Tỏi có gây trào ngược axit không? Những thông tin cần biết

Tỏi có gây trào ngược axit không? Đây là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc, đặc biệt là những bệnh nhân thường gặp phải chứng ợ nóng và khó chịu. Tỏi là một nguyên liệu quen thuộc trong nhiều món ăn và có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng với một số người, tỏi có thể là tác nhân gây trào ngược axit.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tỏi có gây trào ngược axit không?

Các nghiên cứu về ảnh hưởng của chế độ ăn đối với bệnh trào ngược axit thường đưa ra các kết quả đa dạng. Điều này có thể do các loại thực phẩm khác nhau gây ra hoặc làm trầm trọng hơn các triệu chứng ở những người khác nhau.

Tỏi được xem là một trong những loại thực phẩm được nghiên cứu nhiều nhất trong việc điều trị các loại bệnh. Mặc dù tỏi có một số lợi ích cho sức khỏe, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỏi có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm trào ngược axit và ợ chua thay vì giúp cải thiện các tình trạng này.

Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra mối liên quan giữa các loại thực phẩm thuộc họ allium như tỏi, hành tây, tỏi tây, hẹ với các triệu chứng trào ngược axit. 

Nhiều người vẫn thắc mắc liệu tỏi có gây trào ngược axit không và liệu có cần thay thế bằng thực phẩm khác trong tương lai.
Nhiều người vẫn thắc mắc liệu tỏi có gây trào ngược axit không và liệu có cần thay thế bằng thực phẩm khác trong tương lai.

2. Tác dụng phụ của tỏi

Tỏi thường an toàn với đa số mọi người khi sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, một số người có thể trải qua các tác dụng phụ như:

  • Hơi thở có mùi khó chịu.
  • Mùi cơ thể không dễ chịu.
  • Ợ nóng.
  • Đau bụng.

Bên cạnh đó, để bổ sung cho trả lời câu hỏi tỏi có gây trào ngược axit không, tiêu thụ tỏi quá mức cũng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa khác như:

  • Tăng sản xuất khí và cảm giác đầy hơi.
  • Trào ngược dạ dày.
  • Buồn nôn và nôn mửa.
  • Táo bón hoặc bệnh tiêu chảy.
  • Viêm và loét niêm mạc dạ dày. 
Tiêu thụ tỏi quá mức có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng.
Tiêu thụ tỏi quá mức có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng.

Bệnh nhân sử dụng thuốc làm loãng máu như warfarin nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bổ sung tỏi vào chế độ dinh dưỡng vì việc sử dụng tỏi có thể tăng nguy cơ chảy máu.

Các chất bổ sung từ tỏi cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của một số loại thuốc và có thể tương tác với các loại thảo mộc, chất bổ sung khác.

3. Tác hại của việc tiêu thụ tỏi quá mức

GERD là tình trạng mà axit dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản, gây kích ứng niêm mạc của thực quản.  

Khi sử dụng tỏi quá mức, một số người có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng như mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và giảm sự thèm ăn.  

4. Lợi ích của tỏi

Các nghiên cứu trên động vật và con người đã chỉ ra rằng tỏi có một số tác dụng như:

  • Tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch, giảm độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh và cúm.
  • Hạ huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao.
  • Giảm mức độ cholesterol toàn phần và cholesterol LDL.
  • Chống lại sự suy giảm nhận thức liên quan đến tổn thương tế bào và quá trình lão hóa.
  • Giảm căng thẳng oxi hóa - một yếu tố dẫn đến loãng xương.
  • Giảm mức độ đau trong các trường hợp viêm xương khớp.

5. Cách điều trị trào ngược axit khác

Người bệnh có thể kiểm soát các trường hợp trào ngược axit nhẹ thông qua lối sống và chế độ ăn uống như:

  • Duy trì cân nặng ổn định.
  • Hãy cố gắng từ bỏ hút thuốc lá nếu có thói quen này.
  • Tránh ăn tối muộn và nằm xuống ngay sau khi ăn.
  • Sử dụng gối để nâng cao phần đầu khi nằm trên giường.
  • Tăng cường lượng chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày.
  • Hạn chế hoặc tránh các loại thực phẩm, đồ uống có khả năng gây trào ngược axit, bao gồm thực phẩm có tính axit, rượu và thực phẩm giàu chất béo. 
Người bệnh nên cân nhắc sử dụng thuốc điều trị trào ngược axit nếu các loại thực phẩm gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Người bệnh nên cân nhắc sử dụng thuốc điều trị trào ngược axit nếu các loại thực phẩm gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Nếu các biện pháp trên không giảm bớt được triệu chứng, người bệnh có thể cần sử dụng thuốc không kê đơn hoặc theo toa để điều trị trào ngược axit và ợ chua. Các loại thuốc gồm:

  • Thuốc kháng axit như canxi carbonate (Tums).
  • Thuốc chẹn H2 như famotidine (Pepcid) và cimetidine (Tagamet).
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI) như rabeprazole (Aciphex), esomeprazole (Nexium) và dexlansoprazole (Dexilant).

Dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tỏi cũng có thể gây trào ngược axit ở một số người. Điều quan trọng là hiểu rõ cơ thể và theo dõi phản ứng của bản thân khi tiêu thụ tỏi. Nếu nhận thấy tỏi gây ra các triệu chứng trào ngược axit hoặc làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn, nên hạn chế sử dụng hoặc thay thế bằng các loại thực phẩm khác. Đối với những người đang sử dụng thuốc làm loãng máu hoặc có các vấn đề sức khỏe khác, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung tỏi vào chế độ ăn uống.  

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe