Tổng quan về bệnh bạch cầu cấp dòng Lympho

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Trúc - Bác sĩ Nội Ung bướu - Huyết học - Trung tâm Ung bướu - Xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bạch cầu cấp dòng lympho (ALL) là một bệnh lý tăng sinh ác tính do sự tích lũy đột biến qua nhiều bước xuất phát từ một tế bào đầu dòng lympho (progenitor cell) tại một trong số nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Cùng tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.

Bạch cầu cấp dòng lympho (ALL) là một bệnh lý tăng sinh ác tính do sự tích lũy đột biến qua nhiều bước xuất phát từ một tế bào đầu dòng lympho (progenitor cell) tại một trong số nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Kiểu hình miễn dịch của tế bào máu ác tính (leukemic cell) tại thời điểm chẩn đoán phản ánh mức độ biệt hoá của dòng tế bào ác tính. Nguồn gốc của dòng tế bào ác tính được xác định bằng phân tích di truyền tế bào, phân tích đa hình đoạn cắt giới hạn với những gene dị hợp liên kết nhiễm sắc thể giới tính X (đối với bệnh nhân nữ) và bằng phân tích sự tái sắp xếp gene TCR (T-cell receptor) hoặc Ig (Imunoglubolin). Các tế bào leukemia phân chia chậm chạp và cần nhiều thời gian hơn để tổng hợp DNA so với các tế bào tạo máu bình thường. Tuy nhiên, chúng lại bị tích lũy vô hạn, vì sự thay đổi đáp ứng của nó với các tín hiệu tăng trưởng và chết tế bào. Chúng lấn át với các tế bào tạo máu bình thường, dẫn đến thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu. Tại thời điểm chẩn đoán, các tế bào leukemia không chỉ lấn át tế bào bình thường ở tủy, mà còn thâm nhiễm nhiều vị trí khác ngoài tủy.

Velpeau là người có báo cáo sớm nhất về leukemia năm 1827. Virchow, Bennett, Craigie nhận ra rằng tình trạng này là một nhóm bệnh riêng biệt năm 1845. Năm 1847, Virchow đề xuất thuật ngữ “weisses blut”, sau đó là “leucaemia”, ông đã phân biệt được hai thể bệnh dựa trên lâm sàng là dạng lách và dạng hạch. Những phương pháp nhuộm do Ehrlich giới thiệu năm 1981 cho phép phân biệt những dưới nhóm xa hơn của leukemia. Năm 1913, leukemia có thể được phân loại thành cấp hoặc mãn, dòng tủy hoặc dòng lympho. Tỉ lệ cao ALL xảy ra ở trẻ em, đặc biệt từ 1 đến 5 tuổi, đã được nhận ra năm 1917.

Một thời gian ngắn sau khi leukemia được nhận ra như một bệnh riêng biệt, các bác sĩ bắt đầu sử dụng các loại hóa chất như liệu pháp hỗ trợ chăm sóc giảm nhẹ. Tiến bộ đầu tiên là việc sử dụng chất tương tự acid folic gắn nhóm 4-amino (thay vì 4-OH) có tên gọi aminopterin, xuất phát từ quan sát của Farber rằng acid folic làm tăng tốc độ sinh trưởng của các tế bào leukemia. Điều nổi bật là lần đầu tiên đáp ứng lui bệnh hoàn toàn về lâm sàng và huyết học kéo dài nhiều tháng đã quan sát được ở trẻ em. Một năm sau báo cáo về đáp ứng lui bệnh về lâm sàng do aminopterin, một hormone vỏ thượng thận mới đã được phân lập, cũng được báo thúc đẩy lui bệnh, dù ngắn, ở bệnh nhân leukemia. Gần như đồng thời, Elion và cộng sự đã tổng hợp được những chất chống chuyển hóa, nó tương tác với quá trình tổng hợp purine và pyrimidine. Khám phá của họ đã dẫn đến việc sử dụng mercaptopurine, 6-thioguanine và allopurinol trong lâm sàng. Từ năm 1950 đến 1960, nhiều thuốc chống leukemia đã được giới thiệu, một vài trường hợp chữa khỏi đã được quan sát. Năm 1962, Pinkel và cộng sự tại Bệnh viện chuyên về nghiên cứu trẻ em St. Jude (St. Jude Children’s Research Hospital) đã đưa ra cách tiếp cận bằng “liệu pháp toàn diện” gồm 4 pha điều trị:

  • Pha dẫn nhập để đạt lui bệnh (remission induction);
  • Pha tăng cường hoặc củng cố;
  • Liệu pháp cho dự phòng thâm nhiễm thần kinh trung ương (hoặc điều trị màng não dự phòng);
  • Liệu pháp duy trì kéo dài.

Hình 1: Phân tích Kaplan-Meier về EFS trên 2855 trẻ ALL được điều trị trong 15 nghiên cứu nối tiếp bằng liệu pháp toàn diện tại Bệnh viện chuyên nghiên cứu trẻ em St. Jude. Sử dụng pha tăng cường sớm và tiêm hóa chất nội tủy với việc đánh giá nguy cơ dựa trên việc đo tồn dư tối thiểu (MRD) liên tiếp vào những năm 2000 đã cải thiện ngoạn mục EFS.
Hình 1: Phân tích Kaplan-Meier về EFS trên 2855 trẻ ALL được điều trị trong 15 nghiên cứu nối tiếp bằng liệu pháp toàn diện tại Bệnh viện chuyên nghiên cứu trẻ em St. Jude. Sử dụng pha tăng cường sớm và tiêm hóa chất nội tủy với việc đánh giá nguy cơ dựa trên việc đo tồn dư tối thiểu (MRD) liên tiếp vào những năm 2000 đã cải thiện ngoạn mục EFS.

Vào đầu thập niên 1970, hơn 50% trẻ đạt được EFS (event-free survival: thời gian sống không biến cố) kéo dài. Trong cùng khoảng thời gian đó, sự hiểu biết tốt hơn về hệ gene liên quan đến sự tương hợp mô loài người và việc sử dụng phổ biến xét nghiệm HLA đã góp phần dẫn đến ứng dụng thành công ghép tế bào gốc tạo máu cho điều trị bệnh nhân leukemia tái phát. Đầu thập niên 1980, Riehm và cộng sự giới thiệu liệu pháp điều trị tái dẫn nhập hay còn gọi là tăng cường muộn trong giai đoạn đầu của pha tiếp nối, bao gồm chủ yếu lặp lại của pha dẫn nhập và tăng cường sớm ban đầu, và đã cải thiện EFS đến 70%. Sự hiểu biết về bệnh học của ALL cũng đã cải thiện song hành với sự cải tiến trong điều trị. Việc nhận ra ALL là một nhóm bệnh không đồng nhất về lâm sàng, miễn dịch và di truyền đã đưa đến việc tiếp cận điều trị dựa vào mức nguy cơ.

Việc điều trị ALL đã cải tiến một cách đáng kể, bắt đầu với sự phát triển liệu pháp điều trị hiệu quả bệnh lý liên quan hệ thần kinh trung ương, tiếp theo là việc điều trị tích cực sớm, đặc biệt cho bệnh nhân nguy cơ tái phát cao. Tỉ lệ khỏi bệnh hiện tại là gần 90% ở trẻ em và 40% ở người lớn minh chứng cho những tiến bộ vững chắc trong điều trị bệnh lý này. Sự bùng nổ của nghiên cứu tương quan toàn bộ hệ gen (GWAS – Genome Wide Association Study) đưa đến xác định được những thay đổi ở genetic và epigenetic chắc chắn sẽ tìm ra những tác nhân trúng đích cho điều trị đặc hiệu. Một bước tiến rõ ràng là sự phát triển imatinib mesylate và dasatinib, thuốc trúng đích cho leukemia có tổ hợp gene BCR-ABL.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe