Thuốc Tratrison là thuốc bôi ngoài da, điều trị những bệnh da liễu như: lang beng, viêm da, trầy xước nhiễm trùng, bệnh nấm,... Trong quá trình điều trị với thuốc bôi Tratrison, nếu cơ thể bạn xuất hiện triệu chứng lạ, hãy thông báo với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
1. Thuốc Tratrison là thuốc gì? Công dụng của thuốc Tratrison
- Tên biệt dược: Tratrison;
- Phân nhóm thuốc: Thuốc điều trị bệnh lý về da liễu;
- Dạng bào chế: dạng kem.
Mỗi tuýp thuốc bôi Tratrison (10 gram) có chứa các thành phần sau:
- Betamethasone dipropionate: Đây là một chất kháng viêm. Đây là dược chất có khả năng kháng viêm rất mạnh. Một số công dụng của Betamethasone dipropionate là chống viêm da, chống viêm khớp, điều trị thấp khớp và chống dị ứng.
- Clotrimazole: Clotrimazole là một dẫn chất tổng hợp của Imidazole và có cấu trúc hóa học tương tự với Miconazole. Loại hóa chất này có tác dụng kháng nấm, ức chế sự phát triển của những loại vi nấm gây bệnh ở người. Giống như các Imidazole khác, thuốc tác động đến tính thẩm thấu của vách tế bào vi nấm bằng cách can thiệp lên các lipid của màng. Ở liều điều trị, thuốc ức chế sự tổng hợp ergosterol của vách tế bào, nhưng ở nồng độ cao hơn thuốc bôi Tratrison còn có thêm một cơ chế khác nữa gây hủy hoại màng mà không có liên quan gì đến sự tổng hợp sterol, đến nay vẫn chưa rõ cơ chế tác dụng đó.
- Gentamicin sulfate.
2. Thuốc Tratrison điều trị bệnh gì?
Thuốc bôi Tratrison được chỉ định trong điều trị các bệnh lý về da liễu như sau:
- Bệnh Eczema;
- Nhiễm trùng da;
- Vết trầy;
- Hăm da;
- Nấm da;
- Lang beng.
3. Cách dùng và liều dùng thuốc Tratrison
3.1. Cách sử dụng thuốc bôi Tratrison
- Bôi một lớp thuốc bôi Tratrison mỏng lên vùng da bị bệnh và bôi ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.
- Thời gian điều trị thông thường 3 – 4 tuần, nếu không thấy tình trạng bệnh cải thiện cần xem lại chẩn đoán.
- Để có phương pháp điều trị có hiệu quả nên sử dụng thuốc đều đặn.
3.2. Trường hợp quá/ quên liều thuốc
- Nếu trong quá trình sử dụng thuốc bôi Tratrison, bạn sơ ý quên thoa một liều trên da theo thời gian thường sử dụng, bạn nên thực hiện ngay khi nhớ ra. Tuyệt đối không bôi thuốc với lượng nhiều hơn với suy nghĩ để bù liều. Việc sử dụng quá nhiều thuốc bôi Tratrison có thể gây tổn thương lớp biểu bì và gây ra các tác dụng ngoài ý muốn. Bỏ quên một liều dùng có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của quá trình điều trị, nhưng nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, kết quả điều trị sẽ không như mong đợi.
- Nếu sử dụng thuốc bôi Tratrison quá liều sẽ gây ra những tác dụng ngoài ý muốn. Do đó, nếu nhận thấy mình sử dụng thuốc quá liều chỉ định, bạn nên tạm ngưng sử dụng thuốc bôi Tratrison. Sau đó, bạn đến gặp bác sĩ khai báo để có cách xử lý kịp thời.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc bôi Tratrison
Thuốc bôi ngoài da Tratrison có thể gây ra một số tác dụng ngoài ý muốn đến sức khỏe người sử dụng như sau:
- Giảm sắc hồng cầu, nóng rát, ban đỏ, rỉ dịch hay ngứa ngáy trên da.
- Bệnh vảy cá, nổi mày đay, mẩn ngứa hay dị ứng toàn thân.
- Khi sử dụng thuốc trên diện rộng, có băng ép có thể gây ra tình trạng kích ứng da, khô da, viêm nang lông, rậm lông, mụn, giảm sắc tố, viêm da bội nhiễm, teo da, vạch da hay hạt kê.
5. Tương tác của thuốc bôi Tratrison
Thuốc bôi Tratrison có sẽ sẽ tương tác với một số loại thuốc khác. Sự tương tác này có thể làm cho thuốc bị giảm hoặc mất hoàn toàn tác dụng. Bạn nên chú ý đến điều này trong quá trình sử dụng phối hợp cùng lúc.
Thuốc bôi ngoài da Tratrison làm giảm khả năng hoạt động của một số hoạt chất sau:
- Ca;
- Sulfafurazol;
- Heparin;
- Sulfacetamid;
- Mg;
- Acetylcystein;
- Cloramphenicol;
- Actinomycin;
- Doxorubicin;
- Clindamycin.
Bạn nên hỏi thêm bác sĩ điều trị về cách xử lý tương tác thuốc nếu phải điều trị với thuốc Tratrison kết hợp cùng những loại thuốc khác.
6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc bôi Tratrison
6.1. Chống chỉ định của thuốc bôi Tratrison
Thuốc bôi Tratrison không được chỉ định cho những người cơ địa nhạy cảm hay quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Ngoài ra, không thoa thuốc bôi Tratrison lên vết thương hở, vùng da bị trầy xước, lở loét và tai ngoài.
6.2. Khuyến cáo của thuốc bôi Tratrison
Một số trường hợp sau nên cẩn trọng khi sử dụng thuốc bôi Tratrison:
- Trẻ em, trẻ sơ sinh: thuốc bôi Tratrison có thể gây ra những dị ứng cho làn da nhạy cảm của em bé;
- Người có vết thương hở, không nên thoa thuốc trực tiếp lên vết thương.
- Dị ứng chéo trong nhóm aminoglycosid. Tránh thoa trực tiếp thuốc lên vết thương, vùng da tổn thương, thoa diện rộng, băng ép.
- Đối tượng sử dụng thuốc là trẻ em, trẻ nhũ nhi, phụ nữ mang thai hay đang trong thời kỳ cho con bú.
6.3. Thời điểm nên ngưng sử dụng thuốc bôi Tratrison
- Khi bạn đã điều trị dứt điểm các bệnh về da, bạn cần ngừng sử dụng thuốc.
- Khi có chỉ định ngưng sử dụng thuốc của bác sĩ chuyên môn hoặc chuyên gia y tế.
- Khi cơ thể xuất hiện các biểu hiện hay triệu chứng lạ, bạn nên tạm ngưng sử dụng và tìm đến bác sĩ để được xử trí đúng cách.
Thuốc Tratrison là thuốc bôi ngoài da, điều trị những bệnh da liễu như: lang beng, viêm da, trầy xước nhiễm trùng, bệnh nấm,... Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.