Thuốc Acetaminophen đặt hậu môn thuộc nhóm thuốc hạ sốt giảm đau được chỉ định trong nhiều tình trạng như đau cơ, đau đầu, đau lưng, viêm khớp, cảm lạnh, đau răng và sốt... Cùng tìm hiểu về các lưu ý khi sử dụng thuốc Acetaminophen đặt hậu môn qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Acetaminophen đặt hậu môn
Thuốc Acetaminophen đặt hậu môn chứa hoạt chất Acetaminophen được chỉ định trong các tình trạng như đau cơ, đau đầu, đau lưng, viêm khớp, cảm lạnh, đau răng và sốt..
2. Liều dùng và cách dùng thuốc Acetaminophen đặt hậu môn
2.1. Liều dùng
Liều dùng thuốc Acetaminophen đặt hậu môn được chỉ định bởi bác sĩ điều trị. Theo đó, liều thuốc cần được xác định theo cân nặng đối với người bệnh nặng dưới 50kg. Tổng liều thuốc Acetaminophen từ tất cả các đường dùng không được vượt quá liều khuyến cáo trong ngày (Không quá 4g/ngày ở người trưởng thành nặng trên 50kg, không quá 75mg/kg/ngày ở người trưởng thành và thanh thiếu niên nặng dưới 50kg).
2.2. Quá liều và cách xử trí
Sử dụng quá liều thuốc Acetaminophen khuyến cáo sẽ dẫn các triệu chứng bao gồm buồn nôn, chán ăn, nôn, đau dạ dày, đổ mồ hôi và hay nhầm lẫn, xuất hiện máu trong nước tiểu hoặc phân, tiểu khó hoặc tiểu đau, giảm lượng nước tiểu một cách đột ngột...
Trường hợp gặp phải các triệu chứng quá liều, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế sớm nhất có thể để được xử trí kịp thời.
3. Cách sử dụng thuốc Acetaminophen đặt hậu môn
Sử dụng thuốc với liều dùng theo khuyến cáo hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Không dùng thuốc acetaminophen đặt hậu môn với liều lớn hơn hoặc lâu hơn so với khuyến cáo.
Sử dụng thuốc Acetaminophen đặt hậu môn trong hạ sốt ở trẻ em cần đúng liều theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng thuốc ở trẻ em dưới 2 tuổi khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.
Cách sử dụng acetaminophen viên đặt hậu môn như sau:
- Rửa sạch tay trước khi đặt thuốc;
- Tháo vỏ thuốc trước khi sử dụng, tránh thao tác quá lâu sẽ làm thuốc bị tan chảy;
- Người bệnh chuẩn bị tư thế bằng cách nằm ngửa, quỳ gối nhẹ về phía trước. Đặt nhẹ nhàng viên đạn vào trực tràng, phần đầu nhọn của viên thuốc được đưa vào trước. Người bệnh cần nằm nghỉ trong thời gian vài phút sau khi đặt, viên thuốc sẽ tan nhanh chóng, nhờ đó người bệnh sẽ không cảm thấy khó chịu.
4. Tác dụng phụ của thuốc Acetaminophen đặt hậu môn
Thuốc giảm đau đặt hậu môn Acetaminophen có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Phản ứng dị ứng da nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Tình trạng này có thể xảy ra ngay cả khi người bệnh đã sử dụng Acetaminophen trong quá khứ nhưng không có triệu chứng. Ngưng sử dụng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ khi xuất hiện ban đỏ da hoặc phát ban lan rộng, gây bong tróc, phồng rộp;
- Đau dạ dày trên, buồn nôn, chán ăn, nước tiểu sẫm, ngứa, phân màu đất sét, vàng da, vàng mắt...
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Acetaminophen đặt hậu môn
Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Acetaminophen đặt hậu môn trong trường hợp buồn nôn, chán ăn, đau dạ dày trên, nước tiểu sẫm màu, phân màu đất sét, vàng da...
Acetaminophen có khả năng làm tăng tác dụng của rượu và các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác như thuốc kháng histamine, thuốc điều trị dị ứng, thuốc an thần, thuốc giảm đau trung ương, thuốc giãn cơ, thuốc gây mê... Bên cạnh đó, nguy cơ tổn thương gan tăng lên khi người bệnh sử dụng đồ uống có cồn khi đang điều trị bằng acetaminophen.
Thuốc acetaminophen có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm cả sốc phản vệ. Vì vậy, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các thuốc dị ứng cũng như nguy cơ dị ứng với các loại thức ăn, đồ uống...
Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh tính an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc Acetaminophen dạng đặt hậu môn ở trẻ em dưới hai tuổi. Vì vậy, chỉ sử dụng thuốc ở đối tượng này khi có chỉ định của bác sĩ.
Người cao tuổi: Các nghiên cứu cho thấy không cần hiệu chỉnh liều thuốc ở người cao tuổi.
Phụ nữ đang cho con bú: Chỉ điều trị bằng thuốc Acetaminophen viên đặt hậu môn ở phụ nữ đang cho con bú khi thật sự cần thiết.
5. Tương tác thuốc Acetaminophen đặt hậu môn
5.1. Tương tác thuốc – thuốc
Một số loại thuốc có thể tương tác với Acetaminophen đặt trực tràng, bao gồm cả thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn, vitamin, các sản phẩm thảo dược... Một số loại thuốc có thể gây tương tác với Acetaminophen như sau:
- Pixantrone, thuốc chủng ngừa vi khuẩn 13 – Valent do bạch hầu kết hợp phế cầu khuẩn, Imatinib, Isoniazid.
- Sử dụng đồng thời Acetaminophen với các thuốc sau đây có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ: Acenocoumarol. Fosphenytoin, Carbamazepine, Lixisenatide, Phenytoin, Warfarin, Zidovudine.
5.2. Tương tác thuốc – đồ uống, thức ăn
Không sử dụng rượu, bia, các chất có cồn và hút thuốc trong thời gian điều trị bằng acetaminophen, bởi chúng làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc.
Các bệnh lý mắc kèm gây ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả sử dụng Acetaminophen, vì vậy người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị khi mắc các bệnh lý kèm theo như sau:
- Lạm dụng rượu bia rượu hoặc có tiền sử lạm dụng bia rượu;
- Giảm thể tích máu nghiêm trọng;
- Bệnh lý về thận, gan;
- Suy dinh dưỡng.
Thuốc Acetaminophen đặt hậu môn thuộc nhóm thuốc hạ sốt giảm đau được chỉ định trong nhiều tình trạng như đau cơ, đau đầu, đau lưng, viêm khớp, cảm lạnh, đau răng và sốt... Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: drugs.com