Hậu quả của tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân là làm gia tăng áp lực bên trong hệ tĩnh mạch chân và gây ra các biểu hiện lâm sàng. Phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chân có thể là chích xơ, phẫu thuật hay dùng thuốc,... Vậy có những loại thuốc nào được chỉ định điều trị suy giãn tĩnh mạch chân?
1. Suy giãn tĩnh mạch chân là gì?
Chi dưới có 2 loại tĩnh mạch:
- Tĩnh mạch nông: Nằm ở dưới da, có thể nhìn thấy.
- Tĩnh mạch sâu: Nằm ở sâu trong cơ nên không nhìn thấy.
Suy giãn tĩnh mạch chân hay còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới, là tình trạng suy yếu chức năng của tĩnh mạch ở chân, dẫn đến việc máu về tim không còn hiệu quả, gây ứ đọng máu ở chân. Hậu quả của tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân là làm gia tăng áp lực bên trong hệ tĩnh mạch chân và gây ra các biểu hiện lâm sàng. Các biểu hiện này từ mức độ nhẹ đến nặng.
2. Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chân
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây suy tĩnh mạch chân:
- Có thói quen đứng hay ngồi lâu gây ứ trệ máu và tăng áp lực tĩnh mạch của chân.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu làm cản dòng máu trở về tim.
- Viêm tĩnh mạch và hình thành các huyết khối trong tĩnh mạch sâu và nông
- Bẩm sinh khiếm khuyết van.
Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ suy tĩnh mạch chân như: là phụ nữ sinh nhiều lần, thừa cân nặng, táo bón kinh niên, dùng thuốc ngừa thai, môi trường làm việc ẩm và nóng, lười thể dục, hút thuốc lá, trên 50 tuổi, ngồi lâu,...
XEM THÊM: Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng laser
3. Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân
Các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch chân thường nặng lên lúc chiều tối, sau một ngày làm việc hoặc đứng lâu. Chúng thường giảm bớt vào buổi sáng hoặc khi nghỉ ngơi, kê chân cao. Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của bệnh bao gồm:
- Giãn các tĩnh mạch trong da có thể nhìn thấy, phù chân, đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút, các biến đổi da, loét.
- Đối với giãn tĩnh mạch nông, thường có các triệu chứng như đau phía dưới chỗ bị giãn, chân sưng phù, ngứa, có khi viêm da, nổi gân xanh ngoằn ngoèo.
- Người bệnh có cảm giác bó chặt ở bắp chân, nặng chân, mỏi chân, đôi khi thấy tê, kiến bò vùng bàn chân.
- Ban đêm thường bị chuột rút ở bắp chân và sưng phù xung quanh hai mắt cá.
- Suy giãn tĩnh mạch chân nếu để nặng lâu ngày mà không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng như hình thành cục huyết khối trong lòng tĩnh mạch giãn, các huyết khối có thể di chuyển lên phổi rồi làm tắc tĩnh mạch phổi, dẫn đến suy hô hấp và rất dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
3. Điều trị suy giãn tĩnh mạch chân
3.1. Các phương pháp điều trị
Điều trị nội khoa: Khi điều trị theo phương pháp này, người bệnh cần hạn chế ngồi hoặc đứng lâu; tập luyện thể thao thường xuyên; đi tất thun; kiểm soát cân nặng của mình một cách hợp lý; kê cao chân khi nghỉ ngơi; chế độ ăn uống hợp lý. Khi điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ kết hợp với một số loại thuốc chữa giãn tĩnh mạch chi dưới.
Chích xơ: Phương pháp chích xơ thường được áp dụng trong các trường hợp giãn tĩnh mạch nhỏ dạng lưới và khu trú để chữa suy giãn tĩnh mạch chân.
Phẫu thuật: Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp bị suy giãn tĩnh mạch chân nặng hoặc đã có biến chứng mà điều trị nội khoa không có tác dụng. Khi phẫu thuật, tỷ lệ tái phát bệnh thấp.
Sóng cao tần hay tia laser: Phương pháp này dùng cho các bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới độ 2 trở lên hoặc các bệnh nhân đã điều trị nội khoa tích cực nhưng không hiệu quả. Khi sử dụng phương pháp này, sẽ dùng nhiệt phá hủy mô thông qua sự ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều.
XEM THÊM: Giảm suy giãn tĩnh mạch bằng cách nào?
3.2. Các loại thuốc điều trị suy giãn tĩnh mạch chân
Các loại thuốc dùng để điều trị suy giãn tĩnh mạch chân là các loại thuốc làm vững bền thành mạch, hoặc các thuốc làm xơ hóa lòng mạch, tiêm gây xơ tại chỗ. Điều trị nội khoa với các thuốc giãn tĩnh mạch chân như: daflon, rutin C, veinamitol... để làm bền thành mạch, nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch.
Các loại thuốc suy giãn tĩnh mạch chân để hỗ trợ quá trình điều trị như: thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, thuốc chống đông, thuốc làm tan các cục huyết đông, thuốc làm bền thành mạch... Một số trường hợp có thể phải tiêm gây xơ tại chỗ bằng các thuốc làm xơ hóa lòng mạch máu.
4. Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chân
Để phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chân, mọi người cần:
- Duy trì cân nặng hợp lý; tập thể dục thường xuyên, nhất là các bài tập cơ.
- Không hút thuốc lá; không uống rượu bia.
- Nếu đã bị suy giãn tĩnh mạch chân, người bệnh không được ngâm chân nước nóng vì sẽ làm tĩnh mạch bị giãn nhiều hơn, gây đau nhức...
- Cải thiện điều kiện lao động, tránh đứng lâu một tư thế khi làm, bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm các dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch..
>>Xem thêm: Bệnh giãn tĩnh mạch: Những điều cần biết- Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lã Thị Thùy - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: moh.gov