Tìm hiểu về thuốc kháng sinh Cloxacillin

Thuốc Cloxacillin thuộc nhóm thuốc kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn, ức chế quá trình sinh tổng hợp thành tế bào vi khuẩn chẳng hạn như benzylpenicilin, nhưng kháng lại được penicilinase của Staphylococcus.

1. Thuốc kháng sinh Cloxacillin là gì? Tác dụng của thuốc Cloxacillin

Thuốc Cloxacillin là kháng sinh diệt khuẩn, ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn như benzylpenicilin, nhưng kháng penicilinase của Staphylococcus. Vì vậy thuốc có hoạt tính chống lại Staphylococcus sinh hoặc không sinh penicilinase với nồng độ tối thiểu ức chế khoảng 0,25 - 0,5 microgam/ml. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh Cloxacillin không có hoạt tính với Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) nguyên nhân là do vi khuẩn này có những protein gắn penicillin (PBP) biến đổi.

Hoạt tính đối với chủng vi khuẩn Streptococcus thấp hơn so với benzylpenicilin, nhưng nhìn chung là đủ tác dụng khi những vi khuẩn này cùng có mặt với Staphylococcus kháng penicillin. Thuốc Cloxacillin không có hiệu lực đối với vi khuẩn Enterococcus faecalis.

Thuốc Cloxacillin đi qua được nhau thai và được bài tiết ở sữa mẹ. Thuốc ít khuếch tán vào dịch não tủy trừ trường hợp màng não bị viêm. Nồng độ điều trị với thuốc có thể đạt được trong dịch màng phổi, hoạt dịch và trong xương.

Thuốc Cloxacillin chuyển hóa ở mức độ hạn chế. Thuốc kháng sinh Cloxacillin chưa biến đổi và các chất chuyển hóa được bài tiết trong nước tiểu bằng cách lọc qua cầu thận và bài tiết ở ống thận. Khoảng 35% liều uống được đào thải qua nước tiểu và tới 10% trong mật.

Thuốc kháng sinh Cloxacillin được chỉ định điều trị trong những trường hợp sau:

  • Thuốc kháng sinh Cloxacillin sử dụng tương tự như flucloxacilin trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nguyên nhân do tụ cầu khuẩn kháng benzylpenicilin.
  • Thuốc kháng sinh Cloxacillin dùng theo đường tiêm có tác dụng điều trị các nhiễm khuẩn nặng nguyên nhân do Staphylococcus sinh hoặc không sinh penicilinase khi cần nồng độ cao trong huyết tương. Các loại nhiễm khuẩn bao gồm nhiễm khuẩn xương và khớp, viêm nội tâm mạc, viêm màng bụng (kết hợp với thẩm tách màng bụng liên tục ngoại trú), viêm phổi, bệnh lý về da (bao gồm cả nhiễm khuẩn mô mềm) và dự phòng các nhiễm khuẩn do phẫu thuật.
  • Thuốc kháng sinh Cloxacillin dùng theo đường uống có tác dụng điều trị khởi đầu các nhiễm khuẩn nhẹ và vừa nguyên nhân do tụ cầu sinh hoặc không sinh penicilinase hay để điều trị tiếp sau khi điều trị bằng đường tiêm nguyên nhân do nhiễm khuẩn nặng. Không sử dụng thuốc kháng sinh Cloxacillin theo đường uống trong điều trị bệnh viêm màng não.

2. Thuốc Cloxacillin có những dạng bào chế nào?

Thuốc kháng sinh Cloxacillin có những dạng và hàm lượng sau:

  • Viên nang Cloxacillin 250 mg;
  • Viên nang thuốc Cloxacillin 500mg bp;
  • Bột thuốc Cloxacillin 250 mg; 500 mg;
  • Dung dịch Cloxacillin 125 mg.

Hình ảnh thuốc kháng sinh Cloxacillin được bào chế ở dạng viên nang
Hình ảnh thuốc kháng sinh Cloxacillin được bào chế ở dạng viên nang

3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Cloxacillin

Tác dụng phụ không mong muốn thường gặp, chẳng hạn như:

  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, ỉa chảy (với người uống thuốc kháng sinh Cloxacillin và phụ thuộc theo liều uống);
  • Da: phát ban, mẩn ngứa (khoảng 4% người tiêm thuốc Cloxacillin);
  • Dấu hiệu khác: Viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi tiêm tĩnh mạch.

Tác dụng không mong muốn ít gặp, chẳng hạn như:

Tác dụng không mong muốn hiếm gặp, chẳng hạn như:

  • Toàn thân: Phản ứng phản vệ;
  • Máu: giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt;
  • Tiêu hóa: Viêm kết tràng màng giả;
  • Gan: Vàng da ứ mật;
  • Tiết niệu - sinh dục: Rối loạn chức năng thận kèm theo tăng creatinin huyết thanh cao.

Chú ý:

Viêm đại tràng màng giả là nguyên nhân do tăng trưởng quá mức Clostridium difficile và độc tố. Trường hợp này, có thể điều trị bằng metronidazol. Người cao tuổi hoặc người dễ mắc bệnh cần phải chú ý đối với tác dụng không mong muốn này.

4. Cách dùng và liều dùng Cloxacillin

4.1. Cách dùng thuốc Cloxacillin

  • Thuốc kháng sinh Cloxacillin thường được chỉ định dùng để uống hoặc tiêm (tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm truyền) dưới dạng muối natri.
  • Nên uống thuốc thuốc Cloxacillin, trước khi ăn một giờ hoặc ít nhất sau khi ăn 2 giờ, vì thức ăn trong dạ dày có thể gây ra giảm hấp thu thuốc.
  • Thuốc Cloxacillin có thể dùng theo đường tiêm trong khớp, tiêm trong màng phổi và thuốc xông.
  • Nói chung người bị suy giảm chức năng thận không cần giảm liều, trừ khi suy thận nặng.
  • Thuốc kháng sinh Cloxacillin có thể dùng kết hợp với các kháng sinh khác như ampicillin để tạo ra phổ tác dụng rộng hơn đối với những loại vi khuẩn kháng penicilinase.
  • Thuốc Cloxacillin benzathine chỉ được sử dụng trong thuốc thú y.

4.2. Liều dùng thuốc Cloxacillin

Đối với người lớn

  • Nhiễm khuẩn ngoài da và các mô liên kết: Uống 250 - 500 mg/lần tức 1 viên thuốc Cloxacillin 500mg bp, ngày 4 lần hoặc tiêm bắp 250 - 500 mg, cách 6 giờ một lần; tiêm tĩnh mạch chậm 250 - 500 mg trong 3 - 4 phút, 3 - 4 lần trong 24 giờ.
  • Viêm nội tâm mạc nguyên nhân do Staphylococcus: Truyền dịch liên tục 6g/trong 24 giờ.
  • Nhiễm khuẩn huyết hay viêm màng não: Tiêm tĩnh mạch 100 mg/kg thể trọng cơ thể trong thời gian 24 giờ chia làm 4 - 6 lần tiêm.
  • Thời gian điều trị với thuốc kháng sinh Cloxacillin phụ thuộc vào loại và mức độ nhiễm khuẩn và đáp ứng lâm sàng và vi khuẩn học. Đối với đa số nhiễm tụ cầu, liệu pháp điều trị kéo dài ít nhất 14 ngày; có thể cần phải kéo dài hơn đối với viêm tủy xương, viêm nội tâm mạc hay xuất hiện các ổ nhiễm khuẩn khác.

Đối với trẻ em

  • Trẻ sơ sinh 7 ngày tuổi hoặc nhỏ hơn, cân nặng dưới 2kg: uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch 25 mg/kg, cách 12 giờ một lần.
  • Trẻ sơ sinh 7 - 28 ngày tuổi, cân nặng dưới 2kg hoặc trẻ 7 ngày tuổi hoặc nhỏ hơn cân nặng 2 kg hoặc hơn: 25 mg/kg cách 8 giờ/lần, uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.
  • Trẻ 7 đến 28 ngày tuổi, cân nặng từ 2kg trở lên: dùng 25 mg/kg, cách 6 giờ/lần, uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
  • Trẻ em ≥ 1 tháng tuổi, cân nặng dưới 20 kg: 50 - 100 mg/kg/ngày (tối đa 4g) chia làm 4 lần trong ngày, uống hoặc tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Đối với nhiễm khuẩn nặng: Liều dùng có thể lên tới 200 mg/kg/ngày (tối đa 12g), chia làm nhiều lần, có thể tiêm tĩnh mạch.
  • Trẻ ≥ 1 tháng tuổi, cân nặng từ 20kg trở lên: Dùng liều điều trị như với người lớn.

Trường hợp quá liều thuốc và độc tính có thể gây nôn, tiêu chảy kéo dài, co giật, tê liệt, thậm chí tử vong. Cách xử lý khi quá liều: Bạn cần giảm liều, ngừng dùng thuốc ngay. Đồng thời, bạn cần liên hệ và đến ngay các cơ sở y tế gần nhất. Các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị ngộ độc hoặc dị ứng như với benzylpenicilin.

Trường hợp quên liều thuốc: Bạn cần uống một liều thuốc đã quên ngay sau khi bạn nhớ đến nó. Nếu khoảng cách về thời gian gần với dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và quay lại thời gian bình thường. Tuyệt đối không sử dụng 2 liều cùng lúc hoặc thêm liều.


Thuốc kháng sinh Cloxacillin cần được sử dụng đúng liều chỉ định của bác sĩ
Thuốc kháng sinh Cloxacillin cần được sử dụng đúng liều chỉ định của bác sĩ

5. Các tương tác của thuốc kháng sinh Cloxacillin

Sử dụng kết hợp thuốc kháng sinh Cloxacillin với các loại thuốc aminoglycosid in vitro sẽ làm mất tác dụng lẫn nhau đáng kể. Nếu cần thiết phải dùng cả 2 loại kháng sinh này, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm ở hai vị trí khác nhau, cách nhau ít nhất 1 giờ.

Việc dùng đồng thời liều cao thuốc kháng sinh Cloxacillin với các chất chống đông máu (coumarin, heparin hoặc dẫn xuất indandion) có thể làm tăng nguy cơ chảy máu nguyên nhân là do các penicilin ức chế kết tụ tiểu cầu và do đó cần phải theo dõi cẩn thận các dấu hiệu xuất huyết.

Không nên dùng chung thuốc Cloxacillin với các chất làm tan huyết khối vì có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết nặng. Việc sử dụng thuốc kháng sinh Cloxacillin với các thuốc độc hại gan có thể tăng thêm mức độ độc hại gan.

Nồng độ Cloxacilin trong máu tăng lên nếu dùng kết hợp với probenecid nguyên nhân là do probenecid làm giảm bài tiết các penicilin qua ống thận và tăng nguy cơ độc hại nếu dùng chung. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ không mong muốn. Bạn nên viết một danh sách những loại thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và các loại thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ điều trị của bạn xem.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Cloxacillin

Dùng đúng liều lượng Cloxacillin như chỉ định kể cả khi các dấu hiệu bệnh của bạn có thể bắt đầu cải thiện trước khi điều trị được hoàn toàn tình trạng nhiễm trùng.

Không bẻ, đè nén hoặc nhai thuốc viên nang và nuốt nguyên viên thuốc. Thuốc kháng sinh Cloxacillin có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai. Hãy sử dụng một phương pháp tránh thai khác như dùng bao cao su trong khi dùng thuốc Cloxacillin để có hiệu quả tránh thai tốt hơn.

Thận trọng đối với tất cả các biểu hiện dị ứng hay mẫn cảm sau khi sử dụng thuốc điều trị. Phải ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức và chuẩn bị phương tiện cấp cứu, đề phòng sốc phản vệ ở người điều trị bằng thuốc beta-lactam.

Cần rất thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh Cloxacillin cho đối tượng là trẻ sơ sinh, tốt nhất là không dùng nguyên nhân là do nguy cơ gây ra tăng bilirubin huyết do cạnh tranh gắn vào protein huyết thanh (gây vàng da nhân).

Thuốc kháng sinh Cloxacillin có tác dụng diệt khuẩn. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, bạn nên chú ý đọc kỹ hướng dẫn hoặc tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe