Có thể mang thai sau khi cắt bỏ nội mạc tử cung?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Cắt bỏ nội mạc tử cung là một thủ thuật phẫu thuật quan trọng, có thể đem lại những lợi ích và rủi ro nhất định cho sức khỏe cũng như là khả năng sinh sản của phụ nữ.

1. Cắt bỏ nội mạc tử cung là gì?

Cắt bỏ nội mạc tử cung là thủ thuật phá hủy một lớp mỏng của niêm mạc tử cung, giúp tình trạng ra kinh nhiều ở phụ nữ giảm xuống hoặc trở lại mức bình thường. Cần phải tiếp tục điều trị thêm với phương pháp khác hoặc tiến hành phẫu thuật nếu như việc cắt bỏ vẫn không thể kiểm soát được các trường hợp ra kinh nhiều.

2. Tại sao cần cắt bỏ nội mạc tử cung?

Thủ thuật cắt bỏ nội mạc tử cung được áp dụng để điều trị các nguyên nhân gây chảy máu kinh nặng ở phụ nữ. Trong hầu hết các trường hợp, phụ nữ bị ra máu kinh nhiều sẽ được điều trị đầu bằng thuốc trước tiên. Nếu tình trạng này vẫn không thể kiểm soát được bằng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ nội mạc tử cung.


Thủ thuật cắt bỏ nội mạc tử cung được áp dụng để điều trị các nguyên nhân gây chảy máu kinh nặng ở phụ nữ
Thủ thuật cắt bỏ nội mạc tử cung được áp dụng để điều trị các nguyên nhân gây chảy máu kinh nặng ở phụ nữ

3. Những trường hợp không nên cắt bỏ nội mạc tử cung

Không nên thực hiện cắt bỏ nội mạc tử cung đối với những phụ nữ đã mãn kinh và những phụ nữ mắc phải các vấn đề dưới đây:

  • Rối loạn tử cung hoặc nội mạc tử cung
  • Tăng sản nội mạc tử cung
  • Ung thư tử cung
  • Vừa mới mang thai
  • Mới nhiễm trùng hoặc đang bị nhiễm trùng tử cung

4. Có thể mang thai sau khi cắt bỏ nội mạc tử cung không?

Khả năng mang thai sau khi cắt bỏ nội mạc tử cung là rất thấp, tuy nhiên vẫn có trường hợp có thể mang thai. Nếu có khả năng mang thai sau khi cắt bỏ nội mạc tử cung thì nguy cơ sảy thai và gặp các vấn đề khác về sức khỏe sẽ tăng lên rất cao. Nếu phụ nữ muốn mang thai thì tốt nhất không nên thực hiện thủ thuật này. Những phụ nữ bị cắt bỏ nội mạc tử cung nên sử dụng biện pháp tránh thai cho đến sau khi mãn kinh. Ngoài ra, cũng có thể lựa chọn phương pháp triệt sản để tránh thai sau khi cắt bỏ.

Phụ nữ sau khi đã cắt bỏ nội mạc tử cung vẫn có đầy đủ các cơ quan sinh sản, vì vậy việc thường xuyên tầm soát ung thư cổ tử cung và khám phụ khoa vẫn rất cần thiết.


Khả năng mang thai sau khi cắt bỏ nội mạc tử cung là rất thấp, tuy nhiên vẫn có trường hợp có thể mang thai
Khả năng mang thai sau khi cắt bỏ nội mạc tử cung là rất thấp, tuy nhiên vẫn có trường hợp có thể mang thai

5. Những phương pháp được sử dụng để thực hiện cắt bỏ nội mạc tử cung

Dưới đây là các phương pháp phổ biến nhất được sử dụng để thực hiện cắt bỏ nội mạc tử cung:

  • Sóng vô tuyến: một đầu dò được đưa vào tử cung thông qua cổ tử cung. Từ đỉnh của đầu dò sẽ phát ra một năng lượng sóng vô tuyến dưới dạng lưới vào lớp nội mạc. Năng lượng và nhiệt độ sẽ phá hủy các mô nội mạc tử cung, các tế bào này sau đó sẽ được máy hút ra ngoài.
  • Làm đông: một đầu dò nhỏ được đưa vào tử cung. Đỉnh của đầu dò sẽ làm cho nội mạc tử cung bị đông lại. Kỹ thuật này thường được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm.
  • Chất lỏng nóng: các chất lỏng được đưa vào tử cung thông qua một ống nội soi buồng tử cung - một thiết bị nhỏ truyền ánh sáng giúp quan sát nội mạc tử cung, sau đó chất lỏng sẽ được làm nóng và ở lại trong tử cung khoảng 10 phút. Nhờ vào nhiệt độ cao, lớp nội mạc sẽ dễ dàng bị phá hủy.
  • Bóng nước nóng: trong quá trình nội soi buồng tử cung, bác sĩ sẽ đặt vào trong tử cung một quả bóng. Sau đó, bơm vào quả bóng một lượng chất lỏng nóng cho đến khi quả bóng phình to và các cạnh của nó áp sát vào nội mạc tử cung. Lớp nội mạc tử cung sẽ bị phá hủy ở nhiệt độ cao.
  • Năng lượng vi sóng: đưa vào trong tử cung một đầu dò đặc biệt thông qua cổ tử cung, sau đó truyền năng lượng vi sóng đến nội mạc tử cung và phá hủy nó.
  • Phẫu tích bằng điện: được thực hiện với ống soi phẫu tích - một thiết bị kính soi nhỏ được đưa vào buồng tử cung. Đầu của ống soi này có thể là một vòng dây kim loại, một bi lăn hoặc một bi gai, chúng được tích điện để phá hủy lớp nội mạc tử cung một cách dễ dàng. Phương pháp này thường được áp dụng trong phòng phẫu thuật và cần phải gây mê toàn thân. Tuy nhiên, nó không được sử dụng phổ biến như những phương pháp khác.

Những triệu chứng thường gặp sau khi phẫu thuật

Dưới đây là một số phản ứng phụ thường gặp sau khi cắt bỏ nội mạc tử cung:

  • Đau bụng giống như đau bụng kỳ kinh nguyệt, thường kéo dài từ một đến hai ngày
  • Dịch âm đạo loãng và có lẫn với máu. Tình trạng này có thể kéo dài một vài tuần và thường ra nhiều trong 2- 3 ngày đầu sau khi làm phẫu thuật
  • Đi tiểu thường xuyên trong 24 giờ đầu
  • Buồn nôn

6. Những rủi ro liên quan đến cắt bỏ nội mạc tử cung

Cắt bỏ nội mạc tử cung có thể gây ra những rủi ro nhất định bao gồm nguy cơ bị nhiễm trùng và chảy máu. Các dụng cụ được sử dụng khi phẫu thuật có thể gây thủng thành tử cung hoặc ruột. Một số phương pháp được áp dụng cũng có khả năng gây bỏng âm đạo và ruột.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, các chất lỏng được sử dụng để làm căng buồng tử cung trong quá trình phẫu thuật điện có thể hấp thụ vào trong máu và gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Để ngăn chặn điều này, cần kiểm tra cẩn thận lượng chất lỏng sử dụng trong suốt quá trình phẫu thuật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn Acog.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe