Điều trị ung thư máu đã đạt được những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây, mang đến hy vọng mới cho bệnh nhân. Nhờ sự phát triển của các liệu pháp như hóa trị, xạ trị và miễn dịch liệu pháp, tỷ lệ sống sót của người bệnh đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, quá trình điều trị vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Ung thư máu là gì?
Trước khi đi sâu vào các phương pháp điều trị ung thư máu, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tổng quan về căn bệnh này.
Ung thư máu, hay còn gọi là ung thư huyết (hematologic cancer), là một căn bệnh có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn, được coi là một trong những loại ung thư phổ biến. Tại Anh, mỗi năm có hơn 40.000 người được chẩn đoán mắc bệnh, trong khi tại Hoa Kỳ, ung thư máu chiếm khoảng 10% trong tổng số các ca ung thư được phát hiện.
Ung thư máu bắt đầu từ tủy xương – nơi sản xuất các tế bào máu. Khi bị ung thư máu, các tế bào máu sẽ phát triển bất thường và mất kiểm soát, gây cản trở các tế bào máu khỏe mạnh. Điều này khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng và giảm khả năng tạo ra các tế bào máu mới cần thiết.
2. Dấu hiệu ung thư máu là gì?
- Mệt mỏi: Cảm giác kiệt sức kéo dài khiến người bệnh khó thực hiện các hoạt động thường ngày, gây ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt.
- Sốt kéo dài: Sốt là tín hiệu cơ thể cảnh báo những bất thường, đặc biệt trong hệ miễn dịch. Đây có thể là dấu hiệu liên quan đến sự rối loạn của các tế bào bạch cầu.
- Đổ mồ hôi ban đêm: Hiện tượng đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm một cách đột ngột, thậm chí khiến người bệnh tỉnh giấc, có thể là triệu chứng đáng lưu ý.
- Chảy máu hoặc bầm tím không rõ nguyên nhân: Xuất hiện các vết bầm hoặc hiện tượng chảy máu mà không có lý do cụ thể, đặc biệt khi các vết bầm không mờ đi sau 2 tuần.
- Giảm cân bất thường: Cơ thể mất năng lượng và dưỡng chất nhanh chóng do tế bào ung thư tiêu thụ để sinh sôi, dẫn đến tình trạng sụt cân không kiểm soát.
- Dễ mắc bệnh do nhiễm trùng: Hệ miễn dịch suy yếu do sự tấn công của các tế bào ung thư khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và các bệnh lý liên quan.
- Sưng hạch bạch huyết, gan hoặc lách to: Các bệnh như bạch cầu hay U lympho có thể gây sưng hạch bạch huyết hoặc làm to gan, lách do số lượng tế bào ung thư tăng nhanh, ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan này.
- Đau xương: Thường gặp trong bệnh bạch cầu hoặc Myeloma, triệu chứng này gây đau nhức ở các vùng như lưng, đùi và cánh tay. Đôi khi, các đốm mềm cũng xuất hiện trên bề mặt xương, gây khó chịu từ nhẹ đến nặng.

3. Các loại ung thư máu
3.1 Bệnh bạch cầu
Đây là một loại ung thư máu bắt nguồn từ máu và tủy xương. Bệnh xảy ra khi cơ thể sản sinh quá mức các tế bào bạch cầu bất thường. Những tế bào này chiếm chỗ và cản trở tủy xương sản xuất đủ lượng tế bào hồng cầu và tiểu cầu cần thiết, dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
3.2 Bệnh ung thư hạch không Hodgkin
Là một loại ung thư máu phát triển trong các tế bào lympho – một dạng tế bào bạch cầu thuộc hệ bạch huyết, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Bệnh này ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và có thể lan rộng đến nhiều cơ quan khác.
3.3 Bệnh ung thư hạch Hodgkin
Là một loại ung thư máu phát sinh từ các tế bào bạch cầu lympho trong hệ thống miễn dịch. Đặc điểm chính của bệnh là sự xuất hiện của tế bào Reed-Sternberg – một loại tế bào lympho bất thường. Bệnh này ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ cơ thể trước nhiễm trùng và có thể lan sang các cơ quan khác.
3.4 Bệnh đa u tủy xương
Là một loại ung thư ảnh hưởng đến các tế bào plasma – một dạng tế bào bạch cầu được tạo ra trong tủy xương.

4. Các phương pháp điều trị ung thư máu
Việc điều trị ung thư máu phụ thuộc vào loại ung thư, độ tuổi của bệnh nhân, mức độ tiến triển, vị trí ung thư và các yếu tố liên quan khác. Một số phương pháp phổ biến trong điều trị ung thư máu bao gồm:
4.1 Ghép tế bào gốc
Ghép tế bào gốc là một phương pháp quan trọng trong điều trị ung thư máu. Quá trình này sẽ đưa các tế bào máu khỏe mạnh vào cơ thể để thay thế các tế bào bị tổn thương. Những tế bào gốc này có thể được lấy từ tủy xương, máu tuần hoàn hoặc máu từ dây rốn của trẻ sơ sinh.
4.2 Hóa trị
Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư máu quan trọng. Bằng cách sử dụng các loại thuốc đặc trị để ức chế và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư trong cơ thể. Thường là sự phối hợp của nhiều loại thuốc, hóa trị có thể được chỉ định như một bước chuẩn bị trước khi tiến hành cấy ghép tế bào gốc.
4.3 Xạ trị
Liệu pháp xạ trị là phương pháp sử dụng tia bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời giúp giảm đau hoặc giảm cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Xạ trị cũng có thể được áp dụng như một bước chuẩn bị trước khi thực hiện ghép tế bào gốc.

5. Điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy bào (AML)
5.1 Hóa trị liệu liều cao (Intensive chemotherapy)
Đây là phương pháp sử dụng hóa chất mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách ngăn chặn sự phát triển và phân chia của các tế bào này. Thuốc được truyền qua máu, lan tỏa khắp cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư ở nhiều vị trí. Phương pháp này được thực hiện dưới sự chỉ định và giám sát của các bác sĩ chuyên khoa ung thư và huyết học.
Hóa trị liệu là phương pháp đầu tiên trong điều trị ung thư máu, bằng cách sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc được đưa vào cơ thể qua các cách như:
Tiêm tĩnh mạch: Thường tiêm vào tĩnh mạch nhỏ ở cánh tay, hoặc qua catheter ở tĩnh mạch lớn như tĩnh mạch dưới đòn.
Tiêm vào dịch não tủy: Thuốc được truyền trực tiếp vào dịch bảo vệ não và tủy sống.
Thuốc uống: Sử dụng dạng viên hoặc viên nang.
Tiêm dưới da: Thuốc được tiêm trực tiếp vào lớp mô dưới da.
Điều trị được chia thành các chu kỳ với thời gian cụ thể và bệnh nhân có thể được chỉ định dùng một hoặc nhiều loại thuốc kết hợp.
5.2 Hóa trị liệu theo giai đoạn (Chemotherapy by phase)
Quá trình điều trị được chia thành 3 giai đoạn: Cảm ứng, sau thuyên giảm và củng cố
5.2.1 Trị liệu cảm ứng
Trị liệu cảm ứng là bước điều trị đầu tiên sau khi bệnh được chẩn đoán, với mục tiêu đạt thuyên giảm hoàn toàn (CR). Tình trạng sẽ thuyên giảm khi:
- Số lượng tế bào máu trở về mức bình thường.
- Không phát hiện tế bào ung thư trong mẫu tủy xương dưới kính hiển vi.
- Không còn bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào của AML.
Thuốc thường dùng trong giai đoạn này bao gồm:
- Cytarabine (cytosar-U): Dùng liên tục trong 4-7 ngày.
- Thuốc nhóm anthracycline (như daunorubicin hoặc idarubicin): Dùng trong 3 ngày liên tiếp.
- Hydroxyurea (droxia, hydrea): Có thể được chỉ định để giảm số lượng bạch cầu.
Mặc dù các loại thuốc trên tiêu diệt tế bào ung thư khá hiệu quả nhưng có thể làm tổn hại các tế bào khỏe mạnh, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu. Hầu hết bệnh nhân cần nằm viện từ 3-5 tuần để theo dõi và điều trị ung thư máu đến khi số lượng tế bào máu phục hồi.
Một số trường hợp có thể cần đến 2 đợt điều trị để đạt mục tiêu. Tỷ lệ thuyên giảm hoàn toàn là khoảng 75% ở người trẻ và 50% ở người trên 60 tuổi.
Đối với một số người lớn tuổi không đủ sức khỏe để thực hiện liệu pháp cảm ứng tiêu chuẩn, các loại thuốc thay thế như decitabine (Dacogen), azacitidine (Vidaza), hoặc cytarabine liều thấp có thể được sử dụng. Những thuốc này thường nhẹ hơn nhưng vẫn có tác dụng kiểm soát bệnh và giảm triệu chứng.

5.2.2 Điều trị sau thuyên giảm (post remission)
Mặc dù đã trải qua quá trình điều trị cảm ứng, một số tế bào ung thư có thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể, mà các xét nghiệm không phát hiện được. Vì vậy, bước tiếp theo là điều trị sau thuyên giảm, nhằm loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư còn tồn tại. Trong một số trường hợp, ghép tủy hoặc tế bào gốc được thực hiện như một phương pháp điều trị bổ sung ở giai đoạn này để tăng hiệu quả điều trị.
5.2.3 Điều trị củng cố (consolidation)
Hóa trị hoặc ghép tế bào gốc là hai phương pháp thường được lựa chọn trong giai đoạn điều trị củng cố.
Đối với người trẻ tuổi, bác sĩ có thể chỉ định từ 2-4 chu kỳ cytarabine liều trung bình hoặc cao, hoặc các phác đồ hóa trị liệu liều cao khác, được thực hiện hàng tháng. Trong khi đó, người lớn tuổi thường được áp dụng các liệu pháp nhẹ hơn, phù hợp với tình trạng sức khỏe. Trong giai đoạn phục hồi, phần lớn bệnh nhân có thể tự sử dụng thuốc tại nhà.
Ghép tủy hoặc tế bào gốc là một phương pháp điều trị ung thư máu củng cố được khuyến nghị cho người trẻ tuổi, đặc biệt ở những trường hợp có kết quả nghiên cứu tế bào học hoặc phân tử cho thấy nguy cơ tái phát cao.
5.3 Điều trị mục tiêu
Điều trị mục tiêu là phương pháp tập trung vào kiểu gen, protein của tế bào ung thư, hoặc môi trường xung quanh – những yếu tố hỗ trợ sự phát triển và tồn tại của ung thư. Phương pháp này giúp ngăn chặn sự phát triển, lan rộng của tế bào ung thư đồng thời hạn chế tối đa tổn thương đến các tế bào khỏe mạnh.
Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nhiều loại ung thư có chung một số mục tiêu điều trị. Để lựa chọn liệu pháp hiệu quả nhất, bác sĩ thường tiến hành xét nghiệm xác định kiểu gen, protein và các yếu tố đặc trưng của khối u. Kết quả này giúp thiết kế một kế hoạch điều trị ung thư máu phù hợp với từng bệnh nhân, tối ưu hóa hiệu quả chữa trị.
5.4 Điều trị bệnh bạch cầu cấp promyelocytic (APL)
Điều trị APL (Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy thể tiền tủy bào) khác biệt đáng kể so với AML (Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy). APL rất nhạy cảm với ATRA – một loại thuốc chứa dẫn xuất vitamin A, thường được uống qua đường miệng.
ATRA (Arsenic trioxide) có thể được sử dụng riêng biệt trong giai đoạn điều trị cảm ứng hoặc kết hợp với các liệu pháp khác trong điều trị sau thuyên giảm hoặc khi bệnh tái phát.
Chảy máu, từ nhẹ đến nghiêm trọng, là triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân APL. Vì vậy, người bệnh thường được truyền một lượng lớn tiểu cầu trong suốt quá trình điều trị để kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng.
5.5 Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư máu sử dụng tia năng lượng cao, như tia X hoặc các loại tia bức xạ khác, để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ thực hiện liệu pháp này được gọi là chuyên gia X-quang. Phương pháp phổ biến nhất là xạ trị chùm tia ngoài, trong đó các tia phóng xạ được chiếu từ bên ngoài cơ thể.
Trong trường hợp AML (bệnh bạch cầu cấp dòng tủy), xạ trị thường không phải là liệu pháp được ưu tiên, vì ung thư lan rộng trong máu. Tuy nhiên, phương pháp này có thể được sử dụng khi tế bào ung thư đã xâm nhập vào não hoặc để thu nhỏ khối sarcoma tủy sống.
Tác dụng phụ của phương pháp điều trị ung thư máu này bao gồm mệt mỏi, kích ứng da, khó tiêu, đau dạ dày và giảm nhu động ruột. May mắn là hầu hết các tác dụng phụ này thường giảm dần và biến mất sau khi kết thúc quá trình điều trị.
Như vậy, những thông tin trên giúp mọi người hiểu rõ hơn về các phương pháp điều trị ung thư máu cũng như một số thông tin về bệnh, từ đó có thể chủ động phòng ngừa và lên kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm. Hiệu quả điều trị không chỉ phụ thuộc vào phương pháp, mà còn vào việc lựa chọn cơ sở y tế đáng tin cậy, nơi nhận được nhiều đánh giá tích cực, để khám và điều trị ung thư máu ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM: