Tìm hiểu về van tim và các bệnh van tim thường gặp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Van tim là một cấu trúc đặc biệt, đảm bảo cho máu lưu chuyển giữa các buồng tim theo một chu trình nhất định. Giống như bất kỳ bộ phận nào khác của cơ thể, van tim cũng có những bệnh lý nhất định. Vậy những bệnh van tim thường gặp là những bệnh gì, sau đây chúng ta cùng tìm hiểu.

1. Sơ lược về van tim

Tim người được cấu tạo bởi tổ chức liên kết được bao quanh bởi nội tâm mạc. Van tim quyết định hướng chảy tuần hoàn máu theo một chiều nhất định.

Có bốn loại van tim chính, nằm ở trung tâm là:

  • Van ba lá mở ra cho máu đi một chiều từ nhĩ phải xuống thất phải và đóng lại khi dòng máu được bơm từ thất phải qua van động mạch phổi vào động mạch phổi đưa máu lên phổi để trao đổi oxy.
  • Van động mạch phổi gồm có ba van nhỏ hình tổ chim nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi. Khi van động mạch phổi hở sẽ khiến van tim này không khép kín, máu bị chảy ngược về tim, làm cho hiệu suất trao đổi oxy của cơ thể bị giảm sút.
  • Van hai lá nằm giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Cho phép máu đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái, dòng máu từ thất trái qua van động mạch chủ vào động mạch chủ đưa máu đi nuôi toàn cơ thể.
  • Van động mạch chủ nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ.

Hệ thống van tim trong cơ thể
Hệ thống van tim trong cơ thể

2. Bệnh van tim là gì?

Bệnh van tim thường biểu hiện dưới hai dạng tổn thương chính là hẹp van timhở van tim, đôi khi một van có tổn thương phối hợp cả hai dạng trên vừa hẹp vừa hở.

Hệ thống van tim là các cấu trúc đảm bảo cho máu lưu chuyển giữa các buồng tim theo một chu trình một chiều nhất định. Bình thường các van tim này là các cấu trúc thanh mảnh, mềm mại, cấu tạo bởi các lá van tim, và được cố định bằng các dây chằng, cột cơ. Vì nguyên nhân nào đó, các lá van này mất đi độ mềm mại, thanh mảnh, bị dày lên, dính vào nhau, vôi hóa hoặc các dây chằng cố định van tim bị sa xuống, bị đứt làm cho các van này không hoạt động được bình thường dẫn đến các bệnh lý van tim.

Khi các van tim trở nên dày và cứng hoặc dính các mép van làm hạn chế khả năng mở của van tim, gây cản trở dòng máu, hiện tượng này gọi là hẹp van tim. Khi các van tim đóng lại không kín do giãn vòng van, thoái hoá, dính, co rút hoặc các dây chằng van tim quá dài... làm cho dòng máu có thể trào ngược lại trong thời kỳ đóng van, gọi là hở van tim. Các tổn thương trên có thể gặp ở tất cả các van tim, có thể do nguyên nhân bẩm sinh hoặc mắc phải. Các tổn thương van tim (hẹp hoặc/và hở van) đều có thể gây ra các rối loạn huyết động (tức là rối loạn lưu chuyển máu) và dẫn đến hậu quả bệnh lý từ mức độ nhẹ đến nặng.

Trên thực tế lâm sàng hay gặp bốn bệnh lý van tim là hẹp van hai lá, hở van hai lá, hẹp van động mạch chủ và hở van động mạch chủ. Ít gặp hơn là hẹp van động mạch phổi, hở van động mạch phổi, hẹp van ba lá và hở van ba lá.

3. Nguyên nhân gây ra các bệnh lý van tim

Các bệnh van tim do rất nhiều nguyên nhân gây ra, các nguyên nhân thường gặp bao gồm:

3.1 Sự thoái hóa về cấu trúc

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hở van tim. Các cấu trúc nâng đỡ van tim bị suy yếu, giãn ra theo thời gian khiến cho van tim không thể đóng chặt.

3.2 Bệnh thấp tim

Bệnh thấp tim là một thuật ngữ dùng để chỉ bất kỳ vấn đề tim mạch nào là hậu quả sau một đợt thấp khớp cấp. Thấp khớp cấp là tình trạng do nhiễm liên cầu khuẩn gây ra. Khi nhiễm liên cầu khuẩn, cơ thể sản sinh kháng thể để chống lại, tuy nhiên trong một số trường hợp kháng thể tấn công cả các bộ phận khác của cơ thể, cụ thể ở đây là van tim, gây viêm. Viêm có thể xảy ra ở một hoặc nhiều van tim, gây tổn thương tới van tim vĩnh viễn, khiến nó dày lên, sẹo hóa nhiều năm sau đó.

3.3 Các nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác gây bệnh lý van tim bao gồm:

  • Vôi hóa van tim, là nguyên nhân thường gặp trong hẹp van động mạch chủ ở người cao tuổi.
  • Bệnh cơ tim giãn.
  • Bệnh cơ tim phì đại.
  • Một số dị tật bẩm sinh.
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
  • Hở van tim sau phẫu thuật van.
  • Biến chứng của một số bệnh ít gặp.

Vôi hóa van tim, là nguyên nhân thường gặp trong hẹp van động mạch chủ ở người cao tuổi
Vôi hóa van tim, là nguyên nhân thường gặp trong hẹp van động mạch chủ ở người cao tuổi

4. Các biến chứng có thể xảy ra

Nhiều biến chứng có thể xảy ra phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý nằm ở trên van tim nào cũng như mức độ nghiêm trọng của vấn đề:

4.1 Rung nhĩ

Xuất hiện với tần suất khoảng 4 trên 10 trường hợp. Rung nhĩ là tình trạng tim đập nhanh và bất thường do rối loạn dẫn truyền dòng điện. Nhịp tim bất thường có thể gây nên cảm giác đánh trống ngực và khó thở.

4.2 Suy tim

Tình trạng suy tim có thể xuất hiện và tiến triển ngày một nặng hơn. Các triệu chứng thường gặp của suy tim là khó thở, mệt mỏi, và phù.

4.3 Đột quỵ

Huyết khối có thể hình thành bên trong tâm nhĩ trái bị giãn hoặc rung nhĩ. Huyết khối có thể đi vào dòng máu, bị kẹt lại chỗ mạch máu nhỏ và gây tắc nghẽn hoàn toàn mạch máu đó (nếu gây tắc nghẽn mạch máu lên não sẽ gây ra đột quỵ).

4.4 Viêm nội tâm mạc

Đôi khi có thể xảy ra, bởi van tim bị hư hại dễ bị nhiễm khuẩn hơn van tim bình thường.

5. Các triệu chứng thường gặp khi có bệnh lý van tim

  • Khó thở: Đầu tiên bệnh nhân thường bị khó thở khi tập luyện hoặc gắng sức, về sau gặp cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Triệu chứng này xuất hiện bởi van tim bị hẹp, khiến phổi bị ứ huyết.
  • Mệt mỏi, chóng mặt, ngất: nếu lượng máu xuống tâm thất trái bị giảm thì nguồn máu đi nuôi cơ thể cũng sẽ bị giảm theo, dẫn tới các biểu hiện này.
  • Đau ngực: Có thể xảy ra nếu lượng máu qua động mạch vành nuôi cơ tim bị giảm.
  • Nhịp tim nhanh, nhịp tim bất thường: Gây ra cảm giác đánh trống ngực.

6. Phải làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh lý van tim?

Khi thấy xuất hiện các triệu chứng như đã mô tả hoặc nghi ngờ bản thân đã bị bệnh lý van tim, hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, kết hợp một số cận lâm sàng đơn giản như chụp X-quang lồng ngực, điện tâm đồ, siêu âm tim,... (hoặc chỉ định những kĩ thuật phức tạp hơn trong những trường hợp nặng như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ,...) để xác định chẩn đoán và đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.

Khoa Tim mạch của Vinmec luôn nhận được nhiều sự tán dương, hài lòng từ khách hàng trong nước & quốc tế, là những người tiên phong ứng dụng thành công những kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới trong điều trị các bệnh lý tim mạch.

  • Đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm: y bác sĩ có trình độ từ Thạc sĩ đến Giáo sư, Tiến sĩ, có uy tín trong điều trị nội khoa, ngoại khoa, thông tim can thiệp, được đào tạo chuyên sâu trong nước & nước ngoài. Đặc biệt, GS.TS.BS Võ Thành Nhân – Giám đốc Tim mạch Vinmec Central Parkđược công nhận là chuyên gia đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được trao chứng chỉ “Proctor” về TAVI.
  • Trang thiết bị tối tân, sánh ngang với các bệnh viện lớn trên thế giới: Phòng mổ hiện đại nhất trên thế giới; Máy chụp cộng hưởng từ không tiếng ồn hiện đại nhất Đông Nam Á; Máy CT có tốc độ chụp siêu nhanh chỉ 0,275s/vòng mà không cần sử dụng thuốc hạ nhịp tim; hệ thống PET/CT và SPECT/CT 16 dãy giúp phát hiện sớm những tổn thương của cơ quan tim mạch ngay cả khi chưa có triệu chứng bệnh.
  • Ứng dụng các kỹ thuật tim mạch chuyên sâu tiên tiến nhất trên thế giới trong điều trị: Mổ tim hở không đau; Can thiệp động mạch chủ qua da không gây mê toàn thân; Điều trị hở van 2 lá qua đường ống thông có tỉ lệ thành công 95%; Cấy ghép tim nhân tạo hỗ trợ tâm thất cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối kéo dài cuộc sống chất lượng trên 7 năm.
  • Hợp tác với các Trung tâm tim mạch hàng đầu Việt Nam và thế giới như: Viện Tim mạch quốc gia, Bộ môn Tim mạch Đại học Y Hà Nội, Đại học Paris Descartes - Bệnh viện Georges Pompidou (Pháp), Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ)... với mục đích cập nhật các phương pháp điều trị tim mạch hiện đại nhất trên thế giới.

Để được khám và điều trị với các chuyên gia tim mạch hàng đầu Vinmec, Khách hàng vui lòng đặt lịch khám trực tuyến tại website hoặc liên hệ đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe