Trẻ bị sởi dễ gặp biến chứng viêm phổi

Sởi là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do virus gây ra, tỉ lệ lây lan cao, bệnh có thể gây dịch và thường gặp ở trẻ em. Sởi bùng phát tại nhiều nước trong những năm gần đây, trong đó có Việt Nam. Bệnh sởi thường tự khỏi nhưng có thể xảy ra biến chứng nặng, đặc biệt là sởi biến chứng viêm phổi và thần kinh trung ương.

1. Tại sao trẻ bị mắc bệnh sởi?

Trẻ mắc bệnh sởi nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kháng thể chống lại virus sởi. Khi trẻ mới sinh ra cho đến tháng thứ 8 - 9, trẻ được mẹ truyền kháng thể chống sởi, nhưng sau đó lượng kháng thể chống sởi do mẹ truyền sẽ giảm xuống nhanh chóng, nếu gặp virus sởi trẻ sẽ bị bệnh.

Ngược lại, nếu người mẹ có ít kháng thể chống sởi hoặc mẹ không có kháng thể chống sởi thì trẻ sinh ra sẽ không có kháng thể chống sởi do mẹ truyền. Những người mẹ nào lúc còn trẻ chưa mắc bệnh sởi bao giờ hoặc chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi sẽ không có kháng thể để truyền cho con.

Một lý do rất quan trọng đối với trẻ lớn hơn 9 tháng tuổi mắc bệnh sởi có thể là do trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc chưa tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành y tế. Cần cho trẻ tiêm phòng đúng lịch để không bị mắc sởi.

2. Đường lây truyền bệnh sởi

Trẻ chưa có kháng thể chống sởi sẽ dễ dàng bị lây nhiễm virus sởi khi hít phải các hạt nước bọt này. Trẻ cũng có thể nhiễm virus sởi nếu để tay tiếp xúc với sàn nhà, đồ chơi, khăn mặt, quần áo... có virus sởi sau đó đưa tay lên miệng hoặc mũi làm lây nhiễm virus. Những đứa trẻ mắc bệnh sởi có khả năng lây bệnh cho trẻ khác kể từ khi trẻ bắt đầu có các triệu chứng cho đến 4 ngày sau khi vết ban đầu tiên xuất hiện. Bệnh sởi dễ lây lan thành dịch ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, khu đông dân cư...


Trẻ chưa có kháng thể chống sởi sẽ dễ dàng bị lây nhiễm virus sởi khi hít phải các hạt nước bọt này
Trẻ chưa có kháng thể chống sởi sẽ dễ dàng bị lây nhiễm virus sởi khi hít phải các hạt nước bọt này

3. Các biến chứng của bệnh sởi

3.1 Biến chứng sởi trên đường hô hấp:

Viêm phổi: biến chứng viêm phổi của bệnh sởi có thể gặp ở 80% trẻ mắc bệnh và chiếm 20 - 100% nguyên nhân tử vong do sởi ở các nước đang phát triển.

Viêm phế quản: thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kỳ mọc ban. Biểu hiện trẻ sốt lại, ho nhiều, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, trên phim X-quang nhìn rõ hình ảnh phế quản bị viêm..

Viêm phế quản - phổi: đây là biến chứng do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau khi sởi mọc ban. Biểu hiện nặng: trẻ sốt cao khó thở, nghe phổi có nhiều âm ran phế quản, bạch cầu tăng. Trên phim X-quang cho thấy có nốt mờ rải rác ở hai phổi. Biến chứng này rất nguy hiểm và thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.

Viêm thanh quản: biến chứng viêm thanh quản có thể gặp ở các giai đoạn của bệnh sởi. Biến chứng ở giai đoạn sớm là do virus sởi xuất hiện ở giai đoạn khởi phát, giai đoạn đầu của mọc ban, có thể mất theo nốt ban, trẻ có cơn khó thở do co thắt thanh quản. Biến chứng của bệnh sởi ở giai đoạn muộn là do bội nhiễm (hay gặp do trẻ mắc sởi bị nhiễm tụ cầu, liên cầu, phế cầu...), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: trẻ sốt cao vọt lên, ho ông ổng, khàn tiếng, khó thở, tím tái.

Viêm tai giữa cấp: đây là biến chứng thường gặp nhất của sởi tại Hoa Kỳ: 14% trẻ <5 tuổi. Viêm bề mặt biểu mô vòi Eustache gây tắc nghẽn và nhiễm trùng thứ phát. Tỷ lệ viêm tai giữa thấp hơn ở trẻ lớn tuổi hơn do đường kính vòi Eustache tăng theo tuổi, giảm nguy cơ tắc nghẽn. Tác nhân: H.influenzae, S.pneumoniae

Biến chứng khác: xẹp phổi, khí phế thũng, tràn khí trung thất (hiếm gặp).

3.2 Biến chứng thần kinh:

Viêm não - màng não - tủy cấp: đây là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao, thường gặp ở trẻ lớn (tuổi đi học), xuất hiện vào tuần đầu của phát ban (ngày 3 - 5 của ban). Triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột, trẻ sốt cao vọt, có thể co giật, rối loạn ý thức như: hôn mê, liệt nửa người hoặc một bên chi, liệt dây thần kinh số III, VII. Ngoài ra, trẻ hay gặp hội chứng tháp - ngoại tháp, tiểu não, tiền đình... Biến chứng viêm tủy biểu hiện dưới dạng liệt hai chi dưới, rối loạn cơ vòng.

Viêm màng não: một dạng biến chứng thần kinh khác của bệnh sởi là viêm màng não kiểu thanh dịch và viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.

Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa: là biến chứng ít gặp nhưng rất khó tiên lượng và để lại di chứng nặng nề, gặp ở tuổi từ 2 - 20, xuất hiện muộn sau vài năm mắc sởi. Điều này cho thấy virus sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Diễn biến của biến chứng từ vài tháng đến 1 năm. Bệnh nhân có thể tử vong trong tình trạng tăng trương lực cơ và co cứng mất não.

Biến chứng tai - mũi - họng: thường gặp là viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai và viêm tai xương chũm.

Biến chứng vùng khoang miệng - viêm niêm mạc miệng: xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh sởi là do virus sởi gây ra, thường hết cùng với ban. Biến chứng xảy ra ở giai đoạn muộn của bệnh sởi thường do bội nhiễm.


Biến chứng viêm phổi của bệnh sởi có thể gặp ở 80% trẻ mắc bệnh
Biến chứng viêm phổi của bệnh sởi có thể gặp ở 80% trẻ mắc bệnh

4. Chăm sóc trẻ ngăn ngừa biến chứng của bệnh sởi

  • Tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng khi trẻ mắc bệnh. Uống nhiều nước hoa quả, ăn thức ăn lỏng, đủ chất, không nên kiêng khem quá mức. Tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh nhiễm trùng cơ hội.
  • Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ. Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với. Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng bằng dung dịch cloramin B.
  • Biến chứng hô hấp thường gặp nhất ở trẻ mắc bệnh sởi, vì vậy cha mẹ cần lưu ý phát hiện và điều trị sớm nhất có thể. Sốt dai dẳng trên 5 ngày cần lưu ý đến khả năng có biến chứng, cần được tầm soát đầy đủ, đặc biệt là chụp Xquang phổi.
  • Điều trị hỗ trợ hô hấp thích hợp theo phác đồ, không sử dụng corticoid đường toàn thân.
  • Bổ sung Vitamin A liều cao.

Khi trẻ có vấn đề bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để bác sĩ chẩn đoán và điều trị phù hợp, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe