Bài viết được viết bởi ThS.BS Trịnh Văn Đông - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Phương pháp chụp DWIBS (Diffusion-weighted Whole body Imaging with background suppression) là kỹ thuật chụp cộng hưởng từ khuếch tán toàn thân xóa nền. Mục đích của kỹ thuật này là đánh giá tổn thương của toàn cơ thể trong việc phát hiện sớm ung thư, hạch bạch huyết, phân tích cũng như theo dõi các tổn thương ác tính.
1. DWIBS là gì?
Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ khuếch tán toàn thân xóa nền (DWIBS) là kỹ thuật cải tiến của cộng hưởng từ khuếch tán (DWI) được giới thiệu lần đầu tiên năm 2004, hiện nay đang được phát triển và ứng dụng tại Việt Nam.
Trong cộng hưởng từ khuếch tán (DWI), các vùng mô có các phân tử nước bị hạn chế khuếch tán thì sẽ tăng tín hiệu trên DWI, ngược lại những vùng mà các phân tử nước không bị hạn chế khuếch tán tức là các phân tử nước di chuyển tự do sẽ giảm trên DWI. DWIBS cũng cho phép tăng cường tín hiệu ở các tổn thương có hạn chế khuếch tán như các khối u nguyên phát - thứ phát và các hạch bạch huyết, trong khi đó nó triệt tiêu tín hiệu của các mô cơ quan, máu, cơ và mỡ bình thường của cơ thể. Mục đích để tăng sự tương phản của tổn thương.
Bệnh nhân trong trường hợp này có thể thở bình thường, là một ưu điểm so với các chuỗi xung khắc của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ. Kỹ thuật DWIBS cho phép cắt các lớp mỏng, từ đó cho phép ta tái tạo hình ảnh ba chiều MPR và MIP, vì vậy sẽ cho hình ảnh giống với hình ảnh chụp PET-CT.
Hiện nay phương pháp chụp DWIBS là phương pháp có thể được sử dụng để thay thế chụp PET-CT (là phương pháp có sử dụng dược chất phóng xạ và tia X), bệnh nhân sẽ không phải chịu ảnh hưởng của dược chất phóng xạ và tia xạ, vì vậy phương pháp DWIBS là phương pháp được ưu tiên lựa chọn để chẩn đoán sớm các ung thư nguyên phát, thứ phát, hạch bạch huyết và theo dõi sự tiến triển của các khối u.
Ngoài ưu thế của DWIBS trong chẩn đoán sớm ung thư, thì DWIBS còn có ý nghĩa trong chẩn đoán các bệnh lý áp xe và các tổn thương bệnh lý khác của các cơ quan trong cơ thể.
2. Phương pháp chụp DWIBS được thực hiện như thế nào?
- Đặt người bệnh vào trong một từ trường mạnh từ 1,5 – 3.0 Tesla (T).
- Phát sóng radio vào người bệnh.
- Trong quá trình chụp, các bạn kỹ thuật viên sẽ sử dụng các tham số khác nhau hoặc các tham số có sẵn của trình chụp DWIBS áp dụng cho bệnh nhân.
- Dựng ảnh bằng tín hiệu ghi được: người ta chuyển các tín hiệu thu được thành những thông tin trong không gian và được máy tính ghi lại, sau đó máy tính sẽ dựng lại hình ảnh của các mặt cắt dựa trên các thông số đã ghi.
3. Những ai không thể chụp DWIBS?
Tất cả những bệnh nhân có chống chỉ định với chụp cộng hưởng từ đều không thể chụp cộng hưởng từ khuếch tán toàn thân xóa nền:
- Bệnh nhân mang các vật dụng chứa từ tính: Bệnh nhân mang máy tạo nhịp tim, kẹp phẫu thuật, van tim nhân tạo, mảnh đạn ở vùng nguy hiểm, bộ phận ghép trong ốc tai, van não thất, stent động cảnh mới đặt (dưới 2 tuần)... Bệnh nhân có mang vật từ tính khác như đinh nội tủy, khớp háng nhân tạo, nẹp vít kim loại...
- Các chống chỉ định tương đối: bệnh nhân kích động, hội chứng sợ nằm trong lồng kín.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.