Trào ngược axit và lo lắng có mối liên hệ chặt chẽ

Trào ngược axit và lo lắng có mối liên hệ chặt chẽ khi có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, căng thẳng và lo lắng làm cho các triệu chứng trào ngược axit trở nên nghiêm trọng hơn. Ngược lại, trào ngược axit có thể tạo ra căng thẳng và tăng cường cảm giác lo lắng ở một số người.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Mối liên hệ giữa trào ngược axit và lo lắng theo nghiên cứu

Trào ngược axit xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên ống dẫn thức ăn hoặc thực quản. GERD (trào ngược dạ dày thực quản) là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng trào ngược axit dai dẳng.

Trong khi đó, lo lắng là một phản ứng tự nhiên của cơ thể trước căng thẳng. Tuy nhiên, lo lắng có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn khi chính lo lắng gây ra căng thẳng và ngược lại.

Có nhiều bằng chứng cho thấy, căng thẳng và lo lắng có thể gây ra trào ngược axit hoặc làm cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Một nghiên cứu năm 2018 với hơn 19.000 người chỉ ra rằng, người có chứng lo âu có khả năng cao hơn gặp các triệu chứng của GERD.

Các nhà nghiên cứu đề xuất một số lý do có thể giải thích điều này, bao gồm:

  • Lo lắng làm giảm áp lực tại cơ vòng thực quản - nơi giữ cho dạ dày đóng lại và ngăn axit tràn vào thực quản.
  • Phản ứng căng thẳng và lo lắng có thể gây căng cơ kéo dài, ảnh hưởng đến các cơ xung quanh dạ dày và tăng áp lực trong cơ quan này, từ đó thúc đẩy axit lên cao.
  • Mức độ lo lắng cao có thể kích thích sản xuất axit dạ dày.

Trong một số trường hợp, những người có chứng lo âu có thể trải qua số lần trào ngược axit tương đương với những người không mắc chứng lo âu nhưng lại cảm nhận các triệu chứng này nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng đã phát hiện rằng ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, các triệu chứng bao gồm đau sau xương ức và cảm giác nóng bức thường nghiêm trọng hơn ở người có mức độ lo lắng cao hơn. 

Mối liên hệ chặt chẽ của bệnh trào ngược axit và lo lắng.
Mối liên hệ chặt chẽ của bệnh trào ngược axit và lo lắng.

2. Tại sao trào ngược axit khiến mọi người lo lắng?

Vào năm 2019, một số nghiên cứu đã ghi nhận rằng người mắc bệnh GERD và đau ngực thường có mức độ trầm cảm, lo lắng cao hơn so với người không gặp phải vấn đề này.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra các triệu chứng như đau ngực và các tình trạng nghiêm trọng khác cũng có sự liên kết, tăng sự lo lắng của người bệnh về những dấu hiệu này.

Sự kết hợp của những yếu tố này tạo ra một chu trình lặp đi lặp lại. GERD có thể gây ra căng thẳng và lo lắng, trong khi căng thẳng và lo lắng cũng làm tăng nguy cơ tiến triển GERD.

Ngoài ra, các yếu tố khác có thể góp phần vào việc gây ra trào ngược axit bao gồm:

  • Béo phì
  • Thai kỳ
  • Hút thuốc
  • Bị thoát vị tạm thời 
Béo phì làm tăng nguy cơ trào ngược axit ở người bệnh.
Béo phì làm tăng nguy cơ trào ngược axit ở người bệnh.

3. Sự khác biệt giữa các triệu chứng của trào ngược axit và lo lắng

3.1 Các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

GERD hay bệnh trào ngược axit là tình trạng axit từ dạ dày thường xuyên chảy ngược vào thực quản. Tình trạng này gây ra một loạt các triệu chứng, trong đó phổ biến nhất là chứng ợ chua, xuất hiện dưới dạng cảm giác đau, nóng rát ở vùng trung tâm của ngực và đôi khi lan đến cổ họng.  

Ngoài ra, các triệu chứng khác của GERD có thể bao gồm:

  • Buồn nôn hoặc đau bụng.
  • Đau ở ngực hoặc bụng.
  • Cảm giác đau khi nuốt.
  • Buồn nôn.
  • Hơi thở có mùi hôi.

3.2 Triệu chứng của lo âu

Triệu chứng của lo âu có thể khác nhau tùy từng người, nhưng thường bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh.
  • Cảm giác hồi hộp hoặc bồn chồn.
  • Cơ bắp co giật.
  • Cảm giác căng thẳng, cả về mặt thể chất và tinh thần.
  • Thở nhanh hoặc thở gấp.
  • Cảm giác sợ hãi hoặc cảm giác sắp xảy ra điều tồi tệ.
  • Khó tập trung.
  • Các vấn đề tiêu hóa khác như đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Khó ngủ.

4. Điều trị và phòng ngừa

Nhiều người thỉnh thoảng phải đối mặt với chứng trào ngược axit và cảm thấy lo lắng khi phải đối mặt với tình huống căng thẳng. Khi một hoặc cả hai triệu chứng xảy ra thường xuyên, người bệnh nên thực hiện các bước điều trị hoặc ngăn ngừa. Vì các triệu chứng trào ngược axit và lo lắng có thể làm cho từng tình trạng trở nên tồi tệ hơn, người bệnh cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn chu kỳ này.

Người bệnh có thể giảm các triệu chứng của GERD bằng cách:

  • Tìm kiếm và loại bỏ các thực phẩm gây ra các triệu chứng.
  • Tránh các bữa ăn lớn hoặc nhiều chất béo.
  • Ăn bữa cuối cùng trong ngày ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ.
  • Sử dụng thuốc kháng axit không kê đơn như canxi cacbonat (Tums) hoặc bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol).
  • Sử dụng thuốc ức chế bơm proton như esomeprazole (Nexium).
  • Sử dụng thuốc chẹn H2 như famotidine (Pepcid).

Ngoài ra, người bệnh nên thảo luận với bác sĩ về các phương pháp điều trị GERD khác nếu các phương pháp đang sử dụng không mang lại hiệu quả. 

Người bệnh có thể sử dụng thuốc để giảm các triệu chứng trào ngược axit và lo lắng.
Người bệnh có thể sử dụng thuốc để giảm các triệu chứng trào ngược axit và lo lắng.

Các bác sĩ cũng khuyên người bệnh nên thực hiện các bước để giảm bớt hoặc ngăn ngừa lo lắng. Các biện pháp này có thể bao gồm:

  • Tham dự các buổi trị liệu hành vi nhận thức thường xuyên.
  • Giảm lượng caffeine trong khẩu phần hàng ngày.
  • Tránh uống rượu và các loại thuốc kích thích.
  • Thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như yoga, thiền hoặc thái cực quyền.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu hoặc thuốc chẹn beta.

Lưu ý, người bệnh phải luôn tuân theo hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc điều trị lo âu vì một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng. Ví dụ, khi người bệnh sử dụng thuốc benzodiazepin cùng với rượu hoặc thuốc phiện có thể gây ra những tác động nguy hiểm đến tính mạng.

5. Khi nào cần tham khảo với bác sĩ

Trong một số trường hợp, phương pháp điều chỉnh lối sống và sử dụng các loại thuốc không cần kê đơn có thể giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng của trào ngược axit và lo lắng.

Tuy nhiên, người bệnh nên thảo luận với bác sĩ nếu gặp phải trào ngược axit kéo dài hoặc trải qua cảm giác lo lắng mãn tính.

Trào ngược axit kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng như tổn thương mô ở thực quản, bệnh thực quản Barrett và ung thư thực quản. Trong khi đó, lo lắng kéo dài cũng có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần và thể chất.

Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản và lo lắng có thể tương tự như các triệu chứng của các bệnh khác, do đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có được kết quả chẩn đoán chính xác. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe