Bài viết của bác sĩ Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Nếu đã được chẩn đoán mắc ung thư nội mạc tử cung hoặc lo lắng về bệnh, bạn có thể có rất nhiều câu hỏi và muốn tìm hiểu một số điều cơ bản về căn bệnh này. Việc hiểu rõ tình trạng bệnh sẽ giúp bệnh nhân lựa chọn được chế độ dinh dưỡng, cách chăm sóc và điều trị tốt hơn.
1. Ung thư nội mạc tử cung là gì?
Ung thư nội mạc tử cung xảy ra khi các tế bào trong nội mạc tử cung (lớp lót bên trong tử cung) bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát.
1.1 Tử cung và nội mạc tử cung
Tử cung là một cơ quan rỗng, có kích thước và hình dạng trung bình của một quả lê. Tử cung là nơi thai nhi lớn lên và phát triển khi phụ nữ mang thai. Tử cung có 2 phần chính:
- Thân tử cung: là phần trên của tử cung
- Cổ tử cung: là đầu dưới của tử cung nối với âm đạo
Khi mọi người nói về ung thư tử cung, có nghĩa là ung thư bắt nguồn từ thân của tử cung, không phải cổ tử cung. (Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư riêng biệt)
Thân tử cung có 2 lớp chính:
- Lớp cơ: lớp ngoài cùng. Lớp cơ này dày, cần thiết để đẩy em bé ra ngoài khi sinh.
- Nội mạc tử cung: lớp bên trong. Trong chu kỳ kinh nguyệt, hormone làm nội mạc tử cung thay đổi. Estrogen làm nội mạc tử cung dày lên để có thể nuôi dưỡng phôi nếu có thai. Nếu không có thai, nồng độ estrogen thấp hơn và progesterone được sản xuất nhiều hơn, làm nội mạc nội mạc tử cung bị bong ra và trở thành dòng chảy kinh nguyệt. Chu kỳ này lặp lại cho đến khi mãn kinh.
Ngoài ra còn có một lớp mỏng gọi là thanh mạc bao phủ bên ngoài tử cung.
1.2 Các loại ung thư nội mạc tử cung
Ung thư nội mạc tử cung (còn gọi là carcinoma nội mạc tử cung) bắt đầu trong các tế bào của lớp lót bên trong tử cung (nội mạc tử cung). Đây là loại ung thư phổ biến nhất của tử cung.
Carcinoma nội mạc tử cung có thể được chia thành các phân nhóm nhỏ khác nhau dựa trên các tế bào quan sát được dưới kính hiển vi (gọi là các loại mô học), bao gồm:
- Carcinoma tuyến (hầu hết ung thư nội mạc tử cung là loại ung thư tuyến gọi là ung thư dạng nội mạc tử cung-endometrioid cancer)
- Carcinosarcoma tử cung
- Carcinoma tế bào gai (squamous cell carcinoma)
- Carcinoma tế bào nhỏ (small cell carcinoma)
- Carcinoma chuyển tiếp (transitional carcinoma)
- Carcinoma thanh dịch (serous carcinoma)
- Carcinoma tế bào sáng (clear cell carcinoma), carcinoma tuyến dịch nhầy (mucinous adenocarcinoma), carcinoma tuyến dịch trong (serous adenocarcinoma), carcinoma không biệt hóa (undifferentiated carcinoma), là những loại ít gặp hơn của ung thư tuyến nội mạc tử cung. Chúng có xu hướng phát triển và lan rộng nhanh hơn so với hầu hết các loại ung thư nội mạc tử cung, thường lan rộng ra ngoài tử cung vào thời điểm được chẩn đoán.
Hầu hết các ung thư nội mạc tử cung là ung thư tuyến (adenocarcinoma), và ung thư dạng nội mạc (endometrioid) là loại ung thư tuyến thường gặp nhất, cho đến nay. Ung thư dạng nội mạc bắt đầu từ các tế bào tuyến và trông rất giống như nội mạc tử cung bình thường, và có nhiều biến thể khác nhau.
2. Các loại ung thư khác ở tử cung
Sarcomas tử cung xuất phát từ lớp cơ hoặc mô liên kết của tử cung, bao gồm:
- Sarcoma cơ trơn (leiomyosarcomas)
- Sarcomas mô đệm tử cung (endometrial stromal sarcomas)
Độ mô học của ung thư nội mạc tử cung dựa trên số lượng tế bào ung thư tạo được cấu trúc tuyến trông giống như các tuyến nội mạc bình thường khỏe mạnh.
Trong ung thư độ thấp (độ 1 và 2), nhiều tế bào ung thư hình thành cấu trúc tuyến. Trong ung thư độ cao (độ 3), nhiều tế bào ung thư sắp xếp lộn xộn và không tạo cấu trúc tuyến.
- U độ 1 (grade 1): có từ 95% trở lên mô ung thư hình thành cấu trúc tuyến.
- U độ 2 (grade 2): có từ 50% đến 94% mô ung thư hình thành cấu trúc tuyến.
- U độ 3 (grade 3): có dưới 50% mô ung thư hình thành cấu trúc tuyến. Loại này có xu hướng phát triển và lan rộng nhanh và có tiên lượng xấu hơn độ 1 và 2.
3. Xác định giai đoạn ung thư như thế nào?
Hai hệ thống thường được sử dụng để phân giai đoạn ung thư nội mạc tử cung
là hệ thống FIGO (Liên đoàn Sản phụ khoa quốc tế) và hệ thống giai đoạn TMN (Ủy ban Ung thư Mỹ), về cơ bản là giống nhau.
Cả hai phân loại ung thư này dựa trên 3 yếu tố:
- Kích thước khối u (T - tumor): Ung thư đã phát triển đến tử cung bao xa, đã lan đến các cấu trúc hoặc các cơ quan lân cận không
- Hạch bạch huyết lân cận (N – lymph nodes): Ung thư có lan đến các hạch bạch huyết cạnh động mạch chủ không
- Di căn đến các vị trí xa (M – metastasis): Ung thư có di căn đến các hạch bạch huyết xa hoặc các cơ quan khác của cơ thể không
Các số hoặc chữ cái sau T, N và M cung cấp thêm chi tiết về từng yếu tố. Số cao hơn nghĩa là ung thư tiến triển hơn. Khi T, N và M đã được xác định, các thông tin này được kết hợp với nhau gọi là nhóm giai đoạn, để chỉ một giai đoạn tổng thể.
Hệ thống phân giai đoạn trong bảng dưới đây là giai đoạn bệnh học (hoặc giai đoạn phẫu thuật), vì được xác định sau khi phẫu thuật. Trường hợp nếu không thể phẫu thuật ngay, ung thư sẽ được xác định thay thế bằng giai đoạn lâm sàng, dựa trên kết quả khám lâm sàng, sinh thiết và xét nghiệm hình ảnh trước khi phẫu thuật.
Hệ thống phân giai đoạn được mô tả dưới đây là hệ thống AJCC mới nhất, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2018.
Giai đoạn ung thư nội mạc tử cung có thể phức tạp, vì vậy hãy yêu cầu bác sĩ giải thích theo cách bạn có thể hiểu.
3.1 Giai đoạn I: T1 N0 M0
- Ung thư đang phát triển bên trong tử cung, cũng có thể phát triển đến các tuyến của cổ tử cung, nhưng không đến mô liên kết của cổ tử cung (T1)
- Không lan đến các hạch bạch huyết gần đó (N0)
- Không di căn đến các vị trí xa (M0)
3.2 Giai đoạn IA: T1a N0 M0
- Ung thư nằm trong nội mạc tử cung và có thể đã phát triển đến dưới 1/2 lớp cơ tử cung (T1a)
- Không lan đến các hạch bạch huyết gần đó (N0)
- Không di căn đến các vị trí xa (M0)
3.3 Giai đoạn IB: T1b N0 M0
- Ung thư đã phát triển từ nội mạc tử cung vào quá 1/2 lớp cơ tử cung, nhưng không lan ra bên ngoài thân tử cung (T1b)
- Không lan đến các hạch bạch huyết gần đó (N0)
- Không di căn đến các vị trí xa (M0)
3.4 Giai đoạn II: T2 N0 M0
- Ung thư đã lan ra thân tử cung và đang lan đến mô liên kết của cổ tử cung (mô đệm cổ tử cung), nhưng chưa lan ra ngoài tử cung (T2)
- Không lan đến các hạch bạch huyết gần đó (N0)
- Không di căn đến các vị trí xa (M0)
3.5 Giai đoạn III: T3 N0 M0
- Ung thư đã lan ra bên ngoài tử cung, nhưng chưa lan đến niêm mạc trực tràng hoặc bàng quang (T3)
- Không lan đến các hạch bạch huyết gần đó (N0)
- Không di căn đến các vị trí xa (M0)
3.6 Giai đoạn IIIA: T3a N0 M0
- Ung thư đã lan ra bề mặt ngoài của tử cung (thanh mạc) và / hoặc đến ống dẫn trứng hoặc buồng trứng (phần phụ) (T3a)
- Không lan đến các hạch bạch huyết gần đó (N0)
- Không di căn đến các vị trí xa (M0)
3.7 Giai đoạn IIIB: T3b N0 M0
- Ung thư đã lan đến âm đạo hoặc đến các mô xung quanh tử cung (chu cung) (T3b)
- Không lan đến các hạch bạch huyết gần đó (N0)
- Không di căn đến các vị trí xa (M0)
3.8 Giai đoạn IIIC1: T1-T3 N1/N1mi/N1a M0
- Ung thư đang phát triển trong thân tử cung, có thể đã lan đến một số mô gần đó, nhưng chưa xâm lấn vào bên trong bàng quang hoặc trực tràng (từ T1 đến T3)
- Đã lan đến các hạch bạch huyết vùng chậu (N1, N1mi hoặc N1a)
- Không lan đến các hạch bạch huyết xung quanh động mạch chủ hoặc các vị trí xa (M0)
3.9 Giai đoạn IIIC2: T1-T3 N2/N2mi/N2a M0
- Ung thư đang phát triển trong thân tử cung, có thể đã lan đến một số mô gần đó, nhưng chưa xâm lấn vào bên trong bàng quang hoặc trực tràng (từ T1 đến T3)
- Đã lan đến các hạch bạch huyết xung quanh động mạch chủ (N2, N2mi hoặc N2a)
- Không di căn đến các vị trí xa (M0)
3.10 Giai đoạn IVA: T4 Nbất kỳ M0
- Ung thư đã lan đến niêm mạc trực tràng hoặc bàng quang (T4)
- Có thể hoặc chưa lan sang các hạch bạch huyết gần đó (N bất kỳ)
- Không di căn đến các vị trí xa (M0).
3.11 Giai đoạn IVB: Tbất kỳ Nbất kỳ M1
- Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết vùng bẹn, bụng trên, mạc nối hoặc đến các cơ quan xa tử cung như phổi, gan hoặc xương (M1)
- Ung thư có thể có kích thước bất kỳ (T bất kỳ)
- Có thể hoặc không lan sang các hạch bạch huyết khác (N bất kỳ)
Các danh mục bổ sung sau không được liệt kê trong bảng trên:
- TX: Khối u chính không thể được đánh giá do thiếu thông tin.
- T0: Không có bằng chứng về khối u nguyên phát.
- NX: Các hạch bạch huyết khu vực không thể được đánh giá do thiếu thông tin.
Hiện nay ung thư nội mạc tử cung là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ mắc cao, vì thế khám định kỳ ít nhất 1 năm/1 lần là cách phòng tránh hữu hiệu nhất đối với căn bệnh nguy hiểm này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.