Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân - Bác sĩ lab IVF - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Giai đoạn cửa sổ làm tổ của phôi mở là một giai đoạn quan trọng trong kết quả của quá trình thụ tinh. Đặc biệt là với phương pháp thụ tinh nhân tạo thì việc xác định được thời gian mở cửa sổ làm tổ của phôi là càng quan trọng hơn, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ lệ thành công của quá trình này.
1. Sự thụ tinh là gì?
Sự thụ tinh là quá trình kết hợp giữa tinh trùng và noãn để hình thành một tế bào mới được gọi là hợp tử.
Hợp tử này là cá thể mới hình thành và là giai đoạn sớm nhất của một thai kỳ. Thông thường quá trình thụ tinh ở người sẽ xảy ra ở 1/3 ngoài vòi trứng. Sau đó, sự làm tổ của trứng sẽ được diễn ra để phát triển hình thành thai nhi.
2. Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?
Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp điều trị vô sinh – hiếm muộn mà tinh trùng và trứng sẽ được thụ tinh trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi. Sau quá trình nuôi cấy bên ngoài kéo dài từ 2 đến 5 ngày thì phôi sẽ được đưa vào buồng tử cung của người phụ nữ.
Tỉ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công trên thế giới hiện nay là khoảng 40-45%. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỉ lệ này chỉ đạt được khoảng 35-40%. Tỉ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cũng sẽ giảm từ 2-10% đối với phụ nữ lớn tuổi (sau tuổi 40).
Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được chỉ định với một số trường hợp sau đây:
- Tắc và tổn thương vòi trứng hoặc không có ống dẫn trứng.
- Lạc nội mạc tử cung.
- Bất thường tinh trùng nhẹ.
Ngoài ra, phương pháp này cũng được áp dụng cho những trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân hay không thể thụ thai với các phương pháp điều trị vô sinh khác.
3. Giai đoạn cửa sổ làm tổ của phôi và quá trình chuyển phôi
Đối với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ cần phải xác định được thời gian mở cửa sổ làm tổ của phôi để tiến hành chuyển phôi vào trong tử cung của bệnh nhân. Việc xác định thời gian này sẽ vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển phôi và tiếp nhận phôi của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Tuy nhiên, quá trình chuyển phôi chỉ có thể được đảm bảo khi người bệnh tiến hành kiểm tra và thấy rằng niêm mạc tử cung đủ độ dày cần thiết và chất lượng tốt, tạo thuận lợi cho sự làm tổ và phát triển của phôi sau khi đặt vào buồng tử cung.
4. Giai đoạn cửa sổ làm tổ của phôi diễn ra như thế nào?
Tại nội mạc tử cung, sự hài hòa trong tác động giữa estrogen và progesterone là điều kiện thiết yếu để tạo ra những thay đổi cần thiết trước khi làm tổ.
Nội mạc tử cung phải đạt được mức độ estrogen nhất định và progesterone phải đến đúng lúc khi mà nội mạc đã sẵn sàng. Cửa sổ làm tổ sẽ được mở bằng progesterone, khi chuẩn bị đến một mức độ progesterone thích hợp thì nội mạc tử cung cũng đạt được trạng thái sẵn sàng để tiếp nhận phôi thai đến làm tổ.
Nội mạc tử cung chỉ tiếp nhận phôi làm tổ khi và chỉ khi cửa sổ làm tổ đã mở, trong đó cửa sổ làm tổ sẽ được mở vào ngày thứ 18 và đóng lại vào ngày thứ 23 của chu kỳ. Đây chính là khoảng thời gian duy nhất mà nội mạc có thể tiếp nhận phôi làm tổ.
Nếu thời gian mở cửa sổ làm tổ và thời điểm phôi thoát màng mà lệch nhau thì sẽ dẫn đến việc phôi tiếp cận với nội mạc tử cung ngoài cửa sổ làm tổ và phôi sẽ không được tiếp nhận.
5. Người bệnh cần làm gì trước khi tiến hành chuyển phôi?
Chuyển phôi là một trong những bước đơn giản nhưng rất quan trọng trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Khi đã chắc chắn được thời gian mở cửa sổ làm tổ và các chỉ số kiểm tra đã đủ yêu cầu thì người bệnh sẽ được tiến hành chuyển phôi.
Vì đây là một kỹ thuật đơn giản nên bệnh nhân không cần thiết phải tiến hành gây mê và thời gian thực hiện chuyển phôi chỉ kéo dài trong khoảng 5 - 10 phút. Tuy nhiên người bệnh cần phải đến sớm hơn từ 45 đến 60 phút để chuẩn bị cho quá trình chuyển phôi.
Trước đó, bệnh nhân cần nhịn tiểu khoảng 2 giờ trước cho đến khi siêu âm thấy được tử cung. Quá trình chuyển phôi thường được hướng dẫn dưới siêu âm ngã bụng, do đó nếu trong bóng đái có nhiều nước tiểu thì bác sĩ có thể quan sát được tử cung bên dưới một cách dễ dàng hơn.
Như đã đề cập phía trên, phôi chỉ bám vào buồng tử cung nếu được đặt vào tử cung đúng giai đoạn cửa sổ làm tổ. Vì vậy bệnh nhân cần tuân thủ thuốc uống theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hiện nay có rất nhiều phác đồ chuyển phôi khác nhau bác sĩ sẽ cân nhắc và chỉ định phác đồ phù hợp nhất với bệnh nhân. Nhưng phần lớn nếu bệnh nhân có phôi ngày 3 hay 5 thì bác sĩ sẽ canh thuốc sau 3 hay 5 ngày đặt Progesterone để tiến hành chuyển phôi.
Giai đoạn cửa sổ làm tổ của phôi là một giai đoạn quan trọng, đặc biệt là đối với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Xác định được khoảng thời gian này sẽ giúp nâng cao tỉ lệ thành công cho phương pháp thụ tinh này.