Tìm hiểu về chụp cắt lớp vi tính động mạch chi dưới

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Trình - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chụp cắt lớp vi tính động mạch chi dưới là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chính xác và mang lại hiệu quả cao trong việc phát hiện những bệnh lý về mạch máu chi dưới.

1. Bệnh động mạch chi dưới là gì?

Bệnh động mạch chi dưới là tình trạng bệnh lý của động mạch chủ và các động mạch chi dưới trong đó lòng động mạch bị hẹp gây giảm tưới máu cơ và các bộ phận liên quan (da, thần kinh) phía hạ lưu. Thiếu máu cơ sẽ dẫn đến chuyển hóa yếm khí, tăng acid lactic gây ra đau, lúc đầu xuất hiện khi gắng sức, về sau, đau cả khi nghỉ ngơi, kèm theo là các biểu hiện thiếu máu cục bộ như: Loạn dưỡng, loét, hoại tử.

Nguyên nhân chính gây ra bệnh động mạch chi dưới là do xơ vữa động mạch. Các yếu tố nguy cơ gây ra xơ vữa động mạch bao gồm:

  • Tuổi (thường gặp ở lứa tuổi 55-60); giới (nam/nữ =3/1);
  • Thuốc lá;
  • Đái tháo đường; tăng huyết áp;
  • Rối loạn lipid máu;
  • Tăng nồng độ homocystein trong máu.

2. Suy giãn tĩnh mạch chi dưới

  • Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những thay đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh. Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới liên quan đến một số yếu tố nguy cơ do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên.
  • Triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch chi dưới đó là cảm giác nhức mỏi, nặng chân, kiến bò bàn chân có hiện tượng bị chuột rút vào ban đêm.
  • Các biến chứng của suy giãn tĩnh mạch có thể kế đến là: Loét chân, chàm da, giãn tĩnh mạch nông; viêm tĩnh mạch nông huyết khối...

Nhức mỏi chân, nặng chân, có hiện tượng chuột rút vào ban đêm là triệu chứng thường thấy của suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Nhức mỏi chân, nặng chân, có hiện tượng chuột rút vào ban đêm là triệu chứng thường thấy của suy giãn tĩnh mạch chi dưới

3. Chụp cắt lớp vi tính động mạch chi dưới là gì?

Chụp cắt lớp vi tính động mạch chi dưới là kỹ thuật bao gồm các lớp cắt ngang có tiêm thuốc đối quang i-ốt tĩnh mạch từ mức ngã ba chủ chậu đến cuối ngón chân. Sau đó các bác sĩ sẽ dùng các phần mềm chuyên dụng xử lý dữ liệu, tái tạo ảnh hệ động mạch chi dưới theo các hướng.

Chụp cắt lớp vi tính động mạch chi dưới thường được chỉ định cho thế hệ máy cắt lớp đa dẫy, từ 64 dãy trở lên do yêu cầu cắt tốc độ nhanh theo kịp huyết động học của thuốc đối quang i-ốt trong lòng mạch máu.

3.1. Chỉ định chụp cắt lớp vi tính động mạch chi dưới

  • Bệnh nhân hẹp tắc động mạch cấp và mạn tính.
  • Bệnh nhân phình mạch, dị dạng mạch.
  • Kiểm tra sau đặt Stent động mạch.
  • Đánh giá giải phẫu bình thường và bất thường hệ động mạch chi dưới

3.2. Chống chỉ định cắt lớp vi tính động mạch chi dưới

  • Không có chống chỉ định tuyệt đối.
  • Các chống chỉ định đối với thuốc đối quang i-ốt tiêm tĩnh mạch, người bệnh có tiền sử bị bệnh dị ứng như: Hen phế quản, bị suy gan, suy thận, đặc biệt ở những người bệnh có tiền sử dị ứng với thuốc đối quang iot.

4. Chuẩn bị chụp cắt lớp vi tính động mạch chi dưới

4.1. Người thực hiện

  • Bác sĩ chuyên khoa
  • Kỹ thuật viên điện quang
  • Điều dưỡng

4.2. Phương tiện

  • Máy chụp mạch, người bệnh gãy (từ 8 dãy trở lên)
  • Máy bơm điện chuyên dụng
  • Phim, hệ thống lưu trữ hình ảnh

4.3. Vật tư y tế

  • Bơm tiêm 10; 20ml
  • Bơm tiêm dành cho máy bơm điện
  • Kim tiêm 18-20G
  • Thuốc đối quang I-ốt tan trong nước
  • Dung dịch sát khuẩn da, niêm mạc
  • Nước cất hoặc nước muối sinh lý
  • Găng tay, mũ, khẩu trang phẫu thuật
  • Bộ khay quả đậu, kẹp phẫu thuật.
  • Bông, gạc phẫu thuật.
  • Vật liệu y tế không thể thiếu là hộp thuốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang.

4.4. Bệnh nhân

  • Bệnh nhân sẽ được giải thích kỹ về thủ thuật để phối hợp với thầy thuốc.
  • - Thực hiện tháo bỏ khuyên tai, vòng cổ, cặp tóc nếu có
  • Cần nhịn ăn, uống trước 4giờ. Có thể uống không quá 50ml nước.
  • Bệnh nhân quá kích thích, không nằm yên: Cần cho thuốc an thần...

4.5. Phiếu xét nghiệm

Có phiếu chỉ định chụp cắt lớp vi tính động mạch chi dưới


Bệnh nhân sẽ nhịn ăn trước đó 4 tiếng, uống không quá 50ml nước
Bệnh nhân sẽ nhịn ăn trước đó 4 tiếng, uống không quá 50ml nước

5. Các bước tiến hành chụp cắt lớp vi tính động mạch chi dưới

5.1. Thiết lập thông số máy

  • Tiến hành nhập đầy đủ dữ liệu thông tin của người bệnh.
  • Cắt vòng xoắn độ dày lớp cắt: 0,5 mm ho c 0,625 mm tùy thuộc từng máy.
  • Kv: 120, mAs: 150- 250. Pitch 0,6 – 1,375
  • Thiết lập tốc độ vòng quay bóng 0,33 – 0,5s
  • FOV: chọn càng nhỏ càng tốt

5.2. Tư thế người bệnh

  • Bệnh nhân nằm ngửa, chân hướng về phía khung máy, tay đưa lên phía đầu, 2 chân duỗi thẳng tự nhiên, buộc hai ngón chân cái để cố định.
  • Đặt kim luồn tĩnh mạch:
  • Đặt tại các tĩnh mạch chi trên.
  • Trong một số trường hợp có thể đặt tại tĩnh mạch cảnh, tĩnh mạch dưới đòn.

5.3. Tiến hành chụp cắt lớp vi tính động mạch chi dưới

  • Bước 1: Tiến hành cắt định hướng theo hai mặt phẳng đứng dọc và đứng ngang
  • Bước 2: Cắt độ dày 5mm trước thuốc xác định vị trí đoạn cuối động mạch chủ bụng để đặt điểm đo tỷ trọng cho chương trình Bolus timing.
  • Bước 3: Cắt sau tiêm bắt đầu từ ngã ba chủ chậu đến hết ngón chân.

5.4. Dựng ảnh

Sau khi tiến hành chụp cắt lớp vi tính động mạch chi dưới các bác sĩ sẽ dùng các phần mềm chuyên dụng (MIP, VR...) tái tạo lại ảnh hệ động mạch theo các hướng, ưu tiên tại vị trí tổn thương.

5.5 Nhận định kết quả

  • Kết quả hình ảnh thấy được các cấu trúc giải phẫu mạch máu trong vùng thăm khám
  • Phát hiện được tổn thương nếu có

Kết luận: Trong các kỹ thuật liên quan đến chụp mạch máu chi dưới thì chụp cắt lớp vi tính động mạch chi dưới là một thủ thuật chẩn đoán hình ảnh chính xác, hỗ trợ hiệu quả trong việc phát hiện những bệnh lý về mạch máu chi dưới.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe