Trẻ bị rối loạn tăng động, giảm chú ý thường có các biểu hiện như hiếu động quá mức, khó tập trung, khó kiềm chế cảm xúc, dễ nổi giận,... Đặc biệt, trẻ bị rối loạn tăng động, giảm chú ý có tỉ lệ cao mắc bệnh rối loạn tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm.
1. Các dấu hiệu của trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý
Tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder, viết tắt là ADHD) là một trong những rối loạn thần kinh thường gặp ở trẻ em, đặc trưng bằng những hành vi hiếu động quá mức và giảm khả năng tập trung. Cuộc sống hiện đại, trẻ em được quan tâm đầy đủ về vật chất và tinh thần tuy nhiên tỷ lệ trẻ có biểu hiện tăng động, nghịch phá lại có xu hướng gia tăng.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong 100 trẻ thì có 3-5 trẻ mắc ADHD với một số triệu chứng trước 7 tuổi. Bé trai có tỉ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần bé gái, lứa tuổi hay mắc nhất là 8-11 tuổi. Khi trưởng thành, bệnh có xu hướng giảm dần, ở tuổi 20 tỉ lệ mắc bệnh là 1%, đến tuổi trung niên là 0.5%. Theo một nghiên cứu trên 1.595% học sinh ở Hà Nội cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh là 3.01%.
Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể chỉ bị tăng động, chỉ bị giảm chú ý hoặc bị cả hai tình trạng này. Trẻ mắc bệnh thường có một số triệu chứng như sau:
Tăng hoạt động
- Trẻ không tập trung trong lớp, trẻ luôn cố gắn đứng lên, chạy xung quanh, không thể ngồi im. Khi bị bắt buộc phải ngồi, trẻ cảm thấy rất khó chịu, liên tục vặn vẹo, ngọ nguậy trên ghế.
- Trẻ hay quậy phá, dễ nổi giận: Trẻ khó kiềm chế cảm xúc, dễ bùng phát các cơn thịnh nộ.
- Trẻ khó đợi đến lượt: trẻ hay cắt ngang lời người khác khi đang nói chuyện, khó khăn khi chờ đến lượt của mình khi tham gia các hoạt động tập thể do trẻ không có khả năng nhận biết được mong muốn, nhu cầu của người khác.
- Kết quả học tập thường không ổn định do tập trung kém, tiếp thu chậm. Trẻ cũng gặp khó khăn về kỹ năng đọc, viết.
Giảm chú ý
- Trẻ không nắm được bài giảng, khó khăn để lắng nghe dặn dò hoặc yêu cầu từ thầy cô, hay lơ đãng, mơ màng mặc dù trẻ không hề kém thông minh hơn các bạn cùng trang lứa.
- Trẻ thường quên bài vở và mất dụng cụ học tập, dù được bố mẹ liên tục mua mới, nhắc nhở và dặn dò kỹ lưỡng nhưng trẻ vẫn không khắc phục được.
- Không giao tiếp với bạn bè: trẻ mắc ADHD thường kém tự tin trong giao tiếp với người xung quanh. Khi môi trường sống bị thay đổi, trẻ rất khó thích nghi.
- Trẻ khó khăn trong bày tỏ cảm xúc bằng lời nói hoặc cử chỉ thông thường, do trẻ mắc ADHD thường đối mặt với chứng nhận thức và trạng thái chậm phát triển về vận động và ngôn ngữ.
2. Trẻ bị rối loạn tăng động, giảm chú ý dễ mắc trầm cảm
Các nghiên cứu cho thấy, có khoảng 30% trẻ bị rối loạn tăng động, giảm chú ý mắc các rối loạn tâm lý nghiêm trọng như bị trầm cảm. Một số chuyên gia cho rằng, một nửa những người mắc ADHD sẽ mắc bệnh trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Nguyên nhân gây trầm cảm ở trẻ em bị ADHD do trẻ luôn cảm thấy khó khăn khi học tập, sinh hoạt, vui chơi với bạn bè do các triệu chứng của tăng động gây ra. Trẻ thường bị bạn bè xa lánh vì không theo khuôn khổ, bị cho là đứa trẻ hư, thất bại. Bên cạnh đó, kết quả học tập yếu kém do sự mơ màng, thiếu tập trung làm trẻ tự ti, tuyệt vọng, nghĩ rằng mình không thể làm tốt việc gì.
Nguyên nhân gây rối loạn tăng động, giảm chú ý và trầm cảm ở trẻ em thường có liên quan đến yếu tố di truyền. Những người bị trầm cảm hoặc ADHD thường có cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình cũng từng mắc bệnh. Người bệnh ADHD thường bị giảm dopamin, một chất dẫn truyền tín hiệu từ dây thần kinh này sang dây thần kinh khác. Theo một số nghiên cứu thì trong cấu trúc não người bị ADHD có khối lượng chất xám ít hơn. Các nguyên nhân khác như người mẹ mắc các bệnh lý khi mang thai, trẻ mắc các bệnh lý gây tổn thương não, trẻ sống trong môi trường quá ồn ào, đông đúc, ô nhiễm,... Xem quá nhiều tivi, điện thoại, nghiện game cũng làm nặng thêm tình trạng trầm cảm và rối loạn tăng động, giảm chú ý ở trẻ.
3. Làm gì khi trẻ bị rối loạn tăng động, giảm chú ý?
Trẻ bị rối loạn tăng động, giảm chú ý gặp rất nhiều vấn đề trong học tập, giao tiếp, phát triển tâm sinh lý cũng như các kỹ năng để hòa nhập xã hội. So với những đứa trẻ bình thường, trẻ mắc ADHD có nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm thần, sử dụng chất gây nghiện, các hành vi phạm tội hoặc dễ bị tai nạn,... Tuy nhiên, nếu trẻ được can thiệp sớm, đúng cách, tình trạng của trẻ sẽ có cơ hội cải thiện, trẻ sẽ đi học, đi làm và sống cuộc sống độc lập, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Khi trẻ có biểu hiện bị tăng động, giảm chú ý, nhà trường, gia đình và bác sĩ chuyên môn cần có sự phối hợp chặt chẽ để điều trị cho trẻ. Điều trị tâm lý là phương pháp đóng vai trò then chốt. Các phương pháp có thể sử dụng là:
- Liệu pháp hành vi: giúp trẻ nhận biết tình huống, giải thích cho trẻ những việc cần làm, khen thưởng, động viên khi trẻ có hành vi tốt, khi trẻ mắc lỗi cần kiên trì nhắc nhở, tránh đánh mắng trẻ.
- Phương pháp tăng tập trung chú ý: tạo môi trường yên tĩnh khi trẻ học tập, tránh giao trẻ quá nhiều việc cùng lúc làm trẻ mất tập trung, cố gắng tạo cho trẻ chú ý nghe khi bạn nói, yêu cầu trẻ nhắc lại những điều vừa nghe, cho trẻ chơi những trò chơi đòi hỏi tư duy,...
- Hỗ trợ trẻ trong học tập: cho trẻ rèn luyện thân thể bằng những môn thể thao phù hợp, vừa sức; lập thời gian biểu học tập và nhắc nhở trẻ thực hiện theo; cha mẹ phải chấp nhận những hạn chế, không bao giờ được chế giễu trẻ, luôn giữ thái độ kiên trì nhưng dứt khoát với trẻ, tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể.
Trẻ bị rối loạn tăng động, giảm chú ý chỉ nên điều trị bằng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Khi điều trị bằng thuốc, phải tuyệt đối thực hiện theo đúng hướng dẫn, không được tự ý ngưng thuốc. Việc tự ý ngưng thuốc khi triệu chứng cải thiện có thể làm triệu chứng tái phát mức độ nặng nề hơn, để lại hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com