Tìm hiểu về ung thư biểu mô tế bào gan

Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là loại ung thư gan nguyên phát phổ biến nhất, thường gặp ở những người bị bệnh gan mạn tính như xơ gan do viêm gan B hoặc viêm gan C. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ Nội ung bướu - Khoa Nội ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư.

1. Thế nào là ung thư biểu mô tế bào gan?

Ung thư biểu mô tế bào gan là một loại ung thư bắt nguồn từ gan. Loại ung thư này khác với ung thư gan "thứ phát", khi tế bào ung thư từ các cơ quan khác trong cơ thể di căn đến gan. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân có cơ hội chữa khỏi nhờ phẫu thuật hoặc ghép gan.

2. Ai có nguy cơ mắc bệnh ?

Việc xác định chính xác tất cả các nguyên nhân gây ra ung thư biểu mô tế bào gan là điều rất khó khăn. Nhưng ở một số nhóm người, loại ung thư này có khả năng xuất hiện cao hơn so với người bình thường.

Các nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:

  • Những người mắc bệnh gan mạn tính, đặc biệt là bệnh nhân xơ gan: Xơ gan xảy ra khi các tế bào gan bị hư hại và được thay thế bằng mô xơ. Xơ gan xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm viêm gan B hoặc C, tiêu thụ rượu, một số loại thuốc và tích tụ quá nhiều sắt trong gan.
  • Những người mắc xơ gan do nhiễm viêm gan B hoặc viêm gan C: Ung thư tế bào gan có thể phát triển sau khi bị viêm gan. Để xác định có mắc virus viêm gan B hoặc C hay không, mọi người cần thực hiện xét nghiệm máu.
  • Người có thói quen uống rượu thường xuyên và những người mắc phải tình trạng tích tụ mỡ trong gan: Nguy cơ mắc ung thư tế bào gan sẽ gia tăng ở người tiêu thụ hơn hai ly rượu mỗi ngày trong nhiều năm. Mọi người cần lưu ý rằng, nguy cơ mắc bệnh tỷ lệ thuận với lượng rượu nạp vào cơ thể.
  • Người béo phì và tiểu đường: Đây là hai yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan. Béo phì có khả năng gây ra gan nhiễm mỡ, từ đó dẫn đến ung thư biểu mô tế bào gan. Đối với bệnh nhân tiểu đường, nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn do nồng độ insulin trong cơ thể cao, gây tổn thương gan.
  • Người dư sắt và có Aflatoxin trong cơ thể: Những người có lượng sắt dư thừa tích trữ trong gan và các cơ quan khác trong cơ thể có nguy cơ cao phát triển ung thư tế bào gan. Aflatoxin là chất độc hại do một số loại nấm mốc sản sinh, nấm mốc này thường xuất hiện trong đậu phộng, ngô, cùng các loại hạt và ngũ cốc khác. Loại chất này có thể là nguyên nhân gây ra ung thư tế bào gan. 
Người béo phì có nguy cơ ung thư gan
Người béo phì có nguy cơ ung thư gan

Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?

Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.

3. Triệu chứng của ung thư  

Ở giai đoạn đầu của ung thư biểu mô tế bào gan, bệnh nhân thường không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện, bao gồm một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

  • Đau ở vùng thượng vị và hạ sườn phải.
  • Cảm giác có khối u hoặc tức nặng ở vùng thượng vị
  • Đầy bụng hoặc chướng bụng
  • Mất cảm giác ngon miệng và thèm ăn
  • Giảm cân
  • Cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi liên tục
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Da và mắt bị vàng
  • Nhu động ruột yếu, phân và nước tiểu sẫm màu
  • Sốt. 
Da và mắt vàng là một trong những dấu hiệu của ung thư biểu mô tế bào gan.
Da và mắt vàng là một trong những dấu hiệu của ung thư biểu mô tế bào gan.

4. Cách chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan

Các phương pháp kiểm tra và hình ảnh dùng để chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để đo chức năng gan: Bác sĩ sẽ thực hiện quá trình lấy mẫu máu để kiểm tra sự hiện diện của protein AFP. Mức độ AFP thường cao ở trẻ mới sinh nhưng sẽ giảm dần sau khi sinh. Lượng AFP trong máu cao có khả năng là dấu hiệu của ung thư gan.
  • Các xét nghiệm hình ảnh như CT và MRI: Để tìm kiếm khối u trong gan, bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT hoặc MRI. Các kỹ thuật này giúp bác sĩ thấy rõ hình ảnh chi tiết của gan.
  • Sinh thiết gan: Để chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan, trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô gan để kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm tìm kiếm tế bào ung thư. Quy trình này được thực hiện bằng cách sử dụng kim sinh thiết xuyên qua da, đưa vào gan của bệnh nhân để lấy một lượng nhỏ mô. Để đảm bảo bệnh nhân không cảm thấy đau đớn, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tại vùng đó trước khi thực hiện. 
Sinh thiết gan giúp chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan.
Sinh thiết gan giúp chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan.

5. Ung thư biểu mô tế bào gan có nguy hiểm không?

Ung thư biểu mô tế bào gan là căn bệnh vô cùng nguy hiểm vì làm giảm tuổi thọ và có nguy cơ gây tử vong. Đáng lo ngại hơn, giai đoạn đầu của bệnh thường không xuất hiện triệu chứng rõ ràng, khiến việc phát hiện và điều trị kịp thời trở nên khó khăn.  

Không có đáp án chung cho câu hỏi ung thư biểu mô tế bào gan sống được bao lâu. Thời gian sống của từng bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe, quá trình phát triển của bệnh và hiệu quả của phương pháp điều trị.

Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị sớm, người bệnh có khả năng kéo dài tuổi thọ cao hơn so với điều trị ung thư biểu mô tế bào gan ở giai đoạn cuối.

6. Các phương pháp điều trị

Các phương pháp điều trị ung thư sẽ được chọn dựa trên kích thước, vị trí của tế bào ung thư, chức năng gan và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị thường bao gồm:

6.1 Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể là phương án điều trị cho những người mắc ung thư gan giai đoạn sớm khi gan vẫn hoạt động bình thường, phẫu thuật sẽ cắt bỏ ung thư cùng với một phần mô khỏe mạnh xung quanh.  

Trong phẫu thuật ghép gan, toàn bộ gan sẽ được loại bỏ và thay thế bằng một lá gan khỏe mạnh từ người hiến tặng. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư gan nếu các tế bào ung thư chưa di căn ra ngoài gan.

Phẫu thuật ghép gan là một ca phẫu thuật phức tạp, yêu cầu gan được hiến tặng phải đến từ người có nhóm máu và kích thước cơ thể tương tự người nhận. Sau phẫu thuật ghép gan, người bệnh cần nằm viện tối đa 3 tuần. Để hồi phục hoàn toàn và quay trở lại sinh hoạt bình thường, bệnh nhân có thể cần khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm.  

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần dùng thuốc ngăn ngừa cơ thể từ chối gan mới sau khi cấy ghép. 

Phẫu thuật loại bỏ ung thư.
Phẫu thuật loại bỏ ung thư.

6.2 Kỹ thuật nhiệt động (Cryoablation) và cắt bỏ tần số vô tuyến

Tiêu diệt tế bào ung thư bằng nhiệt là phương pháp sử dụng nhiệt độ cực cao hoặc cực lạnh để tiêu diệt tế bào ung thư, phương pháp này được đề xuất đối với những người không thể phẫu thuật.

Trong phương pháp này, bác sĩ sử dụng đầu dò kim loại mỏng để đóng băng và phá hủy khối u ung thư. Sau khi bệnh nhân được gây mê, đầu dò sẽ được đặt vào vị trí của khối u để cung cấp khí lạnh giết chết các tế bào ung thư.  

Ngoài ra, một phương pháp tương tự được gọi là đốt sóng cao tần cũng dùng nhiệt để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách sử dụng dòng điện.

6.3 Xạ trị

Nếu bệnh nhân không mong muốn hoặc không thể phẫu thuật, liệu pháp xạ trị sử dụng năng lượng từ tia X hoặc proton có thể được sử dụng. Để điều trị, bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật xạ trị chuyên dụng gọi là xạ trị định vị thân (SBRT). Phương pháp này sử dụng nhiều chùm tia phóng xạ hội tụ tại vị trí cần điều trị trong cơ thể.

Hiện nay, hai phương pháp xạ trị thường được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bao gồm:

  • Xạ trị chiếu ngoài: Máy xạ trị sẽ phát ra chùm tia phóng xạ chính xác vào những điểm cụ thể cần điều trị ở ngực hoặc bụng khi bệnh nhân nằm trên bàn điều trị.
  • Xạ trị trong: Bác sĩ sẽ tiêm các hạt phóng xạ nhỏ vào động mạch đến gan để ngăn chặn hoặc phá hủy nguồn cung cấp máu đến khối u trong gan.

