Baking soda trị trào ngược axit là một giải pháp đơn giản và hiệu quả cho người bệnh để thực hiện tại nhà. Với tính kiềm tự nhiên, baking soda giúp trung hòa axit trong dạ dày, giảm nhanh các triệu chứng khó chịu như ợ nóng. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng baking soda đúng cách để đạt hiệu quả tối đa, đồng thời cung cấp những lưu ý quan trọng để đảm bảo an toàn khi sử dụng phương pháp này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Baking soda trị trào ngược axit và những lợi ích khác
Trào ngược axit hay còn gọi là tình trạng ợ nóng, xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên ống dẫn thức ăn, gây ra cảm giác không thoải mái. Một số bệnh nhân có thể cảm nhận vị chua trong miệng.
Nếu bị trào ngược axit hơn hai lần một tuần, đó có thể là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc các bệnh lý khác có liên quan.
Tuy nhiên, nếu triệu chứng trào ngược axit chỉ xuất hiện trong vòng 2 tuần rồi lại biến mất, bệnh nhân có thể sử dụng baking soda trị trào ngược axit.
Natri bicarbonat - hay còn gọi là baking soda, là một hỗn hợp muối gồm các ion natri và ion bicarbonate ở dạng tinh thể màu trắng hoặc bột mịn, natri bicarbonat cũng có thể ở dưới dạng viên nén hoặc viên nang.
Baking soda thường được sử dụng làm chất nở bột bánh, là một thành phần của các sản phẩm vệ sinh răng miệng cũng như là một chất làm sạch tự nhiên.
Trong lĩnh vực y tế, natri bicarbonat được dùng để kiềm hóa nước tiểu, điển hình là dùng để điều trị nhiễm trùng đường tiểu. Tuy nhiên, việc sử dụng natri bicarbonat cần được giám sát bởi bác sĩ để tránh các tác dụng phụ có thể xảy ra.
2. Baking soda và chứng ợ nóng
Baking soda với khả năng kiềm hóa độ pH là một giải pháp giúp giảm các triệu chứng ợ nóng và trào ngược axit bằng cách trung hòa lượng axit dư thừa bên trong dạ dày. Baking soda có thể được tìm thấy tại các hiệu thuốc dưới dạng viên nén và bột sủi bọt.
Khi sử dụng các loại thuốc không kê đơn hoặc thuốc theo toa, hãy tuân thủ theo hướng dẫn trên bao bì. Bệnh nhân chỉ nên sử dụng baking soda trị trào ngược axit tạm thời khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu vì dùng quá liều có thể gây ra các vấn đề khác. Ngoài ra, trẻ em dưới 6 tuổi chỉ nên sử dụng natri bicarbonat khi được chỉ định bởi bác sĩ.
3. Nguy cơ và tác dụng phụ có thể xảy ra
Các tác dụng phụ phổ biến của baking soda bao gồm:
- Chướng bụng đầy hơi.
- Cơn khát tăng dần.
- Cảm giác co thắt dạ dày.
Nếu bệnh nhân gặp bất kỳ triệu chứng nào như trên hoặc triệu chứng trở nên nghiêm trọng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. Người có tình trạng ợ nóng kéo dài hơn 2 tuần cũng nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.
3.1 Người mắc các vấn đề y tế nên tránh dùng baking soda
Những người mắc các tình trạng y tế sau đây nên tránh dùng baking soda trị trào ngược axit, trừ khi có chỉ định từ bác sĩ:
- Nhiễm kiềm hô hấp - Khi độ pH của cơ thể cao hơn hoặc kiềm hơn bình thường.
- Viêm ruột thừa.
- Phù nề - Tình trạng sưng tấy do các mô trong cơ thể tích tụ chất lỏng dư thừa.
- Bệnh tim.
- Huyết áp cao.
- Bệnh thận.
- Bệnh gan.
- Tiền sản giật (tình trạng phụ nữ mang thai có biểu hiện huyết áp cao, phù nề và dư thừa protein trong nước tiểu).
Baking soda cũng không phù hợp để phụ nữ mang thai điều trị trào ngược axit, trừ khi có sự hướng dẫn từ bác sĩ.
3.2 Baking soda và tương tác với các loại thuốc
Baking soda làm giảm nồng độ axit trong dạ dày, ngăn cản quá trình phân hủy và hấp thụ thuốc trong cơ thể bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân không nên sử dụng baking soda trong vòng hai giờ sau khi sử dụng các loại thuốc khác.
Ngoài ra, baking soda cũng có thể kết hợp với các loại thuốc sau đây:
- Amphetamine, bao gồm dextro amphetamine và methamphetamine.
- Benzphetamine.
- Digoxin.
- Elvitegravir.
- Gefitinib.
- Ketoconazole.
- Ledipasvir.
- Memantine.
- Pazopanib.
Tuy nhiên, danh sách này không hoàn chỉnh và natri bicarbonat có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác.
Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thuốc bổ sung và các biện pháp điều trị thay thế.
4. Phương pháp điều trị trào ngược axit khác
Có nhiều phương pháp điều trị trào ngược axit khác nhau, bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, cũng như can thiệp bằng phẫu thuật.
4.1 Thay đổi lối sống
Bệnh nhân có thể giảm triệu chứng ợ nóng và trào ngược axit bằng cách thực hiện các thay đổi sau:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Giữ cân nặng trong khoảng lý tưởng so với chiều cao để giảm áp lực lên dạ dày, ngăn axit dạ dày trào lên ống dẫn thức ăn.
- Biết và tránh các tác nhân kích thích dạ dày: Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể kích thích trào ngược axit. Các tác nhân kích thích rất đa dạng nhưng có thể kể đến một số loại phổ biến như rượu, sôcôla, tỏi, hành, caffeine, đồ chiên rán và thực phẩm giàu chất béo.
- Tránh ăn quá nhiều hoặc ăn quá nhanh: Ăn quá nhiều có thể làm cho cơ vòng thực quản dưới (LES) khó đóng lại, dẫn đến axit trào lên. Ăn quá nhanh cũng có thể gây ra ợ nóng.
- Ngồi thẳng: Ngồi thẳng khi ăn và đợi ít nhất 2-3 giờ trước khi nằm.
- Mặc quần áo rộng: Quần áo quá chật có thể chèn ép lên dạ dày.
- Bỏ hút thuốc: Hút thuốc có liên quan với chứng GERD.
- Nâng đầu giường: Những người mắc trào ngược axit vào ban đêm nên nâng đầu giường bằng gối hoặc chêm gỗ.
4.2 Thuốc chống trào ngược axit
Nếu việc thay đổi lối sống không cải thiện tình trạng trào ngược axit thì bác sĩ sẽ chỉ định uống thuốc. Có một số loại thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn phổ biến:
- Thuốc kháng axit: Có nhiều loại thuốc kháng axit khác nhau ngoài baking soda trị trào ngược axit và ợ nóng. Bác sĩ hoặc dược sĩ có thể tư vấn về các loại thuốc này.
- Thuốc ức chế thụ thể H2: Loại thuốc này nhằm ức chế khả năng tiết axit trong dạ dày từ 4 đến 12 tiếng. Chúng có sẵn tại các cửa hàng thuốc, nếu muốn dùng biến thể mạnh hơn thì cần có chỉ định từ bác sĩ.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Loại thuốc này hiệu quả hơn so với thuốc ức chế thụ thể H2 và ngăn chặn dạ dày tiết axit trong thời gian dài hơn. Điều này cho phép các tổn thương trong ống dẫn thức ăn có thời gian để lành lại. Bệnh nhân có thể mua PPI mà không cần kê đơn hoặc mua theo toa từ bác sĩ.
4.3 Phẫu thuật
Thuốc thường đủ để điều trị GERD và trào ngược axit ở phần lớn người bệnh. Trong trường hợp cơ thể không phản ứng hiệu quả với thuốc, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật.
Các phương pháp phẫu thuật bao gồm: thắt chặt cơ vòng thực quản dưới (LES) hoặc cài một thiết bị từ tính để ngăn chặn axit dạ dày xâm nhập vào LES.
Baking soda là giải pháp đơn giản và hiệu quả để trị trào ngược axit tại nhà. Với tính kiềm tự nhiên, baking soda giúp trung hòa axit trong dạ dày và giảm nhanh các triệu chứng khó chịu như ợ nóng. Tuy nhiên, việc sử dụng baking soda cần được thực hiện đúng cách và có chừng mực để tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Bên cạnh đó, luôn lắng nghe cơ thể và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu triệu chứng kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.