Sợ hãi quá mức là một dạng biểu hiện của những vấn đề tâm lý. Có rất nhiều hội chứng liên quan đến sợ hãi quá mức và hội chứng sợ độ sâu là một trong số đó. Hãy cùng bài viết sau đây tìm hiểu xem thế nào là nỗi sợ độ sâu và cách khắc phục nỗi sợ đó.
1.Định nghĩa hội chứng sợ độ sâu (Batophobia)
Sợ độ sâu là một hội chứng tâm lý trong đó người mang hội chứng có những rối loạn hoảng sợ, lo âu và sợ hãi một cách vô lý về độ sâu. Người có hội chứng này thường có những biểu hiện hoảng loạn và khó kiểm soát hành vi khi tiếp xúc với các tác nhân như đứng nhìn xuống giếng nước, đứng trước biển hoặc từ độ cao nhất định và nhìn xuống phía dưới,...Có những người khi mang hội chứng này họ rất sợ khi nhìn thấy biển và không dám đi bơi vì họ nghĩ bản thân sẽ bị chết đuối hay chắc chắn sẽ gặp những tai nạn khác khi xuống nước.
Hội chứng sợ độ cao được phát hiện từ rất lâu và mức độ phổ biến khá cao, đối tượng mắc hội chứng tâm lý này không phân biệt độ tuổi, nó có thể xảy ra ở cả trẻ em cho đến người cao tuổi.
Cần phân biệt nỗi sợ hãi về độ sâu thông thường và hội chứng sợ độ sâu. Bình thường, chúng ta vẫn có những nỗi sợ khi phải đối mặt với một độ sâu nhất định. Tuy nhiên, điểm khác biệt là những người mang hội chứng sợ độ sâu lại có những biểu hiện thái quá về độ sâu và những nỗi lo sợ này có thể kéo dài ít nhất là 6 tháng. Nỗi sợ hãi này gây ra những trở ngại rất lớn cho người mang hội chứng, vì bản thân họ nhận biết đây là một nỗi sợ vô lý nhưng họ lại không biết cách để kiểm soát chúng.
Hội chứng sợ độ sâu cũng có nhiều điểm tương đồng với các hội chứng sợ khác như hội chứng sợ biển hay hội chứng sợ độ cao, sợ khoảng rộng,....
2.Dấu hiệu của chứng sợ độ sâu
Như đã đề cập, nỗi sợ hãi về độ sâu của người mang hội chứng có xu hướng thái quá chứ không phải chỉ là một phản ứng có điều kiện khi chúng ta tiếp xúc với độ sâu. Những biểu hiện thái quá có thể kể đến bao gồm:
- Cảm giác lo lắng, hồi hộp, lo âu xảy ra nhanh và mạnh khi tiếp xúc với tác nhân gây ra nỗi sợ hãi như hồ bơi, biển, đại dương, giếng nước,.....
- Do nỗi sợ hãi luôn thường trực nên họ luôn có xu hướng tìm mọi cách để né tránh phải đối diện với các tác nhân gây ra nỗi sợ hãi.
- Mặc dù có tiếp xúc trực tiếp hay không tiếp xúc trực tiếp thì trong suy nghĩ của người mang hội chứng luôn suy nghĩ đến những tình huống xấu nhất khi tiếp xúc với những thứ liên quan đến độ sâu, ví dụ họ chắc chắn rằng nếu đi bơi thì sẽ chết đuối hoặc sẽ bị cá mập tấn công,...
- Do phải đối mặt với những nỗi sợ hãi một cách không kiểm soát nên những người mang hội chứng có lối sống khép mình, khó tập trung, thiếu ngủ, trí nhớ giảm sút và tách biệt với các mối quan hệ xã hội.
Bên cạnh đó, các biểu hiện vật lý sau cũng có thể xuất hiện khi người mang hội chứng tiếp xúc trực tiếp với những tình huống liên quan đến độ sâu, bao gồm: Tim đập nhanh và đập liên tục, huyết áp tăng vọt, thở gấp gáp hoặc có cảm giác hụt hơi, cảm thấy chóng mặt và có thể ngất xỉu. Nỗi sợ hãi cũng có thể gây ra các cơn đau dạ dày, buồn nôn hoặc cảm thấy ớn lạnh hoặc vã mồ hôi, run rẩy tay chân và có những hành vi không được kiểm soát. Nhưng may mắn là những nỗi sợ này sẽ có xu hướng thuyên giảm khi tình huống gây sợ hãi không còn. Tuy nhiên, đối với những người có những biểu hiện nặng thì nỗi sợ này vẫn còn ở lại trong họ ngay cả khi không tiếp xúc với những tình huống có độ sâu.
3.Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ độ sâu
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra hội chứng sợ độ sâu nên rất khó để xác định đâu là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, nó được cho là có mối quan hệ với các yếu tố như môi trường sống, yếu tố di truyền và những trải nghiệm tâm lý có từ trước đó.
Hội chứng sợ độ sâu do yếu tố di truyền: Mặc dù các nhà di truyền học vẫn chưa tìm ra mã gen gây ra yếu tố di truyền đối với những người mang hội chứng này. Tuy nhiên, thống kê cho thấy nguy cơ mắc hội chứng này sẽ cao hơn đối với những người có người thân mắc phải chứng sợ hãi này hay các rối loạn tâm lý khác.
Hội chứng sợ độ sâu do những phải trải qua những cảm xúc tiêu cực từng có trong quá khứ: Nguyên nhân này được các nhà nghiên cứu đánh giá là có tính thuyết phục cao nhất trong các nguyên nhân gây ra hội chứng sợ độ sâu. Các giả thuyết cho rằng, nếu trong quá khứ, chúng ta phải tiếp xúc với những cảm giác rất tồi tệ liên quan đến độ sâu và gây ra những nỗi sợ hãi to lớn thì sẽ làm cho cơ thể có phản ứng có điều kiện với nỗi sợ đó và chúng kéo dài cho đến mãi về sau. Ví dụ như các tình huống tai nạn bị ngã xuống giếng, ngã xuống từ các vách núi cheo leo,....
Hội chứng sợ độ sâu do phải trải qua căng thẳng, stress kéo dài: Giả thuyết cho rằng nếu chúng ta phải trải qua một tình trạng tâm lý căng thẳng có thể là yếu tố nguy cơ làm tăng những rối loạn tâm lý và lo sợ, trong đó có cả hội chứng sợ độ sâu. Giải thích cho giả thuyết này dựa trên nguyên lý hoạt động của não bộ khi phải trải qua tình trạng căng thẳng, stress kéo dài thì chức năng của não không được đảm bảo và chúng ta có xu hướng trở nên nhạy cảm với tất cả mọi thứ và dễ xảy ra cảm giác lo sợ với tất cả các thứ xung quanh mình.
Ngoài những nguyên nhân trên thì các yếu tố về thể chất và môi trường sống cũng có thể gây ra hội chứng sợ độ sâu. Nếu cơ thể đang gặp những vấn đề với sức khỏe như bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, mãn kinh hoặc bị tâm thần thì cũng dễ mắc hội chứng này. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc thường xuyên với các hình ảnh có thể gây ra nỗi sợ hãi như tai nạn thảm khốc liên quan đến độ sâu cũng có thể làm cho con người hình thành nỗi sợ này.
4.Tác hại của hội chứng sợ độ sâu
- Mặc dù trong danh sách các rối loạn tâm thần vẫn chưa có tên hội chứng sợ độ sâu nhưng những ảnh hưởng tiêu cực mà hội chứng này mang lại là hết sức to lớn đối với cuộc sống của người mắc hội chứng sợ độ sâu.
- Do nỗi sợ hãi luôn thường trực trong họ nên họ có xu hướng lảng tránh những tình huống liên quan gây ra nỗi sợ nên các điều kiện sống và sinh hoạt bị hạn chế. Họ khó có thể tận hưởng sự thoải mái và hứng thú từ những thứ xung quanh mang lại như du lịch biển, leo núi....
- Khi tiếp xúc với tác nhân gây ra sợ hãi thì người mang hội chứng thường có những biểu hiện rối loạn hành vi do nỗi sợ tột độ gây ra.
- Họ không dám đi cầu thang, di chuyển bằng những phương tiện cứu hộ có độ cao khi xảy ra các tình huống như cháy, động đất....
- Do luôn phải sống trong sợ hãi nên các mối quan hệ của những người bị hội chứng sợ độ sâu bị thu hẹp lại và tách biệt với các mối quan hệ xã hội.
- Những phản ứng vật lý với nỗi sợ hãi khiến họ suy kiệt về sức khỏe thể chất như mất ngủ kéo dài, suy giảm trí nhớ, tuyệt vọng,.... Một số người lạm dụng các chất kích thích do phải trải qua cảm giác sợ hãi này.
5.Giải pháp để đối phó với hội chứng sợ độ sâu
Hiện chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho những người mang hội chứng sợ độ sâu. Những can thiệp được sử dụng hầu hết dựa trên mức độ nghiêm trọng của những dấu hiệu mà hội chứng mang lại. Các phương pháp chủ yếu tập trung vào điều trị tâm lý, sử dụng thuốc kê đơn và chăm sóc giúp đỡ tại nhà
Phương pháp trị liệu tâm lý
Tâm lý trị liệu: Đây là cách điều trị thường được áp dụng cho hầu hết các biểu hiện bệnh lý do rối loạn tâm lý mang lại. Điểm mấu chốt của phương pháp này là các nhà trị liệu sẽ dùng ngôn ngữ để tác động sâu bên trong tâm trí của người bệnh để giúp họ thay đổi cảm xúc và hành vi. Các liệu pháp trong phương pháp này bao gồm:
- Liệu pháp tâm lý tiếp xúc: Các nhà trị liệu sẽ yêu cầu người mang hội chứng tiếp xúc với các tác nhân gây sợ hãi bằng cách cho họ xem những bức hình về độ sâu như vách núi, vực thẳm,...sau đó nhà trị liệu sẽ hướng dẫn người bệnh vượt qua nỗi sợ của mình từ cấp độ thấp và tăng dần lên cho đến khi bệnh nhân có thể khống chế được nỗi sợ đó.
- Liệu pháp tâm lý nhận thức và hành vi (CBT): CBT là phương pháp được sử dụng khá phổ biến trong điều trị các vấn đề tâm lý. Điểm căn bản của liệu pháp này là giúp bệnh nhân nhận ra những nỗi lo sợ của mình là hoàn toàn vô lý, điều chỉnh suy nghĩ theo hướng tích cực hơn và đưa ra hành vi đúng đắn, phù hợp trong tình huống cụ thể.
- Liệu pháp tâm lý thôi miên: Đây còn gọi là liệu pháp tự kỷ ám thị tức là bệnh nhân được đưa về trạng thái thôi miên, nghĩa là không nhận thức được mọi thứ xung quanh ngay tại thời điểm đang thôi miên. Khi đó, nhà trị liệu sẽ khai thác tìm hiểu thông tin gây sang chấn về tâm lý của bệnh nhân và giúp họ thay đổi nhận thức.
Dùng thuốc kê đơn
Mặc dù chưa có thuốc đặc hiệu, nhưng trong một số trường hợp bác sĩ vẫn kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Những loại thuốc này chủ yếu tập trung làm giảm tác hại của triệu chứng do hội chứng sợ độ sau mang lại. Các loại thuốc thường được sử dụng là thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta,.. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc này quá nhiều có thể dẫn đến phụ thuộc vào thuốc và có những tác dụng phụ khác. Vì vậy, bệnh nhân cần phải dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và hết sức cân nhắc khi sử dụng thuốc nếu tình trạng bệnh không tới mức quá nghiêm trọng.
Phương pháp tự chăm sóc tại nhà với sự hỗ trợ từ người thân
Cùng với các phương pháp trên thì việc thay đổi thói quen sinh hoạt cũng góp phần làm cho tình trạng bệnh trở nên tốt hơn. Bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau:
- Rèn luyện tính chủ động và sống cởi mở hơn trong các mối quan hệ xã hội
- Viết ra những nỗi sợ hãi của mình hoặc tìm người chia sẻ những nỗi sợ đó thông qua tâm sự, chia sẻ.
- Tập thể dục mỗi ngày để bạn khỏe hơn về thể lực và tinh thần
- Xây dựng lối sống lành mạnh bằng việc cung cấp các dưỡng chất quan trọng cho cơ thể thông qua ăn uống hằng ngày, ngủ đủ giấc, thiền.
- Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động thiện nguyện,...
Hội chứng sợ độ sâu là một tình trạng tâm lý ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của người mang bệnh nên cần được can thiệp và khắc phục càng sớm càng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.