Suy kiệt do ung thư là một trong những biểu hiện phổ biến nhất của ung thư và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị bệnh. Hội chứng suy kiệt thường xảy ra đột ngột, không liên quan đến các hoạt động gắng sức và không thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc ngủ.
1. Tình trạng suy kiệt do ung thư là gì?
Suy kiệt do ung thư có thể bị nhầm lẫn với cảm giác mệt mỏi thông thường. Trên thực tế, đó là một cảm giác hệ lụy sau một số hoạt động nhất định và thường xuất hiện vào cuối ngày. Thông thường, chúng ta đều biết tại sao mình mệt mỏi và một giấc ngủ ngon sẽ giải quyết được vấn đề.
Ngược lại suy kiệt do ung thư thường khó được xác định một cách cụ thể không rõ nguyên nhân và kết quả. Suy kiệt được định nghĩa là tình trạng thiếu năng lượng hàng ngày; tình trạng suy kiệt nghiêm trọng ảnh hưởng quá mức đến đời sống hằng ngày và không thuyên giảm khi ngủ. Suy kiệt do ung thư có thể được phân loại theo cấp tính (kéo dài một tháng hoặc ít hơn) hoặc mãn tính (kéo dài từ 1 tháng đến 6 tháng hoặc lâu hơn). Tình trạng này có thể có tác động tiêu cực đến khả năng hoạt động và chất lượng cuộc sống của một người.
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Tại sao bệnh nhân ung thư lại gặp phải hội chứng suy kiệt?
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng suy kiệt do ung thư vẫn chưa được biết rõ. Nó có thể liên quan đến cả quá trình bệnh và các phương pháp điều trị, bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Các phương pháp điều trị ung thư thường liên quan đến suy kiệt do ung thư là:
- Hóa trị liệu: Bất kỳ loại thuốc hóa trị nào cũng có thể dẫn đến hội chứng suy kiệt. Mức độ nặng có thể có biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Một số người bệnh nói rằng nó chỉ kéo dài một vài ngày trong khi những người khác cảm thấy hội chứng suy kiệt vẫn tồn tại trong và sau khi hoàn thành điều trị. Các loại thuốc như vincristine, vinblastine và cisplatin thường gây ra suy kiệt do ung thư.
- Xạ trị: Xạ trị có thể gây ra suy kiệt tích lũy dần theo thời gian. Suy kiệt do ung thư liên quan đến phương pháp xạ trị thường kéo dài từ 3-4 tuần sau khi ngừng điều trị.
- Cấy ghép tủy xương: Hình thức điều trị tích cực này có thể gây ra suy kiệt do ung thư kéo dài đến một năm.
- Liệu pháp sinh học: Cytokine là các protein tế bào tự nhiên, chẳng hạn như interferon và interleukin, thường được các tế bào bạch cầu tiết ra để phản ứng với nhiễm trùng. Các cytokine này có nhiệm vụ điều chỉnh các yếu tố khác của hệ thống miễn dịch và nội tiết. Với số lượng cao, những cytokine này có thể gây độc và dẫn đến tình trạng suy kiệt nghiêm trọng kéo dài.
Các yếu tố khác có thể góp phần gây ra suy kiệt do ung thư bao gồm:
- Thiếu máu: Thiếu máu có thể là hậu quả của các phương pháp điều trị làm giảm khả năng vận chuyển oxy (hemoglobin) đến các cơ quan khác trong cơ thể. Khoảng 7 trong số 10 bệnh nhân bị thiếu máu xuất hiện trong quá trình hóa trị.
- Các liệu pháp kết hợp: Bệnh nhân trải qua nhiều lần điều trị cùng lúc hoặc phối hợp nhiều phương pháp có thể bị suy kiệt nhiều hơn.
- Trạng thái "tăng trao đổi chất" do khối u gây ra: Các tế bào ác tính cạnh tranh để giành chất dinh dưỡng, thường là bất lợi cho sự phát triển và trao đổi chất của tế bào bình thường. Giảm cân, giảm cảm giác thèm ăn và suy kiệt là những hậu quả phổ biến.
- Giảm dinh dưỡng do tác dụng phụ của phương pháp điều trị: Người mắc các bệnh lý ác tính thường xuyên gặp phải các biểu hiện như buồn nôn, nôn, lở miệng, thay đổi vị giác, ợ chua và tiêu chảy.
- Suy giáp: Nếu tuyến giáp hoạt động kém, quá trình trao đổi chất có thể chậm lại khiến cơ thể không đốt cháy thức ăn đủ nhanh để cung cấp đầy đủ năng lượng. Suy giáp có thể xuất hiện sau khi xạ trị các hạch bạch huyết ở cổ.
- Thuốc được sử dụng để điều trị các tác dụng phụ như buồn nôn, đau, trầm cảm, lo lắng và co giật cũng có thể góp phần gây suy kiệt do ung thư.
- Đau đớn: Nghiên cứu cho thấy những cơn đau kinh niên, nghiêm trọng sẽ làm tăng sự suy kiệt.
- Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm cảm giác suy kiệt: Người bệnh phải đối diện với các căng thẳng từ triệu chứng của bệnh, chi phí điều trị, khả năng phục hồi, lo lắng cho người thân và cảm giác tuyệt vọng. Trầm cảm và suy kiệt thường đi đôi với nhau và thường không rõ ràng để xác định tình trạng nào xuất hiện trước. Một cách để giải quyết vấn đề này là cố gắng hiểu mức độ gây ra vấn đề do cảm xúc chán nản. Bạn có chán nản mọi lúc không? Bạn có chán nản trước khi được chẩn đoán ung thư không? Bạn có bận tâm với cảm giác vô dụng do mắc bệnh không? Nếu câu trả lời cho những câu hỏi này là có, bạn có thể cần điều trị trầm cảm.
- Mất ngủ. Không thể ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm sẽ gây suy kiệt cả về tinh thần và thể chất.
3. Làm cách nào để biết có bị suy kiệt do ung thư hay không?
- Đánh giá suy kiệt liên quan đến ung thư: Viết nhật ký trong một tuần để xác định thời gian trong ngày khi bạn suy kiệt nhất hoặc có nhiều năng lượng nhất.
- Cảnh giác với các dấu hiệu cảnh báo của hội chứng suy kiệt do ung thư, bao gồm mỏi mắt, mỏi chân, suy kiệt toàn thân, mỏi vai, giảm sức lực hoặc thiếu năng lượng, mất khả năng tập trung, suy nhược, buồn chán hoặc thiếu động lực, thường xuyên buồn ngủ, cảm giác khó chịu, căng thẳng, lo lắng, thiếu kiên nhẫn.
4. Phương pháp kiểm soát tình trạng suy kiệt do ung thư
Cách tốt nhất để đối phó với tình trạng suy kiệt do ung thư là điều trị nguyên nhân cơ bản. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác có thể không được biết hoặc có nhiều nguyên nhân phối hợp. Một số tác nhân gây ra suy kiệt như thiếu máu hoặc suy giáp có thể được giải quyết bằng các can thiệp y tế. Sau đây là những mẹo bạn có thể sử dụng để chống lại hội chứng suy kiệt do ung thư:
Tiết kiệm năng lượng trong thời gian suy kiệt do ung thư:
- Lên kế hoạch trước và sắp xếp công việc của bạn.
- Ủy quyền khi cần thiết.
- Đơn giản hóa các hoạt động và nhu cầu sinh hoạt chung.
Lên lịch nghỉ ngơi:
- Cân bằng thời gian nghỉ ngơi và làm việc.
- Nghỉ ngơi trước khi suy kiệt.
- Nghỉ ngơi ngắn ngày thường xuyên có lợi.
Thực hành cơ học cơ thể thích hợp để chống lại sự suy kiệt do ung thư:
- Khi ngồi, sử dụng ghế có hỗ trợ.
- Điều chỉnh độ cao của ghế làm việc - làm việc mà không cần cúi xuống.
- Cong gối và hông, không cong lưng.
- Mang theo ít đồ vật hơn hoặc sử dụng xe đẩy.
- Thở đều, đừng nín thở.
- Mặc quần áo thoải mái để thở tự do và dễ dàng.
Xác định các tác động của môi trường có thể gây ra suy kiệt liên quan đến ung thư:
- Tránh nhiệt độ quá cao.
- Loại bỏ khói độc hại.
- Tránh tắm vòi sen hoặc tắm nước nóng quá lâu.
Ưu tiên:
- Quyết định những hoạt động nào quan trọng đối với bạn và những gì có thể được ủy quyền.
- Sử dụng năng lượng của bạn vào các nhiệm vụ quan trọng.
Dinh dưỡng để chống lại suy kiệt do ung thư:
- Nhu cầu calo cơ bản: Nhu cầu calo ước tính cho người bị ung thư là 15 calo cho mỗi pound cân nặng nếu cân nặng của bạn đã ổn định. Bổ sung thêm 500 calo mỗi ngày nếu bạn đã giảm cân.
- Protein cần thiết để sửa chữa các mô cơ thể bị hư hỏng (và thường bị lão hóa): Nhu cầu protein ước tính là 0,5 - 0,6 gam protein cho mỗi pound trọng lượng cơ thể. Các nguồn cung cấp protein tốt nhất bao gồm thực phẩm từ nhóm sữa và các loại thịt, cá, trứng.
- Nhu cầu nước: Tối thiểu 8 cốc nước mỗi ngày sẽ ngăn ngừa tình trạng mất nước, tương đương khoảng 2 lít. Ngoài nước uống, các loại chất lỏng khác có thể bổ sung cho cơ thể bao gồm nước trái cây, sữa, nước dùng, sữa lắc... nhưng không sử dụng đồ uống có chứa caffeine.
- Vitamin bổ sung: Thực phẩm chức năng được khuyến nghị sẽ là một loại vitamin tổng hợp, cung cấp ít nhất 100% nhu cầu hằng ngày. Các loại viên uống vitamin không cung cấp calo, vốn cần thiết cho quá trình sản xuất năng lượng, vì vậy vitamin không thể thay thế cho các loại thức ăn cơ bản.
Vai trò của chuyên gia dinh dưỡng trong việc chống lại suy kiệt do ung thư:
- Cung cấp các gợi ý để khắc phục bất kỳ triệu chứng ăn uống nào có thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ thực phẩm như thay đổi vị giác, cảm giác no sớm.
- Đề xuất các cách tối đa hóa calo và protein trong một lượng nhỏ thực phẩm.
Giảm hoạt động thể chất, có thể là kết quả của bệnh tật hoặc điều trị có thể dẫn đến suy kiệt và thiếu năng lượng. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng ngay cả những vận động viên khỏe mạnh nếu phải dành thời gian dài trên giường hoặc ngồi trên ghế cũng sẽ phát triển cảm giác lo lắng, trầm cảm, suy nhược, suy kiệt và buồn nôn. Tập thể dục vừa phải một cách thường xuyên có thể làm giảm cảm giác suy kiệt và giúp cơ thể cảm thấy tràn đầy năng lượng và năng động hơn. Ngay cả trong quá trình điều trị ung thư, người bệnh vẫn có thể tiếp tục tập thể dục. Bạn cần kiểm tra với bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục.
Lợi ích của việc tập thể dục bao gồm:
- Hạ huyết áp;
- Cải thiện khả năng bơm máu của tim;
- Cảm giác tràn đầy năng lượng, ít suy kiệt hơn;
- Tăng sức bền;
- Gân, dây chằng, khớp và xương khỏe hơn;
- Giảm đau;
- Thái độ tích cực hơn, ít căng thẳng và áp lực;
- Cải thiện sự thèm ăn.
Một kế hoạch tập thể dục tốt nên được bắt đầu từ từ, để cơ thể bạn có thời gian điều chỉnh. Điều quan trọng là bạn phải làm gì đó để vận động toàn bộ cơ thể một cách thường xuyên. Thường xuyên có nghĩa là mỗi ngày, hoặc ít nhất là cách ngày. Loại bài tập phù hợp không bao giờ khiến bạn cảm thấy đau nhức, căng cứng hoặc kiệt sức. Bất kỳ loại bài tập nào cũng được. Đi bộ, đạp xe tại chỗ, yoga hoặc bơi lội (nếu hệ thống miễn dịch là ổn) và rèn luyện sức mạnh là những gợi ý về các loại bài tập. Dù bạn tập loại bài tập nào cũng nên ở cường độ vừa phải để có thể duy trì trong một thời gian dài.
Nguy hiểm hơn cả việc không tập thể dục là chỉ tập thể dục một vài lần và tập quá sức, quá nhanh. Nếu bạn cảm thấy đau nhức, cứng khớp, kiệt sức hoặc cảm thấy khó thở sau khi tập thể dục, nghĩa là bạn đang tập luyện quá sức.
Kiểm soát căng thẳng
Quản lý căng thẳng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại sự suy kiệt. Sau đây là những gợi ý:
- Hạ thấp kỳ vọng của bạn.
- Tạo cơ hội để người khác hiểu và hỗ trợ bạn.
- Các kỹ thuật thư giãn như băng ghi âm dạy thở sâu có thể giúp giảm căng thẳng và giảm thiểu suy kiệt do ung thư.
- Các hoạt động chuyển hướng sự chú ý của bạn khỏi sự suy kiệt cũng có thể hữu ích. Ví dụ, các hoạt động như đan lát, đọc sách hoặc nghe nhạc đòi hỏi ít năng lượng thể chất nhưng cần sự tập trung, chú ý.
- Nếu bạn không kiểm soát được căng thẳng, hãy nói chuyện với bác sĩ.
Các biện pháp cải thiện giấc ngủ:
- Tập các bài tập thư giãn hoặc yoga thư giãn trước khi ngủ.
- Tránh ngủ trưa dài.
- Chỉ đi ngủ khi buồn ngủ.
- Chỉ sử dụng phòng ngủ để ngủ và sinh hoạt tình dục.
- Tránh caffeine và các hoạt động kích thích vào buổi tối.
- Thiết lập một thói quen thư giãn trước khi ngủ.
5. Khi nào người bệnh nên nói chuyện với bác sĩ?
Mặc dù suy kiệt do ung thư là một tác dụng phụ phổ biến nhưng bệnh nhân nên cảm thấy thoải mái khi đề cập những cảm xúc đó với người chăm sóc bạn. Đôi khi suy kiệt có thể là dấu hiệu của một vấn đề y tế tiềm ẩn. Bác sĩ có thể có các can thiệp y tế để hỗ trợ kiểm soát một số nguyên nhân gây ra suy kiệt. Cuối cùng, có thể có những đề xuất cụ thể hơn cho tình huống của bạn sẽ giúp chống lại tình trạng suy kiệt nghiêm trọng.
Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ thông báo cho bác sĩ hoặc điều dưỡng chăm sóc nếu gặp phải bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Suy kiệt làm hạn chế khả năng tự chăm sóc bản thân;
- Khó thở ngày càng tăng khi gắng sức tối thiểu;
- Không kiểm soát được nỗi đau;
- Không có khả năng kiểm soát các tác dụng phụ từ các phương pháp điều trị (tức là buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc chán ăn);
- Lo lắng hoặc căng thẳng không kiểm soát được;
- Bệnh trầm cảm đang diễn ra.
Tóm lại, suy kiệt do ung thư là một trong những biểu hiện phổ biến nhất của ung thư và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị bệnh. Cách tốt nhất để đối phó với tình trạng suy kiệt do ung thư là điều trị nguyên nhân cơ bản. Do đó, bất kỳ một vấn đề nào gây ra sự đau đớn thì bệnh nhân ung thư phải thẳng thắn thảo luận với bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.