Điều trị ung thư phổi là một quá trình phức tạp, được các bác sĩ xây dựng một cách chi tiết sau khi đã thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Trong đó, các yếu tố ảnh hưởng đến kế hoạch bao gồm loại ung thư, giai đoạn phát triển, sự lan rộng của ung thư, tác dụng phụ có thể gặp phải và sức khỏe tổng thể.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Ung thư phổi có chữa được không?
Một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu chính là ung thư phổi. Dựa vào kết quả mô bệnh học, ung thư phổi được chia thành hai loại chính bao gồm
Cũng giống như các bệnh ung thư khác, việc phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm là chìa khóa quan trọng để điều trị ung thư phổi. Tỷ lệ chữa khỏi ở những bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu lên tới 80 - 90%. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn, quá trình điều trị ung thư phổi sẽ trở nên khó khăn và tỷ lệ sống sót giảm đi đáng kể.
2. Các phương pháp điều trị ung thư phổi
2.1 Phẫu thuật
Khi ung thư chưa di căn khắp cơ thể, phẫu thuật là một phương pháp được lựa chọn tốt. Đây thường là giải pháp hiệu quả nhất để điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Phần phổi chứa khối u và các mô lân cận sẽ được bác sĩ cắt bỏ. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể phải cắt bỏ toàn bộ phổi. Sau phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị có thể là cần thiết.
Người bệnh cần nằm viện khoảng một tuần sau ca phẫu thuật để đảm bảo hồi phục trước khi xuất viện. Tuy nhiên, các kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu đang trở nên thịnh hành hơn. Nếu chọn phương pháp này, bác sĩ sẽ chỉ cần tạo một vết rạch nhỏ trên ngực và dùng thiết bị ống soi ngực để kiểm tra cũng như cắt bỏ mô.
Quá trình phẫu thuật để loại bỏ khối u sẽ không thể thực hiện nếu người bệnh bị ung thư phổi tế bào nhỏ.
2.2 Đốt nhiệt tần số
Phương pháp điều trị này sẽ là lựa chọn phù hợp nếu người bệnh mắc ung thư phổi không phải tế bào nhỏ và không thể tiến hành phẫu thuật.
Để tiêu diệt các tế bào ung thư, bác sĩ sẽ đưa một cây kim mỏng xuyên qua da cho đến khi chạm vào khối u trong phổi, sau đó dòng điện được truyền qua kim để làm nóng và tiêu diệt các tế bào này.
2.3 Nội soi phế quản
Một triệu chứng phổ biến của ung thư phổi là khối u đôi khi sẽ chặn đường thở gây khó thở. Để khắc phục vấn đề này, bác sĩ thường dùng ống soi phế quản - loại ống mỏng, linh hoạt với đèn ở đầu. Bằng cách chiếu laser, bác sĩ sẽ đốt phần khối u gây tắc nghẽn đường thở.
Ngoài ra, ống soi phế quản cũng được dùng để đặt ống thông - một ống cứng nhỏ vào đường thở, giúp giữ cho đường thở luôn thông thoáng, từ đó dễ thở hơn.

2.4 Chọc dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là tình trạng tích tụ dịch giữa phổi và khoang ngực do ung thư phổi gây ra, biểu hiện bằng các triệu chứng như ho, đau ngực và khó thở.
Bác sĩ sẽ dùng thủ thuật gọi là chọc dịch màng phổi để dẫn lưu dịch trong quá trình điều trị. Một vết cắt nhỏ sẽ được thực hiện giữa các xương sườn và một cây kim hoặc ống sẽ được đưa vào ngực. Sau khi hoàn tất điều trị, ống này được rút ra nhưng nếu dịch vẫn tiếp tục tích tụ thì bác sĩ có thể để lại ống lâu hơn.
2.5 Xạ trị
Phương pháp sử dụng máy chiếu tia X có năng lượng cao vào khối u nhằm tiêu diệt khối u sẽ được bác sĩ sử dụng. Đây là cách điều trị hiệu quả với cả ung thư phổi không phải tế bào nhỏ và tế bào nhỏ.
Mỗi tuần, người bệnh sẽ được xạ trị trong vài ngày kéo dài trong vài tuần. Xạ trị có thể được thực hiện trước phẫu thuật để làm nhỏ khối u hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại. Đôi khi, xạ trị được kết hợp với hóa trị.
Một trong những lợi ích của xạ trị là làm giảm các triệu chứng của ung thư phổi như đau hoặc chảy máu.
2.6 Hóa trị
Các loại thuốc hóa trị được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể. Đây cũng là sự lựa chọn điều trị cho cả hai dạng ung thư phổi.
Hóa trị sẽ được thực hiện trước hoặc sau khi phẫu thuật, kết hợp với xạ trị. Ngoài ra, đây là phương pháp điều trị chính nếu phẫu thuật không mang lại hiệu quả.
Một loại thuốc hóa trị sẽ được bác sĩ kê đơn hoặc kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau. Quy trình truyền thuốc sẽ được thực hiện qua IV tại bệnh viện hoặc các trung tâm điều trị. Hơn nữa, người bệnh có thể cần trải qua một vài đợt điều trị trong vòng vài tuần.
2.7 Liệu pháp miễn dịch
Phương pháp này bao gồm việc bác sĩ sử dụng các loại thuốc giúp hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư phổi. Trong đó, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc tùy theo loại ung thư người bệnh mắc phải.
Các loại thuốc thường được dùng cho liệu pháp miễn dịch bao gồm:
- Atezolizumab (Tecentriq).
- Cemiplimab (Libtayo).
- Durvalumab (Imfinzi).
- Nivolumab (Opdivo).
- Pembrolizumab (Keytruda).

Mặc dù phản ứng hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng từ liệu pháp miễn dịch là điều hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, ớn lạnh hay phát ban, người bệnh hãy nhanh chóng báo cho bác sĩ hoặc nhóm chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, nếu gặp khó khăn khi thở hoặc chóng mặt thì người bệnh cần gọi 115.
Xem thêm: Tổng quan về các phương thức điều trị ung thư phổi (P2)
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd