Trà và vai trò trong phòng chống ung thư

Từ lâu, uống trà được coi là một nét đẹp truyền thống của người Châu Á. Ngày nay, nó cũng được phổ rộng ở nhiều nơi trên thế giới và được biết đến như một loại thức uống có tác dụng phòng chống ung thư mạnh mẽ.

1. Trà là gì?

Trà là một trong những loại thức uống cổ xưa và hiện nay nó vẫn được tiêu thụ rất phổ biến trên khắp thế giới. Theo thống kê cho thấy, trà đen chiếm khoảng 75% lượng chè tiêu thụ trên thế giới. Tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh (UK) và Châu Âu, trà đen là loại trà được sử dụng rộng rãi nhất, trong đó trà xanh lại là loại trà yêu thích của người Nhật Bản và Trung Quốc. Một số loại trà khác như trà ô long và trà trắng được tiêu thụ với số lượng ít hơn so với các loại trà khác.

Trà được làm từ lá khô của cây Camellia sinensis. Lá trà sẽ bắt đầu trở nên héo và oxy hóa chỉ sau một khoảng thời gian ngắn sau khi thu hoạch. Trong quá trình oxy hóa, các enzym sẽ thực hiện nhiệm vụ phân hủy các chất hóa học trong lá trà, đây cũng chính là lý do vì sao lá có màu thâm đen và có mùi thơm đặc trưng.

Chỉ khi bạn đun nóng những lá trà này thì quá trình oxy hóa mới dừng lại, bởi nước nóng sẽ làm bất hoạt các enzym. Thông thường, trà đen sẽ được sản xuất khi lá trà đã bị héo thâm, cuộn lại và oxy hóa hoàn toàn.

Ngược lại, trà xanh được làm từ những lá trà chưa phơi khô và mới chỉ oxy hóa một phần. Đối với trà ô long được tạo ra từ những lá trà đã héo, dập nát và bị oxy hóa một phần. Một loại trà khác ít phổ biến hơn là trà trắng, được làm từ những lá trà non hoặc chồi đã trải qua một quá trình oxy hóa nhất định.

Trà ở dạng túi lọc hoặc dạng lỏng thường được ủ từ lá và búp khô. Chúng được pha chế từ hỗn hợp trà khô hòa tan hoặc được bán dưới dạng trà uống sẵn. Loại trà này thường được gọi là trà thảo mộc. Nó không phải là một loại trà thực sự mà được pha chế với trái cây, thảo mộc hoặc hoa khô.


Trà là một trong những loại thức uống phổ biến hiện nay
Trà là một trong những loại thức uống phổ biến hiện nay

2. Các thành phần chính của trà

Trong trà có chứa rất nhiều thành phần thiết yếu, bao gồm ancaloit (caffeine, theophylline và theobromine), polyphenol, carbohydrate, axit amin, florua, protein, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (hóa chất tạo ra hơi và góp phần tạo ra mùi trà), chất diệp lục, khoáng chất, nhôm và các nguyên tố vi lượng.

Trong đó, các polyphenol ở trà còn chứa một nhóm lớn các hóa chất thực vật, đặc biệt là catechin. Loại hóa chất này có vai trò vô cùng thiết yếu đối với sức khỏe và có nhiều nhất trong trà xanh (epigallocatechin-3-gallate (EGCG)). Dưới đây là nồng độ tương ứng của các catechin trong tinh chất trà xanh.

3. Nồng độ catechin trong tinh chất trà xanh

Catechin trong dịch truyền trà xanh Nồng độ catechin (mg / L) Nồng độ catechin (mg / 8 fl oz)
Epigallocatechin-3-gallate (EGCG) 117–442 25–106
Epigallocatechin (EGC) 203–471 49–113
Epicatechin-3-gallate (ECG) 17–150 4–36
Epicatechin (EC) 25–81 6–19

*Chú thích: mg = miligam; L = lít; fl oz = ounce chất lỏng

Trà đen thường có chứa nồng độ catechin thấp hơn nhiều so với trà xanh. Quá trình oxy hóa kéo dài của trà đen đã khiến cho nồng độ của thearubigin và theaflavins tăng lên – hai loại polyphenol phức tạp. Trà ô long chứa hỗn hợp các polyphenol đơn giản, chẳng hạn như catechinpolyphenol phức tạp.

Mặc dù trà pha sẵn và trà đá đang trở thành những loại thức uống phổ biến trên toàn thế giới, nhưng chúng không có cùng hàm lượng polyphenol khi pha cùng một lượng trà bằng nhau. Nhìn chung, nồng độ polyphenol của bất kỳ đồ uống từ trà nào sẽ phụ thuộc vào loại trà, liều lượng sử dụng, thời gian ủ trà và nhiệt độ. Trà đã pha nóng thường chứa nồng độ polyphenol cao nhất.

Mặt khác, khi phần trăm chất rắn của trà, bao gồm lá và búp chè khô, bị giảm đi thì lượng polyphenol cũng giảm theo. Các loại trà đã pha sẵn thường có hàm lượng chất rắn và polyphenol trong trà thấp hơn. Việc thêm các loại chất lỏng khác, ví dụ như nước trái cây sẽ làm loãng thêm chất rắn của trà. Ngoài ra, việc khử caffein cũng khiến cho hàm lượng catechin trong trà bị giảm xuống.


Catechin trong tinh chất trà xanh đem lại giá trị nhất định cho sức khỏe con người
Catechin trong tinh chất trà xanh đem lại giá trị nhất định cho sức khỏe con người

4. Trà có thể giúp ngăn ngừa ung thư như thế nào?

Polyphenol trong trà xanh bao gồm nhiều hợp chất như EGCG, ECG, EGC và EC. Trong trà đen cũng có các chất có hoạt tính chống oxy hóa, chẳng hạn như thearubigin và theaflavins. Những hóa chất này, nhất là ECG và EGCG có khả năng ngăn ngừa những gốc tự do có hại và bảo vệ những tế bào khỏi tổn thương DNA do các loại oxy phản ứng gây ra.

Hơn nữa, polyphenol có trong trà cũng được chứng minh là có khả năng ức chế sự tăng sinh tế bào khối u, chống lại những thiệt hại do bức xạ tia cực tím (UVB) gây ra, đồng thời điều chỉnh các chức năng của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các catechin trong trà có tác dụng ngăn chặn sự hình thành mạch và sự xâm lấn của các tế bào ung thư.

Bên cạnh đó, trà xanh cũng có tác dụng kích hoạt các enzym giải đọc, vị dụ như quinone reductase và glutathione S-transferase, từ đó bảo vệ và chống lại sự phát triển của các khối u gây ung thư.

5. Chất chống oxy hóa của trà và khả năng ngăn ngừa ung thư

Cơ thể con người liên tục tạo ra những chất oxy hóa, hay còn được gọi là gốc tự do. Đây là những phân tử không ổn định, do đó để trở nên ổn định hơn, các gốc tự do sẽ “đánh cắp” các điện tử electron từ những phân tử khác. Điều này đã làm hỏng các vật chất di truyền và các tế bào protein trong cơ thể. Chính sự tổn thương này đã làm tăng nguy cơ ung thư của các tế bào.

Mặt khác, các chất chống oxy hóa là những chất giúp cơ thể có thể lọc và thu giữ chất oxy hóa gây hại. Tương tự như các chất chống oxy hóa khác, catechin có trong trà đóng vai trò là chất giúp ức chế một cách chọn lọc những hoạt động của enzym gây ra ung thư. Ngoài ra, chúng cũng góp phần sửa chữa những sai lệch của DNA do các gốc tự do gây ra.

Như đã đề cập ở trên, tất cả các loại trà đều lấy từ lá của một loại cây thường xanh có tên là Camellia sinensis. Nhìn chung, trà xanh thường chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn trà đen do chúng ít phải trải qua quá trình chế biến.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, khi bạn ngâm hoặc pha trà xanh / trà đen với nước nóng trong vòng năm phút, nó sẽ tiết ra khoảng hơn 80% catechin. Tuy nhiên, lượng catechin có trong trà đá thường không đáng kể.

Các nghiên cứu khác trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng, các catechin có trong trà có tác dụng như một chất ức chế mạnh mẽ đối với sự phát triển của ung thư. Chúng giúp loại bỏ các gốc tự do trước khi gây ra những tổn thương tế bào, đồng thời làm giảm tỷ lệ và kích thước của các khối u do hóa chất gây ra, từ đó làm kìm hãm sự phát triển của ung thư. Chất chống oxy hóa có trong trà được cho là có thể ngăn ngừa một số bệnh ung thư sau: ung thư miệng, ung thư vòm họng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư phổi hoặc ung thư da.


Catechin của trà xanh có khả năng ngăn ngừa ung thư
Catechin của trà xanh có khả năng ngăn ngừa ung thư

6. Cân nhắc an toàn khi uống trà

Trà là một loại thực phẩm đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ công nhận là an toàn. Tuy nhiên, khi tiêu thụ lên đến 1200 mg EGCG dạng bổ sung ở người trưởng thành khỏe mạnh trong một khoảng thời gian nhất định có thể dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn. Chúng bao gồm buồn nôn, dư thừa khí trong ruột, ợ chua, đau bụng, đau dạ dày, nhức đầu, chóng mặt và đau cơ.

Ngoài ra, lượng caffein có nhiều trong các sản phẩm từ trà có thể dẫn đến các tình trạng như đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn mửa, mất ngủ, đau đầu, đau bụng, run, lo lắng, lợi tiểu và tiêu chảy. Do đó, đối với người lớn khỏe mạnh nên tiêu thụ một lượng caffein vừa phải, tương ứng khoảng 300 – 400 mg mỗi ngày để ngăn ngừa các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Mặt khác, lượng caffeine có trong mỗi loại trà cũng khác nhau, trong đó trà đen thường chứa lượng caffeine cao nhất (dao động từ 64 – 112 mg trên mỗi khẩu phần fl oz), và trà ô long chứa khoảng 29 – 53 mg mỗi khẩu phần 8 fl oz. Đối với trà xanh và trà trắng thường chứa lượng caffein ít hơn so với những loại trà khác, lần lượt dao động từ 24 – 39 mg và 32 -27 mg trên mỗi khẩu phần 8 fl oz.

Trẻ em nếu tiêu thụ quá caffeine trong trà hoặc các loại đồ uống khác, chẳng hạn như cà phê hoặc cola có thể dẫn đến một số ảnh hưởng về hành vi, ví dụ như lo lắng, căng thẳng và rối loạn giấc ngủ.

Trong trà cũng chứa nhôm, một nguyên tố độc hại đến thần kinh. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nồng độ nhôm trong tinh chất trà xanh và trà đen nằm trong khoảng từ 14 – 27 microgam / lít (μg / L), và 431 – 2239 μg / L. Khi nhôm tích tụ nhiều trong cơ thể có thể dẫn đến chứng nhuyễn xươngrối loạn thoái hóa thần kinh, đặc biệt là ở những người bị suy thận.

Những người thiếu máu do thiếu sắt cũng cần đặc biệt lưu ý khi uống trà, vì trà đen và trà xanh có thể ức chế hoạt tính sinh học của sắt trong chế độ ăn uống. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể giảm thiểu được sự tương tác này thông qua việc bổ sung thêm các loại thực phẩm tăng cường hấp thụ sắt, chẳng hạn như thịt đỏ (cung cấp sắt heme) và các loại thực phẩm giàu vitamin C (ví dụ như chanh). Ngoài ra, bạn không nên uống trà trong các bữa ăn vì nó có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt của cơ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: cancer.gov, wiki.cancer.org.au, medicinenet.com, ncbi.nlm.nih.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe