.
- Rối loạn nhịp thở, toan chuyển hóa, sốc do giảm thể tích
- Tử vong
Mất nước do tiêu chảy có thể để lại biến chứng nguy hiểm nên cần nhanh chóng điều trị và bù nước điện giải cho trẻ.
Theo đó, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị ngoại trú đối với các trường hợp tiêu chảy chưa có dấu hiệu mất nước hoặc mất nước nhẹ bằng cách cho trẻ uống dung dịch Oresol pha theo hướng dẫn theo theo chỉ định cho từng trường hợp (đối với trẻ nhỏ: cho uống bằng thìa, nếu trẻ nôn đợi 10 phút cho trẻ uống lại với tốc độ chậm hơn, tiếp tục cho trẻ bú mẹ).
Ngoài ra, các bác sĩ có thể chỉ định điều trị tại bệnh viện đối với các trường hợp mất nước nặng hơn.
Để phòng ngừa trẻ mất nước do tiêu chảy, các bác sĩ khuyến cáo nên nuôi con bằng sữa mẹ, sử dụng nguồn nước sạch vệ sinh ăn uống, đồng thời thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay thường xuyên với xà phòng. Đặc biệt các bậc cha mẹ nên chích ngừa đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh tả, thương hàn và cho trẻ uống rota phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang triển khai dịch vụ tiêm chủng với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai. Tại Vinmec có đầy đủ cơ sở vật chất y tế hiện đại đạt chuẩn để bảo quản vắc - xin cũng như có không gian vui chơi thoải mái cho trẻ trước và sau quá trình theo dõi tiêm. Đặc biệt, khách hàng sẽ được thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới.
Để đăng ký khám và tiêm phòng, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đặt hẹn TẠI ĐÂY.