Các tác dụng phụ của phương pháp xạ trị bao gồm: buồn nôn, nôn hoặc mệt mỏi, tuy nhiên những triệu chứng này sẽ biến mất sau khi điều trị kết thúc. 

Phương pháp xạ trị giúp điều trị ung thư gan.
Phương pháp xạ trị giúp điều trị ung thư gan.

6.4 Hóa trị

Để chữa trị ung thư, các bác sĩ thường sử dụng phương pháp bơm thuốc trực tiếp vào gan, được gọi là "hóa trị".  

Bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng, linh hoạt vào động mạch cung cấp máu cho gan. Qua ống thông này, bác sĩ sẽ bơm dung dịch thuốc hóa học kết hợp với thuốc khác giúp gây tắc mạch. Mục đích của thủ thuật là tiêu diệt khối u bằng cách cắt đứt nguồn cung cấp máu. Tuy nhiên, gan vẫn sẽ nhận đủ lượng máu cần thiết thông qua một mạch máu khác.

Thông thường, người bệnh được điều trị hóa trị tại các cơ sở y tế ngoại trú, tức là người bệnh không cần phải nhập viện qua đêm. Những tác dụng phụ thường gặp sau điều trị bao gồm cảm giác buồn nôn và nôn mửa, chán ăn, sốt và ớn lạnh, đau đầu, yếu cũng như nguy cơ bị nhiễm trùng, bầm tím, chảy máu và mệt mỏi.

6.5 Tiêm ethanol qua da

Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm nhằm xác định chính xác vị trí của khối u. Tiếp theo, bác sĩ sử dụng kim nhỏ tiêm dung dịch ethanol vào khối u để tiêu diệt các tế bào ung thư. Trong quá trình thực hiện, người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ để đảm bảo không cảm thấy đau đớn.

6.6 Điều trị đích bằng thuốc

Điều trị đích bằng thuốc là phương pháp sử dụng thuốc tấn công các điểm cụ thể trong tế bào ung thư, nhằm ngăn chặn sự phát triển của bệnh ở những bệnh nhân mắc ung thư gan tiến triển.

Phương pháp này cũng có tác dụng ngăn chặn quá trình hình thành mạch máu mới hoặc các protein cần thiết cho sự phát triển của khối u.

Người bệnh ung thư biểu mô tế bào gan sau khi điều trị, có khả năng gặp các tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi, phát ban, giảm cơn thèm ăn, tiêu chảy, đau đớn, chảy máu, phồng rộp tay và viêm dạ dày hoặc ruột. 

Điều trị đích bằng thuốc là phương pháp sử dụng thuốc nhằm tiêu diệt các điểm cụ thể trong tế bào ung thư
Điều trị đích bằng thuốc là phương pháp sử dụng thuốc nhằm tiêu diệt các điểm cụ thể trong tế bào ung thư

6.7 Liệu pháp miễn dịch

Các bác sĩ có thể áp dụng liệu pháp miễn dịch nhằm điều trị ung thư gan tiến triển bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của bệnh nhân đi tìm và tiêu diệt tế bào ung thư. Các loại thuốc miễn dịch trị liệu được biết đến với tên gọi là chất ức chế sự phát triển tế bào u.  

Tuy nhiên, người bệnh áp dụng phương pháp này có thể gặp phải một số tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi, sốt, phát ban, chán ăn, đau và các phản ứng tự miễn khác liên quan đến phổi, gan, ruột, thận và các cơ quan khác. 

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

Trong một số trường hợp, bệnh nhân chữa trị hoàn toàn ung thư. Tuy nhiên, đối với những người khác, ung thư có thể không biến mất hoàn toàn hoặc tái phát trở lại. Do đó, người bệnh cần điều trị định kỳ để kiểm soát bệnh trong thời gian dài.  

Mặc dù ung thư nằm ngoài tầm kiểm soát nhưng người bệnh vẫn có quyền tự quyết cách sống của mình. Người bệnh nên tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc tìm kiếm sự chăm sóc sau điều trị để duy trì sức khỏe và tinh thần lạc quan trong hành trình chống lại căn bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec không chỉ là một trong những cơ sở y tế đáng tin cậy với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao và trang thiết bị công nghệ tiên tiến mà còn nổi bật với các dịch vụ khám, tư vấn và điều trị bệnh toàn diện, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, không gian khám và điều trị của Vinmec cũng được thiết kế lịch sự, văn minh, đảm bảo an toàn và tiêu chuẩn vệ sinh cao nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org, webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe