Trà hoa đậu biếc là thức uống phổ biến của nhiều chị em phụ nữ trong thời gian gần đây bởi màu sắc đẹp mắt và nhiều công dụng cho sức khỏe. Vậy trà hoa đậu biếc có tác dụng gì, uống hoa đậu biếc lúc nào là tốt nhất, uống như thế nào để không gặp tác dụng phụ?
Hoa đậu biếc hay còn gọi là bông biếc, hoa đậu bếp, hoa đậu tím, có tên khoa học là Clitoria Ternatea, xuất hiện nhiều ở các quốc gia châu Á. Đây là loại cây thân leo, với bông hoa màu xanh tím đặc trưng.
Hoa đậu biếc được phơi khô, hãm với nước sôi thành trà hoa đậu biếc có màu sắc rất đẹp và nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe và làm đẹp. Ngoài ra, sau khi phơi khô, hoa đậu biếc còn được tán nhuyễn thành bột, sử dụng trong chế biến thức ăn và đồ uống.
1. Uống trà hoa đậu biếc có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Với thành phần chính là anthocyanin và cliotide, trà hoa đậu biếc có những tác dụng sau:
- Cải thiện sức khỏe não bộ: Hoa đậu biếc có chứa hoạt chất proanthocyanidin rất tốt đối với hệ thần kinh trung ương vì giúp máu dễ dàng lưu thông lên não. Ngoài ra, chất acetylcholine giúp tăng cường trí nhớ và cải thiện các vấn đề liên quan đến não.
- Hạ sốt, giảm đau: Hạt và rễ của cây hoa đậu biếc có vị đắng mạnh, khi bị sốt, cảm, sử dụng trà hoa đậu biếc kích thích cơ thể ra nhiều mồ hôi, giúp hạ sốt và giải cảm nhanh chóng nhưng vẫn an toàn và hiệu quả.
- Ngăn ngừa lão hóa, làm đẹp da: Hoạt chất flavonoid có trong hoa đậu biếc có tác dụng ngăn ngừa lão hóa ở phụ nữ nhờ khả năng loại bỏ các tế bào gốc tự do, ức chế quá trình phá hủy protein trên da. Bên cạnh đó, hoạt chất anthocyanin giúp tăng cường sản sinh collagen và elastin để da khỏe đẹp và đàn hồi hơn. Chất quercetin trong hoa đậu biếc còn giúp giữ độ ẩm cho da.
- Bảo vệ thị lực: Trà hoa đậu biếc rất tốt đối với mắt, cải thiện thị lực và bảo vệ các vấn đề liên quan đến mắt như đục thủy tinh thể nhờ tác dụng tăng cường lưu thông máu đến mắt của hoạt chất proanthocyanidin.
- Giảm căng thẳng, trầm cảm: Hoạt chất anthocyanin trong hoa đậu biếc còn có tác dụng tăng cường miễn dịch, giảm căng thẳng, giúp an thần và ngăn ngừa trầm cảm.
- Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: Hoạt chất flavonoid trong cây hoa đậu biếc có tác dụng kích thích sản sinh insulin, nhờ đó uống trà hoa đậu biếc mỗi ngày giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm các nguy cơ do biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Một nghiên cứu từng công bố cho biết chiết xuất từ cây hoa đậu biếc có khả năng loại bỏ những cholesterol xấu trong máu, giúp phòng ngừa các bệnh tim mạch như huyết áp, xơ cứng mạch máu, mạch vành, huyết khối.
- Giảm cân: Trà hoa đậu biếc là thức uống giảm cân tuyệt vời đối với chị em phụ nữ nhờ hoạt chất anthocyanin ức chế chuyển hóa lipid, ngăn ngừa mỡ tích tụ trong cơ thể gây béo phì. Ngoài ra, hợp chất EGCG có trong hoa đậu biếc cũng giúp đốt cháy calo nhanh hơn, nhờ đó giảm cân hiệu quả.
- Kháng viêm, chống sưng, thải độc, thanh nhiệt: Nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cao (tương đương với trà xanh), trà hoa đậu biếc có tác dụng kháng viêm để bảo vệ cơ thể trước các bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, hoa đậu biếc cũng giúp đào thải các chất độc ở gan và trong cơ thể.
- Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư: Hoa đậu biếc chứa nhiều chất chống oxy hóa, vì vậy có khả năng loại bỏ các tế bào gốc tự do, phòng ngừa các bệnh ung thư. Bên cạnh đó, hoạt chất trong hoa đậu biếc cũng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư nhờ khả năng ức chế, không cho tế bào khối u phát triển.
2. Uống hoa đậu biếc lúc nào là tốt nhất, liều dùng như thế nào?
Đối với chị em phụ nữ muốn giảm cân, uống trà hoa đậu biếc sau bữa ăn và trước khi đi ngủ là tốt nhất vì giúp loại bỏ mỡ thừa hiệu quả, đồng thời còn giúp an thần, ngủ ngon.
Tuy nhiên, cần lưu ý là chỉ nên uống từ 300 - 500ml (khoảng 1 - 2 ly) trà hoa đậu biếc mỗi ngày (khoảng từ 5 - 10 hoa đậu biếc tươi tương đương với 1 - 2 gram hoa khô để pha trà) để không gặp phải tác dụng phụ.
3. Lưu ý khi sử dụng trà hoa đậu biếc
Tương tự như nhiều loại trà thảo dược khác, nếu lạm dụng thức uống hoa đậu biếc, uống quá nhiều hoặc quá đậm đặc có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Dưới đây là những lưu ý khi sử dụng trà hoa đậu biếc:
- Phụ nữ đang mang thai không được uống trà hoa đậu biếc vì hoạt chất trong trà kích thích tử cung co bóp mạnh, ảnh hưởng đến thai nhi.
- Hạt của cây hoa đậu biếc có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đặc biệt là đối với trẻ em.
- Người mắc bệnh huyết áp thấp không nên uống trà hoa đậu biếc vì có thể gây tụt huyết áp mạnh với các biểu hiện như chóng mặt, buồn nôn, choáng váng.
- Phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc người chuẩn bị phẫu thuật không nên uống trà hoa đậu biếc vì sẽ tăng cường lưu thông máu.
- Người đang sử dụng thuốc chống đông máu cũng không được uống hoa đậu biếc vì hạn chế kết tụ tiểu cầu.
Trà hoa đậu biếc có nhiều tác dụng đối với sức khỏe và làm đẹp như cải thiện sức khỏe tim mạch, mắt, não bộ, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, ung thư, giảm cân, làm đẹp da, ngăn ngừa lão hóa... Vì thế, khi đã biết công dụng nổi bật của hoa đậu biếc, bạn có thể cân nhắc sử dụng sao cho mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.