Trẻ 16 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ?

Một câu hỏi thường trực khiến nhiều phụ huynh băn khoăn chính là trẻ 16 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ? Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ về chế độ ăn phù hợp với độ tuổi này của trẻ. Dựa vào chỉ số phát triển như chiều cao, cân nặng, sự phát triển tâm thần và vận động của trẻ mà cha mẹ có thể đánh giá được bé đã ăn đủ hay chưa.

1. Thể chất của trẻ 16 tháng tuổi

Trước khi tìm hiểu bé 16 tháng ăn bao nhiêu là đủ, cha mẹ cần phải thực sự hiểu rõ về sự phát triển thể chất của trẻ. Điều này thể hiện rõ trong các kỹ năng vận động của trẻ. Tùy cơ địa mà trẻ có thể đi bằng cách vịn tay vào các vật dụng trong gia đình hoặc biết chạy bước ngắn.

Ngoài ra, kỹ năng vận động tĩnh của trẻ 16 tháng tuổi cũng được cải thiện đáng kể để trẻ có thể thực hiện được những hành động phức tạp như cởi tất, cầm muỗng hay vẽ bằng bút chì màu,... Cha mẹ hãy theo dõi sát sự phát triển thể chất của trẻ trong giai đoạn này để có kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng cho phù hợp.

2. Trẻ 16 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ?

2.1 Về cách chế biến thực phẩm

Mặc dù bé 16 tháng tuổi đã có 11 - 13 răng sữa nhưng răng của bé vẫn chưa đủ lực để nhai, nghiền nát thức ăn như trẻ lớn. Do đó, chế độ ăn của trẻ trong giai đoạn này vẫn là cháo và bột. Nếu bé 16 tháng chán ăn cháo thì phụ huynh cũng có thể thay đổi các món ăn khác, có độ mềm như bún, mì, phở, nui,...

Trong mỗi chén thức ăn của trẻ cần có đủ 4 nhóm thực phẩm gồm gạo, chất đạm băm nhuyễn (tôm, thịt, cá, trứng, cua,...), rau lá hoặc củ quả băm nhuyễn (rau dền, bí đỏ, cà rốt, rau muống,...) và dầu ăn. Khi được 16 tháng tuổi, bé đã có thể ăn được nhiều loại thực phẩm như người lớn nên cha mẹ cần cho bé ăn đa dạng các nhóm thực phẩm, kết hợp đổi món thường xuyên và bổ sung những món ăn phụ như sữa chua, phô mai, nho, đu đủ,... vào bữa phụ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.

Cha mẹ cần chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn cho bé. Phụ huynh không nên cho bé ăn ngũ cốc đã chế biến, hoa quả đóng hộp, bánh quy hay đồ ăn nhanh chế biến sẵn vì chúng không an toàn cho trẻ. Cha mẹ nên chọn thực phẩm tươi sống, đảm bảo an toàn để chế biến trong mỗi bữa ăn của bé.


Giải đáp trẻ 16 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ?
Giải đáp trẻ 16 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ?

2.2 Lượng thức ăn cho trẻ 16 tháng tuổi

Cha mẹ nên cho trẻ 16 tháng tuổi ăn thành nhiều bữa trong ngày. Vì dạ dày của bé 16 tháng tuổi vẫn còn rất nhỏ nên phụ huynh nên cho trẻ ăn thành 3 bữa chính, xen kẽ là 3 - 4 cữ bú sữa mẹ. Gợi ý về thực đơn dinh dưỡng cho trẻ như sau:

Bé đút muỗng

  • 560 ml sữa/ngày (bao gồm sữa mẹ và sữa công thức).
  • Ngày 3 bữa chính + 1 bữa phụ. 1 bữa ăn dặm gồm:
    • Cháo/cơm: 100ml cho bữa chính và 40ml cho bữa phụ.
    • Thịt bò/heo/gà/cá: 35 - 40g/bữa.
    • Cá thu/cá hồi/cá chép/lươn: 3 ngày/tuần.
    • Sữa chua/phô mai: 30g/ngày, không ăn quá 4 ngày/tuần.
    • Rau: 20g/bữa.
    • Dầu oliu: 1 - 2 muỗng/bữa, không ăn quá 4 ngày/tuần.

Bé ăn dặm tự chỉ huy

  • 560 ml sữa/ngày (bao gồm sữa mẹ và sữa công thức);
  • Ngày 3 bữa chính + 1 bữa phụ. 1 bữa ăn dặm gồm:
    • Cơm: 5 - 6 viên cơm/bữa hoặc 2⁄3 chén cơm loại vừa cho bé tự múc;
    • Hạt mè hoặc hạt ăn dặm: Nghiền nát như bột, cho trẻ ăn 5g/ngày, không quá 5 ngày/tuần;
    • Thịt bò/heo/gà/cá/lòng đỏ trứng: Cắt miếng vừa ăn với bé;
    • Cá hồi/cá thu/cá chép/lươn: 3 ngày/tuần;
    • Rau, củ, quả: 3 -4 miếng/bữa;
    • Sữa chua/phô mai: 30g/ngày, không quá 4 ngày/tuần;
    • Dầu oliu: 1 - 2 muỗng/ngày dùng chiên cá/thịt/tôm, không quá 5 ngày/tuần.

Bài viết đã giúp các bậc phụ huynh nắm được trẻ 16 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ. Vì đây là giai đoạn trẻ thích khám phá môi trường xung quanh nên phụ huynh cần chăm sóc trẻ đúng cách về thể chất và trí tuệ để bé phát triển toàn diện, rèn luyện được nhiều kỹ năng hữu ích.

Ngoài ra, trẻ 16 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe